Thơ của một người khiếm thị
VNTN - Ở thị xã Phổ Yên, mỗi năm có hàng chục cuộc giao lưu thơ giữa các câu lạc bộ (CLB) trong thị xã hoặc với các CLB trong và ngoài tỉnh khác. Hầu như ở cuộc giao lưu nào mọi người đều thấy và trân trọng sự tham gia của ông Trần Phúc Nguyên (hội viên CLB thơ Hội Người cao tuổi xã Trung Thành, thị xã Phổ Yên). Ông có giọng đọc, ngâm thơ truyền cảm. Thơ của ông như chắt từ tâm can mình ra gửi đến người nghe. Ở ông còn có điều đặc biệt: ông bị khiếm thị gần 20 năm nay.
Ông vốn yêu thơ từ khi còn rất trẻ. Là người cán bộ kĩ thuật ngành địa chất. Mấy chục năm rong ruổi với những chuyến hành trình thăm dò địa chất, qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh… Đó là những chuyến đi thực tế vô cùng quý báu giúp ông có được nhiều cảm xúc để những bài thơ ra đời, kể cả khi ông đã về hưu. Năm 2001, một sự cố đến với đời ông: mắt ông tự nhiên mờ dần, do teo gai thị. Ông đã đi chữa nhiều nơi nhưng không khỏi. Từ đó ông sống trong bóng tối.
Ông Trần Phúc Nguyên trong một buổi giao lưu thơ. (Ảnh: Vũ Đồng)
Nhiều người nghĩ ông sẽ đoạn tuyệt với thơ. Nhưng trái lại ông làm thơ nhiều hơn, say sưa hơn. Ông bảo: Khi không nhìn thấy gì, càng suy nghĩ trăn trở nhiều hơn. Làm thơ như một nhu cầu sống của ông. Nếu không có thơ chắc chắn cuộc sống của ông sẽ không được như thời gian qua và hiện nay.
Ông làm thơ khá đặc biệt. Ông nung nấu với từng chủ đề. Chủ đề nào thấy thật xúc động ông mới làm thơ. Ông không thể ghi lại bằng bút giấy mà nghĩ được câu thơ nào, ông cố gắng nhớ, ông “nháp” và sửa chữa thơ đều bằng trí nhớ. Cứ như vậy, có bài thơ ông nghĩ vài ngày, có bài một vài tuần mới xong. Mỗi lần làm xong bài thơ, ông đọc và nhờ vợ, con hoặc cháu chép lại. Ông có trí nhớ khá tốt. Hôm tôi đến thăm, ông đọc cho tôi nghe nhiều bài thơ của mình. Có những bài cách nay trên dưới 20 năm. Nay gia tài thơ của ông đã có trên 300 bài, phần lớn được làm trong khoảng thời gian ông bị khiếm thị. Thơ của ông chủ yếu để giao lưu với các CLB và bạn hữu đến nhà. Đã có vài tờ báo trung ương và địa phương đăng thơ của ông. Gần đây, ông đã nhờ người đánh máy, tập hợp 2 tập thơ, mỗi tập 76 bài. Tập I, ông lấy tên “Nỗi niềm chia sẻ” với lời đề tựa “Thôi thì cũng gọi là thơ/ Đôi vần góp nhặt i tờ cho vui”. Tập II, với tên gọi “Tu hú ra ràng” với lời tựa “Lần trong câu chữ ngổn ngang/ Thơ tôi - chim mới ra ràng tập bay”.
Đọc thơ của ông hiểu thêm được những suy nghĩ và tình cảm của ông, một người khiếm thị gần 20 năm nay: Với Đảng và Bác Hồ: “Đảng vì dân Đảng sinh ra/ Dân bên Đảng mọi phong ba vững vàng”; “Rộng dài năm tháng Bác đi/ Vẫn đôi dép lốp chai lì bàn chân/ Nặng mang tình nước, tình dân/ Gói riêng tư, gánh trọn phần nước non”. Với quê hương: “Ngập trong tiếng nói tiếng cười/ Một vùng đất sáng quê tôi Trung Thành”. Ông là người nặng lòng với thiên nhiên: “Thương con tu hú không nhà/ Từ trong trứng đã phong ba nổi chìm”. Ông dành nhiều câu thơ ân tình cho người thân: “Ất Mùi xuân đón trong tay/ Chín mươi xuân mẹ xanh dày lộc vươn”, “Giở lần kí ức thân quen/ Cảm ơn trời đất se duyên chúng mình/ Trải qua bao thác bao ghềnh/ Vẫn nguyên vẹn đó nghĩa tình đôi ta”.
Có những câu thơ ông tự nói về mình: “Mười lăm năm bóng tối/ Bên nhức mỏi tuổi già/ Lửa con tim vẫn đỏ/ Cháy rực hồng trong ta”. Nhiều lần được tiếp xúc với ông, chưa khi nào thấy ông phàn nàn, bi lụy về cuộc sống. Trái lại ông tỏ ra rất yêu đời, đặc biệt rất yêu thơ. Thơ là một phần lẽ sống của đời ông: “Thơ vào trong giấc ngủ/ Chập chờn lúc tỉnh mơ/ Câu thơ vườn trăn trở/ Chín vàng cả mùa thơ”. Ông làm thơ không đơn thuần là nghĩ, mà nó được cháy trong trái tim ông mà ra. Thơ với ông không chỉ mang lại niềm vui, mà cao hơn thơ cho ông niềm tin, cho ông ánh sáng để nhận biết mọi cung bậc của cuộc đời.
PHAN THỨC
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...