Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024
01:04 (GMT +7)

Theo dấu người bảo vệ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh

VNTN - Vào một sáng mùa thu tháng 8, nắng vàng lên rực rỡ Đèo De, Núi Hồng, những dải rừng cọ, đồi chè xanh ngút ngàn vùng Chiến khu Việt Bắc năm xưa, tôi nhận được cuộc gọi của T.S Chu Đức Tính -  nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh mời cùng Đoàn Bảo tàng đưa anh Lê Văn Lợi, cháu ông Phạm Văn Lộc, Việt kiều Thái Lan, người cán bộ bảo vệ, giúp việc Bác Hồ hy sinh tại Khuôn Tát, An Toàn Khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên (1948) để tưởng niệm người chiến sĩ cộng sản “Vì nước quên thân”.

Sau khi cầm súng ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, chống Mỹ cứu nước, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp sử, anh Chu Đức Tính về Bảo tàng Hồ Chí Minh (1980), 34 năm tận tụy xây dựng Bảo tàng, từ nhân viên lên giám đốc. Anh là người lĩnh hội, thực hiện lời căn dặn của đồng chí Vũ Kỳ - thư ký Chủ tịch Hồ Chí Minh  - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh trước khi mất: “Em thay anh tìm phần mộ của anh Lộc hy sinh ở bản Khuôn Tát, ATK Định Hóa năm 1948 để lập bia hương khói và báo cho gia đình anh ấy biết”.

Sau khi tìm được mộ, anh Tính đã huy động kinh phí, cùng Ban quản lý Khu di tích dựng bia tưởng niệm liệt sĩ Phạm Văn Lộc bên bờ khe suối Khuôn Tát, xã Phú Đình, khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2013.

Bác Hồ về nước (người thứ năm gánh va ly là đồng chí Phạm Văn Lộc)   Tranh: Trịnh Phòng

Theo dấu người tình nguyện bảo vệ Thầu Chín 

Anh Tính cho biết ông Phạm Văn Lộc (Hoàng Văn Lộc), Bí danh là Nguyễn Văn Ty được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là “Đồng” - sinh năm 1900, quê xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, theo cha mẹ sinh sống ở Uđon Thani ở vùng Đông Bắc - Xiêm, vốn sinh trưởng ở vùng cát trắng, gió Lào, giàu truyền thống chống ngoại xâm bất khuất, người thanh niên Việt kiều Phạm Văn Lộc sớm có lòng yêu nước, căm thù thực dân Pháp xâm lược.

Vào đầu tháng 6/1928, Nguyễn Ái Quốc từ Béc Lin (Đức) qua Thuỵ Sĩ, Italia, qua thành phố MiLan đi RôMa, Người đến Napoli đáp tàu thủy Nhật Bản đi Xiêm (từ 1938 gọi là Thái Lan). Lấy bí danh là Thầu Chín, Người thâm nhập vào Việt kiều ở tỉnh Uđon Thani, chọn Nguyễn Văn Ty, đặt tên là Phạm Văn Lộc tuyên truyền, giác ngộ cách mạng. Anh Lộc tháo vát, thông minh, thông thạo tiếng Thái Lan, tiếng Lào, tiếng Pháp, giỏi võ nghệ, có nghề làm cơ khí và thuốc nam gia truyền đã gác chuyện nhà, tình nguyện làm bảo vệ, đưa Thầu Chín từ UđonThani đến Xa Vong, Na Khôn Pha Nôm, Noọng Khai... nhen nhóm xây dựng cơ sở cách mạng, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê Nin, để truyền tài liệu, báo chí tiến bộ về nước... Hai thầy trò giả dạng đi bán thuốc, Thầu Chín phát hành tờ báo Thân Ái trong Việt kiều, huấn luyện hội viên Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, dịch sách Mác Xít phổ thông: Nhân loại tiến hóa sử, A.B.C. Chủ nghĩa cộng sản... có ảnh hưởng tốt, truyền về Việt Nam.

Vợ Phạm Văn Lộc là Nguyễn Thi Cúc, sinh năm 1907, quê ở Ba Đồn, Quảng Trạch, Quảng Bình, tham gia hoạt động cùng chồng, giúp việc liên lạc cho Thầu Chín, được Người đặt bí danh là Thím Nghĩa, Người gọi đôi vợ chồng  trẻ là chú Lộc, thím Nghĩa.

 

Một lần bà Cúc đưa tài liệu mật của Thầu Chín chuyển cho Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, cuộn trong lốp xe đạp và cổ phuốc xe đạp, bị mật thám theo dõi đuổi bắt phải lao xe chạy, bị ngã gãy cổ phuốc xe đạp lòi tài liệu ra, vì không chịu khai báo, bà bị mật thám bắt treo ngược lên cây đánh đập dã man, bị sảy thai nên không thể có con.

Phạm Văn Lộc giúp Thầu Chín đóng giả làm thợ mộc hai lần (tháng 7/1928 và tháng 11/1928), vượt sông Mê Công sang Pắc Xế, thị xã Xavănnakhệt và bản Xiêng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muộn, Lào để phát triển cơ sở cách mạng tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Báo Thanh niên, Thân Ái vào Lào. Khảo sát tìm đường bí mật từ Lào qua ngả Nghệ An, Hà Tĩnh “đột nội” về Việt Nam. Do bọn mật thám và cảnh sát ở biên giới canh phòng cẩn mật, nhất là sau vụ “An Nam Quốc dân Đảng”, nên việc không thành.

Những chuyến đi của Nguyễn Ái Quốc và Phạm Văn Lộc sau này đã đơm hoa, kết trái, vào tháng 4/1930, những Chi bộ Cộng sản đầu tiên đã xuất hiện trên đất Lào ở Viêng Chăn, Thà Khẹt, Bo neng…, bản thân Phạm Văn Lộc được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (1930) do Nguyễn Ái Quốc giới thiệu.

Khi Nguyễn Ái Quốc sang Trung Quốc hoạt động (tháng 11/1929) anh thanh niên Việt kiều Phạm Văn Lộc chia tay người vợ trẻ Nguyễn Thị Cúc - mới 22 tuổi, một liên lạc viên tháo vát với lời dặn dò: Anh đi công việc cho thượng cấp, em ở lại, nếu ba năm anh không về, em cứ đi lấy chồng...

Nặng lòng thương yêu vợ, Phạm Văn Lộc căn dặn anh Nguyễn Bun - người bạn nối khố trong Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội: Tôi đi hoạt động bí mật nay đây, mai đó, biền biệt khó về, vợ tôi không có khả năng sinh nở, anh sinh con gái thì cho vợ mình một đứa con nuôi để cô ấy được làm mẹ, có chỗ dựa lúc về già...

Trước khi gác tình nghĩa vợ chồng sâu lắng dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Phạm Văn Lộc chẳng đã cư xử rất thắm đượm nghĩa nặng, tình sâu với người bạn đời đó sao!

 

Người phụ trách đường dây liên lạc bí mật của Đảng 

Ông Đặng Văn Cáp Chủ tịch Hội Đông Y Việt Nam kể lại trong hồi ký “Con đường dẫn tôi đến với Bác” (Nxb Văn học Hà Nội, 1995, trang 56): Tháng 5/1940 đồng chí Trịnh Đông Hải (tức Vũ Anh) đang làm cho hiệu Vĩnh An Đường, lợi dụng xe hơi của chủ, lái xe lên đón Đặng Văn Cáp và đồng chí Lộc (Phạm Văn Lộc) về Côn Minh được Phùng Chí Kiên đưa vào gặp Thiếu tá Hồ Quang, thì ra Nguyễn Ái Quốc được Đảng Cộng sản Trung Quốc phong Thiếu tá Bát lộ quân để tiện cho việc hoạt động, chuẩn bị tìm đường về Việt Nam.

Đặng Văn Cáp gặp anh Lâm Bá Kiệt (Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp) và Bùi Thanh Bình (tức Bùi Đức Minh) từ trong nước mới ra, và anh Cao Hồng Lĩnh từ Diên An về. Ông Cáp cùng anh em được quán triệt chủ trương chuẩn bị về nước hoạt động cách mạng, phát triển phong trào vận động giải phóng dân tộc…

Hạ tuần tháng 12/1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi Tĩnh Tây (Quảng Tây - Trung Quốc), sau tết dương lịch (1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư, Tĩnh Tây thay mặt Trung ương Đảng Đông Dương, báo cáo với Người tình hình trong nước, những công việc đang thực hiện và kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đề nghị Người chọn hướng Cao Bằng để về nước...

Để chuẩn bị cho Hội nghị của Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định xây dựng thí điểm các đoàn thể cứu quốc của Việt Minh ở Cao Bằng (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử Đảng, tập I (1920-1945), Nxb Sự thật, H.1976, trang 501). Người chủ trương mở các lớp huấn luyện Việt Minh do Người trực tiếp phụ trách.

Nguyễn Ái Quốc cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Phạm Văn Lộc được Hoàng Sâm dẫn đường qua Nậm Bó xuống hai làng sát biên giới Trung - Việt để mở lớp huấn luyện đầu tiên có 43 học viên từ Cao Bằng sang, chia thành 2 tổ, ở và học tại hai làng Nậm Quang và Ngắm Tảy (Hương Bình Vân, Tĩnh Tây, Trung Quốc), thời gian từ 7 - 10 ngày, nhằm bồi dưỡng cho 43 cán bộ Cao Bằng nắm được tình hình, nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam, phương pháp xây dựng và lãnh đạo các đoàn thể cứu quốc, phương hướng hoạt động phù hợp với tình hình mới, Phạm Văn Lộc được giao lo hậu cần cho lớp học và tham gia lên lớp phần phương pháp công tác gồm 5 bước là điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh. Lớp học kết thúc vào ngày 26/11/1941 (tức 30 tháng Chạp âm lịch).

Nguyễn Ái Quốc cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Phạm Văn Lộc (Bảo tàng Hồ Chí Minh xác minh là Phạm Văn Lộc chứ không phải Hoàng Văn Lộc như trong các tài liệu sách, báo trước đây đã nêu) chuẩn bị về nước. 28/1/1941, tức mùng 2/1 tết, đoàn rời Nậm Quang, vượt qua cột mốc số 108 về Pác Bó, xã Trường Hà, Châu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng... Sau 12 năm (tháng 11/1929 - 1941) Phạm Văn Lộc đã tận tình bảo vệ, giúp việc Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan - Trung Quốc về Pác Bó xây dựng căn cứ địa Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.

Sau khi đưa Bác và Phùng Chí Kiên về hang Cốc Bó, đồng chí Lê Quảng Ba dẫn anh Lộc trở lại nhà ông Máy Lỳ, một người Trung Quốc chạy nạn chiến tranh Trung - Nhật sống ở gần hang Cốc Bó mượn chiếc nồi gang và mấy chiếc bát sành “Anh Lộc nấu bữa cơm đầu tiên cách cửa hang không xa” (Lê Quảng Ba). Thu xếp chỗ ở trong hang Cốc Bó xong, nghe ngóng tình hình không thấy động tĩnh gì, Bác phái đồng chí Lộc quay trở lại Tĩnh Tây một thời gian để chuẩn bị Hội nghị Việt Nam giải phóng đồng minh và lập, giữ mối liên lạc thường xuyên từ hải ngoại với Pác Bó.

 

Cùng Già Thu “Nghe tiếng gió rừng cùng với tiếng beo gầm” 

Phạm Văn Lộc về Pác Bó, tham gia tổ chức phối hợp với tổ chức Đảng của tỉnh Cao Bằng và Pác Bó, lo bảo vệ, lo ăn, ngủ, nghỉ cho các đại biểu dự Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương lần thứ tám (tháng 5/1941), có đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Phùng Chí Kiên cùng một số đại biểu của Xứ ủy Trung kỳ, Bắc kỳ và một số đại biểu hoạt động ở nước ngoài, làm in ấn báo Việt Nam Độc Lập... Hội nghị bầu Tổng Bí thư, Ban Thường vụ Trung ương Đảng, chuyển hướng chỉ đạo cách mạng, thành lập Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng xúc tiến đấu tranh vũ trang tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền… có sự đóng góp của Phạm Văn Lộc - người đồng chí, cộng sự gần gũi giữa rừng xanh, núi đỏ ở Căn cứ du kích Pác Bó của Nguyễn Ái Quốc.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại chặng đường “Từ Pác Bó đến Tân Trào” (Tân Trào (1945 - 1985) Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên, Tuyên Quang, 1985, trang 23): “Tôi trở về nước, cơ quan đã chuyển sang một địa điểm mới, phải lội ngược mãi một con suối nằm giữa những ngọn núi cao, đến cơ quan… Ở đây hẻo lánh, âm u vô cùng. Tôi biết nhiều ngày các đồng chí trong cơ quan đi công tác, đêm khuya, chỉ có Bác với một đồng chí bảo vệ nằm nghe tiếng gió rừng cùng với tiếng beo gầm”.

 

Người bảo vệ tận tụy đó là Phạm Văn Lộc.

Bác ăn uống kham khổ, nhờ có anh Lộc lo toan nên cũng đỡ phần nào. Cháo bẹ, rau rừng, măng luộc, hoa chuối, bữa ăn ngô nhiều hơn cơm, anh Lộc bao giờ cũng dành cho mình phần ngô để phần cơm nhiều hơn cho Bác. Khi nấu cơm anh chắt lấy nước nài nỉ ông Ké uống để bồi dưỡng. Anh còn dùng nước lá ổi thay nước chè để phòng, chữa bệnh đường ruột cho Bác, cùng anh em mò cua, bắt ốc suối, câu cá, trồng vườn rau nho nhỏ có cà chua và ớt, nuôi thả rau cải soong thành từng đám nhỏ bên khe suối (đến nay bà con ở Pác Bó vẫn gọi là rau Bác Hồ), để có thêm bữa ăn tươi, chống lại giá lạnh, ẩm thấp để Bác vượt qua những cơn sốt rét rừng:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Tức cảnh Pác Bó, Hồ Chí Minh (Pác Bó, tháng2/1941)

Trong Hồi ký “Bác lại về Lam Sơn” (Bác Hồ về nước, sách đã dẫn, trang 369, 370), Hoàng Đức Triều kể lại: Chiều cuối tháng 4/1945, tôi vừa đi trực bên Trạm cứu quốc về đã thấy anh Tống (Phạm Văn Đồng) và đồng chí Lã (Hoàng Đức Thạc), Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng từ năm 1942, tới lán gặp tôi vào đề ngay:

 

- Có cán bộ thượng cấp về, đoàn thể định đón về ở lán của các đồng chí. Nhờ giúp đỡ cơm nước và bảo vệ…

Các đồng chí sinh hoạt, nghỉ ngơi ở lán gốc Lệ Chi ngay hang Pác Tẻng, được ba hôm thì đồng chí Lã, Đặng Văn Cáp và đồng chí Tống đón thêm người về lán, đồng chí Lã giới thiệu:

- Đây là đồng chí “ông Ké” và đây là đồng chí Lộc.

Hàng ngày ông Ké cùng các đồng chí Vũ Anh, Tống (Phạm Văn Đồng), Hoàng Quốc Việt, Đặng Việt Châu, Dương Đức Hiền, Đặng Văn Cáp, đồng chí Lã đến nhà đồng chí Kế Minh vắng chủ (do làm vườn không, nhà trống, sơ tán lên núi làm lều lán ở), ở rộng rãi, giáp chân núi đá để hội họp, bàn định công việc, còn đồng chí Phạm Văn Lộc ở Lều lán cùng gia đình tôi lo cơm nước.

Phạm Văn Lộc bảo vệ, nấu ăn, phục vụ Nguyễn Ái Quốc từ Pác Bó đến các tổng, xã ở châu Hòa An và châu Nguyên Bình… Không nề hà ngay cả khi thực dân Pháp - phát xít Nhật khủng bố ác liệt, tróc nã, tiêu diệt các cơ sở và chiến sĩ cách mạng của Việt Minh ở Cao Bằng.

 

Đồng Khắc Thọ

(Kỳ 2)

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 1 ngày trước