Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
17:20 (GMT +7)

Thơ là hơi thở

 

Cuộc đời ôm tôi như trong cái bình

một tiếng vang vang cả lòng cả đáy

(Văn Cao)

 

Thơ là tiếng còi hiệu triệu, là tiếng kèn xung trận. Ở trong thơ nên có thép, nhà thơ phải biết xung phong. Thơ xung phong xung trận đúng lúc đúng chỗ thì mỗi câu thơ đáng giá một sư đoàn. Mỗi câu thơ còn là bom đạn phá cường quyền, là đòn chuyển xoay chế độ…

Thơ là hơi thở
Ảnh minh họa (nguồn: internet)

Trong bản hòa âm khải hoàn của đất nước, không thể phủ nhận vai trò vị thế của tiếng nói thơ. Tuy nhiên, xin được lưu ý rằng, trên đây (chính xác hơn là những cách định nghĩa/ đòi hỏi về thơ trên đây) chỉ trừu xuất một tình thế thơ, chứ không phải là tất cả thơ. Thơ có trước mọi định nghĩa, và thơ vừa ở trong vừa ở ngoài mọi định nghĩa. Thơ như đám mây, không cố định một dạng hình, bởi cái nhìn của người là một dòng chảy, nhận thức của người về thơ là một quá trình…

Khi thơ đặt vào tình thế phục vụ chiến tranh và cổ vũ chiến đấu, thì đòi hỏi vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy. Còn khi thơ trở về đúng nghĩa trái tim máu thịt đời thường, thì vóc nhà thơ chỉ cần trùng khít tương thích với cái tôi nghệ sĩ thành thực của nhà thơ mà thôi. 

Ngôi vị ngọn cờ đầu trong thơ ca cách mạng của Tố Hữu khó có thể hoài nghi phủ nhận, bởi phong cách thơ trữ tình chính trị trộn không lẫn, bởi cảm hứng say mê, và đặc biệt là cảm xúc chân thành.

Có nghĩa, trong tình thế nào thì thơ cũng rất cần đến phẩm tính tự nhiên chân thành. Chính cái thi tính này gây tạo sức sống của thơ, sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại của thơ.

Thơ và tình yêu là hai nơi mà cái giả hay cái không đủ độ dễ bị bại lộ nhất. Đây cũng là hai nơi chứng minh sinh động tín điều, rằng những gì đi ra từ trái tim sẽ giao thoa chạm gặp trái tim.

Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với thơ. Không có nỗi người nào là tủn mủn, vụn vặt, lạc lõng. Mọi tiếng người đều được cất lên, đều được đón hứng. Chỉ cần đó là thứ tiếng hồn nhiên tự nhiên chân thành.

Khi Xuân Diệu vu vơ: Hôm nay trời nhẹ lên cao/ ta buồn không hiểu vì sao ta buồn, hay khi nhiều thi sĩ khác đề thơ: Buồn trông cửa bể chiều hôm/ thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa (Nguyễn Du), Tôi là sợi chỉ không kim/ luồn vô năm tháng trái tim rối bời (Thu Bồn), Ba đứa da vàng ngồi uống rượu/ mặt buồn như sỏi dưới hang sâu (Lưu Quang Vũ), Cái chết lâu như nỗi héo hon dần/ làm chính mình bực bội (Tô Thùy Yên), Tôi buồn khóc như buồn nôn/ ngoài phố/ nắng thủy tinh/ tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ (Thanh Tâm Tuyền), Cả đời khi thức không hề khóc/ nằm ngủ say rồi lệ mới rơi (Trần Mạnh Hảo), Ta không thể nuôi nhau bằng những ánh sao trời/ anh nói vậy xin em đừng khóc/ những ngọn tóc em đang đổ xuống ngực anh/ như những rễ cây bò buồn trong sỏi đá (Nguyễn Quang Thiều)…, thì mỗi người mỗi cách, vào những thời khắc cụ thể, đã đồng nhất tình thế thơ với tình thế người.

Tôi cứ bị ám bởi hai cuốn mỏng Bả giờiHoan lạc. Một cuốn thuộc tác phẩm đầu tay của Nguyễn Bình Phương, một cuốn không rõ có thuộc tác phẩm đầu tay của Mạc Ngôn hay không. Nếu cả hai đều đầu tay thì xem ra đều không hề nhẹ tay. Cả hai nói về cái cô đơn ngơ ngác của kiếp người, đặc biệt là người trẻ, đặc biệt nữa là người trẻ không thỏa hiệp khi sông không hiểu nổi mình. Đời người là cô đơn ngơ ngác. Nhưng suy cho cùng, đoạn đời tuổi trẻ là đoạn đời mà con người ta cô đơn ngơ ngác nhất. Càng nổi loạn hăm hở tìm ra tận bể thì càng chẳng biết bể là đâu. Mà bể lệ thì ngày càng xâm thực, nên trái đất không dừng lại ở ba phần tư nước mắt.

Nếu khởi thủy là lời, ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể, viết gì cũng là tự truyện, thì cái gọi là “thể loại” không cần phải câu nệ, cứng nhắc. Hai tác phẩm vừa kể, người đọc có thể định danh là tiểu thuyết ngắn, cũng có thể coi là hai bài thơ dài. Đẹp như nỗi buồn của/về người trẻ.

Buồn là một tài sản, là một đặc ân. Bởi nói như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật thì “đôi khi thèm một nỗi buồn mà không có”, tức thèm nỗi buồn sâu, nỗi buồn đủ độ. Nhiều nhà thơ trẻ đã biết cách biến tình thế bất lợi của người thành tình thế có lợi của thơ, làm cho cô độc nên thơ. Đó là trường hợp Nam Thi với Cô độc nên thơ, Vĩ Hạ với Đi tìm những bóng người, Đoàn Nguyễn Anh Minh với Tôi học ca hát như những cuộc vui mình đã chọn, Nguyễn Thị Kim Nhung với Thức cùng tưởng tượng, Hà Hương Sơn với Cuộc hành hương của giấc mơ, Khét với Ở đậu trong nhau, Lê Hòa với Trong cơn khát của mặt trời

Thức cùng tưởng tượng của Nguyễn Thị Kim Nhung vừa hồi cố một cũ xưa xa xăm trung du quán xứ - nơi khởi sinh trong chủ thể thơ những thao thức cô đơn ngơ ngác lặng im lao lạc khuyết lẹm dư thừa, vừa quán chiếu một thực tại - nơi mà giấc mơ của chủ thể thơ chưa kịp ra khơi đã mắc cạn, và cái lưng túi cảm trạng hiện sinh bất ly hồn kia thì ngày một đầy lên. Đêm nay ngựa trắng không ngủ/ phi mãi trong rừng mưa/ tiếng hí buồn hơn điệu sáo.

Lê Hòa, với Trong cơn khát của mặt trời, do không quá bận bịu thương thân nên đủ sức để yêu tha nhân, để mở lòng với ngoại giới. Vì xác tín “ta sang là ở chút tình”, “chỉ tình yêu ôi tình yêu cứu mình”, nên thi sĩ xác quyết “quẩn quanh nhân thế lòng vòng để yêu”. Mỗi giờ là một tứ thơ/ để yêu đến bến đến bờ nông sâu. Và rồi, thể thơ lục bát đã tỏ ra rất vừa vặn khi triển tải cái “thanh xuân mơn mởn phía điều hiện sinh” ngồn ngộn tứ thơ của người thơ này. Nếu mỗi người là một văn bản, thì “khát”, “yêu”, “thơ” và “lục bát” là những từ khoá khả dụng để thông diễn văn bản Lê Hòa; qua đây người thông diễn sẽ ít nhiều tìm lại được bản nguyên của mình, của thế giới.

Có nghĩa, nỗi buồn muôn đời là yếu tính của đời, là lý do cất tiếng của thơ. Và thực tại có thể được nới giãn, bằng giấc mơ, bằng khao khát, bằng tưởng tượng, bằng yêu thương, bằng chạm gặp.

“Thế giới vui từ mỗi lẻ loi” (Tô Thùy Yên). Mỗi tiếng thơ là một tiếng người. Sinh quyển thơ chỉ trở nên cởi mở, dân chủ, đứng về phe con người khi mọi tiếng thơ đều được cất lên một cách tự do, bình đẳng. Mọi tiếng thơ riêng tư chắt ra từ những cái tôi nghệ sĩ mênh mông sâu thẳm thì tự chúng đủ khả năng vẽ nên những nhịp đập của trái tim đồng bào và xu hướng khát vọng chung của đồng loại: khát vọng hạnh phúc.

Chẳng hạn, thi tập Mùa Bạch Diệp của Bạch Diệp mở ra một “khu vườn tận hiến”, một “cánh đồng thơm tho”, nơi Em “yêu và đau như bổn phận”, “như ân điển cứu chuộc”. Em vừa riết róng nhiệt cuồng vừa dịu dàng thì thầm kể câu chuyện giọt sương/ vũ điệu nước mắt/ ngàn triệu năm ngóng đợi mặt trời/ để chết đi trong giấc mơ hạnh phúc. Và khách tri âm như “nghe lời kinh cất lên từ những trang thơ”.

Hay chẳng hạn như thi tập Thương hoài thương hủy của Nguyễn Lãm Thắng vừa triệu hồi điệu hồn đau thương - vội vàng - điêu tàn, vừa kiến tạo cảm trạng đương đại, tích hợp cái trào tiếu bỡn giỡn dân gian, cái khẩu ngữ khẩu khí xứ Quảng, cái bừa bộn hỗn mang dân tình. Mỗi nhát cắt thi phẩm không chỉ là sự vật vã của linh hồn, mà còn là sự giãy giụa của thân xác. “Phật chúa im hơi không cứu rỗi”, “ta thương đời ta như câu thơ mong manh”. Và người thơ tự hóa giải kì oan thiên nan vấn, bằng xung lực sáng tạo, bằng cách thế vô vi như “câu kinh rong chơi” giữa vô thường phù sinh, bằng nỗi thương hoài thương hủy tha nhân và cuộc đời.

Thơ nên là hơi thở nhẹ của ngôn từ. Mọi lên gân, gồng mình, hô khẩu hiệu, ảo tưởng sức mạnh… đều phản thơ, phi thơ. Như quả bóng càng căng hơi thì sự trống rỗng càng trương nở. Thơ cần hồn nhiên, tự nhiên, chân thành, cô đặc, khiêm nhường.

Tuy nhiên, thơ hồn nhiên tự nhiên khác với thơ đơn giản thật thà. Hồn nhiên tự nhiên là một biểu hiện đắc đạo của thơ, lúc này thơ tưởng như vô chiêu nhưng thực ra là sự xuất chiêu của một nội lực sung mãn thâm hậu. Và thơ phải luôn đi về phía mới. 

Như một bất ngờ thú vị, những năm gần đây xuất hiện nhiều thi tập dùng thơ để nghị luận về thơ, càng cho thấy thơ luôn được đặt vào tình thế tái định nghĩa, luôn cựa quẫy để tràn viền. Đó là các trường hợp Văn học vết thâm của Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Người đàn bà sinh ra từ mưa của Hoàng Thụy Anh, Đêm họa mi của Lê Anh Phong…

Hoàng Thụy Anh vừa quyết liệt kiến tạo cái nhân vị đàn bà của mình, để tận hiến và tận hưởng từng sátna hiện sinh, vừa nỗ lực khai phóng một cách thơ khác, để kháng cự lại những cách thơ nhàm nhảm sáo giả. Thơ về thơ thì đã có nhiều, nhưng thơ mượn chuyện anh anh em em để trữ tình - tự sự về thơ thì quả hiếm gặp. Mỗi khúc rời trong Người đàn bà sinh ra từ mưa vừa là tuyên ngôn, vừa là sản phẩm sáng tạo, mà giữa tuyên ngôn và sản phẩm sáng tạo dường như ít có khoảng cách. 67 khúc rời nhưng liền mạch nhất quán không quẩn lặp, cho thấy dung lượng cảm hứng lớn, cường độ suy tư mạnh, và đặc biệt là khả năng thực hành sáng tạo phong nhiêu của chủ thể thơ...

Đêm hoạ mi mang chở một hồn thơ Lê Anh Phong khá đa mang đa sự. Trên tổng phổ đa thanh ấy, chủ âm vẫn là lời của chủ thể viết trăn trở suy tư về chính cái viết. Bất an với cánh đồng kí tự chật hẹp vữa cằn, nơi “nhuộm màu người cứ na ná như nhau”, người thơ xác quyết dấn bước lên đường, tìm gặp chân trời tự do và ánh sáng, nơi căng mẩy lộng lẫy mùa chữ mùa người. Không phải tỏ ra thức thời, không ảo cuồng duy ý chí, người thơ thành thật với rối bời nỗi đi. Vừa đi vừa ngoái lại, vừa mơ vừa thức, vừa nở vừa lo âu, vừa trổ mầm vừa ngơ ngác, vừa tụ vừa tan. Sức người thì có hạn, mà ngoài trời lại có trời, làm sao hết được bất an. Chọn chữ nào để treo lên ngày ta đang sống/ tìm căn cước của mình trong sương khói đâu đây. Đức hạnh của thơ nằm trên cung đường của gió. Đức hạnh của người nằm ở câu hỏi bỏ ngỏ giữa giấc mơ thơ.

Cách tân, làm mới thơ cũng đòi hỏi tự nhiên chân thành. Một khi tâm hồn (cái được biểu đạt) mới thì ắt sẽ có thơ (cái biểu đạt) mới. Thơ chỉ tràn ra khi tâm hồn đã thật đầy. Hết mình sẽ là mình lạ.

Xung phong đấu tranh xã hội thì thiết nghĩ đã có các loại hình khác làm tốt, làm hiệu quả hơn thơ. Thơ nên chỉ là thơ thôi. Bởi thi sĩ là những nhân vật chấn thương, sức đâu mà mang vác những sứ mệnh lớn lao to tát. Việc vừa sức với họ đó là học theo cách của chim sơn ca, ngồi trong bóng tối hát lên những tiếng êm dịu để làm vui cho sự cô độc của chính mình, như cách nói hình ảnh của thi sĩ người Anh Percy Bysshe Shelley. Vai trò xã hội (nếu có) của nhà thơ là viết nên những câu thơ giàu tính thơ, những câu thơ truyền dẫn được cảm trạng sống mới mẻ, những câu thơ run rẩy trắc ẩn hằn được vân chữ của chủ thể nghệ sĩ ngôn từ. Làm được như thế, nhà thơ sẽ là kẻ thiện tâm, miễn dịch với cái ác; là kẻ sáng tạo, củng cố và khẳng định vị thế độc tôn của mình trong cuộc chiến thi ca với đối thủ AI.

Không cần cỏ cây làm chứng, vì như một lẽ tất nhiên tất yếu, nhà thơ là những người yêu vô cùng đất nước này, trước hết là yêu vô cùng tiếng Việt. Vậy nên, nhà thơ, đặc biệt là nhà thơ trẻ, có quyền làm tiếng Việt theo cách mà bản thân thuận tay nhất, chắc tay nhất. Hãy biết hoài nghi, chất vấn mọi tín điều để tự mình kiến tạo những tín điều.

“Tôi là kẻ khác” - tên một tiểu thuyết của nhà văn người Na Uy Jon Fosse (Nobel văn chương 2023) - càng củng cố xác tín, rằng mỗi nghệ sĩ là một phong cách cá nhân, một cá tính sáng tạo đơn nhất, không lặp lại. Nhà thơ nên tập trung vào chính mình, nỗ lực làm thơ cho hay cho mới theo cái barem của riêng mình. 

Thơ là tự sự của tâm hồn. Hãy tự do tự tin tự chủ viết câu chuyện của tâm hồn mình theo cách của mình.

Bản lĩnh thơ là đây mà bản sắc thơ cũng là đây.

Tuy nhiên, cả bản lĩnh và bản sắc đều phải luôn được cài đặt ở chế độ động và mở, tức là nói không với cứng nhắc và bảo thủ.

Bản lĩnh còn là biết tự xóa tẩy mình để làm mới mình, tức kiến tạo một phiên bản mới, một bản sắc mới.

Bản lĩnh còn là biết độ lượng với chính mình, bởi cuộc thơ thì vô cùng, người thơ thì thường khi lực bất tòng tâm.

Và bản lĩnh còn là vừa biết tận tâm tận lực với thơ, vừa biết xem thơ chỉ là một nghề chơi. Dẫu lắm công phu (Lê Đạt gọi nhà thơ là phu chữ) thì nghề chơi này cũng vô tăm tích, giữa lễ hội của vô nghĩa. Gắng ngồi viết cạn bài thơ/ bài thơ rồi có hư vô như mình (Quang Huy).

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy