
Góc biếm họa số 6 (2025)

VNTN - Ngay khi các tỉnh miền Trung phải hứng chịu hậu quả nặng nề của lũ lụt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khối các cơ quan tỉnh Thái Nguyên (Đoàn Khối) đã triển khai ngay các hoạt động quyên góp ủng hộ. Theo chân đoàn đi tặng quà, tôi được tận mắt chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên, gặp những con người cơ cực nhưng luôn tràn đầy nghị lực và cảm nhận tình người ấm áp trong thiên tai.
Đoàn Khối chung tay hướng về miền Trung
Số tiền cho chuyến thiện nguyện tại miền Trung lần này chủ yếu huy động từ Chương trình “Tiếng hát từ trái tim vì miền Trung yêu thương” do Đoàn Khối phối hợp với Chương trình “Bữa cơm với người lạ” tổ chức vào tối 23/10 vừa qua tại Trường Chính trị tỉnh. Đồng chí Dương Thị Giang, Phó Bí thư phụ trách Đoàn Khối chia sẻ: Với trách nhiệm của đoàn viên thanh niên, đã thôi thúc chúng tôi phải làm gì đó để giúp đỡ bà con miền Trung đang phải gồng mình chống chọi với cơn lũ bão lịch sử. Tất cả tâm huyết, tấm lòng của anh em dồn vào đó thu về số tiền hơn 300 triệu, đây là kỉ lục quyên góp làm thiện nguyện chưa từng có của Đoàn Khối”.
Một số hình ảnh của trường Mầm non xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sau cơn lũ lịch sử ngày 18 - 19/10 vừa qua (ảnh nhà trường cung cấp)
Chiều thứ 6 (ngày 6/11), khi đã hoàn thành công việc ở cơ quan, đoàn viên Đoàn Khối bắt tay ngay vào việc chuẩn bị quà, các đồ thiết yếu mang lên xe. Ai nấy đều hăng hái, mồ hôi nhễ nhại nên chỉ loáng một cái, mọi thứ đã sẵn sàng. Đúng 18h30, đoàn gồm 21 thành viên là bí thư, đoàn viên cơ sở cùng 2 tài xế bắt đầu xuất phát vào miền Trung. Chuyến đi lần này, đoàn sẽ trao quà chủ yếu ở hai địa phương: xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Cụ thể: Hỗ trợ 5 điểm trường, 6 gia đình đặc biệt khó khăn mỗi trường hợp 10 triệu đồng; hỗ trợ 10 em sinh viên nghèo, mồ côi và 190 gia đình, mỗi trường hợp 1 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn cũng sẽ tặng gạo, nhu yếu phẩm cho bà con...
Trên đường đi, đoàn liên tục cập nhật tình hình bão lũ qua Internet. Bên ngoài, thi thoảng lại gặp các đoàn cứu trợ đang “hành quân” hướng về miền Trung. Chẳng quen nhau nhưng tất cả đều chung một chí hướng, chúng tôi nháy đèn pha, giơ tay chào nhau, truyền cho nhau thêm nhiệt huyết. Điều bất ngờ là khi đi đến các trạm thu phí cầu đường, các barie bỗng bật mở, mời xe qua, các trạm thu phí cũng muốn góp sức ủng hộ đồng bào mền Trung, và không quên nói với theo những lời động viên cho đoàn. Mọi người cùng hát vang những ca khúc về Đoàn thanh niên, về tuổi trẻ để xua tan mệt mỏi. Nhưng khi bài hát “Thương lắm miền Trung ơi” được cất lên thì không khí trở nên trầm lắng hẳn. Mỗi người một nỗi niềm riêng thật khó tả.
Chạy xuyên đêm, nhưng phải gần 8 giờ sáng ngày 7/11, Đoàn mới có mặt tại huyện Gio Linh (Quảng Trị). Trời đổ mưa ngày một nặng hạt khiến chúng tôi có chút lo lắng, sợ rằng sẽ khó di chuyển để hoàn thành lịch trình đã vạch ra. Nhưng trên hết là lo ngại về một cơn bão quái ác đang rình rập “đổ bộ” vào miền Trung sẽ khiến bà con khổ hơn nữa. Chúng tôi ghé vào một quán nhỏ ven đường để tranh thủ vệ sinh cá nhân và đón bạn Hoa Mai (giảng viên Đại học Huế phân trường tại Quảng Trị), người sẽ dẫn đường cho Đoàn. Bữa sáng nhanh gọn, mọi người đều nóng lòng đến được những nơi đang khó khăn nhất để chia sẻ khó khăn cùng bà con.
“Nước mắt” nơi tâm lũ
Cơn lũ dữ đi qua đã hơn 2 tuần nhưng dọc các con đường của Quảng Bình, Quảng Trị vẫn còn lại những khung cảnh hoang tàn. Hàng loạt nhà cửa bị tốc mái, tường vách nứt toạc ra, sập đổ, xung quanh ngập ngụa toàn bùn là bùn, không thể sửa chữa nên phải bỏ hoang. Cây cối cao đến cả chục mét vẫn bị ám vết bùn vàng quá nửa, trên cành là những túi ni lông, những mảnh giấy treo lủng lẳng. Trên các gò đất cao, xác gà vịt vẫn còn ngổn ngang. Những cánh đồng trải dài cả chục km, nước đục ngầu chảy xối xả, nếu chỉ nhìn qua, sẽ nghĩ đó là một con sông. Trôi nổi theo dòng nước nhấp nhô những tấm nhựa, các mảnh đồ đạc như vỏ tivi, bếp ga… bị nước cuốn trôi. Thi thoảng lại bắt gặp một vài người dân đang cố khều vớt những đồ dùng còn có thể cứu vãn được.
Người dân tranh thủ lúc ngớt mưa để dọn dẹp nhà cửa, vườn tược.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn là xã Gio Quang. Trong đợt lũ lụt vừa qua, toàn xã có tới hơn 90% hộ dân bị ảnh hưởng, gần như toàn bộ hoa màu, gia súc, gia cầm, đồ dùng sinh hoạt đều bị nước cuốn phăng. Trao tận tay 100 suất quà cho bà con, ai nấy đều nắm tay thật chặt để cảm ơn rồi lầm lũi trở về nhà. Ở cái vùng đất mà nhiều người vẫn thường gọi là “chó ăn đá, gà ăn sỏi” này, lại thường xuyên bị thiên tai lũ lụt, bà con phải tảo tần, vất vả lắm mới có được cuộc sống bình thường. Mất mát là quá nhiều đối với họ, thật khó có gì có thể bù đắp được hết.
Hơn 2 tuần cơn lũ đi qua nhưng ruộng đồng vẫn ngập như sông
Chị Thái Thị Hà (xóm Trúc Lâm, xã Gio Quang) buồn bã: Chưa bao giờ thấy nước dâng lên nhanh khủng khiếp như vậy. Loáng một cái đã ngập quá đầu gối rồi lên đến tận cổ nên trở tay không kịp. Chỉ kịp vơ lấy ít giấy tờ, đồ dùng quan trọng rồi ôm con chạy lên trên cao tránh lũ. Nhà tôi, toàn bộ lợn, gà, vịt bị chết hết, đồ đạc chẳng còn gì. Lúa gạo thu hoạch được từ vụ mùa qua để dành ăn dần cũng bị cuốn trôi và hỏng hết, sắp tới chả biết sống sao nữa.
Căn nhà nhỏ cũ kĩ của cụ Trương Thị Hữu (72 tuổi, thôn Trúc Lâm, xã Gio Quảng) như chực đổ xuống, đồ đạc trong nhà cũng chẳng còn gì. Cụ Hữu hiện đang nuôi hai cháu nhỏ, một cháu 8 tuổi, cháu lớn 11 tuổi. Con trai cụ là anh Dương Văn Tâm (39 tuổi) làm phụ hồ. Vì gia đình khó khăn nên anh Tâm vay tiền với mong muốn đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản để trả bớt nợ và kiếm tiền làm cái nhà. Nhưng vì hai đợt dịch COVID-19 nên anh không thể đi được dẫn đến nợ nần chồng chất. Anh Tâm đã rời địa phương đi đâu đó không ai biết, vợ anh cũng bỏ vào Nam.
