Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:21 (GMT +7)

Thủ tướng trả lời chất vấn: Mạnh dạn và tự tin mở cửa

VNTN- Chúng ta đã tạm hình thành lý thuyết chống dịch, quá trình làm, dù chưa tổng kết nhưng có bài bản, trên cơ sở đó, chúng ta mạnh dạn và tự tin mở cửa, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu thông điệp quan trọng khi trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 12/11.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn, đến nay tình hình dịch bệnh ở nước ta cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nước ta đã chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây là cách làm đúng, bước đầu có hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Xin Thủ tướng cho biết chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới là gì?

Trả lời đại biểu, Thủ tướng nói sau 2 năm thực hiện chống dịch, chúng ta có trả giá, chúng ta có cái chưa được và qua thực hiện phòng, chống dịch này chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm. Từ kinh nghiệm đó ta dần dần thích ứng và dần dần ta hiểu được dịch bệnh này, đặc biệt một phần chúng ta hiểu được con virus này.

Theo Thủ tướng thì dù chưa tổng kết một cách đầy đủ, nghiêm túc, toàn diện, nhưng cũng đưa ra được các trụ cột để phòng chống dịch.

Một là chúng ta phải cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất và giải tỏa nhanh nhất có thể.

Thứ hai, về xét nghiệm. Vì con virus này mình nhìn không thấy, ngửi không được, nếm không được, nghe cũng được, mình sờ không thấy nên phải xét nghiệm. Nhưng xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả phải tiết kiệm, phải an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus.

Thứ ba, trụ cột là các biện pháp điều trị và điều trị phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn chuyển bệnh nặng và giảm tử vong như vừa rồi chúng ta đã có kinh nghiệm.

Trên cơ sở ba trụ cột này, chúng ta cũng hình thành ra được một công thức. Đầu tiên là ta có 5k, sau chúng ta lại có 5k cộng vaccine, cộng với thuốc điều trị.

Thứ tư, công nghệ. Ta thấy xét nghiệm, tiêm chủng, tất cả bằng thủ công thì không được, cho nên phải công nghệ. Bên cạnh đó là kết hợp Đông - Tây y, kết hợp cổ truyền với hiện đại cũng là một biện pháp vừa qua chúng ta đã áp dụng.

"Chúng ta hình thành ra được tạm gọi là lý thuyết để phòng, chống dịch. Vừa qua chúng tôi đi ra nước ngoài, các vị lãnh đạo các nước cũng trao đổi về việc này. Quá trình làm mặc dù chưa tổng kết nhưng cũng có bài bản, trên cơ sở đó chúng ta mới mạnh dạn mở cửa và chúng ta tự tin mở cửa", Thủ tướng chia sẻ.

Cho rằng dịch bệnh đã bộc lộ yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, nhưng quan trọng nhất theo Thủ tướng là nguồn nhân lực, cho nên phải đầu tư cho yếu tố này. "Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị, có thể nhanh, có thể sớm được nhưng đào tạo được bác sĩ phải 6 năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực. Vì vậy, sắp tới đây giải pháp chúng ta phải tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực. Trong đào tạo nguồn nhân lực phải có có chính sách phù hợp, hiệu quả và nằm trong tổng thể chính sách chung để thu hút nguồn nhân lực này về cơ sở", ông nói.

Từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Thủ tướng đã  báo cáo Quốc hội về một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, thảo luận, chất vấn.

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, ông nhận định, đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Mặc dù ngành giáo dục cùng cả nước đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, đa dạng hóa các phương thức dạy và học, nhưng việc nghỉ học và học trực tuyến dài ngày ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý học sinh, sinh viên, giáo viên, gia đình và chất lượng giáo dục..., như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu.

"Chính phủ xin chia sẻ những khó khăn khi cuộc sống, sinh hoạt của các gia đình, thầy cô giáo, các em học sinh bị đảo lộn trong thời gian qua. Việc dạy và học trực tuyến toàn phần chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện chưa tiêm phủ vắc-xin cho học sinh và điều kiện phòng, chống dịch chưa đáp ứng yêu cầu", lãnh đạo Chính phủ bày tỏ.

Dự báo đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, khu vực và trong nước, Thủ tướng Chính phủ đồng tình với ý kiến của nhiều vị đại biểu Quốc hội về việc học trực tuyến không thể kéo dài. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch với lộ trình và phương án cụ thể để từng bước mở cửa lại trường học trong năm 2021.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình dịch bệnh, Chính phủ tập trung chỉ đạo nghiên cứu, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em; chuẩn bị tốt các điều kiện phòng, chống dịch tại trường học; tổ chức dạy học linh hoạt, bằng nhiều phương thức phù hợp với tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong giáo dục. Đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá phù hợp; rà soát tinh giản nội dung chương trình; nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên; hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho giáo viên, học sinh, gia đình. Huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ trang thiết bị cho học sinh, đặc biệt là vùng khó khăn.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Thủ tướng

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở giáo dục, đào tạo gặp khó khăn do dịch bệnh và rà soát, bổ sung chế độ, chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cho phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với giáo viên mầm non và giáo viên ngoài công lập.

5 nhiệm vụ trọng tâm mở cửa nền kinh tế

Để thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; cùng với việc khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Chuyển đổi tư duy, phương pháp, biện pháp, tổ chức thực hiện từ quản lý không Covid (Zero Covid) sang quản lý rủi ro, giảm thiểu tử vong; thực hiện tốt Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những nội dung chưa phù hợp; bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Tập trung thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch được đúc rút trong thời gian vừa qua. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Tập trung bố trí nguồn lực và có kế hoạch cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở từ nay đến hết năm 2022. Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược vắc-xin đầy đủ, nhanh nhất để tiêm sớm nhất cho người dân; phấn đấu đến hết năm 2021 tiêm 2 mũi đạt tỷ lệ bao phủ 100% cho các đối tượng cần thiết theo quy định.

Rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và có chính sách đặc thù phù hợp cho cán bộ, nhân viên y tế và các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, chủ thể của người dân, doanh nghiệp trong chủ động tổ chức phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh, bảo đảm giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần tạo đồng thuận, củng cố niềm tin cho nhân dân trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế xã hội .

Vĩnh An

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy