Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
01:40 (GMT +7)

Thượng tướng Chu Văn Tấn – Hùm xám Bắc Sơn

VNTN - Năm 1967 - 1968, đạo diễn người Pháp, ông Gérald Guillaume, sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ”. Sau đó, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giới thiệu lên Thái Nguyên làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn” - biệt danh của Thượng tướng Chu Văn Tấn - khi đó là Bí thư Khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc. “Hùm xám Bắc Sơn” đã từng khiến thực dân Pháp mất ăn mất ngủ.

Con người “rất Việt Nam”

Nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng tác giả hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” (Nxb Hội Nhà văn, 2020) chia sẻ: Năm 1967 - 1968, ông Gérald Guillaume là đạo diễn người Pháp sang Việt Nam làm bộ phim tài liệu “Hồ Chí Minh - chân dung một lãnh tụ”. Bà Nguyễn Thị Xuân Phượng làm phiên dịch của đạo diễn. Viết xong kịch bản và quay xong những thước phim nhựa tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Gérald Guillaume đề đạt nguyện vọng muốn dựng thêm bộ phim về một nhân vật lãnh đạo khác nhưng phải “rất Việt Nam”. Nghe xong, Hồ Chủ tịch vui vẻ nói: “Đồng chí Vũ Kỳ sẽ lo thủ tục đưa đoàn lên Việt Bắc, làm phim về “Hùm xám Bắc Sơn”!”.

                                    6-723-1690359802.jpg

Chu Văn Tấn (1910 - 1984) là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa I, II và III (1945 - 1976), Đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V (1960 - 1976), trong đó từ khóa III đến khóa V làm Phó Chủ tịch Quốc hội.

Về quân sự, ông làm Khu trưởng Khu 4 rồi Tư lệnh kiêm Bí thư Liên khu 1, Tư lệnh kiêm Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Việt Bắc...

Thượng tướng Chu Văn Tấn đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân huy chương cao quý khác.

 

Đạo diễn Gérald Guillaume lên Thái Nguyên, vào Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc. Đoàn làm phim được Thượng tướng Chu Văn Tấn - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu - tiếp đón thịnh tình. Sau đó đích thân ông đưa đoàn về phỏng vấn và thực hiện quay tại xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, quê hương ông. Rồi ông dẫn đoàn đi lấy tư liệu ở các địa danh lịch sử mà Đội Du kích Bắc Sơn, Trung đội Cứu Quốc quân từng chiến đấu, trong đó có vai trò chỉ huy của ông.

Xuất thân trong một gia đình thổ hào người Nùng yêu nước, thuộc tổng Lâu Thượng, châu Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn (nay là xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên). Chu Văn Tấn là một trong những hạt giống đỏ của địa phương sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào yêu nước, xây dựng lực lượng vũ trang từ sau Khởi nghĩa Bắc Sơn (1940).

Trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, tập I, (1936 - 1965) đã cho biết: Đặng Tùng (tên thật là Đinh Ngọc Đạt, bí danh khác là Lã Hồng Tú) người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, năm1932, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, là người gây dựng cơ sở Đảng đầu tiên ở Thái Nguyên. Nhận nhiệm vụ do chi bộ hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Long Châu giao, Đặng Tùng bí mật tìm đường về Đại Từ đến nhà Đường Nhất Quý. Trong quá trình vận động, xây dựng cơ sở cách mạng ở La Bằng, Đặng Tùng biết mối quan hệ gia đình và bạn bè của Đường Nhất Quý tại Võ Nhai; vì Đường Nhất Quý có em gái là Đường Thị Ân lúc đó là vợ chưa cưới của Chu Văn Tấn (sau này, bà Đường Thị Ân có nhiều năm giữ chức Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Khu Tự trị Việt Bắc). Đầu năm 1937, Đường Nhất Quý đưa Đặng Tùng sang Phú Thượng (Võ Nhai).

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ảnh tư liệu lịch sử.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ảnh tư liệu lịch sử.

Sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên ghi nhận: “chỉ sau một thời gian ngắn 3 thanh niên xã Phú Thượng là Chu Văn Tấn, Nông Văn Cần và Lục Văn Đủ được Đặng Tùng tuyên bố kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (…). Trong số 3 đảng viên, Chu Văn Tấn là người ít nhiều có học vấn, hơn hẳn nhiều thanh niên cùng trang lứa ở Võ Nhai lúc bấy giờ, do làm nhân viên đạc điền, thầu gỗ… có mối quảng giao, là người có ý chí, sau khi được giác ngộ, được kết nạp vào Đảng, Chu Văn Tấn hoạt động rất tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc gây dựng, phát triển phong trào quần chúng cách mạng ở Võ Nhai”.