Sau những ngày vật lộn với lũ dữ, cụ Hữu mệt mỏi lắm, cứ ngồi thu mình ở góc phòng cùng hai đứa cháu. Trao cho cụ hai bao gạo cùng số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng mà cụ rưng rưng: “Cảm ơn các cháu nhiều lắm, thế này là 3 bà cháu không lo đói đến tận tết rồi”. Cụ gọi đứa cháu trai lớn đang loay hoay nhặt nhạnh, sắp xếp, phơi lại những đồ đạc mới “mò” được trong nước đến, dặn cháu cất tiền đi thật kĩ. Tôi động viên cháu: “Cố gắng lên nhé, trụ cột của gia đình đấy”. Cháu bé đáp lại ngay, giọng run run: “Vâng, cháu nhất định sẽ cùng bà và em vượt qua”. Ngay sau đó, cậu lại ngoảnh mặt đi để né tránh, đôi mắt đượm buồn, cháu đang cố nuốt nước mắt vào lòng. Cũng phải thôi, dù cứng rắn đến mấy nhưng cháu vẫn còn nhỏ, khi mà bạn bè cùng trang lứa đang được vui chơi thì cháu lại đang oằn mình cùng bà và em vượt qua hàng loạt biến cố.
Khó khăn, cô đơn, luôn thấp thỏm lo cho người thân duy nhất của mình cũng đang bị lũ, đó là trường hợp của cụ Nguyễn Thị Giáo (75 tuổi, thôn Trúc Lâm, xã Gio Quang). Cụ thuộc diện hộ nghèo, sống một mình trong căn nhà tình thương được xã xây dựng cho từ năm 2015. Người con gái duy nhất của cụ làm dâu ở Quảng Bình, vừa rồi nhà bên chồng bị lũ làm sập nên chưa thể về thăm mẹ. Anh Nguyễn Trường Sang (Trưởng thôn Trúc Lâm) cho biết: Lâu nay, hàng xóm thay nhau đi mua thức ăn, thỉnh thoảng nấu cho cụ, còn lại cụ tự nấu nướng, sinh hoạt. Trong cơn lũ vừa qua, tôi kịp đưa cụ đi sơ tán nên không bị sao. Đây là lần đầu tiên có đoàn đến tận nhà tặng quà trực tiếp, còn lại đều tập kết trên huyện nên cụ vui lắm, bớt tủi thân…
Đoàn rời đi, còn tôi cố nán lại trò chuyện, cụ Giáo bảo: “Cụ nhớ con lắm, không thể nào chợp mắt được. Chẳng biết nó có vượt qua nổi không, giá mà còn khỏe nhất định cụ sẽ ra thăm nó”. Rồi cụ nắm chặt tay tôi khẽ nói: “ở lại với mạ (mẹ), mạ nấu cơm cùng ăn, hôm nay có thịt heo ngon lắm”… Sống mũi tôi chợt cay cay, nhưng cũng chỉ có thể ôm cụ động viên những mong cụ vững vàng để vượt qua.
Trên hành trình đi tặng quà, tuy thời gian gặp gỡ không được nhiều nhưng hình ảnh, hoàn cảnh của họ vẫn luôn ám ảnh tôi.
Cụm từ “mưa” và “lũ” có lẽ sẽ ám ảnh vợ chồng anh Trần Hữu Diệu (thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) suốt đời. Anh chị đã phải chịu quá nhiều mất mát, đắng cay vì chúng. Hai vợ chồng cưới nhau được gần 4 năm, cố gắng mãi mới dựng được gian nhà để ở. Nhưng trận lũ vừa qua đã khiến nó hư hỏng nặng, sau gần một tuần khắc phục giờ anh mới làm lại được chỗ ngủ tạm. Anh Diệu nghẹn lời: “Cơn lũ năm 2016 đã cướp đi người con của tôi. Hai năm sau, trời mưa to nên vợ tôi bị tai nạn giao thông, đứa con chuẩn bị lọt lòng cũng rời bỏ chúng tôi. Đau đớn, suy sụp lắm nhưng hai vợ chồng cũng chỉ biết động viên nhau gắng gượng mà sống”. Anh chỉ nói vậy rồi im lặng, còn tôi cảm thấy mình thật có lỗi khi vô tình khơi lại nỗi đau của anh.
Bão chồng bão, lũ chồng lũ khiến nhiều công trình rất khang trang, kiên cố cũng bị hủy hoại. Dễ dàng bắt gặp những tòa nhà trụ sở, trung tâm văn hóa thôn xóm hay những ngôi trường học bị nứt toạc, sập đổ. Cô giáo Phạm Thị Tằm, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho tôi xem những hình ảnh, video mà giáo viên trong trường ghi lại vào ngày 18/10. Ba dãy nhà cấp 4 của nhà trường cao hơn 8m ấy vậy mà nước dâng cao đến tận nóc. Toàn bộ máy tính, máy lọc nước, bàn ghế… của học sinh bị chìm trong nước. Cô Tằm cho biết: Lũ ngập sâu, kéo dài nhiều ngày khiến dãy nhà cấp 4 gồm 11 phòng của trường bị hỏng nặng không thể sử dụng được. Suốt gần 2 tuần nay, các thầy cô vừa phải dọn dẹp nhà cửa gia đình, vừa đến trường quét dọn để các em sớm được đến trường. Các em hiện đang học tại dãy nhà 2 tầng, nhưng chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp bởi nó cũng bị nước xoáy vào, xuất hiện các vết nứt. Chỉ sợ chẳng may bị sập xuống thì thật không dám tưởng tượng hậu quả sẽ ra sao”.
Không chỉ làm thiệt hại nhà cửa, đồ đạc mà cơn lũ còn cuốn đi hết nguồn sinh kế của người dân. Chỉ vừa hỏi chuyện, chị Hoàng Thị Hảo (Đội 2, xóm Mỹ Hà, xã Mỹ Thủy) đã không thể kìm nén được mà bật khóc. Anh chị đi làm thuê tích góp được một ít rồi vay thêm ngân hàng, người thân được 600 triệu đầu tư hết vào chăn nuôi lợn, gà. Nhưng vốn chưa thu về được, lãi chưa có thì đã bị vướng vào hai đợt dịch COVID-19 vừa qua, rất khó tiêu thụ, bị lỗ nặng. Cơn lũ đã cuốn trôi hết đồ đạc nhà cửa, làm trang trại sập, gần như toàn bộ gia súc nuôi khoảng 4.500 con gà, 17 con lợn sắp đến kì xuất bán đều bị chết hết. Chồng chị Hảo cũng đang bị thương do cố cứu vớt ít đồ đạc trong nhà mà không may bị cây gỗ rơi đập vào chân. Giờ anh mới chỉ có thể mang nạng để cố đi lại một cách tập tễnh.
Đoàn tặng quà hỗ trợ cho cụ Nguyễn Thị Giáo
Giọng chị Hảo như lạc đi: “Khu chăn nuôi gia súc này là tất cả hy vọng, nguồn sống của gia đình. Chỉ sau một đêm đã bị lũ cuốn phăng hết nên giờ cũng chẳng biết phải sống sao khi mà nợ tiền ngân hàng, nợ tiền người thân đều dồn dập đến ngày phải trả. Lắm lúc nghĩ quẩn chỉ muốn nhắm mắt luôn có khi được giải thoát, nhưng còn có con nhỏ và cha mẹ già nên đâu có thể buông xuôi…”.
Trên suốt hành trình đi tặng quà, chúng tôi nhận được sự trợ giúp của nhiều cán bộ thôn, xã. Họ nhiệt tình đi xe máy dẫn đường cho cả đoàn di chuyển mấy chục cây số. Chúng tôi cũng gặp rất nhiều đoàn từ thiện cũng đang tặng quà. Dù mưa to, gió lớn nhưng họ cũng như chúng tôi đều rất nhiệt huyết, không quản ngại vất vả. Không ít đoàn do thời tiết xấu nên đã bị hỏng hóc xe cộ, có đoàn xe bị sa xuống mương, đoàn thì xe bị lật nghiêng nhưng đều cố khắc phục để trao các phần quà đến tận tay bà con. Thế mới thấy tình người trong mùa lũ thật ấm áp biết bao, nó sẽ là động lực lớn để bà con vùng lũ vững tin “hồi sinh” lại sự sống.
Rời miền Trung vào sáng hôm sau. Lúc này trời đã hửng nắng, mọi người trong đoàn phấn chấn tinh thần hẳn lên bởi chúng tôi hy vọng với thời tiết như vậy miền Trung sẽ dễ dàng khắc phục hậu quả hơn. Nhưng trong khi đang thực hiện bài viết này, tôi lại nhận được tin tức cơn bão số 12 đang ập đến miền Trung gây mưa rất to. Trong tâm trí tôi lại tràn ngập hình ảnh cụ Hữu cùng các cháu, cụ Giáo, anh Diệu, chị Hảo… không biết lúc này họ có được an toàn không. Cuộc sống đảo lộn, chưa kịp “hoàn hồn” thì thiên tai lại nhăm nhe ập xuống. Tôi chỉ biết thầm cầu mong rằng: mưa lũ ơi, xin đừng vào miền Trung nữa, họ đã quá khổ cực rồi!
Anh Thắng
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...