Thống nhất giang sơn, hội tụ lòng người…
Cùng với độ lùi của thời gian, càng tiếp cận nhiều tài liệu, nhiều phân tích, tham chiếu nhiều góc nhìn, ta càng thấy thêm những lý thú lịch sử từ ý nghĩa trọng đại của Chiến thắng Mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Một sự kiện tầm vóc nhất đã hoàn tất một hành trình chiến đấu và hy sinh suốt 30 năm, kéo dài từ mùa thu năm Ất Dậu tới mùa xuân Ất Mão, để khẳng định độc lập, tự do, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam trong thời đại mới. Trong lịch sử nước ta, đã có nhiều chiến thắng lớn lao. Chiến thắng này là lớn lao nhất, tích hợp được đầy đủ các ý nghĩa trọng đại nhất: Chấm dứt hơn 100 năm xâm lược và đô hộ của thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ; Khẳng định độc lập, tự do của dân tộc; Khẳng định sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, giang sơn liền một dải.
Còn nhìn lại xa hơn, từ hành trình phát triển và mở mang bờ cõi, xứ sở của chúng ta đã mở rộng về phương Nam, theo những cánh buồm của người Việt lênh đênh ra biển lớn... Đất nước trở thành một dải đất thon thả kéo dài từ Mục Nam Quan tới rừng đước Năm Căn ra nơi Đất Mũi trên đất liền, rồi mở mang ra cả vùng biển, những Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa, Hoàng Sa… Quá trình này đã định hình hình thể đất nước từ đầu thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18, thì hoàn tất như ngày hôm nay… Trong hành trình đầy gian lao và hy sinh ấy, đất nước đã phải trải qua nhiều thời đoạn phân tranh, cát cứ, chia cắt. Không ít thời gian mà núi sông nước Việt này đã bị xé ra thành trăm mối tơ vò.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu).
***
Loạn sứ quân chia đất nước thành 12 vùng ảnh hưởng khác nhau. Chiến tranh Nam và Bắc triều giữa nhà Mạc và vua Lê cùng chúa Trịnh, rồi tiếp đến là thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước thành Đàng trong, Đàng ngoài. Đến chia cắt thời Tây Sơn, đất nước ta, ở phía Nam gọi là Nam Hà, có thực lực và độc lập do nhà Tây Sơn nắm, còn ở phía Bắc, là Bắc Hà, khi Lê Chiêu Thống sang cầu viện ngoại bang, thì rối ren và nằm trong con mắt thèm khát chiếm lấy của vua Càn Long và nhà Mãn Thanh bên đại quốc Trung Hoa.
Lịch sử ghi dấu võ công hiển hách của vị anh hùng áo vải Quang Trung mùa xuân năm 1789 đại phá ba mươi vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giành lại độc lập cho đất nước. Nhưng cũng ghi dấu một tiếc nuối đến bàng hoàng khi công cuộc thống nhất đất nước chưa thể hoàn tất vào phút chót. Vua Quang Trung đã mất đột ngột ở tuổi 39 vào năm 1792, ngay trước khi khởi binh tiến đánh tàn quân nhà Nguyễn có sự hỗ trợ của ngoại bang nơi cuối biển trời phương Nam. Và từ đó, nhà Tây Sơn trở nên suy yếu, mất hết thực lực và sức mạnh đoàn kết vì đại nghiệp.
Như một trớ trêu của lịch sử, mười năm sau, vào năm 1802, nhà Nguyễn dần dần lớn mạnh, đã đặt dấu chấm hết cho triều đại Tây Sơn. Nhà Nguyễn đã lần đầu tiên thống nhất đất nước với ý nghĩa hành chính, tức là toàn bộ đất nước nằm dưới sự trị vì của một chính quyền. Nguyễn Ánh lên ngôi với niên hiệu Gia Long, là hai chữ kết lại của Gia Định và Thăng Long với hàm ý nhất thống Nam Bắc. Nhưng Nguyễn Ánh thất đức, trả thù tàn bạo triều Tây Sơn, ngũ mã phanh thây vua Quang Toản, đào mộ vua Quang Trung và Nguyễn Nhạc… Điều này báo hiệu cho một thời kỳ không thể hội tụ được lòng người, dẫn đến ngoại bang đô hộ dưới ách Pháp thuộc và đất nước lại bị chia ra làm ba miền, ba xứ, với ba hệ thống cai trị khác nhau là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ.
Sau Hiệp định Genève về Đông Dương, non sông vẫn bị cắt chia với một bên là một nước Việt Nam mới giải phóng được một nửa, đã có độc lập nhưng chưa thống nhất trên thực tế, một bên là dưới quyền thực dân Pháp chưa chịu rút hết, vẫn đang cố gắng níu kéo, bám víu cho kỳ được, rồi sau đó Mỹ nhảy vào và từng bước lấn dần quyền lực, hất cẳng hoàn toàn để thay vai trò của Pháp…
***
Bằng sự kiện lừng lẫy ngày 30/4/1975, dân tộc ta đã hoàn thành sự nghiệp thống nhất non sông một cách bền vững, thật sự đưa đất nước ta thoát ra khỏi nỗi đau chia cắt kéo dài bao nhiêu triều đại trong suốt mấy trăm năm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiệu triệu sự nghiệp thống nhất trong bài thơ Mừng Xuân cuối cùng của Người (1969): “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn!”. Anh hùng, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, những ngày mở đầu cuộc chiến đấu chống Pháp ở rừng Chiến khu Đ đã gói trọn khát vọng thống nhất trong hai câu thơ tuyệt bút: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Nhà thơ cách mạng Tố Hữu viết: “Ta lại về ta, những đứa con/ Máu hòa trong máu, đỏ như son”. Cảm xúc thống nhất vỡ òa trong ca từ của nhạc sỹ Võ Văn Di: “Biển trời quê ta/ Nay chung một nhà/ Thỏa lòng bao năm/ Ước mơ... /Trời Việt Nam gió reo nắng cười/ Đàn bồ câu tắm trong vàng tươi/ Người Việt Nam đón Xuân xây đời/ Tương lai...”.
Có ý kiến cho rằng, nên gọi Ngày Chiến thắng 30/4/1975 là Ngày Thống nhất đất nước. Gọi như vậy không hạ thấp ý nghĩa chiến thắng, mà còn đề cao khát vọng ngàn đời nay của dân tộc ta về một quốc gia non sông liền một dải, nhân tâm tụ lại một lòng, để hướng đến phát triển và thịnh vượng…
Vậy là đã trải qua thời gian hơn gấp rưỡi thời gian làm nên Ngày Thống nhất đất nước. Trong thời gian ấy, chúng ta vẫn còn phải đối đầu với biết bao nhiêu biến cố và thử thách mới: Hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Những xung đột giằng co lúc quyết liệt, khi âm thầm ngoài biển Đông, nơi Trường Sa chưa trọn vẹn, nơi Hoàng Sa còn đau đáu… Một cuộc cấm vận kéo dài hai mươi năm. Hai cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới tác động tới nền kinh tế vừa gượng dậy sau kiệt quệ. Và cùng với đấy là những khó khăn nội tại: Những duy ý chí, ấu trĩ và chủ quan của một thời, sự buông lỏng quản lý dẫn tới tàn phá của lợi ích nhóm, tham ô tham nhũng, rồi diễn biến hòa bình, tự chuyển hóa, tha hóa từ chính trong những con người đã lập nên những chiến công lừng lẫy năm xưa…
Kể ra như thế, để thấy những gì chúng ta đã đạt được hôm nay, xứng đáng được coi là thần kỳ, là “điều kỳ diệu” như nhiều đánh giá của những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Không cần phải dẫn ra những con số, những so sánh, chỉ bằng những cảm nhận đầy cảm tính của những người bình thường, thì đã không ai phủ định được những thành tựu ấy. Một dải đất ven biển Đông đầy vết đạn bom xưa, nay đã chuyển mình thành tráng lệ. Các thành phố lớn của nước ta, ta đang ở đấy, đã rất lâu rồi, mà nhiều khi phải thốt lên, nào có kém gì những đô thị lâu đời và hiện đại trên thế giới.
Nước Việt Nam, từ một xứ thuộc địa, mờ mờ nhân ảnh, giờ đã là một chủ thể có vai trò quan trọng, tham gia chủ động điều tiết nhiều vấn đề trong khu vực và trên thế giới. Người Việt Nam đã bắt tay và đối thoại bình đẳng trong sự tin cậy với mọi dân tộc trên thế giới…
Lớp người sinh ra trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, thập kỷ của thống nhất đất nước, giờ đã có nhiều tên tuổi thành những nhà lãnh đạo, quản lý, thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ nổi danh, không chỉ trong phạm vi nước Việt, mà còn vang danh trên thế giới. Một đội ngũ doanh nhân thế hệ 7x đang chiếm tỉ trọng cao nhất trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất. Họ có bóng dáng của công dân toàn cầu, nghĩ lớn, làm lớn, và thực sự đã là đầu tầu cùng với lớp trước, lớp kế sau, làm nên rường cột của kinh tế và phát triển của đất nước hiện nay và trong chặng đường sắp đến…
Tranh cổ động mừng đất nước đổi mới. Nguồn: baochinhphu.vn
***
Thống nhất giang sơn, hội tụ lòng người - Khát vọng lớn lao ngàn đời này của dân tộc càng cần được hun đúc và bồi đắp trong thời điểm hiện nay.
Nếu hỏi, thật sự, nhân tâm của mọi người dân Việt, cả ở trong nước và các nơi trên thế giới, đã tụ về thành một lòng chưa, thì cũng phải trả lời thành thật rằng, chưa đâu! Đây chính là lúc mà chúng ta càng cần nỗ lực hơn nữa cho cuộc hội tụ lòng người này!
Khi nào nhân tâm của mọi người Việt tụ lại thành một lòng thì chúng ta mới tin rằng giấc mơ thịnh vượng và bền vững ngàn đời nay của quốc gia bên bờ sóng Thái Bình Dương này mới hội đủ các cơ sở để hiện thực hóa.
Cuộc chiến chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm hiện nay với những bước đi quyết liệt và hiệu quả cho thấy nhân tâm đang tụ lại… Khi người dân tin tưởng vào phẩm cách, trí tuệ, sức mạnh và quyết tâm của những người lãnh đạo đất nước trong công cuộc chiến đấu chống tha hóa, thì cũng là lúc nhân tâm được thắp lên.
Những chủ trương, chính sách lấy lợi ích khoan thư sức dân, động viên mọi người dân phát triển và làm giàu, đóng góp vào sự phát triển và giàu mạnh như những hiệu triệu của thời kỳ mới. Việc công khai, minh bạch, dân chủ thực sự trong những quyết sách quan trọng sẽ nhân lên lòng tin yêu của người dân đối với Nhà nước của mình, sẽ bồi đắp bền vững vào nhân tâm.
Những người Việt tứ tán khắp nơi trong những biến cố của lịch sử đất nước vẫn đau đáu dõi nhìn về đất nước và họ đang trở về… Chúng ta đón họ trong tâm thế “có triệu người vui nhưng cũng có triệu người buồn” như tâm thế của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Còn có gì cao hơn nghĩa đồng bào, còn có gì thiêng liêng hơn đất nước nơi chôn nhau cắt rốn, gốc tích của các đời con cháu tiếp nối sau này. Hãy lấy cái gốc ấy từ nhiều phía mà đối đãi, cư xử. Điều ấy sẽ làm nhân tâm tụ về…
Trong lịch sử đất nước thời hiện đại, các cuộc chiến tranh và hành trình cách mạng như “trời long đất lở”, có những lựa chọn đớn đau vào những thời điểm lịch sử, và có cả những sai lầm trong nhận định, trong xử thế vì ưu tiên hay coi trọng những mục tiêu chiến lược. Thời gian đã trôi qua, đủ để chúng ta nhìn lại, đưa ra những minh định. Điều này cũng sẽ làm nhân tâm dân tộc tụ về…
Có lẽ, chưa bao giờ, đất nước hội được nhiều những yếu tố để phát triển và cất cánh như hiện nay.
Chưa bao giờ chúng ta có những chín muồi để tập hợp mọi năng lượng tích tụ từ trong lịch sử cũng như năng lực thật sự mạnh mẽ và sáng láng của người Việt cho công cuộc chấn hưng đất nước như giai đoạn hiện nay. Có thể nói, hiện nay, chứ không bao giờ khác nữa, hãy hiện thực hóa giấc mơ cháy bỏng ngàn đời nay của người Việt Nam chúng ta!
Nguyễn Thành Phong
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...