Thêm một lời giải thích vì sao Mỹ thất bại ở Việt Nam
VNTN - Mùa thu 1969, tại tỉnh Bình Dương, một người lính miền Bắc Việt Nam ngồi cạnh chiếc bàn trong căn hầm lớn chăm chú ghi chép những gì mà anh ta nghe được qua vô tuyến điện.
“Cậu đã biết thông báo về pháo kích nặng chưa?” Một người lính Mỹ hỏi. “Chưa”- một người lính Mỹ khác đáp.
“Tọa độ 550 600, 3/5/31 vào 11 giờ 30”, người lính kia nói. Bên alề cuốn sổ, người lính miền Bắc viết nguệch ngoạc những thông tin nghe được trong cuốn sổ tay “pháo kích nặng = ném bom B-52 vào 11 giờ 30. Hai mươi phút sau khi những chiếc máy bay B-52 ném những quả bom 750 cân Anh xuống mục tiêu thì đối phương đã “biến mất”.
Cuốn sổ này chỉ là một trong hàng trăm tài liệu được Cục An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) giải mật trong thời gian gần đây, giúp lý giải vì sao hàng trăm cuộc ném bom và phục kích của Mỹ bị thất bại. Việc những người lính miền Bắc xâm nhập rất thành công vào mạng lưới truyền tin của Mỹ cho thấy khả năng của họ không xoàng như Mỹ tưởng. Đối với nhiều cựu chiến binh Mỹ, đây chính là lời giải đáp cho câu hỏi vì sao một đất nước có tiềm lực quân sự và công nghệ mạnh như Mỹ lại thua Việt Nam, một đất nước nhiệt đới nhỏ bé cách nửa vòng trái đất. Theo Michael Jacobs, Giám đốc Cục thông tin quân đội Mỹ, điều này đã giúp cho các đơn vị chủ lực của đối phương tránh phải đối mặt với quân Mỹ. Ông nói “trong thời gian này có hàng loạt cuộc phục kích xảy ra rất đáng ngờ”. Trong suốt thời gian từ 1961 đến đầu những năm 1970 khi Mỹ ồ ạt đổ quân vào nam Việt Nam, không một chỉ huy nào của Mỹ ngờ rằng đối phương đang bí mật khai thác hệ thống truyền tin của họ.
Cuốn sách “Thông tin quân sự: Cuộc thử nghiệm về công nghệ” của John D. Bergen
Dấu hiệu đầu tiên về việc đối phương nghe chặn tin được biết đến khi lính Mỹ tình cờ phát hiện một ăngten lạ trên mặt đất nối với một căn hầm có thể chứa hàng chục người và các máy thu phát. Lính Mỹ cũng tìm thấy 1.400 tờ ghi điện và thậm chí cả các dữ liệu về đời tư của hàng trăm binh sĩ: nơi sinh, giọng nói và thói quen... Theo một báo cáo năm 1970 đã được giải mật, các quan chức Mỹ đã nhắc nhở chỉ huy các đơn vị rằng, binh sĩ thuộc quyền của họ rất tùy tiện trong giao tiếp qua vô tuyến điện, rất nhiều trường hợp họ không hề mã hóa. Chính vì vậy mà hàng trăm phi vụ của quân Mỹ đã bị “vô hiệu hóa”.
Trong một tài liệu hướng dẫn của quân đội miền Bắc mà NSA thu được, một binh sĩ miền Bắc viết: “Sự trao đổi của bọn chúng (lính Mỹ) rất lạ... nhưng chúng nói không nhanh lắm. Bọn sĩ quan... khi giao tiếp với các sĩ quan cấp dưới hoặc đơn vị nói rất nhẹ nhàng và cẩn thận thậm chí ngay cả khi chiến sự đang xảy ra... chúng tôi có thể xác định chúng phát hiện ra chúng tôi ở đâu và khi nào thì các kế hoạch của chúng tôi gặp nguy hiểm. Các bức điện chúng gửi rất dễ hiểu vì chúng không mã hóa các tọa độ, điều này rất có lợi cho ta.”
John D. Bergen, trung tá lục quân, người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các tài liệu đã được giải mật và là tác giả cuốn sách “Military Communications: A Test for Technology" (Thông tin quân sự: Cuộc thử nghiệm về công nghệ), do Trung tâm Lịch sử Quân sự, Lục quân Mỹ xuất bản năm 1986, đã viết: "Các nỗ lực mã hóa của binh sĩ Mỹ đã bị cản trở bởi hệ thống mã phức tạp và các máy phát vô tuyến sóng FM rẻ tiền, dễ sử dụng ở khắp mọi nơi. Các máy phát vô tuyến này có bán kính phủ sóng rộng và truyền đi mọi hướng, rất có lợi cho đối phương. Các binh sĩ Mỹ thường sử dụng mã trong nước và cho rằng đối phương không thể hiểu được cách chơi chữ của họ. Khác hẳn với lính Mỹ thường hiếm khi đóng quân ở một vị trí quá 6 tháng, những người lính miền Bắc ở hàng năm trời trong các hầm bí mật cần mẫn nghe chặn thông tin với các thiết bị vô tuyến đơn giản. Nhưng những gì họ ghi được lại chẳng đơn giản chút nào, thậm chí phản ánh trình độ toán học cao cấp. Mỗi binh sĩ miền Bắc được phân công theo dõi nghiên cứu 1 đơn vị lính Mỹ 7 ngày trong tuần và kéo dài hàng tháng trời". Theo Bergen, bài học ở Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị đối với Mỹ ngày nay: Khi phải đối mặt với một đối thủ được tổ chức và trang bị kém thì điều đầu tiên cần nhớ là đừng bao giờ đánh giá thấp họ như lính Mỹ đã từng làm ở Việt Nam. Nhiều quan chức Mỹ không thể tin được vì sao quân đội miền Bắc lại có trong tay các thông tin của họ, đơn giản là vì họ không có khả năng về công nghệ.
Một nhóm lính thủy đánh bộ Mỹ vội vã chạy ra phía trực thăng ở căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. Ảnh: internet
Douglas Pike, cựu sĩ quan đối ngoại thuộc Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn và hiện là Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Việt Nam ở bang Texas nhớ lại: Thời đó, chúng tôi đã thảo luận rất nhiều và cố gắng tìm lời giải cho câu hỏi vì sao hàng loạt phi vụ và các cuộc oanh kích của không quân Mỹ lại không thành công. Nhiều người nghĩ rằng rất có thể tình báo Liên Xô đã thông báo cho đối phương. Tại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, trong các buổi trao đổi, cá nhân tôi nghi rằng, nhất định phải có rò rỉ thông tin. Một số người cho rằng, phải có những người nghe trộm dưới hầm bí mật, song chẳng có một chứng cứ nào. Đó thực sự là sự khinh suất. Chúng tôi không thể tin rằng những người mặc đồ bà ba đen lại có thể làm những việc tinh vi đến như vậy. Nhưng trong thực tế họ đã làm được. Một số tài liệu khác cho thấy, ở một vị trí quan sát ngay cạnh Sở Chỉ huy Sư đoàn kỵ binh số 1, binh sĩ đối phương đã hàng đêm theo dõi trung đoàn trực thăng và biết rõ rằng, ngày mai trận đánh sẽ xảy ra ở đâu và sẵn sàng phục kích.
Joe P. Dunn, Giáo sư, Trưởng khoa Lịch sử và chính trị trường Đại học Converse, Bắc Carolina, người phụ trách chương trình nghiên cứu chiến tranh Việt Nam, nói rằng, những tài liệu này sẽ làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về chiến tranh. Theo ông, những tài liệu này đã làm sâu sắc thêm hiểu biết của người Mỹ về những gì đã xảy ra và về những gì phía bên kia đã làm mà người Mỹ không biết. Có rất nhiều điều người Mỹ sẽ còn tiếp tục phải học hỏi, nhất là về công nghệ và kĩ năng mà đối phương đã sử dụng trong chiến tranh.
Lính Mỹ cũng tiến hành do thám đối phương một cách gắt gao, tuy nhiên, họ đã không thành công vì đối phương thường xuyên thay đổi mật mã. Lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ sử dụng máy bay do thám và thu thập điện tử có tên gọi “Teeney Weeney Airlines - TWA”. Nhân viên mã dịch chết đầu tiên ở Việt Nam là James Davis. Anh ta đã chết trong một trận phục kích ở ngoại ô Sài Gòn tháng 12/1961.
Cole Miller, một chuyên gia phân tích của NSA, người cùng với Davis, một trong hai nhân viên mã dịch đầu tiên, có mặt tại Việt Nam, nhớ lại rằng, khi nhìn thấy chiếc nhẫn cưới và một vài vật dụng cá nhân của Davis ở trên bàn, đã thốt lên: Lạy chúa, thực tế là đây rồi, không cần phải tưởng tượng nữa!
Giống như những người lính của đối phương, các nhân viên của NSA cũng cố gắng giấu tung tích của mình. Họ mặc bộ quân phục lục quân song lại mang phù hiệu “Department of Defense Representative” (đại diện Bộ quốc phòng). Vì mang phù hiệu và quân phục như vậy, nên theo Jack Barrett, một cựu binh Mỹ ở Việt Nam thì khi gặp họ, rất ít người biết nghề nghiệp của họ là gì. Bức điện cuối cùng mà những người lính miền Bắc thu và giải mã được cũng chính là bức điện cuối cùng của Mỹ ở Việt Nam.
Từ tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, một nhân viên mã dịch đã chuyển bức điện cuối cùng với nội dung “Tôi đã nhận được lệnh di tản. Sẽ ngừng mọi hoạt động truyền tin ngay sau bức điện này. Chúng tôi rất mệt mỏi, song cũng không đến nỗi quá tồi. Hình như trận tiến công Sài Gòn sắp xảy ra. Tôi xin bày tỏ sự khâm phục các anh - những nhân viên của NSA về những gì các anh đã làm...”
Vũ Khanh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...