Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
19:38 (GMT +7)

Tiếng vọng từ xóm Chòi!

Ngày 11 tháng 5 vừa rồi, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Nguyên tổ chức hành hương về xóm Chòi, xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ - địa chỉ đỏ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, là nơi ở và làm việc của giới văn nghệ sĩ kháng chiến, một lần nữa đã đánh thức ký ức và cả những trăn trở của riêng tôi…

Biển chỉ dẫn vào Di tích do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên dựng và bàn giao cho xã ngày 11/5/2022. (Trong ảnh: Đoàn văn nghệ sỹ Thái Nguyên về nguồn. Ảnh: Đào Tuấn).


Những mảnh ghép…

Tôi là dân miền xuôi đi khai hoang lên đất Mỹ Yên này. Cho dù mãi năm 1964 mới theo bố mẹ lên đây thì cũng suýt soát 60 năm còn gì. 60 năm - đủ các yếu tố về thời gian và nhịp đập trái tim để nói rằng: xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là quê hương mình.

Trong ký ức niên thiếu thì đất này rừng rú rậm rạp, thâm u, dân cư thưa thớt; lấy mặt trời nhô lên khỏi dãy Quần Ngựa và khuất dần trên đỉnh Quạt Nan trên dãy Tam Đảo và tiếng mõ trâu khua vàng ở một góc rừng để định vị sớm - chiều. Và, dân chúng tôi trồng chè, lần lần cái tên chè Bắc Hà được nhắc tới…

Cắp cặp, xách túi đi từ mạn xóm Chòi, xóm Cao Chùa, xóm Kỳ Linh lên trường cấp 1-2 dựng sát đồi La Bải dạy học là mấy thầy giáo già: Nguyễn Văn Tĩnh, Dương Đỗ, Hà Minh, họ đều là những trí thức làng quê vừa đi qua cuộc kháng chiến 9 năm, được mời gõ đầu trẻ trường công mới hình thành… Trong những câu chuyện được giảng, không hẳn là ngoại khóa của thầy, thì thấy rằng mảnh đất này thật thú vị. Chẳng hạn, trong dãy Tam Đảo điệp trùng, có ngọn Chúc Cái, người Pháp đo máy cao tới 1.592m (sách giáo khoa địa lý nói đỉnh cao nhất chỉ cao 1.143m) mà xã chúng tôi dựa lưng. Chẳng hạn, cái tên xóm Chòi có từ lâu lắm rồi, từ đầu thời Lê thế kỷ 14,15 cơ. Khi ấy, ngay chân núi liền kề đất Văn Yên là các kho, hộc chứa lương thảo, quân dụng cung cấp cho nghĩa quân Lê Lợi của cha con thương gia Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và họ đặt chòi canh trên cao này. Thế là thành xóm Chòi từ đấy.

Lại nữa, cho đến đầu kháng chiến, Mỹ Yên bây giờ chỉ có 2 làng là Mỹ Trạng và Yên Rã, nếu đi từ hướng Nam, theo sườn Đông chân Tam Đảo qua Đèo Nhe rồi Quân Chu, Ký Phú, Văn Yên thì vào làng Mỹ Trạng trước, đi tiếp lên Hoàng Nông, La Bằng, Núi Hồng, Phú Đình, Điềm Mặc thì phải qua làng Yên Rã. Cho nên các văn nghệ sĩ thời ấy thường dùng địa danh Mỹ Trạng, Yên Rã trong các tác phẩm của mình. Các thầy giáo già kể: Thời tiền khởi nghĩa, chiến sĩ trung đội Cứu quốc quân Phạm Hồng Thái đóng ở căn cứ Lán Than xã Quân Chu khi quyết định phát động nhân dân phá kho thóc của Nhật tại Tràng Dương (Vạn Thọ) đã lấy xóm Chòi làm cứ điểm tiến lui. Đường dây liên lạc từ Thủ đô kháng chiến Định Hóa về ATK II của Trung ương (Phổ Yên và Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng chủ yếu qua đây. Mấy năm kháng chiến nơi này vui lắm vì chính là cửa ngõ để lên chiến khu, là vùng tự do…

Trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam tại xóm Chòi, xã Mỹ Trạng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên - 1949, từ trái sang phải: Ngô Tất Tố, Nguyễn Xuân Sanh, Tố Hữu, Xuân Diệu, Thế Lữ, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân. Ảnh: Trần Văn Lưu

Mấy năm công tác tại Thông tấn xã Việt Nam ở TP. Hồ Chí Minh tôi cũng may mắn được “hóng” chuyện các văn nghệ sĩ gạo cội. Không ít lần chủ đề xóm Chòi được nhắc. Đó là một chiều thu năm 1980, bên bàn nhậu tại Ban Văn hóa Văn nghệ Thành ủy Thành phố đóng ở số 32 Trần Quốc Thảo quận 3, tôi qua đó vì có bạn học là nhà thơ Trần Hội Nhân và anh giới thiệu tôi ở Đại Từ, Thái Nguyên. Đại tá nhà văn Nguyễn Khải kể là nhà văn Nguyễn Đình Thi lọ mọ ngồi viết tiểu thuyết “Xung Kích” nổi tiếng ở cái nhà lợp tranh nứa ở đó. Nhà thơ Chim Trắng nối dài câu chuyện nhà thơ Xuân Diệu được vào Đảng tại xóm Chòi. Nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền thì thào gì đó với “cây” viết hài hước của Báo Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Nhất Tiếu chuyện “Thâm cung bí sử”, có nhắc tới nhà văn Ngô Tất Tố.

Nhà thơ Bảo Định Giang, khi ấy làm Trưởng Ban Văn hóa văn nghệ Thành ủy Hồ Chí Minh có nói chuyện với tôi: Văn nghệ kháng chiến lên Việt Bắc theo cụ Hồ lúc ấy toàn những trí thức giỏi giang và yêu nước. Họ được tôi luyện trong gian khổ, nên đôi mắt lúc đầu hầu như giống mắt của “Hoàng” như Nam Cao tả. Còn tình nghĩa và sự chân thành của đồng bào thì Nam Cao đã nói trong “Nhật ký ở rừng”. Lúc ấy, văn nghệ sĩ Nam bộ cũng tiếp thu đường lối văn nghệ kháng chiến. Nhà văn Hoàng Văn Bổn với tiểu thuyết “Trên mảnh đất này” là một ví dụ… Rồi nói về cụ Văn Cao lên với kháng chiến đặt lời mới cho nhạc phẩm “Bến Xuân”, sáng tác chung với nhạc sĩ Phạm Duy từ năm 1940. Trên cái nền nhạc tuyệt vời ấy, một chiều từ chiến khu Văn Cao viết lời và lấy tên là “Đàn chim Việt”. Có câu “Về đây! Về nơi Thái Nguyên tung hoành. Từ Bắc vô Nam thời tung cánh…” thể hiện sự tự do, khoáng đạt của văn nghệ sĩ…

Năm 2001, lúc đó là Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên, tôi đi dự cuộc hội thảo lớn về văn hóa văn nghệ liên quan đến Việt Bắc tổ chức tại Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương. Nhà thơ Tố Hữu nửa buổi có việc muốn về. Được nhân viên Ban tổ chức nhờ, tôi gọi Bùi Viết Tuyên, lái xe của Báo cùng tôi đưa nhà thơ về nhà riêng. Trên xe tôi có hỏi ông về xuất xứ câu “Thủ đô Gió ngàn” và địa danh xóm Chòi. Ông bảo: Văn nghệ sĩ lên Việt Bắc thì kẻ trước người sau. Có người hăng hái, có người thì trải qua một quá trình. Đại Từ là khu an toàn, thuận tiện xuôi ngược, văn nghệ sĩ, báo chí, tuyên huấn ở nhiều nên đông vui. Sau Hội nghị Văn hóa lần thứ hai họp ở Việt Bắc từ 16 đến 20/7/1948, việc triển khai học tập, tranh luận, quán triệt chủ yếu tại xóm Chòi vì đây là trụ sở Hội Văn nghệ Cứu quốc và Báo Văn nghệ. Còn câu: “Thủ đô Gió ngàn” thì văn nghệ sĩ, bộ đội, dân công nói nhiều, ngay từ những ngày đầu kháng chiến. Đơn giản vì họ đều có một Thủ đô ngàn năm văn hiến. Nay vận nước gian nan, người đứng đầu đất nước đang ở giữa chiến khu với trăng ngàn gió núi, gọi như vậy thật thi vị. Đầu năm 1951, rét, mưa phùn ẩm thấp, sau mấy ngày lên lớp, hội họp, tôi lên Định Hóa báo cáo và xin chỉ thị của Bác. Sáng ấy nắng bừng, trời trong xanh, đi dọc bãi soi ngô non cựa mình đội đất vươn cao của con suối Cầu Hu, Cầu Hủng tôi viết: Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng Thủ đô Gió ngàn…

Trong hồi ký Nhớ lại một thời của Tố Hữu mà tôi có đọc, ông cũng nói hồi ấy có liên lạc với Huyện ủy Đại Từ để xây dựng căn cứ văn nghệ kháng chiến. Ông kể, khi đó “Tìm được một xóm rất kín đáo gần bìa rừng Tam Đảo, có dòng suối trong mát với mấy nếp nhà tựa vào lưng núi vững chắc, có thể đào hầm tránh bom đạn. Tôi nhờ dựng thêm mấy căn nhà cơ quan và cả một hội trường khá rộng, trù liệu để họp anh em văn nghệ sĩ”. Ông đánh giá đây là một vị trí thuận lợi, gần Trung ương, gần quân đội, rất phù hợp cho việc làm tin tức kháng chiến. Ông nhấn mạnh: “Nơi ấy là xóm Chòi. Về sau trở thành Đại bản doanh của Văn nghệ kháng chiến”.

Từ tản mạn những mảnh ghép, từ hồ sơ, tài liệu, bài báo mà tôi đã đọc và có được, khẳng định xóm Chòi là một trong những địa chỉ đỏ của cách mạng nói chung, là một điểm nhấn trong quá trình phát triển của Hội, của Liên hiệp nói riêng.

Câu chuyện về di tích xóm Chòi hôm nay

Từ vài chục năm trở lại đây, câu chuyện về xóm Chòi thảng hoặc cũng được nhắc đến trong các ký ức của những người từng ở, từng đến và từng qua… Tôi xin trích dẫn: “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt, các văn nghệ sĩ phần lớn đã đi thâm nhập thực tế, đến các đơn vị bộ đội, về cơ sở. Những người thường xuyên ở xóm Chòi là Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Thế Lữ, Xuân Diệu, Song Kim, Xuân Sanh và Nguyễn Tuân, cùng vài người khác. Người ở xóm Chòi thường xuyên nhất, theo Nguyễn Tuân là Nguyễn Văn Mãi, phụ trách hành chính, quản trị, chăm lo đời sống sinh hoạt cho anh em trong Hội”. Trong trí nhớ của Thanh Tịnh, những năm “Độc tấu” và “Hành trình đi theo kháng chiến”, đầu năm 1949, Đoàn Sân khấu Việt Nam đầu quân, đổi tên thành Đoàn kịch Chiến Thắng, đóng ở xóm Chòi – Đại Từ, Thái Nguyên. Thanh Tịnh nhớ lại những năm tháng sôi nổi của mình trong đoàn kịch Chiến Thắng, đi phục vụ bộ đội và các sự kiện của Quân đội, nhân dân địa phương khắp vùng Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang. Một vài tài liệu ghi rằng: “Năm 1950, Hội chuyển đến xóm Chòi, làng Mỹ Trạng, Đại Từ, Thái Nguyên. Hội đã xây dựng khu nhà làm việc riêng, không ở chung với dân, có từng phòng nhỏ trên quả đồi dưới chân núi Tam Đảo để anh em làm việc, và sáng tác. Hội đã xây dựng Trường Văn nghệ nhân dân ở làng Yên Rã do nhà văn Nguyên Hồng làm Giám đốc”, với 270 học viên...

Trong hồi ức về Trường Văn nghệ nhân dân, nhà văn Nguyễn Kiên cho biết, trường đóng trong một khu rừng ở Yên Rã – Đại Từ. “Trường có một Hội trường lớn toàn bằng tre nứa và có nhiều nhà nhỏ để học viên ở”. Thời gian này, trường cũng gặp nhiều khó khăn, hình ảnh Nguyên Hồng lên Hội trường báo cáo “hết gạo” và khóc hu hu… Ông cũng chia sẻ những kỷ niệm về Trường Văn nghệ nhân dân: “Mười chín ngôi nhà to nhỏ của Trường Văn nghệ nhân dân được dựng cách trụ sở Hội Văn nghệ khoảng ba cây số băng qua nhiều suối, nhiều gò, nhiều dốc. Những năm tháng khó khăn gian khổ ấy, trong câu chuyện của Bàn Tài Đoàn, xóm Chòi, Đại Từ, Thái Nguyên – địa chỉ Hội Văn nghệ trú chân là nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm, đặc biệt là tình đồng chí, đồng đội, sự gắn bó thân tình của văn nghệ sĩ và các đồng chí lãnh đạo cách mạng như Võ Nguyên Giáp, các nhà văn nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài,… Tình cảm quân dân cá nước, sự gắn bó thân tình của anh em văn nghệ sĩ trong những năm kháng chiến cũng in đậm trong ký ức của Hồ Phương khi ông coi đó là “Một mái nhà thứ hai trong cuộc đời bộ đội”. Đại Từ – Thái Nguyên cũng lưu dấu trong trí nhớ với công việc làm báo, sáng tác văn nghệ phục vụ kháng chiến.

Trong hồi ức của Từ Bích Hoàng, các tờ báo thường cử người ra thường trú tại Đại Từ để mời viết bài. Từ Bích Hoàng nhớ lại: “Đại Từ hồi này như là Thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc”. Khoảng 1949 – 1950, Tòa soạn báo Vệ Quốc quân chuyển chỗ từ Định Hóa về Đại Từ. Năm 1950, Nguyễn Văn Bổng cùng với Phạm Hổ và Lưu Trùng Dương từ Liên khu Năm được cử ra Việt Bắc để dự Hội nghị Văn nghệ. Nguyễn Văn Bổng nhớ lại, khi đó đa phần văn nghệ sĩ trong Hội đã đi tham gia chiến dịch Biên giới, ở Đại Từ chỉ còn Hoài Thanh, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Tuân, Phạm Hổ và Lưu Trùng Dương. Đặc biệt, Lưu Trùng Dương nhấn mạnh sự ngưỡng mộ đối với đời sống ở Việt Bắc thật thơ mộng…

Tư liệu về địa chỉ xóm Chòi không nhiều nhưng cũng đủ để hậu thế lập một dự án di tích cách mạng, kháng chiến và việc ấy đã làm. Trong khuôn viên vài chục mét vuông, hơn chục năm trước Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã cho dựng một bia di tích và có ghi một chút thông tin, đơn giản và không tương xứng với tầm vóc mà địa chỉ này chứa đựng. Tôi đem suy nghĩ của mình trao đổi với Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên Nguyễn Thúy Quỳnh; Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Đình Hưng; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên Chu Thị Nhì, đều có chung một suy nghĩ như vậy.

Một phác thảo kiến nghị của anh Hưng mà tôi thấy tâm đắc: Tháng 6 này Sở Văn hóa của anh sẽ cho kiểm kê và đánh giá lại các di sản hiện đã có. Di tích xóm Chòi cần phải được đề nghị là Di tích cấp Quốc gia như nội hàm mà di tích đã gánh. Hơn 70 năm trước, gian khổ thế mà nhiều tên tuổi lớn đã dũng cảm bảo vệ đường lối văn nghệ “Nghệ thuật vị nhân sinh” của Đảng do nhà văn hóa Mác-xít Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) chủ trì. Gian nan là thế mà những “Xung Kích” (Nguyễn Đình Thi), “Nhật ký ở rừng” (Nam Cao) “Bên kia biên giới” (Lê Khâm), “Trận Phố Ràng” (Trần Đăng) hay nhạc phẩm “Đàn chim Việt” (Văn Cao)… vẫn ra đời kịp thời cổ vũ toàn quân, toàn dân kháng chiến. Thì nay một bảo tàng nhỏ, một nhà sáng tác để văn nghệ sĩ sáng tạo là hoàn toàn có thể…

Bí thư Đảng ủy xã Chu Thị Nhì bảo: Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, xã tiếp nhận và tổ chức cho nhiều cơ quan, đầu tiên là An dưỡng đường thương binh số 2, Quân y Trần Quốc Toản (Viện 354 bây giờ), Đội 51A của Bộ Tổng Tham mưu, Cục Quân nhu, Đoàn Nhạc binh, Đồi Phong tướng (nơi Chính phủ phong tướng cho đồng chí Thiếu tướng Chu Văn Tấn và thiếu thướng Lê Hiến Mai…) cũng ở xóm Chòi. Vậy mà…

Hôm giữa tháng 5 chúng tôi lên xóm Chòi, cụ Tạ Thị Vệ không còn ở ngôi nhà con trai cạnh Di tích xóm Chòi thời ấy. Người con cả đón cụ về nhà bên dưới chân núi để tiện chăm sóc. Cụ đã sắp trăm tuổi rồi. Cụ Vệ sinh năm 1924, được vào Đảng năm 1953, nguyên Bí thư Đảng bộ xã Mỹ Yên những năm 1960. Trong phong trào nhận chăm sóc và lấy thương binh những năm 1947, cụ tình nguyện lấy thương binh Nguyễn Văn Thái và sinh được 5 người con. Lúc còn minh mẫn, cụ đã kể và chỉ dẫn nơi đặt Trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ, Nhà xuất bản Văn nghệ, Trường Văn nghệ nhân dân… và trực tiếp trông nom bia di tích mấy chục năm qua. Cụ Vệ có lẽ là chứng nhân lịch sử cuối cùng của địa điểm này.

Trong cái rì rào như kể lể của gió rừng Tam Đảo, tôi nghe như có tiếng vọng 73 năm trước từ xóm Chòi. Tiếng vọng ấy bảo: Văn là người và xóm Chòi là văn. Rằng: Đại thi hào Vích - to - Huy - gô đã chẳng nói: Tương lai chẳng qua là tiếng vọng của quá khứ” đấy thôi!

Thái Nguyên, tháng 5-2022

Bút ký. Phan Hữu Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước