Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
12:45 (GMT +7)

Tiếp tục kiên cố hóa trường lớp cho trẻ em vùng sâu, vùng xa

VNTN - Trước thực trạng một số trường mầm non, tiểu học ở vùng sâu, vùng xa xuống cấp và quá tải, việc đầu tư xây dựng nhà lớp học là một việc làm hết sức cấp bách và cần thiết để đảm bảo công tác giảng dạy, học tập của con em nhân dân các xã còn nhiều khó khăn. Ngày 9/7, kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa XIII đã thông qua Nghị quyết “Về chủ trương đầu tư dự án: Kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020 (giai đoạn 2)”. Đây là tin vui, hứa hẹn tạo ra môi trường học tập tốt hơn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

Trường Mầm non Văn Hán - Điểm trường Trung tâm với kinh phí xây dựng hơn 5 tỷ đồng đã hoàn thiện, dự kiến đi vào sử dụng tháng 9/2020. Công trình thuộc Dự án (giai đoạn 1).

Các xã Yên Lạc, Yên Trạch (huyện Phú Lương), Bàn Đạt (huyện Phú Bình), Cúc Đường (huyện Võ Nhai), Tân Long, Cây Thị (huyện Đồng Hỷ) là những xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các trường Mầm non: Yên Lạc, Bàn Đạt, Cúc Đường (điểm trường Lam Bình Sơn), Tân Long, Cây Thị và Tiểu học: Yên Trạch 1, Cúc Đường (phân trường Lam Bình Sơn) là 7 trường học đã xuống cấp và quá tải, phải học nhờ, học tạm. Tổng số học sinh ở 7 trường học này là hơn 2.700 học sinh với 110 lớp, song chỉ có 41 phòng học kiên cố và có tới 58 phòng học đã xuống cấp, phải học nhờ 10 phòng.

Cụ thể: trường Mầm non Yên Lạc có 456 học sinh chia làm 16 lớp, nhưng chỉ có 8 phòng học kiên cố, 3 phòng học đã xuống cấp, 6 phòng phải học nhờ; trường Tiểu học Yên Trạch 1 có 23 lớp/627 học sinh với 12 phòng học kiên cố, 8 phòng học đã xuống cấp, 3 phòng phải học nhờ; Trường Mầm non Bàn Đạt có 472 học sinh với 19 lớp song chỉ có 6 phòng học kiên cố, còn 13 phòng học đã xuống cấp; Trường Mầm non Cúc Đường (điểm trường Lam Bình Sơn) có 220 học sinh/9 lớp với 6 phòng học kiên cố và 4 phòng học xuống cấp; Trường Tiểu học Cúc Đường (phân trường Lam Bình Sơn) có 253 học sinh với 12 lớp, hiện chỉ có 5 phòng học kiên cố, 8 phòng học đã xuống cấp; Trường Mầm non Tân Long có 411 học sinh chia làm 19 lớp, nhưng số phòng học kiên cố chỉ có 4, còn phòng học xuống cấp thì lên tới 14, phải học nhờ 1 phòng tại nhà văn hóa xã; Trường Mầm non Cây Thị có 293 học sinh/12 lớp với tổng số 8 phòng học đều đã xuống cấp.

Với hiện trạng số phòng học của các trường mầm non, tiểu học đã xuống cấp và tạm bợ như vậy, thì sự đầu tư xây dựng nhà lớp học mới là việc làm cấp bách và cần thiết nhằm đảm bảo việc học tập của con em nhân dân 6 xã đặc biệt khó khăn trên. Theo đó, Nghị quyết đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án kiên cố hóa trường lớp học mầm non, tiểu học giai đoạn 2016 - 2020 (giai đoạn 2) với mục tiêu thay thế phòng học bán kiến cố đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp cần xây dựng lại và phòng học còn thiếu (phải đi học nhờ, học tạm). Quy mô đầu tư xây dựng là 7 nhà lớp học với 48 phòng học (34 phòng học mầm non và 14 phòng học tiểu học) tại 6 xã: Yên Lạc, Yên Trạch (huyện Phú Lương), Bàn Đạt (huyện Phú Bình), Cúc Đường (huyện Võ Nhai), Tân Long, Cây Thị (huyện Đồng Hỷ). Tổng mức đầu tư dự án gần 36,9 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 là hơn 28 tỷ đồng, vốn đối ứng ngân sách địa phương là hơn 8 tỷ đồng. Dự kiến việc xây dựng các phòng học theo dự án sẽ hoàn thành vào năm 2021.

Cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Yên Trạch chia sẻ: “Theo dự kiến, Trường sẽ được đầu tư xây mới một nhà lớp học 2 tầng với 8 phòng. Đây thực sự là nguyện vọng từ lâu của các cán bộ, giáo viên và nhân dân trong xã, giúp Nhà trường có đủ phòng học và thêm các phòng chức năng, đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cũng như giúp Nhà trường phục vụ tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân”.

Có thể nói, dự án sẽ mang lại ý nghĩa to lớn, góp phần đưa hệ thống giáo dục của các huyện Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, Đồng Hỷ từng bước phát triển hiện đại, hoàn chỉnh đồng bộ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng giáo dục; từng bước hình thành đội ngũ cán bộ đủ khả năng chuyên môn và tạo cơ sở vật chất ổn định, xóa bỏ sự chênh lệch giữa các xã đặc biệt khó khăn, xã (huyện) vùng cao, miền núi, ATK với các xã và các huyện khác trong tỉnh; phần nào giải quyết tình trạng lạc hậu và quá tải của trường học; giúp người dân tiếp cận với quyền được hưởng các điều kiện giáo dục một cách bình đẳng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trước đó, Đề án kiên cố hóa sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 đến thời điểm 31/1/2020 (giai đoạn 1) đã xây dựng được 248 phòng học với tổng vốn đầu tư hơn 170 tỷ đồng (trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ gần 163 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh gần 8 tỷ đồng), đã mang lại những kết quả đáng mừng: hệ thống trường, lớp học được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, giảm bớt khó khăn cho các trường, lớp học ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.

Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Nhu cầu về phòng học trên địa bàn tỉnh là rất lớn, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Bởi những địa phương này hiện trạng cơ sở vật chất trường lớp học rất khó khăn, thiếu phòng học, xuống cấp... Chính vì vậy Dự án (cả giai đoạn 1 và 2) đã giúp đáp ứng một phần nhu cầu về trường lớp học vùng sâu vùng xa, làm cho bộ mặt cơ sở vật chất trường lớp học vùng sâu vùng xa được cải thiện, góp phần nâng tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học, giúp ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh hoàn thành chỉ tiêu “70% trường, lớp học được kiên cố hóa” trong Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020.

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy