Chủ nhật, ngày 08 tháng 09 năm 2024
08:46 (GMT +7)

Thượng Kim xa xôi

VNTN - Là bản người Dao 100% thuộc diện nghèo và đặc biệt khó khăn,  Thượng Kim (Thần Sa, Võ Nhai) không chỉ thiếu điện, đường, trường, trạm như nhiều bản làng vùng cao khác. Nơi đây còn thiếu cả đất canh tác, chợ, sóng điện thoại… Sống biệt lập và cheo leo núi cao, người dân cứ lặng lẽ sinh tồn trong mịt mùng cái nghèo, cái khó bủa vây.


Chuyện người “ngược phố” 

Điều khiến chúng tôi hứng thú ngược rừng, là câu nói đầy sự kích thích trí tò mò của Bí thư Đoàn xã Thần Sa Hoàng Văn Đức, rằng ai lên Thượng Kim vào ngày lép nhép mưa phùn, đó sẽ là một hành trình chinh phục nhớ đời. Còn nếu mưa ào ào, thì những “tay lái lụa” người bản xứ cũng phải ngồi yên một chỗ, ở phố dù có là “phượt thủ” giỏi cũng chẳng nên dại gì mà “hành xác”. Và câu chuyện về cô giáo dạy mầm non ở bản đã phải ăn măng luộc suốt cả một tuần mưa dầm dề, lại khiến lòng người trắc ẩn giăng mắc ám ảnh.

Ấn tượng đầu tiên về cô giáo mầm non Lê Thị Thanh Giang là sự phong trần, mạnh mẽ từ dáng vẻ đến cách trò chuyện. 22 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thành phố Thái Nguyên, Giang vừa tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, xin đi dạy hợp đồng và được phân công lên phân trường xóm Thượng Kim. Từ UBND xã Thần Sa vào xóm gần 20km, đường đá và dốc, đoạn đường đất hơn 4km cuối cùng dẫn vào xóm trầy trụa đất đỏ quạch, đi xe máy phải vào số 1, ga hết cỡ mới leo được qua dốc cao. Lên xóm hơn 3 tháng nay, Giang chẳng nhớ đã ngã xe bao nhiêu lần, quần áo lấm lem, hư rách đáng kể. Có lần đi đến giữa dốc xe chết máy, điện thoại không liên lạc được, trời lại nhập nhoạng tối, Giang bất lực ngồi khóc. Cô giáo trẻ bộc bạch: Ngày đầu đến thấy bản làng im ắng mà lòng buồn và nản. Nhưng em chỉ nghĩ mình còn trẻ, còn khỏe, cũng nên trải nghiệm cuộc sống cô giáo miền xuôi lên miền núi. Chứ nếu ai cũng ngại khó ngại khổ, thì những đứa trẻ nơi đây sẽ thế nào? Rồi sự chân thành của dân bản, nét đáng yêu, thật thà của lũ trẻ đã dần níu chân em.

Cô giáo Lê Thị Thanh Giang trong ngôi nhà tập thể

Những ngày đầu cô giáo ở nhờ nhà dân, sau quen đất quen người nên em chuyển ra sống nhà tập thể giáo viên. Gọi là “nhà tập thể” cho oai, có hai phòng, nền đất nhấp nhô, mái tôn cũ kĩ, được bao quanh bởi những tấm gỗ ghép vào nhau xiêu vẹo. Giang ở một phòng, một phòng là của thầy giáo Nguyễn Xuân Hải (huyện Phú Bình) dạy cấp tiểu học. Nhắc chuyện ăn ở khi cắm bản, Giang cười xòa: Thấy buồn nhất là không có điện, sóng điện thoại thì chập chờn, ở đây một tuần là một tuần bị “mù” thông tin bên ngoài. Chiều lại cứ ăn cơm xong là leo lên giường chứ chẳng đi đâu được. Mùa đông sương phủ nhiều, lúc nào cũng lạnh hơn thành phố mấy độ nên rét lắm. Hễ trời mưa là nhiều vắt, sợ phát khiếp chị ạ.

Với mức lương hợp đồng hơn 2 triệu/ tháng, chỉ tính riêng khoản chi phí sửa xe Giang đã chi hết phân nửa vì săm lốp, xích đi đường này phải thay liên tục. Xóm không có chợ, ngoài trung tâm ủy ban cũng không có nên mỗi tuần Giang về nhà một lần vào chiều thứ 6, chiều chủ nhật trở lên với lỉnh kỉnh đồ đạc. Thức ăn chủ yếu là đồ khô, để được lâu như trứng, cá mắm, lạc đậu…, hạn chế thức tươi vì chỉ để được một hai ngày, lâu hơn là hỏng. Bây giờ Giang biết theo dân bản đi hái rau rừng, lấy măng, kiếm củi… Sự trải nghiệm tuy chưa nhiều song đã làm thay đổi suy nghĩ và lối sống của cô gái thành phố vốn đã quen với ánh sáng, những cung đường bằng phẳng, những bữa cơm gia đình quây quần… Kể chuyện ăn măng luộc suốt cả tuần trời, Giang chỉ cười: Em vẫn về được thành phố hai ngày nghỉ cuối tuần, mua được thức nọ thức kia, vẫn nhờ bố mẹ lo thêm cho. Dân sống ở đây bao năm nay, bà con còn khổ gấp nhiều lần, nhiều năm nay kia mà. Thành ra thấy cái khổ của mình là chuyện bình thường thôi chị ạ. Thương nhất lũ trẻ, người dân chân thật, có gì cũng mang cho thầy cô. Thấy họ tình cảm với mình là vui rồi.

Là người khá bạo dạn nên Giang nào tin chuyện ma quỷ, ấy vậy mà lên bản nhiều đêm bồn chồn, sợ hãi không ngủ được, khi thì mưa to, mái tôn kêu rầm rầm, nghĩ đến những câu chuyện truyền miệng của dân bản về người đi rừng bị hổ đuổi, ma giấu… mà bất an. Đấy là còn chưa kể đến việc bị trai bản chòng ghẹo nữa. Những lúc ấy Giang phải tỏ ra cứng rắn, không xấu hổ mà thân thiện trong giao tiếp, ứng xử. Dần dần dân bản quý cô giáo nên cũng “đe nẹt” giúp, bây giờ Giang đã không còn bị trêu như trước nữa.

Cô giáo trẻ cứ hồn nhiên bộc bạch, sau đó là những tràng cười thoải mái. Nhìn cái cách Giang khéo léo đưa tay lái ở những cung đường sống trâu, hay khi leo lên những con dốc ngược như một “phượt thủ” thực thụ, thì dường như cái khó nơi đây đã chẳng làm khó được cô gái có khí chất mạnh mẽ này. Thật đáng nể phục làm sao!

Lặng lẽ đất nghèo 

Đưa chúng tôi vào xóm, Bí thư Đoàn xã Hoàng Văn Đức trêu đùa khi thấy tôi ngồi phía sau túm chặt áo anh và... im lặng: “đi đường sóc, gồng mình leo dốc thế này sẽ chẳng bao giờ có tí mỡ thừa nào trên người cả”. Thật may là tiết trời nắng ráo, chiếc xe cõng hai người chúng tôi hơn một tạ mấy lần tưởng không vượt được dốc đã khiến tôi cảm thán, rằng xe máy vùng này như cũng kiên gan hơn thì phải!

Bản Thượng Kim có 33 hộ đồng bào dân tộc Dao, 145 nhân khẩu, 100% thuộc diện nghèo và đặc biệt khó khăn. Cả xóm chỉ có 6 ha đất ruộng nương. Đất đai là tài sản của người nông dân, vậy nhưng có tới một nửa hộ dân ở đây không có ruộng. Chủ yếu trồng sắn, lúa nương, gieo trồng nhờ trời nên nhà có ruộng cũng chẳng khá hơn nhà không có là bao, người dân phải vào rừng đào bắt dúi, lấy măng đem bán mua gạo, sống đắp đổi qua ngày.

Trên bếp lửa ở góc nhà, nồi cám lợn đang lục bục sôi, chị Triệu Thị Thu và một vài người hàng xóm ngồi quây quần sưởi ấm và chờ đợi niềm vui nho nhỏ dịp cuối năm. Chẳng là hôm nay có một chương trình thiện nguyện do Câu lạc bộ Sẻ chia hơi ấm và các cá nhân, đơn vị kinh doanh, trường học ở thành phố Thái Nguyên tổ chức đến với bà con. Bầu không khí trở nên thật rộn ràng trong nắng ngọt, những đứa trẻ háo hức nô đùa, chờ đợi bố mẹ chúng nhận quà. Với những suất quà là các nhu yếu phẩm như gạo, mì tôm, chăn ấm, quần áo…, niềm vui, sự cảm kích ánh lên rạng rỡ trong mắt người lớn, trẻ nhỏ.

Nhận phần quà trở về bên bếp lửa, chị Thu xúc động bảo: “Thật vui khi được các tổ chức thiện nguyện quan tâm, chia sẻ khó khăn với bà con. Nhưng nghĩ về lâu dài thì dân mình phải tìm cách làm kinh tế, chứ đâu ai cho mình mãi được. Nhưng mà thấy khó lắm, nghèo bao năm nay rồi”.

Nói đoạn chị kể, nhà có 2 sào ruộng, 4 miệng ăn lúc nào cũng thiếu. Con trai đang học cấp 2 ngoài trung tâm xã, được miễn giảm học phí, mỗi tháng nhà nước hỗ trợ 15kg gạo, tiền ăn 500 nghìn/tháng, có chỗ ở bán trú…, nhưng chắc cũng chỉ học hết lớp 9 thì nghỉ thôi, vì học cấp 3 phải ra tận Cúc Đường thì quá vất vả. Chồng chị, anh Triệu Đức Tài ngoài thời gian nông vụ thì đi cắt gỗ thuê, tiền công mỗi ngày từ 100 - 200 nghìn. Nhưng công việc ấy không có thường xuyên nên nguồn thu cũng bấp bênh. Bản thân chị Thu cũng muốn đi làm thuê các công việc như ô sin, nấu cơm cho thợ xây… nhưng chẳng dám vì không biết chữ, chẳng nơi nào nhận.

Vì đường đi khó nên phụ nữ trong xóm chẳng mấy người chạy được xe máy. Không có sản phẩm gì để tiêu thụ, thành ra các chị cả tuần, thậm chí nửa tháng mới đi chợ một lần, mà phải lên tận chợ Như Cố (Chợ Mới, Bắc Kạn) mua đồ khô dự trữ. Ngày chưa có đường chạy được xe máy như bây giờ, mỗi lần con ốm phải cõng bộ ra trạm y tế trung tâm xã mất 3 - 4 tiếng đồng hồ.

Nói đến chuyện học thì buồn. Cả xóm không có ai học hết cấp 3. Gọi là phân trường nhưng phòng học mượn nhà văn hóa cũ, hiện có 11 cháu mầm non và 5 học sinh bậc tiểu học. Vì học ghép nên chỉ có một thầy giáo, các buổi lên lớp, thầy Hải phải chạy qua chạy lại với 4 góc bảng. Chặng đường đi tìm con chữ với trẻ con Thượng Kim cứ dài thênh thang mãi ra vì nghèo khó và xa ngái. Hầu hết cứ học hết lớp 5 là nghỉ, hiếm hoi được vài em ra xã học cấp 2, nhưng cũng chỉ đến được đó là nỗ lực lắm rồi.

Vừa bước qua tuổi 20 nhưng Triệu Thị Hằng đã có gần 5 năm đi lao động Trung Quốc. Cũng chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ nên đi chui theo hình thức quen biết, có mối dẫn sang, vào làm ở công ty đồ trang sức. Mấy năm lạ nước lạ cái, ở xứ người lúc nào cũng nơm nớp lo sợ công an đuổi bắt. Nay dạn dĩ hơn, tranh thủ học biết tiếng Trung nên Hằng tự xin vào làm tại các xưởng tư nhân, thu nhập cũng phần nào ổn định. Vẻ ngoài xinh xắn, nhanh nhẹn, suy nghĩ của Hằng có phần già dặn sau những tháng ngày vật lộn cơm áo: Em sẽ đi làm thêm ít năm nữa, kiếm chút vốn rồi về tính cách làm ăn. Chứ ở nhà với cái vòng quay lấy chồng rồi sinh con đẻ cái, biết sống thế nào…

Xóm Thượng Kim sống biệt lập trên cao    Ảnh: Vũ Dương

Không có điện, các thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến được với bà con cũng rất hạn chế. Ông Triệu Văn Kim, trưởng xóm Thượng Kim trầm ngâm: hàng năm xóm cũng được nhà nước quan tâm hỗ trợ máy cày, máy bơm nước phục vụ sản xuất. Đất đai chủ yếu là đồi rừng, chỉ phù hợp trồng keo, hồi. Mấy năm trước xóm cũng được nhà nước hỗ trợ dự án trồng cây hồi, nhưng đến nay không phát triển được vì bà con không tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc… Dân mình lấy điện nhờ máy phát mini chạy bằng sức nước, cũng chỉ được cái bóng sáng là tốt rồi. Sản xuất, chăn nuôi chủ yếu để tự cung tự cấp chứ cũng chẳng có thức gì đặc biệt đem thông thương cả. Nói đến Thần Sa ai cũng bảo đất của vàng, trước người dân còn đi mót vàng, nhưng nay chẳng ai đi nữa vì các công ty vào khai thác, nào còn để rơi vãi tí nào.

 Sống biệt lập và cheo leo trên sườn núi, cho dù được Nhà nước quan tâm thì mọi sự ở Thượng Kim xa xôi cũng đều khó. Khi được hỏi, rằng có kế hoạch nào trong việc trồng cây gì, nuôi con gì giúp dân thoát nghèo, ánh mắt vị trưởng xóm ưu tư trả lời: chẳng biết làm gì được!

Một ngày nắng đẹp, Thượng Kim ồn ã với sự có mặt của những dấu chân tình nguyện rồi lại yên ắng trở lại sau khi những bước chân ấy dời khỏi. Chúng ta phải làm sao cho bà con “cái cần câu” chứ không mãi là những “con cá”? Câu hỏi ấy của một bạn sinh viên trong Câu lạc bộ Sẻ chia hơi ấm cứ ám ảnh tôi mãi.

Đó hẳn là một phép tính còn nhiều ẩn số, một câu hỏi không dễ có được câu trả lời trong một sớm một chiều!

Lê Đình

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Chùm thơ dự thi của Trần Huy Minh Phương

Cuộc thi sáng tác văn học 7 năm trước

Đánh thức mùa Vu lan

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Nguyên bản và bản sao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Lam Điểu

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Tựa bóng ca dao

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước

Kỳ tích ở Khe Cạn

Cuộc thi sáng tác văn học 8 năm trước