Sức hút và sự lan tỏa của một cuộc thi
VNTN- Là người lâu nay có may mắn được thường xuyên đọc báo/ Tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên, tôi nhận thấy cuộc thi thơ “Sống và hi vọng” trên tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên do Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6) – Đài Tiếng nói Việt Nam và Diễn đàn Văn chương Quán Chiêu văn tổ chức, đang có sức hút và lan toả rộng lớn trong người đọc và dư luận.
Ban Giám khảo Vòng Sơ khảo
Việc ba tổ chức chuyên nghiệp về văn chương phối hợp tổ chức cuộc thi đã tạo nên uy tín và niềm tin đối với người dự thi và chất lượng cuộc thi. Nội dung cuộc thi đề cập đến nhiều vấn đề rất lớn, liên quan đến mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội lâu nay quan tâm, đó là về cuộc sống, số phận con người, niềm tin yêu, lạc quan và hi vọng.
Đất nước ta liên tục trải qua mất mát đau thương, từ những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thiên tai khốc liệt, nhất là cùng nhân loại chịu đại dịch COVID-19 mấy năm qua. Mà hậu quả nhiều mặt của nó không dễ gì xoá bỏ được sớm. Đất nước ngàn năm chiến tranh, thiên tai, giờ thêm dịch dã/ Đẩy con người đến cùng cực nỗi đau. Bối cảnh đó đặt ra cho mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội phải biết chia sẻ yêu thương, đồng tâm hợp sức để vượt qua.
Ngày thơ Việt Nam đã diễn ra gần 20 năm, trở thành ngày hội của những người yêu thơ cả nước. Dịch Covid đã làm cho Ngày thơ Việt Nam mấy năm qua không tổ chức được. Cuộc thi là một hình thức phù hợp, giúp cho đông đảo người yêu thơ có điều kiện hưởng ứng Ngày thơ. Cuộc thi “Sống và hi vọng” diễn ra thật đúng lúc và nhiều ý nghĩa.
Đọc những bài thơ dự thi đăng trên diễn đàn online của Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên (chắc chắn đây mới là một phần nhỏ trong số bài dự thi). Mới cảm nhận được sức hút và sự lan toả của cuộc thi. Người dự thi ngoài những tác giả của Hội VHNT tỉnh như: Ngọc Tuấn, Nguyễn Nhật Huy, Võ Thị Thu Hằng…Các tác giả ngoài tỉnh có đủ mọi miền: Bắc, Trung, Nam, với nhiều tác giả quen thuộc: Nguyễn Minh Khiêm, Trần Vạn Giã, Trần Kế Hoàn, Trần Xuân Trường, Nguyễn Văn Song… Có cả các tác giả Việt kiều cũng nhiệt tình tham gia.
Đọc thơ ta nhận thấy các tác giả đã bám sát đề tài cuộc thi, đó là sáng tác về cuộc sống, số phận con người, niềm tin yêu, lạc quan và hi vọng. Đề cập về thảm hoạ dịch COVID-19: Có ai kêu nóng quá/ Xác thân này tro bụi người ơi/ Nhức nhối từng cơn đau thắt ngực/ Hoàng hôn đưa ngọn khói lên trời. Và: Ở một góc Sài Gòn/ nơi có những lò thiêu/ ngọn khói bay lên quẩn quanh váng vất/ những linh hồn lìa khỏi xác thân/ dìu nhau đi và bay lên… Và: Nặng trĩu khiếp người gửi trong chiếc bình nhẹ bẫng (Những ngọn khói về trời - Bùi Phan Thảo) phản ánh về nạn phá hoại môi trường: Mỗi lồng ngực có quyền im lặng/ đã khoá trái những phập phồng/ đã mã hoá những lo âu/ Người thở với người, người có hiều nhau/ Cái cây đã định nghĩa xong sự sống. Và : Thở trắng mái đầu/ Nghĩ bạc phơ mây (Mùa xuân thở - Bùi Việt Phương). Về thân phận con người: Chị tôi đắm mấy lần đò/ gẫy mấy lần bến không qua phận mình; Vuốt màu tóc trắng xuống môi/ trải xuân làm đệm chị ngồi thỉnh chuông/ Nghe tiếng trẻ vọng qua tường/ Chị tôi bỗng thấy cửa buồng nắng lên (Cửa buồng nắng lên – Nguyễn Minh Khiêm). Luận về cuộc sống: Chợt nhận ra: Đi đến chân trời góc bể/ điều cuối cùng kiếm tìm: Vẫn hai chữ bình yên ( Cùng con đọc lại Truyện Kiều – Nhất Mạt Hương). Về lòng yêu thương, ân nghĩa: Bà đi đâu vậy bà ơi/ Bàn chân vướng cỏ rối bời ngõ xa. Và Sểnh là tay nải tay khăn/ Bà tìm câu hát trầu văn thuở nào (Tìm bà – Trần Xuân Trường). Áo nâu bạc tấm lưng còng/ Mẹ đi ru hết một vòng nghĩa trang. Và : Lời ru của mẹ quê nghèo/ Có đến hết được núi đèo rừng xanh (Lời ru nghĩa trang – Vũ Ngọc Thư). Nói về niềm tin yêu, hi vọng: Thấy hi vọng vào ban mai/ Gieo niềm tin trỗi dậy/ Chân tình lấp kín khổ đau (Chốt làng - Ngọc Tuấn). Còn nhiều bài thơ, câu thơ đọc lên làm lay động tâm thức, rung cảm lòng người.
Những người dự thi chắc không có ai đặt ra mục tiêu chỉ vì giải thưởng. Giải thưởng cao nhất của mỗi người dự thi là góp tiếng nói của mình làm dịu bớt nỗi đau, mất mát của mỗi con người, mỗi gia đình đang gánh chịu, để họ tự tin, sống có ý nghĩa và hi vọng vào cuộc đời, vào tương lai.
Cuộc thi còn vài ngày nữa (Ngày thơ Việt Nam, Rằm tháng Giêng) mới được Ban Tổ chức công bố kết quả. Ban Tổ chức, Ban Giám khảo đang căng mình để cầm cân nẩy mực, tìm ra những tác phẩm, tác giả xứng đáng để trao giải. Nhưng có thể khẳng định ngay từ bây giờ: Cuộc thi “Sống và hi vọng” sẽ thành công tốt đẹp. Thành công lớn nhất là đã tạo ra sức hút mạnh mẽ và sự lan toả rộng lớn của cuộc thi.
Ngày 10/02/2022 – Mồng 10/ Tháng Giêng/ Nhâm Dần
Phan Thức
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...