Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
05:57 (GMT +7)

Theo bốn mùa rau

VNTN - 3 giờ sáng, chợ rau đầu mối Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) đã kín người. Mặc kệ trời mưa, trời tạnh, trời lạnh nhức tay, buốt tai - chợ vẫn họp. Không huyên náo, ồn ào, chỉ thấy rì rầm hơi thở mùa vụ, giá cả lên xuống của cây rau. Cảnh bán, mua chóng vánh, ít mặc cả, vừa độ trời sáng chợ đã chẳng còn người. Ai nấy tất tả chạy theo cái vòng tròn có tên là mùa vụ. Tôi đã dành mấy ngày “chạy” theo người trồng rau Thái Nguyên. Không phải để khám phá bí kíp trồng rau, mà vì xem những nông dân thực hiện kỹ thuật trồng rau an toàn trong thời đại nhân loại đã rất thành công về công nghệ hóa chất.

Được mùa.

Sự lạm dụng hóa chất trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại một nghi ngại cho người sử dụng sản phẩm, nhất là với các vùng rau. Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, ông Cao Đức Phát, năm 2008 từng phát biểu trước báo giới: “Ngay cả tôi cũng sợ”… Thế mới là người giống mọi người, tôi nghĩ như thế. Mà phàm đã là người thì có thể nhịn ăn đồ mặn, chứ không nhịn ăn rau. Thế mới nên nỗi hằng ngày vừa ăn, vừa sợ. Nhất là trong dư luận loan đồn về các loại thuốc kích mầm “thần kỳ” có nguồn gốc từ Trung quốc, như viên sủi và loại thuốc có số hiệu 920. Loại thuốc này phun lên ruộng rau cằn, chỉ sau 5 ngày là được hái bán. Hỏi chuyện này, ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân phường Túc Duyên giận lắm, bảo: Người trồng rau Túc Duyên không sử dụng thuốc kích mầm trong sản xuất. Vì đó là cách hại mình, hại người. Và vì hướng tới một thương hiệu rau an toàn, chất lượng cao, các hộ thực hiện trồng rau theo quy trình VietGAP.

Là người giảo hoạt, ông nghĩ ngay đến việc minh oan cho người trồng rau hiệu quả nhất. Ông chủ động hoãn cuộc họp cơ quan, đích thân đưa tôi ra thăm cánh đồng rau của nông dân tổ 23. Mới đầu chiều, cánh đồng đã ríu ran tiếng người, bà con vui vẻ trong bận rộn. Bà Dương Thị Huyên quả quyết: Một ngày các bác còn ăn rau, thì mỗi ngày chúng tôi đều trồng rau. Ở đám ruộng gần đó, bà Cao Thị Hương đang mê mải thu hoạch rau bắp cải. Bà Hương cho biết: Gia đình tôi có 3 sào đất trồng rau, trồng gối lứa nên thường xuyên có rau bán. Đến giữa cánh đồng, tôi gặp ông Nguyễn Khánh Long đang cùng thợ hàn làm giàn tưới. Nhà ông Long có 10 sào đất trồng rau theo quy trình VietGAP. Từng loại rau được trồng theo đơn đặt hàng của một số cơ sở kinh doanh rau an toàn trong T.P Thái Nguyên. Ông Long mộc mạc: Mấy đời nhà tôi sống nhờ cây rau, nên gia đình tôi luôn chủ động tiếp cận các phương pháp trồng rau tiên tiến, hiện đại, hướng tới sự an toàn cho người tiêu dùng. Vào vụ rau Tết Nguyên đán năm 2018, tôi đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà lưới, lắp đặt giàn phun tưới, khoan giếng, mua máy bơm và làm nhà trông coi vườn.

Từ 3 sào đất trồng rau an toàn, bà Cao Thị Hương, tổ 23, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) mỗi năm thu được 150 triệu đồng.

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số vùng xuất hiện mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, như hộ ông Long, nhưng chưa nhiều. Và tỉnh cũng đã quy hoạch một số khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, song để trở thành hiện thực còn đợi ở thì tương lai… Vâng! Tương lai có thể sẽ rất gần, nhưng cũng có thể không bao giờ với tới. Tôi mang suy nghĩ ấy trên suốt dọc đường từ thành phố Thái Nguyên lên Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Hùng Sơn (Đại Từ). Trên đường đi thăm ruộng, ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc HTX nói tự hào: Anh xem, đồng rau đẹp như công viên: Không chai lọ thủy tinh, không túi hóa chất vất bừa bãi, phân chuồng, phân xanh được ủ hoai mục mới bón lót, làm đất gieo hạt, đặt con rau.

Áp Tết Nguyên đán, trời lạnh, nhưng từng vạt ruộng bắp cải, cà chua, cải cúc, mùi, húng… vẫn khoe sức sống. Cái sức sống ấy được bắt đầu từ đất, và hơn thế nữa, “nó” được sản sinh từ tư duy làm ăn mới, có trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng của người trồng rau. Bà Đoàn Thị Thúy, Tổ trưởng tổ rau an toàn xóm Xuân Đài cho biết: Rau của HTX được trồng theo quy trình VietGAP ăn ngon, ngọt, mềm và cảm giác an toàn. Đây là lý do để rau của chúng tôi vào được các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể.

Tháng 11-2016, HTX thành lập, thu hút 129 hộ dân ở các xóm Xuân Đài, Đồng Cả, Cầu Thành tham gia. Trên diện tích đất sản xuất 20ha, HTX cân đối trồng rau theo nhu cầu của thị trường, bảo đảm mùa nào, rau nấy, và ngày nào cũng có rau bán. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, HTX khẳng định được cách làm ăn mới của mình hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Tính toán sơ bộ: Rau VietGAP của HTX thu đạt từ 200 đến 200 triệu đồng/ha/năm, tăng hơn 20 triệu đồng/ha so với trồng rau truyền thống.

Đã có đất sống cho cây rau an toàn, niềm vui không chỉ dành cho người trồng rau, mà tất cả mọi người trong xã hội. Một bác sĩ chuyên khoa ký sinh trùng nói: Nếu cây rau được trồng trên đất ô nhiễm, sử dụng nước tưới ô nhiễm, bón phân tươi, phun hóa chất chưa được cơ quan chức năng cho phép, cây rau có thể cho năng suất cao, nhưng cả người trồng rau và người ăn rau đều có thể bị nhiễm sán. Khi sán đã xâm nhập vào cơ thể, “nó” ăn lên mắt, lên não, vào cơ tim. Từ nhiều năm gần đây, bệnh ung thư gia tăng cũng có một phần nguyên nhân từ việc ăn phải thứ rau thiếu an toàn.

Cũng bởi “người của mình” bị ngộ độc thực phẩm, ông Hồng Sĩ Hưng, Phó Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc đã quyết định xây dựng trang trại Nông nghiệp sạch tại xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ). Ông cho biết: Tuy mới đi vào hoạt động từ một năm nay, nhưng chúng tôi đã trồng được 15.000 cây hoa lily, 1 ha cà chua, 500m2 rau cải Nhật Bản, 1.000m2 ớt ngọt, 1ha các loại rau khác và 1ha chăn thả cá. Các loại rau được trồng trong nhà kính, nhà lưới, rau có chế độ chăm sóc nghiêm ngặt, các loại nấm bệnh bên ngoài không có cơ hội thâm nhập. 20 lao động của trang trại là thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp và các sinh viên của Trường Đại học Nông lâm (Đại học Thái Nguyên). Sản phẩm rau của trang trại được siêu thị Minh Cầu và một số siêu thị ở Hà Nội mua với giá cao hơn 1,5 đến 2 lần so với rau trồng thông thường.

Ở tỉnh Thái Nguyên, đây là mô hình nông nghiệp sạch có quy trình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đầu tiên. Và hiện đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hạ tầng trang trại. Tuy còn ngổn ngang những đất đá, song có lẽ ai đã bước chân đến trang trại này đều không giấu được cảm xúc lạ lẫm, đến như rau ở đây còn biết kiêu kì khoe lá; giàn cà chua mọng như má con gái dậy thì, mấy bà nội trợ xoa xuýt, còn tôi thì biết rằng không phải ai cũng dám bỏ ra cả trăm tỷ đồng để làm nông nghiệp sạch như Công ty này.

Trong điều kiện kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, thì việc ăn an toàn cũng phụ thuộc vào sự may, rủi. Chính vì thế mà nhiều người mong ước ở các vùng nông thôn có thêm nhiều cánh đồng trồng rau an toàn. Với suy nghĩ ấy, tôi tìm về xã Đông Cao (thị xã Phổ Yên). Đó là một vùng bồi đầy phù sa của dòng sông Cầu, nơi có những nông dân tần tảo bốn mùa vần xoay theo vụ rau. Ông Trần Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đồng đất Đông Cao phù hợp cho cây rau phát triển, nhưng nông dân xóm Trại, xóm Soi có kinh nghiệm hơn cả. Từ tháng 4-2017, HTX dịch vụ nông nghiệp Đông Cao được thành lập, thu hút 7 thành viên ở 2 xóm này tham gia, với tổng vốn huy động hơn 270 triệu đồng. Để sản xuất hiệu quả, HTX đầu tư làm nhà lưới trên diện tích 1ha, lắp đặt hệ thống phun tưới tự động và áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Bà Đinh Thị Thu, Giám đốc HTX cho biết: Có nhà lưới, công việc trồng rau của nông dân chủ động hơn, kể cả lúc thời tiết khắc nghiệt như, nắng nóng, mưa lớn hoặc trời rét đậm, rét hại.

Nhọc nhằn mùa vụ.

Toàn bộ quá trình sản xuất, kể từ khâu làm đất, bón lót, bón thúc, chọn và xử lý hạt giống, chăm sóc rau đều được ghi chép lại đầy đủ theo nhật trình. HTX hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, mà tăng cường phân bón hữu cơ vi sinh. Bà Đinh Thị Thảo, thành viên HTX cho biết: Chúng tôi không sử dụng phân tươi để chăm bón cho rau như ít năm trước đây. Nhất là trong phòng trừ sâu bệnh đều được sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học, sau phun bảo đảm đủ thời gian mới thu hoạch rau. Với cách làm này, sản phẩm rau của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn, được nhiều khách hàng tin dùng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX.

"Không bắc nước chờ gạo người", HTX chủ động đầu tư xây dựng khu chế biến rau, củ, quả với diện tích rộng hơn 100m2, gồm một bể nước có dung tích 2.000m2, hệ thống bàn inox. Toàn bộ rau, củ, quả sau thu hoạch được HTX đóng túi theo trọng lượng yêu cầu của khách hàng.

Khách hàng là thượng đế, là nguồn nuôi sống người trồng rau, những nông dân của thời đại kinh tế 4.0 đều nhận được chân giá trị như thế. Bởi tất cả họ đều là người làm chủ đồng ruộng, làm chủ thiên nhiên, khoa học kỹ thuật, nên mỗi người trồng rau đều biết điều chỉnh tư duy, hành động của mình trước thực tế cuộc sống sinh động. Và tôi tin ở cuộc sống đời thường hôm nay, cả người trồng rau và người ăn rau đều có chung một mong muốn hướng tới sự an toàn. Bởi ăn không chỉ để sống, mà còn là hạnh phúc khi được ăn.

Phạm Ngọc Chuẩn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước