Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024
20:35 (GMT +7)

Thêm những khơi mở hữu ích cho người sáng tác ảnh nghệ thuật Thái Nguyên

VNTN - Những bức ảnh nghệ thuật giàu sáng tạo khiến người xem không muốn rời mắt, những câu chuyện nghề chân thực, những kinh nghiệm sáng tác quý báu,… đó là “món quà” ý nghĩa mà NSNA Lại Diễn Đàm và NSNA Hoàng Ngọc Thạch (Hội NSNA Việt Nam) đã “dành tặng” cho hơn 30 học viên tại Trại sáng tác chuyên ngành Nhiếp ảnh - chương trình do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức, diễn ra từ ngày 4 - 9/7/2020.


Với cách truyền đạt thân thiện, cởi mở, NSNA Lại Diễn Đàm bắt đầu cuộc trao đổi bằng việc củng cố lại một số vấn đề “nhập môn” của nhiếp ảnh, bao gồm: kỹ thuật chụp ảnh, những yếu tố tạo nên tác phẩm ảnh nghệ thuật... Với mỗi phần chia sẻ, ông đều có tác phẩm để minh họa, diễn giải rất cụ thể, sinh động.

Một trong những nội dung được NSNA Lại Diễn Đàm đi sâu phân tích là những yếu tố tạo nên ảnh nghệ thuật, bao gồm: ý tưởng, bố cục, ánh sáng, góc chụp, cắt cúp, và các yếu tố song hành, như: năng khiếu, đam mê, kiên trì, quyết tâm, may mắn… Trong đó, ông nhấn mạnh đến yếu tố “ý tưởng”. Nếu “bố cục” được coi là vấn đề cơ bản trong nhiếp ảnh, thì “ý tưởng” - tức nội dung mà tác phẩm đề cập tới - được xem như linh hồn của tác phẩm. Đó chính là những gì hiện hữu xung quanh chúng ta, chỉ có điều chúng ta có nhạy bén để nhận biết, rung cảm và thể hiện ra được hay không. Ông chia sẻ: “Tôi luôn đau đáu nghĩ đến chụp ảnh, tối đi ngủ vẫn phải nghĩ xem sáng mai dậy sẽ chụp cái gì”. NSNA Lại Diễn Đàm đặc biệt lưu ý đến sự xuất hiện của yếu tố con người trong tác phẩm. Theo ông, nhiếp ảnh cần quan tâm thể hiện cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đầy xúc cảm của con người trong cuộc sống thường nhật, đó thực sự là chất liệu dồi dào cho mỗi người nghệ sĩ. Có lẽ việc ông không bao giờ nheo mắt khi chụp (mà luôn chụp bằng 2 mắt mở to) và cũng không bao giờ nắp ống kính, mà luôn bật sẵn công tắc, để sẵn chế độ, chỉ đợi để bấm máy... chính là một “bí quyết” giúp ông luôn có được tâm thế chủ động, sẵn sàng đón nhận những khoảnh khắc đắt giá, thú vị của cuộc sống tươi đẹp này.

Một trong những vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của học viên là cách lập ý tưởng và sắp xếp hình ảnh đối với ảnh bộ - hình thức kết hợp nhiều ảnh (khoảng từ 5 - 10 ảnh) ở nhiều góc độ khác nhau của con người và sự việc để làm nổi bật được một đề tài nhất định. Chia sẻ kinh nghiệm về cách thực hiện một bộ ảnh, theo NSNA Hoàng Ngọc Thạch cần trải qua các bước cơ bản: Chọn đề tài, xây dựng kịch bản, tiến hành chụp và sắp xếp ảnh. Người chụp cần lưu ý về việc chọn các góc chụp (đủ các góc: cận cảnh, trung cảnh, toàn cảnh), chọn thời gian chụp (đủ cả sáng - trưa - chiều - tối), sao cho mỗi ảnh mang một thông tin, một ý nghĩa, một góc chụp khác nhau song tất cả đều tập trung thể hiện và làm sáng rõ đề tài. Yêu cầu rất quan trọng đối với một bộ ảnh là có được một vài bức ảnh “đinh” - bức ảnh mà đứng một mình vẫn trở thành một tác phẩm độc lập, nhưng nếu rút ra khỏi bộ ảnh thì bộ ảnh ấy sẽ không còn giá trị nữa.

Trong nhiếp ảnh, để có một tác phẩm chất lượng, ngoài năng lực chụp ảnh thì xử lý hậu kỳ là một khâu rất quan trọng. Đây được xem là lần sáng tác ảnh thứ hai, quyết định chất lượng cuối cùng của bức ảnh. Có thể hiểu đơn giản, đó là thao tác cắt cúp ảnh đã chụp khi mình cảm nhận cái đẹp đúng chủ đề, sau đó sử dụng nhiều công cụ khác nhau trong phần mềm chỉnh sửa ảnh, với các thao tác như: tạo vùng chọn, tăng màu, tăng nét, dìm sáng tối để làm nổi bật chủ đề và tạo ra những tác phẩm đẹp theo ý muốn. Bằng sự chuyên nghiệp, thuần thục của mình, các giảng viên cũng trực tiếp thị phạm một số kỹ năng, kỹ xảo cơ bản trong việc xử lý hậu kỳ, giúp tạo điểm nhấn thị giác trong bố cục ảnh, làm cho chất lượng bức ảnh được nâng lên rõ nét. Liên quan đến vấn đề này, các học viên còn được hướng dẫn về cách chuyển từ ảnh màu sang ảnh đen trắng. Ví dụ, trong một số trường hợp, như khi ảnh màu không khai thác được những ưu điểm của màu sắc (không “no” màu) hoặc tuy màu sắc ổn nhưng cần làm giảm sự chi phối của người xem với những gam màu mạnh trong tác phẩm, thì khi đó ta nên chuyển ảnh màu sang ảnh đen trắng. Đặc biệt, mỗi người nghệ sĩ cần có sự nhạy bén trước đối tượng chụp, để có thể “nhìn sự việc bằng con mắt đen trắng” - tức tự mình phán đoán, cảm nhận được trong trường hợp nào thì nên chụp đen trắng. Những tác phẩm ảnh đen trắng của NSNA Hoàng Ngọc Thạch đã minh chứng rất cụ thể cho điều này.

Ngoài ra, một số thể loại của nhiếp ảnh như ảnh báo chí, ảnh tĩnh vật, ảnh ý tưởng..., cùng các vấn đề liên quan, bổ trợ khác như cách chơi màu sắc, đạo đức nghề nghiệp, phong cách tác giả trong nhiếp ảnh… cũng được các giảng viên quan tâm đề cập. Những kiến thức này góp phần đem đến cho người nghe cái nhìn tổng quan, bao quát và đầy đủ hơn về các vấn đề của nhiếp ảnh nói chung.

Không chỉ chia sẻ những vấn đề về lý thuyết, một nội dung quan trọng khác của lớp bồi dưỡng là phần nhận xét ảnh cho các học viên. Gần 100 file ảnh đã được 2 giảng viên trực tiếp đánh giá, đóng góp ý kiến. Các giảng viên đã chân thành, thẳng thắn chỉ rõ những ưu điểm, hạn chế của các bức ảnh và đề xuất cách chỉnh sửa. Để nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực năm 2020 được tổ chức tại Thái Nguyên, theo NSNA Lại Diễn Đàm: “Các tác giả cần đầu tư cả về ý tưởng và kỹ thuật để các tác phẩm có chiều sâu hơn nữa, tránh những sơ suất không đáng có, như góc độ, ánh sáng, nội dung…”.

Hai ngày trao đổi đã đem đến cho các học viên tham dự niềm vui và nhiều điều bổ ích. Tác giả Vương Minh Lập (Chi hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên) bày tỏ: “Những kiến thức tôi được tiếp thu tại Trại lần này khiến tôi vỡ ra nhiều điều, như thỏa được cơn khát bấy lâu vậy. Tôi mong có thêm nhiều cơ hội như thế này để được học hỏi những tinh túy của các nghệ sĩ”. Tác giả Ngô Đức Mích (hội viên của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn, tuy ở xa nhưng khi biết thông tin về Trại đã nhiệt tình đăng ký tham gia) cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với các giảng viên khi được “mở mang rất nhiều điều về kiến thức nhiếp ảnh”, “nếu không được các anh nói cho nghe thì sẽ không biết được, vẫn sáng tác theo lối cũ, nên nhiều khi lại tự mình làm mất đi những cái mà lẽ ra mình đang có để tạo nên một tác phẩm tốt” - anh chân thành chia sẻ.

NSNA Đỗ Anh Tuấn - Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT tỉnh Thái Nguyên cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả như thế này hơn nữa để các tác giả Thái Nguyên được nâng cao chuyên môn, nhất là về khâu phát hiện, xây dựng ý tưởng và hậu kỳ ảnh.

Có thể nhận thấy, những kiến thức, kỹ năng mà các học viên thu nhận được từ Trại sáng tác Nhiếp ảnh Thái Nguyên 2020 là rất bổ ích, thiết thực, hiệu quả. Bởi những điều tưởng chừng rất quen thuộc ấy, qua lớp bồi dưỡng được trình bày, chia sẻ một cách hệ thống, bài bản, chi tiết. Nhận thức, hiểu biết của học viên về các kiến thức, kỹ năng nhiếp ảnh vì thế mà thêm sâu hơn, mới hơn. Hy vọng từ những sinh hoạt chuyên môn đi vào chiều sâu nhằm cung cấp tri thức nền tảng, gốc rễ, góp phần nâng cao tư duy, năng lực sáng tạo như thế này sẽ khơi gợi cảm hứng và giúp ích cho những người yêu nhiếp ảnh nghệ thuật Thái Nguyên có được nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật chất lượng hơn nữa

Minh Khuê

 

 

 

 

 

 

 

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy