Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
19:33 (GMT +7)

Thông điệp từ một cuộc thi ảnh

VNTN - Không biết Ban Tổ chức Cuộc thi ảnh “Khai thác khoáng sản vì sự phát triển bền vững" (do Quỹ Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên) phối hợp cùng Trung tâm Phát triển và hội nhập CDI tổ chức) đã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực, để chỉ trong vòng vỏn vẹn một tháng (từ 3/11 đến 4/12/2015), họ đã thu được 316 bức ảnh gửi dự thi.

Theo kinh nghiệm suốt từ năm 1993 đến nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên năm nào cũng mở ra những cuộc thi ảnh. Nếu cuộc thi nào từ ngày phát động đến khi chấm ảnh mà thời hạn khoảng sáu tháng, là đã bị coi rằng cập rập. Những trục trặc không lường trước luôn hiện hữu và rắc rối thì chẳng bao giờ giống nhau để mà rút kinh nghiệm.

Bùn thải - Tác giả Nguyễn Tiến Phong (giải Nhì)

 Ngày Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh Thái Nguyên phát động cuộc thi, tôi thực sự nghi ngờ đến một kết quả thành công, dù chỉ là trong một phạm vi hẹp. Ấy thế mà ngày chấm ảnh tôi ngỡ ngàng bởi số lượng ảnh gửi tới tham dự. Điều tôi đặc biệt quan tâm là trong số những người gửi ảnh có rất nhiều tên tuổi lạ lẫm. Thế có nghĩa rằng Ban Tổ chức đã hiểu rất chắc việc mình làm; vấn đề môi trường, đặc biệt là môi trường khai thác khoáng sản ở tỉnh Thái Nguyên được rất nhiều người quan tâm...

Ban Tổ chức chu đáo và có phần chuyên nghiệp. Từ khâu đánh số thứ tự ảnh, đến việc giấu kín danh tính người dự thi, đặt tiêu chí thang điểm cho việc chấm chọn, chuẩn bị máy tính cá nhân, màn chiếu..., thực sự đã tạo điều kiện cho Ban Giám khảo có một tâm trạng rất thoải mái, vô tư khi làm việc.

Một cuộc thi ảnh, nếu chọn 80% số ảnh gửi đến để triển lãm, thì chất lượng rất kém. Nếu chọn 50% thì chất lượng ở mức trung bình và khi chọn 30% số ảnh đễ triển lãm thì rất khá. Còn cuộc thi này, Ban Tổ chức yêu cầu lấy 30/316 ảnh - chỉ chọn dưới 10% ảnh gửi đến dự thi, thì thực sự đã “gây khó” cho Ban giám khảo. Phải qua nhiều vòng chọn ảnh. Càng về sau, mỗi bức ảnh bị loại ra đều làm cho Ban giám khảo trăn trở, thậm chí gay gắt tranh cãi, bởi có không ít trong số những bức ảnh bị loại chất lượng rất tốt.

 Cuối cùng chốt lại, hai tác phẩm đoạt giải Nhì rất xuất sắc. Tác phẩm “Trả lại màu xanh cho môi trường" của anh cán bộ trẻ Đỗ Mạnh Cường, công tác tại Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam như là một bức tranh về sự bền vững môi trường tiêu biểu, theo phong cách “cổ điển”. Tiền cảnh là khu đất vừa hoàn thổ mới được trồng cây. Hậu cảnh là khu nhà máy chế biến quặng. Chỉ tiếc phần trung cảnh giá có thêm một chút hoạt động của con người nữa thì hoàn thiện mỹ mãn hơn. Bức đoạt giải Nhì thứ hai của nhà giáo Nguyễn Tiến Phong chụp về một khe hẹp kẹp giữa hai bãi phế thải, ở đây con người đang như tuyệt vọng để chống chọi lại sự xâm lấn của lớp bùn trôi, nó quả là một thảm cảnh cho môi trường. Bức ảnh đoạt giải Nhất của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Hải được Ban giám khảo đồng tình rất cao.

Trả lại màu xanh cho môi trường - Tác giả Đỗ Mạnh Cường (giải Nhì)

Anh chụp một con đường như ta vẫn thấy rất nhiều trên các vùng mỏ. ở những cung đường ấy, nếu gần mỏ than vào mùa khô, thì bụi bám đen sậm cây cối hai bên đường. Còn nếu gần mỏ sắt, bụi sẽ nhuộm đỏ hồng cây lá. Và mùa mưa thì nhớp nhúa bùn dày có chỗ ngập tới nửa lốp ô tô. Con đường trên ảnh vắng như bị bỏ hoang. Nhưng những vệt xe lại mách bảo cho người ta thấy nơi đây đang mùa khai thác cao điểm. Một em bé đeo cái cặp đang rướn mình trên chiếc xe đạp. Em thật nhỏ bé, lạc lõng và cô quạnh. Toàn cảnh, người ta không thấy dấu hiệu tươi vui của một đứa trẻ đang tung tăng đến trường.

Chỉ thấy con đường đen đúa như neo một dấu chấm than dài bất tận vào tiềm thức của người xem ảnh... Đây có lẽ cũng là thông điệp của cuộc thi. Bức ảnh khơi gợi lòng trắc ẩn của mọi người. Câu hỏi sẽ bật ra như một phản xạ tự nhiên, là việc khai thác khoáng sản của chúng ta lâu nay đã hợp lý chưa? Độ bền vững cho môi trường đã được tính đúng, tính đủ? Con đường ngập bụi ngày hai buổi đi, về của đứa trẻ có là môi trường tốt cho một chủ nhân tương lai của đất nước? Và bước vào tuổi thành niên cậu bé sẽ bươn chải ra sao, khi mà lớp cha, anh của cậu đã khai thác tận kiệt không còn để lại gì cho thế hệ của chúng...? Tạo ra một cuộc thi, những người làm công tác môi trường như muốn kéo cả xã hội nỗ lực vào cuộc.

Đường vào mỏ than - Tác giả Ngọc Hải (giải Nhất)

 Từ việc nhỏ như làm vệ sinh cá nhân, đến việc khai thác nguồn khoáng sản cần đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Nếu không nhìn trước những mặt lợi và bất lợi cho mỗi chu kỳ tăng trưởng và phát triển, thì xã hội tương lai sẽ phải gánh những hậu quả khôn lường.

Ba mươi bức ảnh được chọn trưng bày, là ba mươi góc nhìn chân thật, nó có tác động khác với những khẩu hiệu sáo rỗng đã khiến xã hội làm ngơ.

Tuy số lượng chọn treo triển lãm chưa nhiều, nhưng vẻ đa dạng của những hình ảnh sẽ như một tiếng chuông cảnh báo tới người xem, rằng vấn đề môi trường không phải chỉ những người làm công tác môi trường nỗ lực. Nó là việc của mỗi cá nhân, nếu tất cả chúng ta ai cũng muốn có một cuộc sống lành mạnh, bền vững và tươi đẹp.

 Hy vọng rằng những cuộc thi ảnh về môi trường ở những năm tiếp theo của tỉnh Thái Nguyên sẽ được phát động sớm hơn, để đông đảo người dân có điều kiện chia sẻ “cái nhìn và thái độ” của mình về vấn đề môi trường và số lượng ảnh chọn treo cũng sẽ được nhiều hơn.

Vũ Kim Khoa

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy