Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
04:45 (GMT +7)

Thông điệp nghị trường

VNTN - Ngày 9/4, Quốc hội khoá XIV đã bế mạc kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ này với phần lớn thời gian được dành cho công tác nhân sự.

Thường thì việc bầu các chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước và kiện toàn bộ máy sẽ diễn ra vào kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ mới. Nhưng hai nhiệm kỳ nay, Quốc hội đã tiến hành việc này tại kỳ họp cuối cùng - thời điểm cách kỳ họp thứ nhất nhiệm kỳ mới khoảng 4 tháng.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bên hành lang nghị trường.

Và như thế, rất có thể, các chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước sẽ tuyên thệ nhậm chức hai lần trong bốn tháng. Ở kỳ họp Quốc hội này, cả tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng, khi phát biểu nhậm chức đều đưa ra những thông điệp mạnh mẽ với sự phát triển của đất nước.

"Với cương vị Chủ tịch Quốc hội, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình, cùng tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp và thành tựu to lớn của Quốc hội qua các thời kỳ, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu nhậm chức.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức.

Được trao trọng trách mới, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa trước Quốc hội và Nhân dân cả nước, sẽ không ngừng tu dưỡng đạo đức, phẩm chất, tận tâm, tận lực, trách nhiệm, cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước được Hiến pháp và pháp luật quy định.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng hứa sẽ gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Trong toàn bộ nhiệm kỳ vừa qua, con tàu Việt Nam ta đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố; từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước, song dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, sự phối hợp và giám sát chặt chẽ của Quốc hội và sự đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới trong thực hiện “mục tiêu kép”, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

 

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV đã bầu ra các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước.

Theo Chủ tịch nước, trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam ta sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen. Nhưng Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng đất nước nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc.

Là người thứ ba tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu 5 định hướng hành động với tinh thần tiếp tục đổi mới.

Một là, xây dựng chương trình hành động để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Tăng cường phân cấp, phân quyền, đồng thời xác định rõ trách nhiệm, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân: đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính nhà nước và toàn xã hội. Cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, dựa vào Nhân dân trong giám sát và kiểm soát quyền lực; chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng các cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, quyết liệt, hiệu quả. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ba là, quản lý, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất - kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19.

 

Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ đã được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ 462/466 phiếu tán thành, đạt tỷ lệ 96,25% tổng số ĐBQH.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế.

 

Các đại biểu bấm nút biểu quyết.

Năm là, xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát triển giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển và xây dựng đất nước; có giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo, coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, trong đó quan tâm, chú ý hơn đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế trong xã hội. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh.

Như nhận xét của đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khi trao đổi bên hành lang Quốc hội: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo chính phủ khóa XIV đã ghi dấu ấn mạnh mẽ với 570 chuyến lên rừng xuống biển tạo được sự cảm mến cho người dân... Nay chúng tôi tiếp tục tin tưởng trên cương vị Thủ tướng, ông Phạm Minh Chính sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao đáp ứng sự kỳ vọng của Nhân dân. Đặc biệt, trong điều hành sẽ có những điểm mới, điểm đột phá để đưa nước ta thực hiện khát vọng trở thành nước Việt Nam hùng cường trong thời gian tới.

“Mỗi lần quay trở lại Quảng Ninh, mọi người đều nhắc tới dấu ấn của ông Phạm Minh Chính. Những dấu ấn ấy đã được ghi vào trong nghị quyết từ thời ông Phạm Minh Chính làm Bí thư, hiện nay Quảng Ninh vẫn đi theo chủ trương, đường lối đã được xây dựng từ thời đó, và có thể nói Quảng Ninh là hiện tượng của khu vực phía Bắc về phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt từ kinh tế nâu chuyển sang kinh tế xanh. Trước đây môi trường ô nhiễm, nói đến Quảng Ninh là nói đến khói, bụi, than nhưng nay có thể nói là rất sạch. Chúng tôi thấy đây là kinh nghiệm mà như tôi trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy cũng phải học tập”.

(Bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên)

Vĩnh An

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy