Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
02:14 (GMT +7)

Tiên trách kỷ hậu trách nhân

VNTN - Gần như đã thành công thức, mỗi khi quy tìm nguyên nhân của tình trạng yếu kém, bất cập về nhiều mặt lâu nay, một số người thường đặt "mặt trái của kinh tế thị trường" lên hàng đầu. Kiểu lập luận đó được lặp đi lặp lại nhiều lần, ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều nơi, tưởng như đây là một nguyên nhân chủ yếu.

Thế nhưng, nếu bình tĩnh và khách quan, hẳn ai cũng biết, kinh tế thị trường là do chính chúng ta lựa chọn chứ không phải do sự áp đặt từ bên ngoài. Đó là, sau một thời gian quá dài, nền kinh tế vận hành theo cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, dẫn đến lương thực khan hiếm, hàng hóa nghèo nàn, mọi thứ đều phải phân phối theo tiêu chuẩn hạn hẹp; mọi người hầu như chỉ tập trung lo chạy cái ăn cái mặc, chẳng mấy khi so đo về lĩnh vực văn hoá giải trí. Vì vậy, để tìm lối thoát, bắt buộc chúng ta phải tuân theo các quy luật khách quan. Như thế thì bản thân kinh tế thị trường không có lỗi - nếu chưa muốn nói là ưu việt, bởi nó đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới nhiệt tình tiếp nhận từ hàng trăm năm nay. Đáng chú ý là hiện tại, tất cả các quốc gia phát triển và những đất nước "đáng sống" đều theo kinh tế thị trường. Trong lúc đó thì một số quốc gia thuộc loại "có máu mặt" vẫn chưa chịu công nhận là Việt Nam có kinh tế thị trường.

Dĩ nhiên, cái gì cũng có hai mặt, và đúng là, với quan niệm duy ý chí cùng tư duy "bao cấp", thời kỳ trước đổi mới chúng ta chưa lường hết các khía cạnh ở "mặt trái". Nhưng rõ ràng mặt trái của kinh tế thị trường cũng chỉ là "mặt trái của tấm huân chương", hoàn toàn không thể là nguyên nhân của mọi chuyện tiêu cực. Cho nên, phải coi kinh tế thị trường là phương án tối ưu, để trên cơ sở đó mà vận hành theo quy luật.

Cũng theo một số người thì "đồng hành" với mặt trái của kimh tế thị trường là "các thế lực thù địch". Thử hỏi: trên thế giới này, có quốc gia, dân tộc nào mà lại không phải tìm cách đương đầu với các thế lực thù địch vào lúc này lúc khác dưới mức độ nào đó? Tuy nhiên, nếu một đất nước, một xã hội mà nhìn vào đâu, vào lúc nào cũng thấy "các thế lực thù địch" thì đó lại là chuyện không bình thường. Phải chăng, vì "thói quen" đổ lỗi tranh công nên đã cố ý hoặc vô tình thổi phồng và đề cao "sức mạnh" của các thế lực thù địch?

Mới đây, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, trước sự quan tâm của nhiều người về công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ thẳng thắn, rằng đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn phức tạp, nhạy cảm, nhưng không thể không làm. Bởi nếu không làm được sẽ mất lòng tin của nhân dân. Trên VTC News (29/10/2015) cũng dẫn lời Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã cho thấy: Rất nhiều việc, nhiều thiệt hại là do khuyết điểm, sai phạm, suy thoái đạo đức chủ quan của cán bộ, công chức bộ máy của chúng ta chứ chẳng phải do âm mưu bên ngoài hay thế lực thù địch nào cả. Cây có lõi tốt thì không sợ mối mọt. Lịch sử nước ta đã chỉ rõ:  Vua có đường lối đúng, quan không tham, tướng không hèn, lòng dân yên thì đất nước hưng thịnh và không sợ bất kỳ thế lực ngoại xâm nào.

Trên thực tế, người dân có thể không rành lý thuyết về kinh tế thị trường, cũng khó chỉ ra đâu là "thế lực thù địch"; nhưng họ lại có nhiều cách để nhận biết rất rõ ai là kẻ bất tài, xu nịnh, cơ hội, chỉ lo vun vén, bè phái, ô dù... Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy “Tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Nếu người có chức sắc chỉ lo tìm cách viện dẫn các yếu tố khách quan bất lợi theo lối khiên cưỡng và mơ hồ nhằm che đậy sự yếu kém, sai phạm... mà không chịu tiên trách kỷ thì có lẽ là họ đã "làm hết sức mình" (?)

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy