Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
13:29 (GMT +7)

Tiền trường – nỗi niềm ai tỏ… và những câu hỏi để ngỏ

VNTN - Năm học mới bắt đầu, những khoản thu lại trở thành vấn đề nóng bỏng được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các bậc phụ huynh và cả các thầy cô giáo. 

Nhưng số người dám nói lên suy tư, trải lòng cùng chúng tôi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Họ đều nhất quyết yêu cầu giấu tên, thậm chí là cả tên trường lớp con mình đang học, nơi mình công tác, bởi những nỗi sợ vô hình nào đó.


 

Thu “hàng loạt” 

Từ năm học 2008-2009, thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục sửa đổi và Thông tư của Bộ Tài chính, phụ huynh học sinh không phải đóng khoản xây dựng trường đầu năm. Những tưởng các bậc phụ huynh sẽ bớt đi phần nào gánh nặng các khoản đóng góp. Tuy nhiên, trong điều kiện không thu được “danh chính ngôn thuận”, nhiều trường đã “lách luật” bằng cách vận động phụ huynh đóng góp dưới hình thức tự nguyện. Những khoản tiền này còn nhiều hơn so với tiền xây dựng trước đây.

Theo quy định, các khoản thu năm học 2016-2017 gồm: các khoản thu bắt buộc: học phí, học bạ; các khoản thu hộ: bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể, đồng phục học sinh… và các khoản thu thỏa thuận, xã hội hóa (khoản thu này do Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường kêu gọi, vận động thực hiện). Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thì từ lâu các trường trong thành phố đã áp dụng khoản thu này, nay các trường ở nông thôn và miền núi cũng đã vận dụng triển khai.

 

Trong khi mức thu học phí thì phải theo quy trình, được thẩm định và quản lý chặt chẽ, có hướng dẫn cụ thể về việc miễn, giảm cho các đối tượng  thì các khoản đóng góp thỏa thuận tự nguyện của phụ huynh lại ngày càng nhiều và cách thức tổ chức thực hiện còn rất nhiều khoảng trống về quy trình, khoảng tối cần được minh bạch.

Các khoản thu xã hội hóa rất đa dạng, tùy theo từng trường, từng năm. Đó có thể là: tiền mua máy chiếu, máy tính, mua điều hòa; cải tạo lưới điện, tiền nước uống, bảo vệ, vệ sinh, thuê lao công, trông xe; các khoản ủng hộ, bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục, rèn luyện kỹ năng sống, tham quan học tập tại các di tích lịch sử,… Tùy theo số lượng các khoản và “đơn giá” nhà trường áp dụng, có trường chỉ vài trăm nhưng cũng có trường lên đến 2-3 triệu.

Có trường rất “chu đáo”, chăm lo cho học sinh “từng li từng tí” như trường tiểu học T.L. Đầu năm học, trường đã đưa ra tinh thần rằng nhà trường sẽ lo hết, gồm trọn bộ sách vở và đồ dùng học tập (từ cái gọt bút chì trở đi); đồng phục (thêu hoa nếu có nhu cầu), và hàng loạt các khoản thu khác như: mua khay ăn, sửa chữa bàn ghế, xã hội hóa để mua máy bơm, sửa cống…

 

Một vài trường đã có “truyền thống” thu xã hội hóa đầu năm còn có cách thu khá là “thông minh” để tránh phụ huynh phàn nàn: Đầu năm chỉ thu một ít không đáng kể nhưng trong năm học thì lại thu dần nhiều khoản, nhiều đợt như: tiền mua đồ đạc nấu ăn, tiền sửa nhà vệ sinh với số tiền mỗi đợt cũng phải hàng trăm ngàn đồng trở lên…

Rất nhiều các bậc phụ huynh phàn nàn rằng nhiều khoản trong đó khá là “vô lý”. Chị Ngà - một phụ huynh chia sẻ: “Ngày trước con mình học ở trường bên huyện Đồng Hỷ, đầu năm chỉ phải đóng một vài khoản không đáng bao nhiêu nhưng trường vẫn có đầy đủ cho học sinh như tiền điện, tiền nước uống, trông xe, chơi thể thao. Chuyển xuống thành phố học lại phát sinh các khoản thu như vậy, mà cũng có phải ít đâu, lên đến cả vài triệu”.

Một số phụ huynh khác có con em theo học tại trường có khoản xã hội hóa mua điều hòa (tiểu học N.T, Đ.Q…), máy chiếu (N.T, L.N.Q) thì cho biết: các em khóa đầu mới vào đều có khoản tiền mua các thiết bị này. Chủ trương này đã có từ nhiều năm rồi, không phải là bây giờ mới có, vậy tại sao nhà trường không tận dụng lại đồ của các lớp cuối cấp ra trường để lại mà cứ phải mua mới hoàn toàn?

 

Tham khảo một số trường trong địa bàn tỉnh, không biết có phải do “không cẩn thận” nên còn khá trùng hợp nhau như: tiền thuê bảo vệ rồi lại có tiền bảo vệ tài sản - cơ sở vật chất? Thuê bảo vệ rồi lại còn tiền gửi xe? Như ở một trường THPT lớn trong thành phố, phụ huynh đã “tự nguyện” đóng góp các  khoản sau:

- Tiền điện thắp sáng - quạt mát, nước sạch 10.000 đồng/tháng

- Tiền nước uống: 10.000 đồng/tháng

- Tiền thuê lao công trực nhật, vệ sinh môi trường: 10.000 đồng/tháng

- Tiền trông xe: 15.000 đồng/tháng

Nhìn vào đây ai cũng  thấy sự chồng chéo, vô lý. Các khoản điện, nước, bảo vệ cơ quan của các đơn vị sự nghiệp đã được ngân sách cấp đủ. Đây là khoản phụ huynh hỗ trợ thêm. Nhưng đã hỗ trợ tiền thuê bảo vệ lại nộp tiền trông xe. Nếu các dịch vụ này được nhà trường tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch, chắc phụ huynh sẽ bớt đi không ít khoản “tự nguyện” này?

Mặt khác, theo quy định của nhà nước thì thu học phí có 9 tháng nhưng những khoản thu xã hội hóa đều được thu 10 tháng/năm học.

 

Ngoài ra, số tiền mỗi khoản có vẻ như cũng “biến động” theo giá cả thị trường. Ví dụ như giá đồng phục của một vài trường, các khoản ủng hộ, tiền quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp, quỹ khen thưởng,… mỗi năm đều tăng thêm một ít. Có khoản chỉ tăng thêm 1, 2 ngàn đồng, có khoản tăng đột biến (như quỹ phụ huynh trường L.N.Q năm học 2015 - 2016 là 200.000 đồng/phụ huynh, năm học 2016 - 2017 tăng thêm 50.000 đồng thành 250.000 đồng/phụ huynh; quỹ khen thưởng từ 100.000 đồng/học sinh của năm học trước, năm nay cũng tăng lên 120.000 đồng/học sinh). Dường như các khoản thu cứ tăng dần đều, bất chấp thu nhập của người lao động còn vô cùng khiêm tốn, đến ngay cả lương cán bộ, nhân viên nhà nước còn bị chậm tăng so với lộ trình và tăng rất nhỏ giọt.

Quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về tiền

học phí, số tiền là không lớn và nó không “thấm” gì

so với những khoản thu “xã hội hóa”.

 

Có thực là “tự nguyện”?  

Chúng tôi đã trực tiếp tham dự cuộc họp phụ huynh đầu năm tại một số trường trên địa bàn thành phố. Ngay khi giáo viên đọc các khoản thu đầu năm trong đó bao gồm các khoản xã hội hóa, có trường lên đến gần 3 triệu thì ngay lập tức ở bên dưới, các bậc phụ huynh xì xèo bàn tán, có người thì lắc đầu ngao ngán. Nhưng đặc biệt không một ai lên tiếng thắc mắc hay góp ý gì.

 

Hỏi một phụ huynh vừa thở dài sau khi nghe đọc các khoản thu, chị chỉ nói nhỏ: “Cũng muốn thắc mắc là tại sao nhiều như vậy nhưng cả lớp có ai nói đâu. Với lại thắc mắc thì giáo viên chủ nhiệm cũng chẳng giải quyết được, chủ trương của nhà trường mà. Còn chưa nói đến chuyện nói ra chả may còn ảnh hưởng đến con nhà mình. Ai cũng sợ giống câu chuyện báo chí đã đưa ở đâu đó có một phụ huynh “dám” phàn nàn về khoản nộp đầu năm, bị nhà trường “bêu” tên trong giờ chào cờ để nhắc nhở”.

Về nguyên tắc, các khoản thu tự nguyện là để phục vụ nhu cầu học tập của học sinh trong điều kiện ngân sách ở các địa phương và ngành giáo dục còn hạn hẹp, cần có sự “chia sẻ” giữa gia đình với nhà trường. Song dù mang tính tự nguyện nhưng phụ huynh khó ai có thể từ chối đóng góp khi nhà trường hay Ban đại diện cha mẹ học sinh thông báo, vì tâm lý “muốn sang thì bắc cầu kiều”. Thêm nữa, phụ huynh ai cũng ái ngại một điều là con cái mình vì khoản tiền đóng góp đó mà bị “để ý” hoặc “cho vào tầm ngắm”.

Những khoản thu xã hội hóa trên đối với những người giàu có thì không ảnh hưởng gì nhiều. Nhưng đối với những gia đình lao động bình dân, hộ nghèo thì đó quả thực là “ác mộng”.

 

Như trường hợp một gia đình có con học ở trường T.V, cả nhà trông cậy vào quán bán hàng ăn sáng, người chồng suốt ngày rượu chè không giúp đỡ gì được. Mỗi lần bước vào năm học mới, chị vợ lại chạy ngược chạy xuôi vay tiền nộp học phí và các khoản “tự nguyện” cho con. Chị tâm sự: “Nếu chỉ nộp mỗi khoản bắt buộc là học phí và bảo hiểm thì còn đỡ. Gánh nặng chủ yếu ở các khoản thu xã hội hóa. Năm ngoái nộp cho thằng cả muộn một chút, nó chán nên nghỉ ở nhà chờ mẹ kiếm đủ tiền mới đến trường. Nó học kém hơn so với bạn bè, năm nay đáng lẽ vào cấp 3 nhưng nó xin nghỉ học đi làm. Nó bảo thương mẹ không đủ tiền nộp cho nó”.

Một gia đình khác thuộc hộ nghèo, con đang theo học tại trường Đ.Q. Hai vợ chồng đều làm thợ xây, lúc có việc lúc không. Con của anh chị được hưởng chính sách miễn giảm học phí nhưng đối với các khoản thu tự nguyện thì chả có ai hướng dẫn miễn, giảm. Anh chồng cho biết: “Đầu năm học, cô giáo thông báo các khoản cần phải thu không thấy nhắc đến đối với đối tượng chính sách thì như thế nào. Muốn hỏi một chút về quyền lợi của mình nhưng lại sợ ảnh hưởng đến con. Thôi thì đành bóp bụng, đi vay mượn đóng đủ cho con, tự nhủ là cố để nó không thua kém bạn bè. Một năm nữa con út đi học mẫu giáo thì chắc khó mà trụ được”.

 

Không chỉ những gia đình trên mà còn rất nhiều gia đình dù kinh tế không hề ổn nhưng vẫn đang nai lưng ra để đóng các khoản tự nguyện mà không “dám” ý kiến trực tiếp với nhà trường, có chăng chỉ là các bậc phụ huynh tự phàn nàn và tâm sự với nhau rồi để đó. Tất nhiên, cha mẹ luôn muốn cho con mình đi học được tốt nhất nhưng đâu phải ai cũng làm được điều đó. Có thể khoản tiền tiêu vặt với gia đình này lại là cả một gia tài với gia đình khác. Đã có nhiều trường hợp phải nghỉ học hoặc học hết cấp rồi không đi học tiếp nữa, nhất là các em học sinh ở miền núi. Và có lẽ chính những khoản thu tự nguyện, xã hội hóa này cũng đã ít nhiều góp phần làm cho họ “tự nguyện” cho con nghỉ học.

 

Còn nhiều bất cập

Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo nói rõ: các khoản đóng góp tự nguyện “chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự ủng hộ, nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo”.

Và khi thực hiện “cần phải lập Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí chi tiết (bao gồm dự kiến nguồn huy động, các nội dung chi và dự kiến mức chi cụ thể) để thực hiện. Trong đó, Kế hoạch công việc phải nêu rõ mục đích, đối tượng hưởng lợi, hình thức huy động các nguồn đóng góp, cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng sản phẩm, công trình,... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí”.

 

Liên hệ với lãnh đạo một số trường có các khoản thu xã hội hóa khá cao thì họ đều nói rằng “Do ngân sách còn hạn hẹp, nhà trường muốn các em được học trong môi trường tốt hơn nên mới vận động đóng góp xã hội hóa”. Nhưng khi hỏi về quá trình vận động, làm như thế nào thì nhà trường nói rằng: Đây là do Ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện.

Trên thực tế, theo ghi nhận của phóng viên, việc thu chi các khoản thu tự nguyện và xã hội hóa chủ yếu lại do nhà trường thực hiện, theo các bước sau:

Trước kì họp phụ huynh đầu năm diễn ra vài ngày, Ban giám hiệu nhà trường họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh và đưa ra danh sách các khoản sẽ thu, sau khi thống nhất thì trưởng ban kí tên vào đó. Trước khi tổ chức họp phụ huynh, văn phòng trường phát cho các giáo viên chủ nhiệm danh sách các khoản cần phải thu để đọc cho phụ huynh ghi chép lại, đến lúc này phụ huynh mới biết số tiền cần phải nộp gồm những gì. Hầu như các trường bỏ qua việc thông báo cụ thể đến từng phụ huynh và thực hiện vận động. Phụ huynh chỉ cần ký tên vào giấy xác nhận là đã nộp mà không hề nhận được giấy tờ gì cầm theo cả. Những số tiền xã hội hóa sẽ được sử dụng như thế nào thì phụ huynh và cả giáo viên chủ nhiệm gần như không được thông báo.

 

Danh sách các khoản thu hoặc dự kiến thu của một số trường trong tỉnh

Cứ như vậy đại diện ban phụ huynh vô tình trở thành “cánh tay nối dài” thực hiện chủ trương thu tiền của nhà trường, còn các giáo viên là “công cụ” trực tiếp thực thu. Đại diện cha mẹ phụ huynh đều là người được “lựa chọn” khá kĩ, thường có điều kiện kinh tế khá giả, chính vì vậy những khoản thu này đều nằm trong tầm tay họ. Vả lại, thực hiện tốt việc thu xã hội hóa thì con em họ cũng được “lợi” nhiều hơn. Còn đối với các giáo viên chủ nhiệm, họ thậm chí còn không hề biết đến những khoản thu đó. Đôi khi, có phụ huynh thắc mắc về một số khoản thu thì giáo viên lại lúng túng, chỉ biết trả lời rằng đó là các khoản xã hội hóa, không ép buộc và nếu muốn biết rõ hơn thì có thể lên Ban giám hiệu nhà trường để hỏi. Họ cũng rất e ngại vấn đề này, bởi nếu không thu đủ tiền như các lớp khác thì có thể sẽ bị Ban giám hiệu nhà trường “nhắc khéo”, bị ảnh hưởng đến công việc của mình.

Có một số trường còn đưa ra số tiền xã hội hóa một cách định mức như trường L.H. P. quy định mức tiền xã hội hóa tối thiểu là 400.000 đồng/1 em, ai có điều kiện thì có thể đóng góp thêm.

Có trường thì đưa ra hình thức khá “dân chủ” là đưa ra số tiền cụ thể rồi cho phụ huynh điền vào phiếu biểu quyết. Nếu số phiếu đồng ý đạt cao hơn thì sẽ cho thu toàn bộ cả lớp với số tiền đó. Dù được gọi là “thu theo thỏa thuận” thì phụ huynh cũng không được giải thích vì đâu có những con số cụ thể đó. Cuối cùng thì gần như tất cả các lớp đều đồng ý, có lẽ do phụ huynh ai cũng đều muốn “chia sẻ” với nhà trường hay còn lí do nào khác? Và rồi ai cũng phải nộp các khoản đó với mức như nhau.

Để chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã có hướng dẫn thực hiện các khoản thu theo quy định, thu khác và đóng góp tự nguyện trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến các khoản thu tự nguyện, thu hộ, thu thỏa thuận. Các trường đều phải tuân thủ thu theo trình tự mà Bộ đã quy định để không gây khó dễ và bức xúc đối với phụ huynh. Sở sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức thanh kiểm tra đối với các trường nếu phát hiện sai phạm, lạm thu thì sẽ xử lý thật nghiêm.

Vậy những cách làm trên của các trường trên địa bàn tỉnh có đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng theo chỉ đạo của Sở hay không, chúng tôi xin nhường câu trả lời cho bạn đọc.

 

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương đúng. Nhờ đó nhà trường có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các phụ huynh, cá nhân, tổ chức hảo tâm để phát triển môi trường giáo dục. Tuy nhiên, nếu chỉ thu và thu mà bỏ qua trình tự nguyên tắc, và đặc biệt là không dựa trên tinh thần tự nguyện thì nó vừa vi phạm pháp luật vừa ảnh hưởng xấu đến xã hội. Ngoài việc các cơ quan chức năng đẩy mạnh hướng dẫn các trường, xử lí khi có vi phạm thì việc mạnh dạn lên tiếng đóng góp và phản ánh của phụ huynh cũng là điều rất cần thiết. Có như vậy, tỉnh ta mới có được một môi trường giáo dục thật tốt, mà ở nơi đó phụ huynh thật sự vui vẻ để “tự nguyện chia sẻ” cùng với nhà trường.

“Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật, gây ra ảnh hưởng xấu cho ngành giáo dục và đào tạo...

Cần phải lập Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí chi tiết... Niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn chỉnh Kế hoạch công việc và Dự trù kinh phí”. 

(Trích công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18 tháng 10 năm 2010 của Bộ Giáo dục và đào tạo về việc Hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo) 

 

Nhóm PV

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 3 ngày trước