Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024
19:41 (GMT +7)

Thóc mách mà lại hóa hay

Đi làm về chưa kịp uống nước bỗng thấy bố tôi mặc bộ đồ tập mặt hầm hầm, vừa đến sân ông đã oang oang: “Cái thằng cha K. hàng xóm thật bố láo. Chân ướt chân ráo, mới về đây mấy năm đã lên giọng, ghét quá! Không nể có tuổi, hôm nay tao cho ăn cái bạt tai. Mẹ cha nhà lão, cái hồi trên chốt Hà Giang súng đạn chúng tao còn chẳng sợ, giờ vừa ra khỏi nhà lại có thằng lên mặt nhắc nhở…”.

Bố tôi vốn là lính chiến, đi lên biên giới từ những năm 1979, về với thời bình dù đã gần nửa thế kỷ vẫn ngang tàng, thẳng thắn đến liều lĩnh. Dân xã hội, thanh niên càn quấy trong khu còn phải “ngán”. Đưa cho ông cốc nước mát, để hạ hỏa, tôi nhẹ nhàng: “Thế lão K. đã chọc gì bố vậy?”. “À, ở nhà bí quá tao mới ra ngõ tập thể dục cho giãn gân cốt, đang định đi bộ, thì lão K. ở trong nhà thò đầu ra, mũi mồm bịt khẩu trang kín mít, oang oang: Này ông, thằng cả nhà ông hôm trước ở Hà Nội về hả? Có đi khai báo y tế không? Ông ra phường khai báo ngay đi, nhỡ làm sao thì... Hà Nội lại bùng phát dịch đấy…”. Bố tôi hậm hực: “Cái lão K. này nhìn bề ngoài rõ trí thức vậy mà nhỏ mọn. Chắc hôm anh mày lái xe về lão dòm thấy. Tao mới bảo lão, nó đi công tác nên tiện về thăm nhà. Chứ ở Hà Nội nó đã tiêm phòng đầy đủ rồi. Không đủ thủ tục thì ai cho vào thành phố. Vậy mà lão vẫn tỏ vẻ nghi ngờ lắm! Nóng tiết tao mới kháy: Nhà tôi hầu như toàn đảng viên, đâu vô ý thức tới mức con về từ vùng dịch mà không nhắc đi khai báo y tế. Ông với tôi đâu phải xa lạ gì, hàng xóm láng giềng, mà ông vẫn không tin hả? Tưởng thế là hết, đang định đi bộ thì lão lại làm câu: Ông không đeo khẩu trang mà vẫn ra đường à? Bao nhiêu người đi bộ đứng lại nhìn tưởng cãi nhau. Điên tiết tao mới bảo: Tỉnh mình làm gì có cô - vít, bao nhiêu người không đeo khẩu trang kìa ông ra đấy mà nhắc nhở. Thế là lão tịt. Tức điên ruột, chả còn tâm trạng mà đi bộ. Không là hàng xóm thì… hôm nay lão biết tay…”.

Nghe bố kể, tôi không nhịn được cười: “Ồ… chú K. cảnh giác tốt đấy bố ạ, bố phải thông cảm và đừng chấp chú nữa. “Chống dịch như chống giặc” giờ đang căng thẳng lắm! Vậy nhưng dân mình vẫn còn rất nhiều người “điếc không sợ súng” và thiếu ý thức. Vừa rồi, do sợ bị cách li mà nhiều người từ vùng dịch về không khai báo y tế, trốn chui trốn lủi, hoặc khai báo gian dối. Mấy hôm nay nhiều người còn liều tới mức nằm trong cốp xe để qua chốt kiểm dịch… may mà nhờ người dân phát hiện, báo với chính quyền thì mới biết đấy”. Nghe tôi nói vậy bố tôi có vẻ đã nguôi. Ông hạ giọng: “Ừ, kể cũng kinh thật. Mấy hôm nay trong miền Nam dịch bùng phát ghê quá. Hôm qua trên phây - búc ở Thành phố Hồ Chí Minh có trường hợp dương tính trốn Bệnh viện dã chiến. Bao nhiêu người từ công an, dân phòng và người dân phải đuổi theo, dùng mọi phương tiện, cả bình xịt hơi cay mới khống chế được đấy! Thiếu ý thức thật. Chẳng hiểu họ nghĩ gì, còn tệ hơn đảo ngũ! Ngày xưa trên chốt mà đảo ngũ là chúng tao cho ăn đạn”.

“Đúng rồi bố ạ. Thực sự giờ mọi người còn cần cảnh giác hơn chống giặc ấy. Trước kia kẻ thù của bố còn nhìn thấy, chứ giờ “kẻ thù Covid”, súng đạn cũng chẳng làm gì được bố ạ! Đợt bùng phát dịch thứ 4 trên cả nước những ngày qua, biến chủng mới với tốc độ lây lan càng kinh khủng. Hơn lúc nào hết cả cộng đồng phải bắt tay đoàn kết chống giặc, góp sức từ những điều nhỏ nhất…”.

Nghe tôi nói xong bố tôi tủm tỉm: “Thóc mách mà lại hóa hay. Được rồi mai tao đeo khẩu trang lên nhà ông K. nói lại với ông ấy... Tiện thể trên đường, gặp bà con tao sẽ nhắc nhở mọi người chấp hành đúng 5K!”.

Ngô Đồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Nằm giường

Câu chuyện văn hóa 1 tuần trước

Xong việc mình là… về

Câu chuyện văn hóa 3 tuần trước

Bước qua đổ vỡ

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Trẻ cậy cha, già cậy ai?

Câu chuyện văn hóa 1 tháng trước

Buồn trên mắt mẹ

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Chuyện nghệ danh

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước

Tiếng còi xe

Câu chuyện văn hóa 3 tháng trước