NGƯỜI ANH CẢ DU KÍCH VIỆT NAM

Ngày 1/1/1967, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp các Anh hùng và đại biểu của các đơn vị anh hùng vừa được tuyên dương. Cùng tham dự cuộc đón tiếp này, có mặt Thượng tướng Chu Văn Tấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nhà báo Lê Tiến (Đài Tiếng nói Việt Nam) tham dự cuộc gặp mặt hôm đó đã ghi lại: “Chu Văn Tấn, người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”.

Trở về Hà Nội, đạo diễn Gérald Guillaume tâm sự: “Ông Chu Văn Tấn là một con người vĩ đại theo đúng nghĩa của từ này!”. Bộ phim “Hùm xám Bắc Sơn” được chiếu rộng rãi tại các trung tâm huấn luyện quân sự và các trường quân sự tại Pháp, đã khiến các tướng lĩnh Pháp ngỡ ngàng trước đối thủ của họ từ gần 30 năm trước.

Chỉ huy trưởng Cứu quốc quân

Chúng tôi bước lên ngọn đồi phía sau nhà tưởng niệm Thượng tướng Chu Văn Tấn bình lặng trong xóm nhỏ Nà Kháo, xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Xung quanh đây, quần tụ đầy đủ gia đình họ Chu, mà mỗi gia đình đều được Chủ tịch nước trao tặng bằng “Có công với nước”. Đó là gia đình cụ Chu Văn Lường, gia đình cụ Chu Quốc Hưng - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên… Thắp hương trên phần mộ ông bà Chu Văn Tấn - Đường Thị Ân và tổ tiên họ Chu, dưới bóng mát của những tán cây lâu năm, câu chuyện về người xưa cứ vọng về…

Thượng tướng Chu Văn Tấn (hàng sau cùng, thứ 5 trái sang) gặp lại các đội viên Cứu quốc quân
Thượng tướng Chu Văn Tấn (hàng sau cùng, thứ 5 trái sang) gặp lại các đội viên Cứu quốc quân

Cụ Chu Văn Hòa thân sinh Thượng tướng Chu Văn Tấn đã tham gia nghĩa quân Hoàng Hoa Thám chống Pháp nhiều năm. Khi biết Chu Văn Tấn cùng mấy anh em trai hoạt động đánh Tây, cụ đồng tình tạo mọi điều kiện cho con đi công tác. Khi thực dân Pháp cho quân bao vây, càn quét căn cứ Bắc Sơn, cụ nói với các con: “16 tuổi tao đã cầm cái súng chống thằng Tây, ở đội quân của cụ Đề Thám. Giờ tao già không làm được thì chúng mày làm đi...”.

Đó là sau Khởi nghĩa Bắc Sơn (1940), lực lượng vũ trang của Đảng mới bắt đầu manh nha. Chu Văn Tấn tham gia quân sự từ Chỉ huy phó Đội Du kích Bắc Sơn gồm 32 chiến sĩ, do đồng chí Lương Văn Tri (bí danh Huy Còm) làm Chỉ huy trưởng. Khi hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri bị phục kích hy sinh, tiểu đội do Chu Văn Tấn chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pác Pó. Từ đây, Đội chuyển thành đơn vị vũ trang bảo vệ căn cứ.

Lực lượng vũ trang của Đảng từ Trung đội Cứu quốc quân I rồi phát triển thêm Trung đội Cứu quốc quân II. Cứu quốc quân II được chia làm 5 tiểu đội do Chu Văn Tấn làm chỉ huy trưởng, Trần Văn Phấn chỉ huy phó, Nguyễn Cao Đàm chính trị chỉ đạo viên, những nam thanh niên của đất Võ Nhai gồm Lê Dục Tôn, Trừ Văn Thoòng, Hà Văn Loi, Hứa Đình Khánh và Chu Quốc Hưng làm tiểu đội trưởng.

Trước sự lớn mạnh của các đơn vị Cứu quốc quân ở khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai của Việt Minh, thực dân Pháp tập trung lực lượng mở các cuộc càn quét để tiêu diệt triệt để. Các cuộc khủng bố nhân dân vùng căn cứ địa rất tàn khốc. Thậm chí, không bắt được Chu Văn Tấn, thực dân Pháp và chính quyền tay sai cho bắt cụ thân sinh ra ông bỏ tù hòng chiêu dụ ông về hàng. Tàn bạo hơn, chúng còn cho đào phần mộ tổ tiên của ông lên…

Để tránh bị tiêu diệt, Chu Văn Tấn cùng ban chỉ huy Cứu quốc quân thống nhất chủ trương “hóa chỉnh vi linh”, đưa bộ phận lớn rút lên biên giới Việt - Trung, bộ phận còn lại phân tán trong nhân dân làm công tác tuyên truyền vũ trang, gây cơ sở trong quần chúng. Sau “Một năm trên biên giới Việt - Trung”, Chu Văn Tấn trở về cùng Cứu quốc quân, mở rộng cơ sở vùng căn cứ địa quê hương ông, xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh. Song song với Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, Cứu quốc quân nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng Chiến khu Nguyễn Huệ.

Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này kể lại: “Tháng 4 năm 1945, Trung ương họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ dưới sự chủ trì của anh Trường Chinh quyết định thống nhất Cứu quốc quân, các lực lượng vũ trang khác, các chiến khu phía Bắc của Đảng với đội quân chủ lực là Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành Việt Nam Giải phóng quân. Làm lễ thống nhất tại Định Biên Thượng, tôi nhận nhiệm vụ Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân, anh Chu Văn Tấn làm Chính trị viên Việt Nam Giải phóng quân”......Ngày nay, ít người biết đến vai trò và các hoạt động của Cứu quốc quân do Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng. Các cơ quan tuyên truyền và báo chí thường chỉ nhắc đến ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vào ngày 22-12 hàng năm. Về vai trò của Cứu quốc quân, xin được nhắc đến một sự kiện: Ngày 15/8/1992, tại Thái Nguyên, trong cuộc họp mặt của Việt Nam Giải phóng quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có bài nói chuyện với nhan đề: “Cứu quốc quân - một bộ phận hợp thành Việt Nam Giải phóng quân - đội quân chủ lực, đội quân đàn anh của cách mạng”.

Đại tướng chia sẻ, ông rất xúc động được gặp mặt các bạn chiến đấu đã tham gia từ ngày thống nhất một bộ phận các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ thành Việt Nam Giải phóng quân, bao gồm các chiến sĩ trong đội du kích Pác Bó, các đội Cứu quốc quân (I, II, III), Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, đội quân Nam tiến, lúc này đều là những cụ ông, cụ bà.

Trong khi tìm hiểu về cuộc đời Thượng tướng Chu Văn Tấn, người viết bài này đã được gặp bà Nguyễn Hồng Vân, người con dâu trưởng của cụ. Nhắc đến cụ Tấn, bà Vân không nguôi nhớ những kỷ niệm từng năm tháng sống chung dưới một mái nhà và cả những giờ phút cuối cùng đón cha về yên nghỉ vĩnh hằng. Là con gái phố hàng của Hà Nội về làm dâu, bà không biết sảy thóc, không biết sàng gạo. Khác với những lời bàn ra tán vào của người xung quanh, Thượng tướng Chu Văn Tấn động viên con dâu, khích lệ con dâu làm những việc đã tháo vát như may vá, thêu thùa, đan mũ áo len,…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Việc thống nhất Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân nói lên sự lớn mạnh đoàn kết thống nhất của các lực lượng vũ trang cách mạng trong những ngày tháng lịch sử của cao trào cách mạng 1945”. Trước đó, đã có đội Du kích Pác Bó, Du kích Bắc Sơn, các đội Nam tiến… Ông nhớ lại khi nhận nhiệm vụ tổ chức 19 đội xung phong Nam tiến.

“Tôi có cuộc họp ở Lũng Hoài với anh Chu Văn Tấn, anh có giới thiệu cho tôi 5 đồng chí du kích Bắc Sơn và Cứu quốc quân để tham gia vào đội Nam tiến, sau này phần lớn trở thành đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân... Trong Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân có 4 anh là Cứu quốc quân, trong các đội Nam tiến cũng có. Như vậy là ngay từ lúc đó đã có sự đoàn kết giữa lực lượng vũ trang Cao Bằng với Cứu quốc quân. Sự đoàn kết đó đã được xây dựng từ đầu, nhất là từ ngày tổ chức các đội xung phong Nam tiến. Trong lúc các đội Nam tiến từ Cao Bằng đi xuống thì ở dưới này anh Chu Văn Tấn cũng tổ chức đi lên”.

Tại Hội nghị Quân sự Bắc Kỳ (5/1945), Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân và Cứu quốc quân hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tháng 8/1945, trong Chính phủ lâm thời, ông Chu Văn Tấn được cử làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông là vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước ta. Năm 1948, ông là 1 trong 9 vị Thiếu tướng đầu tiên. Mười năm sau, năm 1958, Chu Văn Tấn cùng Văn Tiến Dũng là hai Thượng tướng đầu tiên, được phong vượt cấp từ Thiếu tướng lên.

Thượng tướng Chu Văn Tấn còn được giao nhiệm vụ Trưởng ban Dân tộc của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ khi những tổ chức này mới được thành lập. Phân tích về vấn đề dân tộc, ông đã chỉ rõ trên đất nước Việt Nam ta, đoàn kết là một truyền thống quý báu, Đảng ta đã phát huy truyền thống đó, đoàn kết các dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Kiều Mai Sơn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục