Thời khắc lịch sử trong ký ức của một nhà báo
VNTN - Các cụ xưa có câu “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Người thọ 70, xưa nay hiếm). Ấy vậy mà, ở vào tuổi 85, cựu nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành (Thông tấn xã Việt Nam) lại có một sức khỏe và sự minh mẫn đáng kính nể.
Gặp ông trong một ngày tháng Tư đẹp trời tại nhà riêng, phố Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội, khi ông vừa có chuyến đi sáng tác ảnh cùng nhóm NSNA ở Trùng Khánh (Cao Bằng) về. Đây là chuyến đi thực tế thứ tư từ đầu năm 2018, của nghệ sĩ. Ba chuyến trước đó là: Y Tý - Lào Cai, Mù Cang Chải - Yên Bái và Hải Hậu - Nam Định.
Biết được mục đích chuyến viếng thăm của tôi, ông khiêm tốn: Trong ngày chiến thắng lịch sử 30/4/1975 giải phóng Sài Gòn, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) còn nhiều anh em cũng có mặt trong giờ phút trọng đại lắm. Nhà báo có thể tìm gặp để được cung cấp tư liệu quý giá, còn mình cũng chỉ là phóng viên một “mũi nhọn” tiến vào đúng giờ phút đánh chiếm Dinh Độc Lập thôi.
Xe tăng Lữ đoàn 203 chiếm Dinh Độc Lập
(Ảnh: Đinh Quang Thành)
Như để nhớ lại những ngày tháng hào hùng hơn bốn mươi năm trước, ông chậm rãi kể lại những kỉ niệm khó quên trong cuộc đời cầm máy ảnh thay vũ khí, cùng chiến sĩ bộ đội đánh chiếm Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử ấy:
Cuối tháng 3 năm 1975, tôi đang có chuyến công tác ở Hải Phòng thì được điện của anh Đỗ Phượng gọi về. Đầu giờ chiều tôi có mặt ở cơ quan và được lệnh đi chiến dịch gấp. Tôi không kịp về nhà, chỉ kịp nhắn tin cho vợ tôi đến cửa cơ quan nhận đồ dùng cá nhân của tôi mang về bởi những gì cần thiết cho một anh lính - phóng viên cơ quan đã chuẩn bị sẵn. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi lên đường. “Tổ mũi nhọn”, tên do anh Đỗ Phượng đặt gồm tôi và hai trung úy phóng viên Thông tấn quân sự Hứa Kiểm, Vũ Tạo. Trên chiếc Com măng - ca đít vuông còn một máy điện đài quay tay và chú điện báo viên tên Bình cùng bao gạo 50kg. Dời Hà Nội, xe đi suốt ngày đêm không nghỉ để lại phía sau những địa danh quen thuộc: Thanh Hóa, Vinh, Đồng Hới, Vĩnh Linh…
Sớm hôm sau chúng tôi đã vượt cầu Hiền Lương - cây cầu chia cắt hai miền Bắc Nam mấy chục năm ròng. Lòng chúng tôi xốn xang khi xe lướt trên quốc lộ 1, băng qua hàng rào điện tử Mắc Namara, qua Cồn Tiên, Dốc Miếu, Khe Sanh, vượt cầu phao Mỹ Chánh, Huế đang rất gần. Tiếc là đến Huế, thành phố đã được giải phóng trước đó một ngày. Ở Huế chúng tôi đã gặp được anh Lâm Hồng Long, anh Trần Mai Hưởng… đã vào đây trước chúng tôi một tuần.
Sáng ngày 29/3, chúng tôi dời Huế, dọc đường đến Lăng Cô đầy đồ đạc và xác chết chưa kịp mang đi.
Ngày 28/3, giải phóng Đà Nẵng, tôi đi cùng Lữ đoàn tăng 203 vượt qua đèo Hải Vân tiến vào thành phố. Là phóng viên mặt trận, chúng tôi luôn phải có mặt ở những điểm nhạy cảm tác nghiệp để có tài liệu gửi ra Bắc. Càng vào gần thành phố đoàn xe tăng, xe cơ giới phải chậm lại do người dân từ các ngả đổ ra đường với cờ, hoa đón mừng. Tôi từ trên xe nhảy xuống, liên tiếp bấm máy, những khoảnh khắc hiếm hoi được thu vào ống kính. Hình ảnh những mẹ già bê từng thúng trái cây, các loại bánh gói chờ đoàn xe đi tới vui sướng, nước mắt giàn giụa… Tất cả đã lọt vào ống kính để sau này trở thành tác phẩm nhiếp ảnh và là kỉ vật vô giá.
Các chiến sĩ Sư đoàn 10 Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất trưa 30/4/1975 (Ảnh: Đinh Quang Thành)
Nhận được lệnh từ Hà Nội, “tổ mũi nhọn” tiếp tục hành quân đến X. Nhưng X là đâu? Chúng tôi ngơ ngác không tìm được câu trả lời, chỉ biết X - đó là phía trước.
Sau ít ngày ở Đà Nẵng chúng tôi lại lên đường, có thêm anh Lâm Hồng Long và Trần Mai Hưởng cùng đi, anh Long chở Mai Hưởng trên xe máy. Đến Quy Nhơn, đoàn anh Đào Tùng rẽ phải qua đèo Măng Giang lên Gia Lai rồi vào đường 14 đi Trung ương cục (R). Nhóm chúng tôi vẫn thẳng quốc lộ 1 hành tiến, qua Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Ở Nha Trang chúng tôi mượn được của Ủy ban Quân quản hai chiếc xe Hon đa, tôi đi xe Hon đa nữ và Hứa Kiểm đi xe Hon đa nam. Thế là cuộc hành quân của chúng tôi gồm ba xe máy một ô tô theo đoàn quân tiến vào Sài Gòn.
Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường hoan hô bộ đội giải phóng ngày 30/4/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành)
Có một kỉ niệm làm tôi nhớ mãi: 11h30 ngày 30/4/1975, sau khi theo đoàn tăng 203 tiến vào Dinh Độc Lập tác chiến lấy tài liệu và chụp hình kịp thời gửi ngay ra Hà Nội. Vừa xong việc thì một thanh niên đứng phía trước cổng Dinh níu lấy áo tôi vừa nói vừa giơ chiếc đồng hồ nữ còn mới: “Chú ơi! Cháu muốn đổi chiếc đồng hồ này lấy một đồng tiền có hình Bác Hồ, đem về cho ba má thấy Bác Hồ trong ngày giải phóng”. Tôi nói: “Chú không được phép đổi hình Bác Hồ lấy đồng hồ, nhưng cháu đưa chú đến sân bay Tân Sơn Nhất ngay bây giờ, chú sẽ tặng cháu đồng tiền có hình Bác Hồ rất đẹp, cháu có biết đường không?”.
Cậu thanh niên hồ hởi giục tôi lên xe rồi nổ máy phóng nhanh đến sân bay. Đến nơi, trước cổng có hàng rào dây kẽm gai, anh ta dừng xe không dám đi tiếp vì trong đó vẫn đang có tiếng súng, khói đen ngút trời. Tôi trấn an, cứ đi thẳng vào trong không sợ, quân ta đang đánh chiếm sân bay. Lúc này như đã trấn tĩnh, anh thanh niên tiếp tục theo chỉ dẫn của tôi phóng nhanh đến đường băng. Tôi đã đuổi kịp bộ đội ta đang tiến sâu vào trung tâm chỉ huy, lửa cháy đỏ rực trên các máy bay, khói tỏa mù mịt, thi thoảng lại bùng lên ngọn lửa cao vút trên bầu trời. Tôi liên tiếp bấm máy, hết 2 cuốn fim bằng 2 chiếc máy ảnh Rolleiflex và Pentax mang theo. Tác nghiệp xong tôi mới nhớ đến chàng thanh niên. Ngó trước, nhìn sau mới thấy anh chàng đang thập thò tít ngoài xa vì sợ… Tôi quay ra và cậu ta lại đèo tôi quay về Dinh Độc Lập. Giữ đúng lời hứa, tôi lấy trong túi tờ mười đồng đỏ còn mới có hình Bác Hồ rất đẹp đưa cho cậu. Cậu thanh niên cầm tờ tiền chào tôi, rối rít cảm ơn và lên xe phóng vội đi. Lúc này tôi mới chợt nhớ không hỏi tên địa chỉ và anh ta cũng chẳng biết tôi là ai. Đấy là kỉ niệm sâu sắc tôi còn nhớ mãi. Sau này bức ảnh đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, duy nhất mình tôi chụp được và đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và các cuộc thi ảnh báo chí quốc tế.
Nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Quang Thành
37 năm sau, ngày 30 tháng 4 năm 2012, tôi nhận được giấy mời của Giám đốc Dinh Thống Nhất mời dự buổi triển lãm chiến thắng mùa xuân 1975 và giao lưu với các cán bộ lão thành và sinh viên trường Đại học TP Hồ Chí Minh. Cùng được mời trong lần đó còn có hai đồng chí - Đại tá Bùi Quang Thận - người cắm lá cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30/4 và đại úy Nguyễn Đăng Toàn người chỉ huy xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Trước khi đi dự triển lãm, tôi phóng hai bức ảnh lớn: Đại tá Bùi Quang Thận, đại úy Nguyễn Đăng Toàn cùng hai chiến sĩ lái xe tăng 843 và 390 ngay tại thềm Dinh Độc Lập. Trong buổi giao lưu, tôi mang hai bức ảnh tặng hai người, các anh rất vui và cảm động. Những tấm hình sau 37 năm đã rất ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người chiến sĩ. Sau đó chúng tôi còn có buổi giao lưu với các em sinh viên ngay bên chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập năm ấy. Đó là những kí ức không thể phai mờ trong tôi, nhất là vào những dịp này
Duy Ngọc
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...