“Thúc” giải pháp căn cơ ổn định thị trường xăng dầu
Bất cập từ dự trữ, phân phối, kinh doanh cho đến điều hành giá, quản lý nhà nước, thị trường xăng dầu đòi hỏi các giải pháp toàn diện, căn cơ để ổn định hơn.
Đoàn chủ toạ Phiên giải trình
Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ
Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới, còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp.
Do đó, Phiên giải trình là cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp Bộ Công Thương ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề cập khá nhiều khó khăn trong việc thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường xăng dầu, mà điển hình là dự trữ quốc gia về xăng dầu.
Hiện tại, theo báo cáo của Bộ Công Thương, do chưa có hệ thống kho dự trữ xăng dầu quốc gia, toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được cất giữ, bảo quản riêng theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Dự trữ quốc gia năm 2012 mà bảo quản chung với xăng dầu thương mại của doanh nghiệp, khó tách bạch được giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Bên cạnh đó, do định mức chi phí bảo quản theo Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 27/01/2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất thấp, không phù hợp với tình hình thực tế (14.893 VNĐ/m3/tháng), các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang chịu trách nhiệm bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia sẽ từ chối ký hợp đồng bảo quản hàng dự trữ quốc gia nếu bị yêu cầu cất giữ riêng hàng dự trữ quốc gia.
Các yếu tố trên sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu xăng dầu, không bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế - Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh.
Giải trình về biện pháp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đề xuất: Từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026 - 2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng. Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN (hiện nay NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).
Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp. Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Quá nhiều trung gian khó giảm giá
Cũng chịu trách nhiệm giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một trong số các hạn chế hiện nay là số lượng thương nhân đầu mối và phân phối hiện đang quá nhiều. Việt Nam hiện có 34 thương nhân đầu mối, trong khi Nhật Bản hiện có 5, Trung Quốc là 4.
Đề nghị cân nhắc việc giảm số lượng đầu mối, người đứng đầu ngành tài chính cũng đồng thời đề nghị giảm số lượng thương nhân phân phối. Bởi, số lượng thương nhân phân phối khoảng 332, theo Bộ trưởng Tài chính, cũng quá nhiều. Đây là khâu trung gian, nên sẽ chi phí phát sinh và giá sẽ cao lên.
Thậm chí, có thương nhân phân phối 3 không, tức “không kho, không vốn và không cửa hàng”, Bộ trưởng nêu thực tế.
Về điều hành giá xăng dầu, người đứng đầu ngành tài chính giải thích, giá xăng dầu được xác định theo giá thị trường. Tức là trên cơ sở giá sản xuất, giá nhập cộng với các chi phí để hình thành giá cơ sở. Giá bán lẻ ra thị trường không được vượt quá giá cơ sở; giá bán tại vùng sâu vùng xa không được vượt quá 2% giá cơ sở.
Ông Phớc khẳng định, vừa qua khi có ý kiến Bộ Công Thương về hiệp thương giá thì Bộ Tài chính cố gắng trả lời trong ngày. Khi nhận được các chi phí của các doanh nghiệp đầu mối gửi tới, Bộ xin ý kiến Bộ Công Thương và thông báo ngay chi phí định mức trên cơ sở bình quân gia quyền. Các tính toán tuân thủ theo quy định pháp luật.
"Theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương trong quản lý giá xăng dầu. Bộ Tài chính tham gia ý kiến về thuế, tính chi phí định mức và có ý kiến với Bộ Công Thương để ban hành giá tại kỳ điều hành. Tuy nhiên, quyền quyết định vẫn là Bộ Công Thương, còn Bộ Tài chính có ý kiến tham gia. Bởi, theo hai nghị định trên, khi ý kiến của Bộ Tài chính không được Bộ Công Thương đồng tình thì Bộ Công Thương tự quyết định", ông Phớc nói rõ.
Hoàn thiện phương án tính giá để điều tiết giá theo quy luật thị trường
Theo Uỷ ban Kinh tế, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đối với cả nền kinh tế và đời sống người dân, là yếu tố “đầu vào” của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tại một số quốc gia trên thế giới, việc thiếu hụt nguồn cung hoặc giá xăng dầu tăng quá cao là nguy cơ dẫn đến thiệt hại lớn về kinh tế, tạo nên bất ổn chính trị - xã hội. Do đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu cần được đặc biệt quan tâm.
Trước diễn biến phức tạp của thị trường xăng dầu, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để sớm ổn định.
Như, với dự trữ xăng dầu, cần điều chỉnh định mức chi phí bảo quản phù hợp với tình hình thực tế để có thể thuê kho bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia tại các doanh nghiệp đầu mối. Về dài hạn, cần đầu tư xây dựng kho bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia để bảo đảm tuân thủ Luật Dự trữ quốc gia, tách bạch giữa dự trữ quốc gia với dự trữ lưu thông của doanh nghiệp.
Cần quy định cụ thể cam kết của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm dự trữ cho lưu thông. Đồng thời, trong phương pháp xác định các chi phí tính giá, cần bổ sung chi phí thực hiện nghĩa vụ dự trữ cho doanh nghiệp.
Khi giá thế giới tăng thì giá trong nước đã giảm và ngược lại
Phát biểu tại phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, thời gian vừa qua Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, tình hình thị trường xăng dầu vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Như thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương, chưa chủ động được nguồn cung do chưa xử lý được các vấn đề của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, hàng dự trữ lưu thông theo quy định có những thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm để đảm bảo dự trữ bắt buộc. Biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng giảm không đồng bộ. Theo số liệu thống kê, nhiều trường hợp khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước đã giảm và ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Về giá xăng dầu, Uỷ ban Kinh tế khẳng định, phương pháp xác định giá như hiện nay là sử dụng mệnh lệnh hành chính để can thiệp quá sâu vào thị trường, làm sai lệch tín hiệu thị trường, chưa phù hợp với định hướng đã nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII. Nhà nước áp đặt cả về chi phí, lợi nhuận của doanh nghiệp, tạo nên công thức giá mang tính “bao cấp”, doanh nghiệp không có động lực để cạnh tranh, tiết giảm chi phí. Doanh nghiệp chỉ bán hàng khi giá tăng, dừng bán hàng khi giá giảm nhưng có thể “đổ lỗi” cho sự quản lý của cơ quan nhà nước.
Để giải quyết tình trạng này, cần phải hoàn thiện phương án tính giá để điều tiết giá theo quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh, có sự quản lý và kiểm soát của Nhà nước.
Với đặc thù của mặt hàng xăng dầu vừa là sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, vừa là nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh. Hiện nay, mặt hàng xăng dầu phải chịu nhiều loại thuế, làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, đề nghị xem xét đưa mặt hàng xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm thuế giá trị gia tăng.
Hơn 1 năm 38 lần điều hành giá
Trong năm 2022 và tính đến ngày 17/2/2023, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính ban hành 38 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Trong đó: giá mặt hàng xăng tăng 20 lần, giảm 16 lần, 2 lần ổn định giá; giá mặt hàng dầu điêzen tăng 20 lần, giảm 18 lần; dầu hỏa tăng 20 lần, giảm 17 lần, 1 lần ổn định giá; dầu madut tăng 15 lần, giảm 17 lần, ổn định giá 1 lần.
So với đầu năm 2022 (kỳ điều hành giá ngày 11/1/2022), tại thời điểm hiện nay (kỳ điều hành giá ngày 13/2/2023) thì giá mặt hàng xăng và dầu mazut giảm từ 109 đồng/lít/kg đến 2.726 đồng/lít/kg tương đương giảm từ 0,46% đến 16,66%; mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng từ 3.323 đồng/lít đến 4.456 đồng/lít tương đương tăng từ 18,22% đến 26,0%, cụ thể: xăng RON92 ở mức 22.869 đồng/lít, giảm 1,25%, xăng RON95 ở mức 23.767 đồng/lít, giảm 0,46%, dầu hỏa ở mức 21.594 đồng/lít, tăng 26,0%, dầu diesel ở mức 21.562 đồng/lít, tăng 18,22%, dầu mazut ở mức 13.633 đồng/kg, giảm 16,66%.
Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Uỷ ban Kinh tế nhìn nhận việc sử dụng đã không đạt được các mục tiêu đề ra. Nguyên tắc trích lập, chi sử dụng Quỹ chưa rõ ràng, dẫn đến tác dụng “ngược” trong một số trường hợp. Việc quản lý Quỹ chưa công khai, minh bạch.
Đề nghị của Uỷ ban là xóa bỏ Quỹ này. Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá có khả năng ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô, an ninh - quốc phòng bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường.
Quang cảnh Phiên giải trình
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, kiến nghị của Uỷ ban là cần từng bước quy định để hướng tới mỗi lĩnh vực chỉ do một Bộ ngành quản lý. Đây là vấn đề phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, tuy nhiên cần tránh hiện tượng “đùn đẩy trách nhiệm”, tạo dư luận xấu trong doanh nghiệp và người dân.
Vĩnh An
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...