Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:32 (GMT +7)

Thư viện kỹ thuật số – chia sẻ di sản trực tuyến để bảo tồn và truyền bá văn hóa, lịch sử

VNTN- Nhân dịp Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội (dự kiến ngày 24/11/2021), với mong muốn có thêm góc nhìn về sự lan tỏa của văn hóa Việt Nam ra thế giới, Văn nghệ Thái Nguyên trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Quyên GAVOYE (Cộng hòa Pháp) để quý độc giả cùng tham khảo.

Giao diện trang Thư viện Hoa phượng v bằng tiếng Việt

Thu thập, bảo tồn, phát huy giá trị và truyền bá di sản văn hóa vì lợi ích của nhân loại là sứ mệnh trọng tâm trong các sứ mệnh của của các thư viện quốc gia. Mới đây, BnF (Bibliothèque nationale de France – Thư viện Quốc gia Pháp) hợp tác cùng Thư viện Quốc gia Việt Nam phối hợp thành công với với Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông học (CIRAD) tạo ra bộ sưu tập “Patrimoines Partagés”  –  “Di sản chia sẻ trực tuyến” mang tên Thư viện Hoa phượng v, một thư viện kỹ thuật số chứa đựng bộ sưu tập di sản văn tương tác giữa hai nước Pháp và Việt Nam từ năm 1651 đến năm 1954.

Thư viện kỹ thuật số Hoa phượng vỹ, số hóa các tài liệu di sản chung của hai đất nước

Với một thế kỷ thuộc địa, nước Pháp hiện đang nắm giữ những tài liệu quan trọng nhất về Đông Dương tồn tại bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong đó bao gồm gần một nghìn cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ với 246 tác phẩm đặc biệt trong bộ sưu tập tiếng Việt tại Cục Bản thảo ghi lại lịch sử hình thành chữ cái Việt Nam, từ tiếng Hán sang tiếng Việt và sự ra đời của chữ Quốc ngữ. Một trong những bản thảo đó phải kể đến cuốn “Từ Điển tiếng An Nam – Bồ - Latin” của Alexander de Rhodes (1591 - 1660). Cuốn từ điển này đánh dấu sự ra đời của chữ viết La Mã hóa tiếng Việt, chữ Quốc ngữ. Ngày nay, chữ Quốc ngữ được sử dụng làm chữ viết chính thức của Việt Nam. Cuốn từ điển chính là một minh chứng lịch sử thiết yếu trong những nghiên cứu hàn lâm về lịch sử Việt Nam cận đại.

Ngoài ra, Thư viện còn có hơn 12.000 tác phẩm được xuất bản, chủ yếu là giữa 1922 và 1940 bao gồm các chuyên khảo về quản lý kinh tế và chính trị xen kẽ với những nghiên cứu lịch sử của Đông Dương, về các ngôn ngữ tồn tại trên lãnh thổ, về dân tộc học, về cách diễn đạt văn học, về văn học dân gian, tôn giáo, y học… Trong đó các tác phẩm văn học Việt Nam chiếm phần nhiều. Lý do của sự tồn tại của bộ sưu tập đồ sộ bên ngoài đất nước thì ai cũng hiểu. Nền văn học cận đại ở Việt Nam đã hình thành và phát triển song hành với sự xâm lược của thực dân Pháp tại Việt Nam. Sự ra đời của nó gắn với các tiền đề văn hóa xã hội là nền giáo dục mới, chữ quốc ngữ Latin, các cơ sở in ấn, xuất bản và đặc biệt là báo chí quốc ngữ.

Vào thời kỳ đó, Việt Nam dưới danh nghĩa của một nước được bảo hộ, mọi tài liệu xuất bản đều được coi như ấn phẩm của Pháp. Đó là lý do ngày nay Thư viện kỹ thuật số Hoa phượng vchứa đựng rất nhiều những ấn phẩm xuất bản lần đầu tiên của các nhà văn hay nhà phê bình lớn thời đầu thế kỷ trước: Hà Hương phong nguyệt (1912) của Lê Hoằng Mưu, Kim thời dị sử (1917) của Biến Ngũ Nhy, Ai làm được (1919) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa hiệp kỳ duyên (1920) của Nguyễn Chánh Sắt, Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, và rất nhiều tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn, của các nhà văn hiện thực trong giai đoạn 1932 - 1945. Về văn học sân khấu, đáng kể có Tuồng cha Minh (1881) của J. M. J., vở kịch hiện đại đầu tiên của Việt Nam, Tuồng Joseph (1887) của Trương Minh Ký, Chén thuốc độc (1921) của Vũ Đình Long, Tuồng Thương khó (1912) của Nguyễn Bá Tòng… và còn rất nhiều những tác phẩm vang bóng một thời của nền văn học nước Việt.

Với số lượng khổng lồ các tài liệu quý hiếm, Thư viện kỹ thuật số Hoa phượng v mở ra một con đường mới cho những nghiên cứu liên ngành và xuyên lục địa, cho phép các nhà khoa học tự do tra cứu các tài liệu gốc mà cho đến giờ họ ít có điều kiện được tra cứu. Trang web được xây dựng với sự đảm nhiệm của hội đồng khoa học tập hợp các giám tuyển, nhà nghiên cứu và đại diện của các tổ chức đối tác. Những tác phẩm được mã số đều là những văn bản gốc có giá trị lịch sử đã được xác định. Với mục đích cho phép một sự tra cứu rộng rãi, không phân biệt địa lý, ngành nghề, việc mã số hóa các tài liệu này đều xuất phát từ mục đích phi lợi nhuận. Một cú nhấp chuột, bất kể là ai, ở đâu, chỉ cần một màn hình điện tử có kết nối mạng internet đủ để có thể tham khảo đầy đủ tài liệu.

Thư viện kỹ thuật số, đáp ứng nhu cầu tra cứu di sản của tất cả mọi công dân

Việc số hóa các tài liệu không chỉ đáp ứng được nhu cầu tra cứu di sản của tất cả mọi công dân (không phụ thuộc vào số bản in), mà còn giúp bảo vệ tối ưu những tài liệu đang có nguy cơ biến mất do tác động của thời gian.

Ba tác động lớn nhất hủy hoại di sản xuất bản chính là thời gian, môi trường và hành động tra cứu tài liệu.

Đã có rất nhiều nghiên cứu và phát minh nhằm hạn chế đến mức tối thiểu những tác động của môi trường lên tài liệu (ổn định nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm… ở mức cân bằng). Sau hàng thế kỷ, những tiến bộ ngày một rõ rệt và đạt mức tối ưu. Hầu hết các trung tâm lưu trữ đều quan tâm và ưu tiên phát triển hệ thống bảo vệ tài liệu. Tuy nhiên ngoài việc bảo vệ các tác phẩm khỏi những tác hại của môi trường và thời gian, vẫn còn một tác nhân khác tham gia và việc xuống cấp của các tài liệu di sản, đó là việc tra cứu. Dù những người tra cứu đã ý thức được những tác hại và có những thái độ cần thiết giảm nhẹ những tác động này (đeo găng, không sờ lên mặt tài liệu, không đặt tài liệu ra ánh sáng của môi trường…) thì chỉ riêng việc đưa tài liệu ra khỏi môi trường quen thuộc cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo tồn. Nhưng không thể không tra cứu bởi đó là con đường duy nhất để tiếp cận lịch sử. Một tài liệu bị bỏ quên không có sự nghiên cứu là một tài liệu chết không có giá trị, là một sự lãng phí lịch sử.

Do đó, việc số mã hóa và chia sẻ trực tuyến là giải pháp duy nhất giúp bảo vệ tối ưu các di sản. Ngoài việc hạn chế sự biến mất vĩnh viễn của chúng, việc chia sẻ trực tuyến còn là một giải pháp giúp văn hóa di sản đến gần với cộng đồng và trở lên nhân văn hơn.

Trước kia, chỉ một ít bộ phận những nhà nghiên cứu và các nhà đam mê nổi tiếng mới có thể được quyền tra cứu các tài liệu này do mức độ giá trị của tài liệu không cho phép một sự tra cứu ồ ạt. Trước kia, để tra cứu một tài liệu nào đó, các nhà nghiên cứu và những người đam mê di sản chỉ có hai phương pháp, hoặc là đến trực tiếp nơi đang cất giữ, hoặc là dùng tài liệu photocopy. Cả hai phương pháp đều là sự lãng phí kinh tế và hủy hoại môi trường do việc phải di chuyển và nguồn nguyên liệu dùng để sao chép. Đó chỉ là câu chuyện của trước kia.

Một số chuyên mục trong Thư viện Hoa phượng v (tiếng Việt)

Ngày nay, một cú click chuột, bất cứ ai ở bất cứ đâu với bất cứ một lý do nào cũng có quyền tra cứu tài liệu một cách dễ dàng. Thêm vào đó, việc đa dạng hóa các phương tiện truy cập (máy tính, điện thoại, phương tiện truyền thông…) cho phép tất cả mọi người có thể tìm ra những thông tin cần thiết một cách nhanh nhất.

Thư viện kỹ thuật số, giải pháp truyền bá văn hóa dân tộc trên khắp thế giới

Từ một điển hình về sự hợp tác văn hóa di sản phi vật thể giữa hai nước Pháp và Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra một điều, mã số hóa các tài liệu chính là cơ hội cho chúng ta vươn ra thế giới, vừa quảng bá văn hóa dân tộc với tất cả các đối tượng không phân biệt lứa tuổi và trình độ văn hóa vừa là biện pháp bảo tồn di sản.

Về mặt hợp tác quốc tế, sáng kiến ​​này nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác quốc tế giữa các tổ chức văn hóa và cộng đồng các nhà nghiên cứu xung quanh việc quảng bá di sản trong khi đảm bảo tính bảo tồn lâu dài thông qua các dự án quốc tế.

Về mặt kinh tế, đây là biện pháp đỡ tốn kém nhất. Bởi việc xử lý các hư hại do việc tra cứu liên tục các tài liệu gốc đòi hỏi rất nhiều về nguồn vốn và tài năng để khôi phục và bảo tồn trong khi mã số hóa một lần sẽ giúp giảm thiểu các chi phí về lâu dài. Hơn nữa, lịch sử dân tộc luôn là mối quan tâm của rất nhiều người cũng như các tổ chức. Sẽ không khó để tìm kiếm các nhà tài trợ cho các dự án mã số hóa. Đây sẽ là cơ hội gắn kết và thúc đẩy sự hợp tác của tất cả những người quan tâm đến lịch sử.

Cuối cùng về mặt truyền bá di sản dân tộc, không có biện pháp nào tốt hơn mã số hóa. Minh chứng của Thư viện Hoa phượng vỹ cho thấy việc tra cứu di sản trở thành “trò đùa con trẻ”. Không còn rào cản địa lý cũng như đòi hỏi về địa vị công tác hay bất cứ một đòi hỏi tham gia tài chính nào. Bất cứ người muốn tìm hiểu là ai, chỉ cần có kết nối internet, họ cũng có thể tìm ra tài liệu cần tìm, thậm chí là vô tình tìm được những tài liệu mà bản thân họ không biết đến sự tồn tại. Một sự quảng bá không hề tốn kém và cho phép có được sự quan tâm rộng rãi nhất của nhân loại.

Cho đến thời điểm hiện tại, Thư viện Hoa phượng vỹ là thư viện trực tuyến duy nhất trên thế giới chứa đựng số lượng lớn những tài liệu di sản Việt Nam bên ngoài lãnh thổ đất nước bao gồm các văn bản gốc của các lĩnh vực khác nhau cho phép những nhà nghiên cứu hàn lâm dân tộc học được tự do tra cứu đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử của mọi công dân. Có thể nói, trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới cũng như tình trạng đại dịch như hiện nay thì việc hạn chế đi lại cũng như tiếp xúc là cần thiết. Do đó các thư viện kỹ thuật số là giải pháp tuyệt vời cho việc tra khảo tài liệu và quảng bá văn hóa dân tộc trên toàn cầu.

Quyên GAVOYE

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy