Thuần phong mỹ tục
VNTN - Nhà bà Hải hôm nay lại nhộn nhịp, nghe nói họp gia đình mở rộng có cả bên thông gia mừng cháu dâu có thai. Mấy bà hàng xóm thì thào lời qua tiếng lại. Người thì bảo, chuyện lấy chồng có con, có gì mà làm rùm beng. Người thì cãi, có chửa trước cho ăn chắc. Bà Thanh giọng oang oang:
- Cháu bà Hải đã chửa trước mấy tháng rồi. Khiếp, đàn bà con gái bụng phễnh lên lúc chưa có chồng ngượng chết đi được. Ngày xưa…
Nghe họ nói tôi kể lại chuyện cậu tôi ngày xưa. Hồi đó, cậu tôi đẹp trai lại học giỏi. Nhà làm nông vất vả. Ông tôi kén được một cô gái xinh xắn nết na chăm sóc cậu ăn học, hứa sẽ cho làm vợ của cậu nhưng dặn dò là không được động phòng nếu cậu thi không đỗ. Cậu hứa sẽ thực hiện. Khóa ấy, chẳng may cậu không đỗ. Ông tôi tạm cho cô gái về nhà bố mẹ ít ngày để cậu tôi tĩnh tâm quyết tâm thi lại sẽ gọi sang nhà tiếp tục chăm sóc cậu. Không ngờ mấy tháng sau có tin đồn là cô ấy có thai. Cậu tôi bảo ông tôi là cô ấy có chửa với cậu. Nhưng có ai tin. Thế là cô gái chửa hoang. Làng theo luật lệ sẽ đưa ra bêu riếu. Cậu tôi đau khổ, bỏ thi rồi ốm mất lúc còn rất trẻ.
Nghe chuyện bà Thanh và các bà im lặng, ai cũng có vẻ cảm động. Thế mà bà Hiệp phản bác ngay:
- Đó là chuyện cổ hủ phong kiến ngày xưa hoặc chỉ có ở các vở kịch cũ như dạng Thị Mầu, Thị Kính. Ông kể lại bọn tôi nghe còn tàm tạm, bọn trẻ nghe thấy chúng chẳng cười cho à.
Mấy bà định tham gia nhưng bị bà Thanh chặn lại:
- Tôi lại nghĩ khác. Phi cổ bất thành kim. Con gái thời nào cũng vẫn phải lấy chữ trinh đáng giá ngàn vàng. Bây giờ quá thực dụng. Chưa cưới xin đã ở chung như vợ chồng. Chẳng nói xa ở tổ dân phố ta đấy. Năm ngoái nhà bà Xuyến, khi nhà trai đến ăn hỏi cô con gái đã có chửa bốn tháng, cứ thập thò che đậy làm cho bố mẹ ngượng chín cả mặt.
Bà Thảo cao tuổi nhất cười như nắc nẻ rồi ho sù sụ, ấy vậy mà vẫn tham gia:
- Các bà lắm chuyện. Tôi lại nghĩ khác, bằng này tuổi rồi, tôi thấy cũng vừa phải, có cũ, có mới. Bây giờ ở trường, sách vở dạy công khai cho bọn trẻ đó thôi. Cho nên có gì phải ngượng. Đấy, nhà bà Thắm, cháu trai đi học Đại học ở Nga, khi về nước, rước thêm luôn cả cô vợ người Nga hơn nó mấy tuổi, bụng to vượt mặt, lại kèm đứa con gái riêng mấy tuổi, thế là được cả “trâu”, cả “nghé”. Họ cũng hãnh diện vì có một số nhà con cái bị bệnh vô sinh, tốn tiền mà không đẻ. Âu là cứ làm kiểu thử, nếu không có thai thì kéo dài thêm thời gian “tìm hiểu”, nếu đậu rồi ta cưới liền tay.
Các bà cười ngặt nghẽo. Tôi hỏi như vô tình:
- Thế nếu nhỡ cái thai ấy không chắc là cháu mình thì sao. Thời buổi này khó nói lắm. Chờ thử AND thì muộn mất rồi.
Bà Thanh cự lại ngay:
- Ông quá bảo thủ. Chuyện này là lĩnh vực khác. Bây giờ nhà bà Hải tổ chức liên hoan, nếu mời ông có đến không.
Tôi đành dàn hòa:
- Dạ, có chứ ạ, chuyện ăn chắc như thế, ai không vui mừng phải không các bà. Vui có vui nhưng thú thật tôi vẫn thấy làm sao. Ngày xưa các cụ lấy nhau về không hề quen thân thậm chí không cả biết mặt thế mà ăn ở cả đời. Đời sau ai lấy nhau cũng tìm hiểu vài ba năm, ít có chuyện bỏ nhau. Ngày nay họ dễ dãi với nhau quá nên chuyện ly hôn cũng nhiều. Có phải đâu cơ chế thị trường nghĩa là cứ có sản phẩm là xong. Phi cổ bất thành kim. Vậy có nên tôn trọng thuần phong mỹ tục không hay cứ cho tự do thoải mái hả các bà.
Tú Xuân
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...