Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
19:28 (GMT +7)

Thương mến cải lương

VNTN - “Ở Thái Nguyên từng có một thế hệ gạo cội của làng sân khấu cách mạng Việt Nam, như NSND Bạch Trà (Đào Thị Mẫn); NSND Quang Tốn và các NSƯT: Ngô Mạn; Thọ An; nghệ sĩ hài Tư Châu… Họ là những nghệ sĩ đầu tiên khi thành lập Đoàn Cải lương Quyết Tiến, sau này là Đoàn Cải lương Bắc Thái. Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, nhiều người trong số họ được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng một số đoàn nghệ thuật sân khấu Trung ương và tỉnh bạn. Họ vừa là nghệ sĩ, vừa là người thầy, nhà quản lý và là người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa tư tưởng”. Nghệ sĩ Trần Yên Bình, nguyên diễn viên Đoàn Cải lương Bắc Thái chia sẻ.

Từ người hát rong trở thành nghệ sĩ cách mạng

Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng người mê sân khấu cải lương Thái Nguyên vẫn còn nhớ đến các vở “Ông già yêu nước”, “Lá huyết thư”, “Sóng sông Bằng”, “Chị Trầm”, “Trong vùng tạm chiếm”… do Đoàn Cải lương Quyết Tiến biểu diễn. Cảm phục hơn khi biết các nghệ sĩ được hóa thân vào nhân vật trên sân khấu từng là những người đi hát rong để mưu sinh. Cụ Lê Đình Cử, 88 tuổi, nguyên diễn viên Đoàn Cải lương Quyết Tiến, kể: Họ là những kép hát của Gánh hát anh Dong. Gánh hát phiêu bạt khắp Hà Nội, Hải Dương và các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang mãi nghệ tuồng, chèo, cải lương. Bước đường hồ hải đưa họ đến Thái Nguyên cũng là lúc phong trào kháng chiến kiến quốc phát triển mạnh. Hưởng ứng tinh thần yêu nước, họ rủ nhau đề nghị Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên cho thành lập Đoàn Cải lương của tỉnh, để mọi người có nhiều hơn cơ hội phục vụ kháng chiến thông qua biểu diễn nghệ thuật.

 

Tập thể cán bộ, diễn viên, nhạc công, hậu đài Đoàn Cải lương Quyết Tiến sau năm 1975.

Nguyện vọng của các nghệ sĩ được tỉnh chấp thuận. Ngày 3/2/1952, tại Phố Giá (Đông Cao - Phổ Yên) Đoàn Cải lương Quyết Tiến chính thức ra mắt, gồm 21 người, do nghệ sĩ Ngô Mạn làm Trưởng Đoàn; nghệ sĩ Nguyễn Quang Tốn, Phó Đoàn; nghệ sĩ Đoàn Đình Thọ làm Trưởng Ban Sân khấu. Trong Đoàn bấy giờ có 6 cặp vợ chồng là diễn viên, gồm: Ngô Mạn - Nguyễn Bích Thuận; Nguyễn Quang Tốn - Bạch Trà; Đoàn Đình Thọ - Phan Thị Tuyết Phan; Nguyễn Tư Châu - Phan Thị Thanh Tý; Hoàng Vân (Hoàng Văn Viện) - Kim Oanh (Đinh Thị Cừ); Đoàn Đình Được - Nguyễn Thị Mai. Đoàn có 2 diễn viên nhí là Đoàn Đức Phú 13 tuổi và Nguyễn Hồng Kim 12 tuổi. Trong Đoàn bấy giờ còn có cụ Nguyễn Thị Cam Lồ, mẹ đẻ của nghệ sĩ Bạch Trà. Bà tham gia với vai trò truyền dạy cho các nghệ sĩ trong Đoàn về kịch nghệ sân khấu chèo, tuồng, cải lương. Trong Đoàn có 3 nghệ sĩ có thể vừa sáng tác, vừa đạo diễn vừa diễn viên, đó là Ngô Mạn, Tư Châu và Thọ An.

Đoàn Cải lương Quyết Tiến, do Ty Tuyên truyền tỉnh Thái Nguyên quản lý, có nhiệm vụ phục vụ quân, dân Thái Nguyên và một số tỉnh trong vùng Việt Bắc. Có “danh phận” rõ ràng, anh chị em trong Đoàn ai nấy phấn chấn, hết lòng với nghề, mặc dù phải hoạt động trong điều kiện cực kỳ thiếu thốn. Cụ Cử nhớ lại: Đoàn phải ở nhờ nhà dân, ăn cùng dân và hằng ngày cùng dân ra đồng làm việc. Ban ngày chúng tôi làm nông dân, buổi tối chúng tôi làm nghệ sĩ. Nhiều khi tập vở mới, bà con đứng xem, góp ý về nội dung. Tình cảm nhân dân dành cho Đoàn sâu nặng không kể hết. Cũng từ gắn bó với cuộc sống lao động của người dân, nên các vở diễn mới, do các nghệ sĩ trong đoàn sáng tác, dàn dựng, biểu diễn luôn gần gũi, mang hơi thở cuộc sống và dễ đi vào lòng người.

Trong hoàn cảnh đất nước kháng chiến, việc thưởng thức nghệ thuật là món ăn tinh thần “xa xỉ” với bộ đội, nhân dân. Và vì sự yêu mến nghệ thuật, nên mỗi lần Đoàn chuyển địa điểm biểu diễn, trai tráng địa phương đến giúp khiêng mang đồ đoàn, cùng vượt suối, băng đèo, giúp dựng sân khấu, đốt đuốc, thắp đèn bão, giúp quay bánh xe đạp gắn manito phát điện… làm ánh sáng nghệ thuật. Khi biết sắp có đoàn văn công về làng, nhiều người dân háo hức lấy hạt bưởi xâu lại mang đến đốt lấy thêm ánh sáng. Đáp lại sự mong mỏi của người xem, anh chị em trong Đoàn đã “cháy” hết mình cho nghệ thuật.

Năm 1954, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Đoàn tiếp tục sứ mệnh biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân Thái Nguyên và các tỉnh vùng Việt Bắc. Cùng thời gian, Đoàn phát triển lớn mạnh hơn, đội ngũ diễn viên, nhạc công, hậu đài được tăng cường có lúc lên đến 81 người. Kháng chiến chống Mỹ, một bộ phận cán bộ, diễn viên của Đoàn được Bộ Văn hóa trưng dụng, cử vào mặt trận miền Nam phục vụ các đơn vị chiến đấu. Các nghệ sĩ: Vũ Văn Song, Dương Thị Lựu, Hoàng Thị Tuyết Mai… đã hy sinh trên đường đi biểu diễn.

Trên “hành trình” cùng quân, dân cả nước trải qua các cuộc kháng chiến, Đoàn được Đảng, Nhà nước ghi nhận, tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Bằng khen của Bộ Văn hóa; Cờ thi đua Quyết Thắng của Tổng cục Hậu cần tiền phương và nhiều Bằng khen của các tỉnh vùng Việt Bắc. Năm 1979, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, Đoàn giải thể. Đội ngũ cán bộ, diễn viên được điều động, phân công đến làm việc tại các đoàn nghệ thuật khác của tỉnh, của Trung ương. Và dù ở đâu, họ cũng cống hiến hết mình cho nghệ thuật, lưu vào lòng công chúng những tình cảm và sự ái mộ vô bờ. Để đến tận bây giờ, khi nhắc đến Đoàn Cải lương Quyết Tiến, vẫn làm sống dậy một vùng ký ức của một lớp người yêu nghệ thuật ở Thái Nguyên.

Từ những người hát rong trở thành nghệ sĩ cách mạng, tất cả họ - lớp sau theo lớp trước cùng nhiệt huyết cống hiến tài năng của mình cho nền sân khấu cách mạng Việt Nam.

Đến Câu lạc bộ “Đờn ca tài tử” xứ Trà

Nghệ sĩ Trần Yên Bình, người sáng lập CLB Cải lương Thái Nguyên, chợt lắng lại khi nhớ về một thời của sân khấu cải lương. Dù là thế hệ đi sau, nhưng được tận tình chỉ bảo, ông sớm thành công ở các vai: Sùng Ân, vở “Nùng Văn Vân”; Triệu Trung, vở “Rừng xưa hương mới”… Ông tự hào: Tôi vào nhiều vai, nhưng sâu sắc, ấn tượng nhất là vai Đại uý Hiệp trong vở “Mật danh A 20” - một sĩ quan tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam cài cắm vào hàng ngũ địch. Vở được công diễn hàng chục lần, thân thuộc đến mức ra đường, nhiều người gọi tôi là “Đại úy Hiệp”, hoặc “Mật danh A 20”. Giọng ông thoáng nghẹn lại. Và… “Mật danh A 20” cũng chính là vở mà chúng tôi diễn buổi cuối cùng dưới danh nghĩa Đoàn. Đó là tháng Ba năm 1979, Đội xung kích của Đoàn Cải lương gồm 10 người, tình nguyện lên biên giới phục vụ cán bộ, chiến sĩ trên các điểm tựa 455 và 607. Sân khấu được dựng vội bên bãi đất trống lưng đồi. Đã chiều muộn, nhưng chỉ có mấy chục chiến sĩ băng bó ngồi tựa vai nhau đợi. Tôi bàn với các nghệ sĩ Đội xung kích nán chậm buổi diễn để có nhiều cán bộ, chiến sĩ cùng được xem. Hiểu ý, đồng chí Tiểu Đoàn Trưởng nghẹn giọng: Các đồng chí cứ cho diễn đi, cuộc chiến đấu trên điểm tựa khốc liệt lắm, cả Tiểu đoàn còn… Chúng tôi ôm lấy nhau, khóc nấc thành tiếng. Và chúng tôi đã diễn khi chính trái tim mình đang nhỏ giọt lệ hồng, với nghĩ suy: diễn cho những người đang chiến đấu trên tuyến đầu Tổ quốc; cho thương binh và cả những người vừa ngã xuống vì gìn giữ từng tấc đất biên cương. Rồi cũng sau đêm diễn ấy, chúng tôi trở về Thái Nguyên để nhận công tác mới.

Những kỷ niệm đẹp về một thời với cải lương của mỗi người còn như mới hôm qua. Bởi không còn là chuyên nghiệp, nên tất cả họ - những người mê cải lương đã hợp lại thành CLB Cải lương Thái Nguyên, hay còn gọi vui bằng cái tên thân thương, CLB “Đờn ca tài tử” xứ Trà, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh. Trong bươn chải mưu sinh, dù bận rộn đến mấy, những nghệ sĩ cải lương vẫn cất vang câu hát. 24 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công từng lên rừng, xuống biển trên con tàu mang tên Đoàn Cải lương Bắc Thái của một thời, cùng hội lại với nhau để chia sẻ và thỏa nguyện niềm đam mê. Nghệ sĩ Nguyễn Thị Thanh cho biết: CLB thành lập năm 2005. Nhiều người đã cao tuổi, giọng ca không còn mùi mẫn, nhưng nhiệt tình, trong mỗi người đều mang ngọn lửa đam mê tiếng đàn kìm cùng câu hát cải lương.

 

Cụ Lê Đình Cử (giữa), nguyên diễn viên Đoàn Cải lương Quyết Tiến (Thái nguyên) cùng các thành viên Câu lạc bộ Cải lương Thái Nguyên.

Chị Thanh vào Đoàn cùng trà với nghệ sĩ Trần Yên Bình. Một số vai diễn như: Má Hồng trong vở “Bà mẹ bên sông Hồng”, vai bà Mẹ trong vở “Lửa phi trường” đã làm nên nghệ danh của chị trong lòng người hâm mộ. Nghệ thuật cải lương đã gắn bó 2 con người lại với nhau. Họ nên duyên chồng vợ và dù sự nghiệp sân khấu cải lương không yêu chiều cho 2 người và các đồng nghiệp đi hết một chặng đời công tác, họ phải chuyển sang các chuyên ngành nghệ thuật khác, nhưng ngọn lửa đam mê cải lương vẫn âm ỉ trong lòng, nên khi gặp lại nhau, chỉ một ai đó mở lời gợi nhớ, là vỡ òa thành lời bỏng cháy, để khát khao lòng người như muôn dòng sông hội về biển. Có lẽ vì thế mà CLB mang một sức sống diệu kỳ, bền bỉ truyền lửa nhiệt huyết cho các thế hệ. Hơn thế, CLB không chỉ thu nạp những người từng một thời công tác tại Đoàn Cải lương, mà có nhiều người mê mến cải lương tham gia. Cụ Nguyễn Quang Thông, 91 tuổi, Chủ nhiệm danh dự CLB là một điển hình. Cụ chia sẻ: Tôi mê tiếng đàn kìm, mê câu hát cải lương nên tìm đến với các “tài tử đờn ca” xứ Trà. Tôi là một trong 35 thành viên của CLB bây giờ. Còn nghệ sĩ Trần Văn Trầm cho biết: Hiện CLB có 8 nghệ sĩ nguyên là cán bộ, diễn viên, nhạc công của Đoàn Cải lương, còn 27 thành viên là những người yêu thích tự nguyện tham gia.

Tiếng đàn chợt ngân rung làm câu chuyện giữa chúng tôi lần nữa bị gián đoạn. Và sau khoảng nín lặng vốn dĩ riêng có của cải lương, mọi người có mặt trong phòng cùng bật lời câu hát: “Nhìn bao nương chè bát ngát/ Trải ra xanh thắm mượt mà/ Kìa bao búp non xanh đang trổ dày/ Đàn chim ríu ran gọi bày”… Bài “Hương vị đất trời, chè Thái Nguyên quê em” do nghệ sĩ Hà Thành soạn lời theo điệu Thu hồ. Khi sáng tác bài này, nghệ sĩ 70 tuổi, nhưng ca từ, ý nhạc trẻ trung, sôi động… Nhấp ngụm trà để tìm lại một niềm nhớ, nghệ sĩ Lê Đình Cử nói trong hơi thở nhẹ nhõm: Thời gian trôi mau, tất cả những người trong Đoàn Cải lương năm ấy, nay đều đã lên chức ông bà, nhiều người lên chức cụ. Dù tiếng đàn, câu hát không còn đằm ngọt như xưa, nhưng chúng tôi vẫn gắn bó với nhau để cùng được giãi bày nỗi nhớ về một niềm đam mê nghệ thuật.

Không chỉ thỏa niềm đam mê cá nhân, CLB luôn gắn trách nhiệm xã hội trong các hoạt động, các thành viên đã tự sáng tác nhiều bài hát quảng bá về vùng đất, con người Thái Nguyên, về biển đảo Tổ quốc và tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật quần chúng. Nhiều tiết mục đặc sắc của CLB được phát trên sóng truyền hình địa phương và Đài tiếng nói Việt Nam. CLB được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng nhiều giấy khen vì có đóng góp tích cực trong các phong trào văn hóa văn nghệ. Đặc biệt, năm 2017 CLB tham gia Liên hoan nghệ thuật quần chúng và dạ hội tỉnh, đã được Ban tổ chức trao giải Vàng.

Từ một Đoàn Cải lương tên tuổi trong quá khứ, đến một CLB Cải lương bình dị hiện tại, dù khác nhau về quy mô cũng như hình thức hoạt động, nhưng ở đó đều nuôi nấng những đam mê cháy bỏng với nghệ thuật cải lương. Và sự tồn tại của CLB Cải lương Thái Nguyên hôm nay, phải chăng là sự nỗ lực của những nghệ sĩ và người yêu mến cải lương, để góp phần gìn giữ giá trị của bộ môn nghệ thuật vốn kén khán giả này.

PHẠM NGỌC CHUẨN

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước