Chủ nhật, ngày 05 tháng 05 năm 2024
12:22 (GMT +7)

“Tiếng gọi đò” lịm đi trong gió

Bìa cuốn sách ảnh “Tiếng gọi đò”

Khi mới thoạt đọc cái tên sách của NSND Nguyễn Hữu Tuấn, người ta sẽ nhầm tưởng nội dung trong đó thuộc về âm nhạc. Vì “Tiếng gọi đò” không phải là một hình ảnh, mà vốn là thứ âm thanh yếu ớt ẩn khuất trong thinh không, nó được phát ra bởi một ai đó vọng bễnh bãng giữa mênh mang của trời đất. Cảm nhận được tín hiệu ấy, phải dựa vào độ thính nhạy của đôi tai, chứ không phải từ sự tinh tường của đôi mắt. Mắt và tai - là hai thứ giác quan hoàn toàn trái ngược nhau của con người. Đôi tai thâu nhận âm thanh, mà âm thanh là thứ vô hình, vô ảnh. Sóng âm thanh nén vào không khí, nó không có hình khối, cũng không có sắc màu, nên con mắt người ta bất lực chẳng thể “thấy” được và đương nhiên - người ta bởi thế cũng không thể chụp ảnh được!

Trong gần một trăm triệu người Việt hôm nay, thử hỏi có bao nhiêu người đã từng cất giọng lên để gọi đò? Hay đa số người ta chỉ nghe thấy trên phim ảnh tiếng gọi: “Đò ò ò… ơ ơ ơi!” điệu đà, trong vắt và tha thiết của một diễn viên nữ nào đó… Thực tế đa số những người từng phải “lụy đò” ở Việt Nam nằm ở cái thời xa lắc, khi mà dân số nước ta mới ở ngưỡng bốn, năm chục triệu người. Hình ảnh của nước Việt giai đoạn ấy còn được tách bạch giữa phố với quê như thiên đường và trần thế. Chỉ một con sông nhỏ, đã có thể vô hình thành biên giới ngăn cách bởi những hủ tục khác lạ nhau… Nhìn rộng ra cả vùng Đồng bằng Sông Hồng, sau khi người Pháp thất trận để lại mạch giao thông đường bộ như chỉ có Quốc lộ 1 và Quốc lộ 5 là “… rộng thênh thang tám thước”, cây Cầu Long Biên vẫn ưỡn ngực tự hào là biểu tượng của Đông Nam Á.

Người ta khi ấy đi đâu cũng bị sông to, sông nhỏ chặn lối. Lịch sử những con đò luôn gắn liền với mọi nấc thăng trầm của làng quê Việt. Vẻ đẹp của “cây đa, bến nước, sân đình” nó cũng liền chắc với bến sông, bến đò. Có đò dọc và có đò ngang. Con đò giúp người với người gần lại. Làng nọ với làng kia nhờ những con đò đã được thông thương, trao đổi hàng hóa với nhau. Rồi khi nhà bên bờ lở, kết thông gia với nhà ở bên bến bồi. Con người khi ấy bù đắp cho nhau như mạch nối của tự nhiên... Những bến đò nơi tấp nập, nơi thưa vắng, nhưng tựu chung đã đóng vai trò tựa các đầu mối dây thần kinh kết dính những con người với nhau. Vùng quê nào mà có chợ “cận giang” ấy là chỗ luôn nhộn nhịp thuyền bè, nơi tấp nập người qua, kẻ lại - nó ẩn chứa dấu hiệu của sự trù phú, sung túc…

Nguyễn Hữu Tuấn được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, bởi những cống hiến mà suốt một đời anh gắn bó với Điện ảnh. Là tác giả quay mấy chục phim truyện dài… Có thể nói anh đã may mắn được làm việc, được cống hiến ở giai đoạn huy hoàng nhất của ngành Điện ảnh Việt Nam. Những tưởng trong nếp công việc của anh đã thấm sâu với không khí của phim trường, với các diễn viên, với những nguồn sáng nhân tạo, với những góc quay chắt lọc, cả với những tình huống đã được đạo diễn tính đếm và bàn bạc cân nhắc kĩ càng. Nhờ Điện ảnh, anh được nhà nước cho đi đào tạo ở trong nước và ngoài nước. Được làm việc đúng với khả năng và anh đã đáp trả bằng sự tận tâm một phần bởi lòng yêu nghề, yêu việc. Cũng nhờ Điện ảnh, mà anh được xã hội vinh danh. Thế rồi chàng trai Hà Nội vốn được chỉn chu từ cách nói, cách học, cách chọn nghề để theo đuổi và tận hiến cho công việc ấy bỗng chốc không hiểu vì cớ gì và từ bao giờ, lại đi “thì thụp” với nhiếp ảnh?!

Bến đò Kim Lan, Yên Sở 2022

Cái gì đã làm anh chợt mê một cánh chim bay vô định giữa trời, thích thú cả với một bối cảnh thực phi quy tắc, hay ngẩn ngơ chỉ bởi một vệt nắng nghiêng nằm sâu trong ngõ vắng? Rồi cứ thể như người bị mộng du, một mình anh say tiếng lốp xe máy miết sỏi trên bờ đê, trước khi anh say với một khuôn hình lạ vừa hiện ra trước mắt. Người ngoài nhìn vào thấy anh cứ lẻ loi; cơ cực sớm hôm, chả khác một kẻ si chạy theo một bóng hồng. Những khoảnh khắc anh chớp được từ chính cuộc đời thật sống động không thể có được ở phim trường, nó có sức quyến rũ không thể cưỡng lại được với anh. Chính việc anh mải miết theo những bước chân xuống đò rồi lên đò - từ đó anh nhận ra bao cảnh đời chìm nổi của những kiếp người. Cũng là nguyên cớ để anh ngẫm sâu về những ân nghĩa và cả sự phũ phàng vô tâm ở chốn nhân gian. “Tiếng gọi đò” trở thành một đề tài anh theo đuổi để chụp ảnh - trước hết bởi tại những cơ duyên, sau đó anh thấy những cây cầu nối đôi bờ đã khiến người đời vội quên đi bến cũ…

Nó đã hình thành trong anh một ý tưởng, là dùng những hình ảnh đơn lẻ để chỉ dấu cho các thế hệ sau thấy những cảnh đời, cảnh quê của người Việt một thời đã gắn kết vào nhau đôi khi chỉ bởi một nhu cầu chung, hay một thứ phương tiện bình dị ít ai ngờ thấy. Đúng như anh đã từng chia sẻ: “Tôi đã chụp bến đò phải 20 năm mà vẫn chưa hết. Và mặc dù là một người hay phải đi lại, tôi cũng thích đi đò hơn là đi trên cầu. Vì qua đò, tôi được ngắm nhìn cuộc sống của con người kỹ hơn, được bắt lại những khoảnh khắc. Máy ảnh đối với tôi như cái bướu trên lưng lạc đà. Máy ảnh tự thân nó đã gắn với tôi”... “Nhiếp ảnh là một bằng chứng. Bằng chứng để thấy bến đò ngày đó như thế này. Và tôi chụp vì sợ, rằng nếu không chụp, một ngày nào đó những hình ảnh ấy sẽ không còn”.

Sông Đà 2003

Nguyễn Hữu Tuấn mê với những khoảnh khắc trong nhiếp ảnh, là trái với nếp làm việc quen thuộc kiểu sắp đặt của phim trường. Anh còn ngược dòng với xu thế “phong trào” của đại đa số những người cầm máy ảnh hôm nay. Ảnh của anh không bóng bẩy để cốt lọt vào phòng triển lãm hay tranh giành giải thưởng. Anh tìm tòi ki cóp những bức hình đơn lẻ của cuộc sống, như người nhặt đá xếp thành cột mốc rời rạc theo từng thang bậc thời gian.

Cả cuốn sách đều đặn một tông ảnh đen trắng có cùng gam xám dịu nhẹ. Anh như tránh không dùng những thủ pháp kỹ thuật để nhấn đậm, làm gai sắc những bức hình… Anh gia công từng tấm ảnh như hiện thân những gì anh quan sát được, để làm sao chúng cũng hiện hữu trong con mắt mọi người giống như cảnh vật vẫn thường thấy được ở ngoài đời. Nó mộc mạc tựa những gót chân nứt nẻ ngấm phèn. Nó thực như giọng kể ê a ngọng nghịu của người quê. Nó trầm đục như phù sa chưa kịp lắng của nước những dòng sông… Mỗi bức hình trong “Tiếng gọi đò” của Nguyễn Hữu Tuấn là một mũi kim kéo theo sợi chỉ vô hình nhằm để đặc tả, xâu chuỗi những thứ hữu hình như: Cảnh quê, con đò, bến sông. Cho ta thấy vẻ tận tụy mẫn cán của những người lao động và đặc biệt thái độ khác nhau của khách đi đò, được biểu hiện rất sống động, chân thực. Người xem ảnh cảm nhận ngay ra vẻ sốt ruột, tâm trạng nén đợi, sự hối hả bung thả qua vẻ vội vã của những “kẻ lụy đò” sau những phút bị lệ thuộc để qua sông… Phải bằng sự thấu hiểu tinh tường, bằng tình yêu trong sáng với cảnh sắc nơi thôn dã và bằng một tình cảm mến mộ đầy tôn trọng với những con người hồn hậu, anh mới đủ kiên nhẫn để chạy theo đề tài anh ấp ủ.

Cảnh qua đò ở Sông Đáy, Sơn Tây 1995

Ở mỗi trang sách ảnh, anh “tốc ký” vài dòng cảm nhận viết bằng tay. Anh ghi vội như vẫn đang ngồi bên mép thuyền, hay đang trễ nải trong cái quán nước phục vụ khách đi đò. Những cảm nhận chợt đến thế nào, anh diễn tả y chang như vậy và để nguyên không biên tập lại - khiến người xem sách ảnh của anh, lại thấy như đang lật giở những trang nhật ký bị bỏ quên từ lâu của chính bản thân mình.

Tự thân mỗi bức ảnh, đều có “tiếng nói” riêng. Có bức “nói” trực diện, có bức phải thêm chút tư duy logic để hiểu cái gì đứng sau bối cảnh. Ví dụ ở trang 33, anh chụp hai cảnh trái ngược nhau rất vội vàng của tốp người xuống và tốp người lên, người xem qua đó cũng đã ngầm hiểu, rằng dưới bờ dốc chân đê là con đò vừa trả khách. Trang 24 anh “nhấn đậm” chú chó, rằng nó sẽ còn phải đợi rất lâu thì cậu chủ mới trở về… Trang 59 anh không ngại nói về những bi kịch buồn muôn thủa của con người sống liền kề với sông nước. Chuyện một người rớt xuống sông, chuyện một chuyến đò gặp gió chướng, hay nước nguồn về đột ngột khiến con đò bị lật và thảm hoạ đuối nước đôi lúc đã xảy ra… Hình ảnh những người sống “bắc cầu” rước gọi linh hồn kẻ xấu số đang chới với đâu đó dưới làn nước lên bờ để trở về với tiên tổ… Cứ như vậy, mỗi một bức ảnh in trong sách, là một câu chuyện, một cảnh đời thực xộc xệch, chất phác mà ta vẫn thấy trên khắp mọi nẻo quê xưa. Những hình ảnh hiện lên vẻ dung dị và trở thành “tác phẩm nghệ thuật” đôi khi chỉ vì người ta thấy gần gũi, thiết thân nên yêu quý nó.

Người lái đò xưa kia có thể cả đời gắn với thuyền, với bến. Họ coi đó như duyên nghiệp tựa người nông dân kết dính với ruộng đồng, tựa ông đóng cối xay lúa, hay tựa người hàn đồng nát… Bất chợt họ không xuất hiện theo chu kỳ là có sự thiếu hụt ở làng quê. Bến đò sầm uất hay thưa vắng, đôi khi chỉ dựa vào sự tận tâm của người lái đò… Khách qua sông dù là người quen hay người lạ, đi đò theo chu kỳ, hoặc vãng lai bởi chỉ một lần qua bến - nhưng đại đa số cứ bước qua mạn đò là như nước tràn đê, luôn toả khắp bốn phương chẳng biết bao giờ trở lại. Nhưng cái bến thì cứ nguyên tại vị và con đò vẫn cứ ẩn hiện giữa đôi bờ - ngóng theo tiếng gọi để chuyển khách qua sông, bất kể là ngày mưa hay khi lũ tràn về kéo nghiêng cả mép thuyền…

Khi xem hai bức hình ở trang 97 và 99 của cuốn sách, con người trong ảnh ở bức này thì khá gần và bức kia lại chỉ là một đốm nhỏ thật xa xăm… Nhưng tựu chung đều toát ra một dáng vẻ mong ngóng, đợi chờ và hối thúc. Người xem chợt nhận ra: “Tiếng gọi đò” ở điếm xa kia không thể nghe thấy bằng âm thanh, nó sẽ bị tan loãng vào không gian, tiếng gọi đò dù có róng riết mấy, cũng sẽ bị lịm đi trong gió… Bằng kinh nghiệm, người lái đò nhận ra trên bờ bên kia có khách đợi bằng hình ảnh ngóng chờ. Giống như trong đêm vắng chợt thấy bên bờ đối diện có ánh đèn vội vã đong đưa (phải có chuyện không đừng được, người ta mới lụy đò để qua sông khi đêm đến)… Và trong trường hợp này “tiếng gọi đò” đã hiện hình thành tín hiệu để người ta nhận ra bằng con mắt. Phàm cái gì mắt thấy được, là người ta có thể chụp ảnh được. Vậy ra nhiều độc giả đã nhầm và tôi cũng đã nhầm! Phát hiện ra chi tiết đó trong ảnh, đồng nghĩa như đã bung ra một lời thán phục về những quan sát nhạy bén, tinh tế và rất độc đáo của Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hữu Tuấn.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy