Thứ sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2024
11:39 (GMT +7)

Thiên tài Giacometti và những ám ảnh điêu khắc

A.H (theo tư liệu nước ngoài)

 Giacometti trong thập niên 1960.

Năm 1957, nhà văn Jean Genet mô tả xưởng điêu khắc của Alberto Giacometti (1901-1966) như sau: “đó là một khu đầm lầy trắng xóa, một bãi chiến trường sục sôi, một chiến hào thực sự”. Bột thạch cao vương vãi khắp nơi: trên sàn nhà, trên đầu, tóc, trên mặt và trên quần áo của nhà điêu khắc; những đám giấy vụn và các đống sơn rải khắp phòng. Thế mà, giống như một thầy phù thủy có quyền năng phi thường, ông đã “nhào nặn và hóa phép” cho những đống giấy vụn và bột thạch cao “đội” sàn nhà, nhảy lên mặt bàn, và biến thành những nhân vật hết sức đặc biệt.


Hơn hết thảy mọi nghệ sỹ sống ở Paris đầu thế kỷ 20, Giacometti vô cùng đam mê chất liệu thạch cao. Ông thường đắp tượng bằng một con dao, và đắp dầy đến mức rốt cuộc chúng đổ sụp vì không chịu được trọng lượng bản thân. Mỗi khi hài lòng với pho tượng nào, ông sẽ vẽ lại nó. “Những người đàn bà Venice” bằng thạch cao từng được ông trưng bày tại Venice Biennale năm 1956 có những nét khắc đen và nâu trên gương mặt và thân tượng, cũng như những người phụ nữ trong tranh ông vậy.

Giacometti sinh ra trong một thung lũng hẻo lánh tại Thụy Sĩ năm 1901. Là con trai của một họa sỹ theo trường phái hiện thực khá thành công, tác phẩm điêu khắc đầu tiên ông thực hiện là pho tượng chân dung người em trai Diego - khi đó ông mới tròn 13 tuổi. Tám năm sau, vào năm 1922, ông cùng em trai chuyển đến Paris. Tại đây, ông phát hiện ra chủ nghĩa siêu thực, và trở thành người bạn thân thiết của André Breton - chủ soái phong trào siêu thực thời bấy giờ. Bị chủ nghĩa siêu thực lôi cuốn, dần dần ông không còn quan tâm tới chủ nghĩa hiện thực kinh viện nữa, mà chỉ thích theo đuổi những hình tượng giàu chất tưởng tượng. Năm 1933, ông tuyên bố chỉ làm mỗi việc là “hiện thực hóa những tác phẩm điêu khắc đã được hoàn thiện trong trí óc.”

Tượng bán thân Annette IV, 1962 (đúc đồng 1965)

Trong thập kỷ 1930, chủ đề chính trong các tác phẩm của Giacmetti là tình dục và cái chết. Tác phẩm “Người đàn bà với cổ họng bị cắt” ông hoàn thành năm 1932 là một hình tượng siêu thực về cái ác. Nhưng ông cũng quan tâm tới những cảm xúc đời thường. Trong thời kỳ này, có lẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nhất và cũng được nhiều người nhắc tới nhất là tác phẩm “Cầm nắm khoảng trống”, còn có tên khác là “Đồ vật tưởng tượng” (1934 - 1935) - thể hiện rất rõ mối quan hệ giữa thị giác và xúc giác. Ở tác phẩm này, mô tả những ngón tay ôm lấy một vật tưởng tượng, ông muốn gợi lên cảm giác về sự đụng chạm và được chạm vào. Tác phẩm này được xem là bước ngoặt đối với sự nghiệp của Giacometti. Mặc dù hài lòng với bàn tay và cái đầu, ông chưa thật ưng ý với phần ngực, thân và chân của pho tượng.

Ngày càng thất vọng với chủ nghĩa siêu thực của Breton, ông quyết định “trở về với tự nhiên”. Ông thuê người mẫu, và hàng tuần lên kế hoạch làm việc với mẫu thật. Thói quen này được ông duy trì trong suốt 20 năm liền. “Không có gì giống với những điều tôi từng tưởng tượng”, ông kể lại, “đầu người... đã trở thành những đối tượng hoàn toàn xa lạ, và phi kích thước.” Trong nhiều năm trời, ông luôn đánh vật với việc tạc những cái đầu người, và chưa bao giờ cảm thấy hài lòng với chúng.

Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ, Giacometti trở về Thụy Sĩ. Ở đó ông gặp Annette Arm, một cô gái ngây thơ và cuồng nhiệt - người gần như ngay lập tức quyết định sẽ chia sẻ đời mình với chàng nghệ sỹ. Sống cùng nàng trong một khách sạn nhỏ ở Geneva, ông đã tạc nhiều pho tượng người, với kích thước ngày càng nhỏ dần, và tuyên bố rằng chúng “cứ gầy mòn đi ngoài ý muốn”. Nhiều pho chỉ nhỏ cỡ vài đốt ngón tay. Sau chiến tranh, năm 1945, ông quay lại Paris. Thời gian này, ông bắt đầu thoát ra được nỗi ám ảnh về những pho tượng tí hon. Trong một lần dạo bước trên đại lộ Montparnasse, ông đã trải qua một trải nghiệm kỳ lạ: cái nhìn đối với thực tại của ông đã thay đổi hoàn toàn; và ngay lập tức ông hiểu rằng, cho đến lúc này, con mắt nhìn thế giới của ông “thực ra chỉ giống như một chiếc máy ảnh”. Cảm thấy mình như thể đang bước vào một thế giới mới, hoàn toàn khác trước, toàn thân ông run bắn lên khi quan sát những khách bộ hành trên phố, xung quanh mình. Bước vội vào quán cà phê Brasserie Lipp, ngồi xuống góc bàn quen thuộc, ông thấy thời gian như đông cứng lại. Người bồi bàn tiến lại mà ông vẫn ngỡ ngàng nhìn chằm chằm vào mặt anh ta như ngắm “một tác phẩm điêu khắc lù lù trước mặt với đôi mắt hoàn toàn bất động”.

Kể từ hôm đó, ông đã có thể phóng to kích thước các hình tượng của mình, nhưng ông lại cảm giác thấy mỗi khi chúng cao lên thêm thì thân hình lại như nhẹ bỗng đi, mảnh mai đi. Những pho tượng mới lần lượt ra đời với hình thể thuôn dài, gầy nhẳng và đôi bàn chân to bè. Cùng với tiếng tăm nổi lên, thu nhập của ông bắt đầu khá hơn, song không vì thế mà Giacometti có ý định di chuyển studio và cũng không sắm một ngôi nhà khang trang hơn theo ý của nàng Annette. Xưởng điêu khắc chật chội của ông ở Paris thành nơi gặp gỡ quen thuộc đối với nhiều nghệ sỹ và văn nhân thú vị nhất của Paris thời bấy giờ. Ông vẫn thích uống cà phê cùng trong những quán quen thuộc, thích đi dạo khuya, trong im lặng, và cũng thường xuyên quấy rối studio của Picasso. Kể về ông, Sartre tả rằng “Giacometti lúc nào cũng trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.” Các bạn ông thường ngồi im, mặc ông muốn vẽ hay ký họa tùy thích, mặc dù người mẫu thường xuyên nhất của Giacometti là Diego, là Annette, là các nàng thơ hay những người tình khác.

Có sự khác biệt đáng kể giữa những nhân vật nam và nữ trong các tác phẩm điêu khắc của Giacometti. Nhân vật nam nổi tiếng nhất hẳn là “Người đàn ông chỉ tay” (1947); những người đàn ông khác nếu không chỉ tay thì đi dạo. Còn những nhân vật nữ trên các bục hình nêm của ông thì thường khỏa thân; riêng trong pho tượng nổi tiếng “The Chariot” (1950) là một người đàn bà đứng thẳng trên cỗ xe lớn, hay tay buông tự nhiên trong một tư thế trang trọng.

Được hỏi vì sao ông “đối xử” với các nhân vật nam và nữ khác nhau, Giacometti cho biết “đương nhiên về bản chất, tôi xa lạ với những người phụ nữ hơn”. Có lẽ chính vì thế mà những pho tượng đàn bà của ông gợi nhớ các hình tượng nữ thần, mà lại phảng phất dáng dấp những kỹ nữ. Ông nặn cả tượng nữ thần Isabel, cả tượng trinh nữ Flora, nhưng cũng không quên nàng Rita - một gái làng chơi khét tiếng khu Montparnasse trong thập niên 1930 - 1940.

Giacometti luôn có những đòi hỏi khắt khe đối với người ngồi làm mẫu: phải giữ nguyên tư thế, yên lặng, và càng bất động lâu càng tốt. Đặc biệt, ông rất coi trọng việc đặc tả đôi mắt. “Nếu tôi có thể lột tả được đôi mắt, mọi thứ khác tự nhiên sẽ đến”. Đôi mắt trên những khuôn mặt của các pho tượng ông tạc luôn sống động, kể cả với những pho tượng có kích thước rất nhỏ. Những tác phẩm điêu khắc của Giacometti thường gây nên những cảm giác đặc biệt đối với người xem, một phần do tỷ lệ hình thể, một phần do lối lột tả nhân vật khác thường. Theo nhà phê bình David Sylvester: “Khi tôi nhìn ngắm một pho tượng tạc người đàn bà nào đó của Giacometti, thì dường như nhân vật này bị đẩy lùi xa ra, sang hẳn phía bên kia đường, rồi sau đó, đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt tôi”.

Giacometti say mê nghiên cứu và thể hiện các nhân vật ở nhiều kích thước khác nhau, lặp đi lặp lại, như thể muốn hiểu rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn cái cảm giác nhận biết của mắt với một nhân vật hiện hữu trong không gian. Có lẽ vì thế mà các pho tượng thạch cao của ông luôn có vẻ dang dở, như chưa bao giờ hoàn thiện. Giacometti thường trở lại với chúng sau khoảng 20 hoặc 30 năm, khi đó, ông không chỉnh sửa lại chúng, mà tạc hẳn phiên bản mới dựa trên pho tượng cũ.

Cầm nắm khoảng trống (Đồ vật tưởng tượng), 1934 - 1935.

Cảm xúc sâu sắc nhất mà người xem thu nhận được từ những pho tượng ông nặn đi nặn lại đó có lẽ là vẻ khiêm nhường ẩn tàng một nội lực mạnh mẽ. Ngay cả ở những thời kỳ thành công nhất của mình, ông vẫn luôn cố thay đổi chính mình, dù biết điều đó có thể khiến ông thất bại trong việc nắm bắt bản chất cuộc sống bên bờ vực của những ám ảnh điên rồ. Giacometti tâm niệm: “Có thử thách thì có thất bại. Chớ nản chí. Phải tiếp tục cố gắng. Thất bại cũng tốt”. Ông còn nói: “Tôi không làm việc để tạo ra những bức tranh đẹp hoặc những pho tượng đẹp. Nghệ thuật chỉ là phương thức nhìn. Khi ngắm nhìn, tôi luôn luôn bị bất ngờ với mọi điều; chúng vượt quá tầm hiểu biết của tôi, và tôi luôn ngờ vực những gì mình thấy.” Mặc dù ông và Picasso là bạn, họ chưa bao giờ thực sự cảm thấy hài lòng với tác phẩm của nhau. Picasso chê tác phẩm của Giacometti “hơi bị kém hoành tráng” và “lặp lại nhiều quá”; còn Giacometti lại phê phán Picasso “chỉ chế tác những thứ trang trí” và thậm chí hoài nghi động cơ sáng tạo của ông bạn mình.

Trong những pho tượng bán thân tạc các nhân vật nữ, đôi mắt họ thường mở to, nhìn thẳng vào người xem với vẻ dễ bị tổn thương và đầy trách móc. Dường như Giacometti đã nhận mọi trách nhiệm, cả về tình yêu và nỗi đau đớn đời họ, đồng thời trao cho họ phẩm giá mà ngay chính bản thân ông cũng ngưỡng mộ. Theo Giacometti kể lại, trong những tác phẩm điêu khắc tạc Annette, ông đã cố gắng, dù chỉ một lần, tạc được một cái đầu giống như mắt ông nhận thấy, thế nhưng, theo ông, vẫn “thất bại hoàn toàn”(?!).

Ngày nay, Giacometti là một trong những điêu khắc gia có tác phẩm bán chạy và cao giá nhất thế giới, dù trong đời mình, ông luôn nghi ngờ với con mắt nhìn của chính mình, luôn bị ám ảnh bởi thế giới xung quanh, bởi sự thay đổi của bản thân và nghệ thuật, và chưa bao giờ cảm thấy hài lòng - chí ít là trong khả năng diễn đạt điều mình muốn thể hiện. Song những “thất bại” của ông - nếu muốn nói như ông vậy - lại có sức mạnh động viên những ai muốn phấn đấu: “Hãy thử đi, cứ thất bại đi, thất bại cũng tốt lắm chứ!”

Nguồn: Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh

(ape.gov.vn)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy