Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
10:10 (GMT +7)

Thêm một di tích An dưỡng đường thương binh bị “bỏ quên”

VNTN - Tháng 7 vừa qua, cả nước diễn ra nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Huyện Đại Từ (Thái Nguyên) là một trong 4 điểm cầu (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị và Thái Nguyên) được truyền hình trực tiếp trên VTV1 trong chương trình mang tên “Dáng đứng Việt Nam”, nhằm  tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương - bệnh binh và người có công với cách mạng.

Điểm Đại Từ được lựa chọn để ghi hình trực tiếp là Khu di tích lịch sử quốc gia 27/7 - nơi công bố bức thư của Bác Hồ gửi cho anh em thương bệnh binh trong cả nước, ghi nhận sự ra đời Ngày Thương binh Liệt sĩ ở nước ta. Là nhờ thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam lúc bấy giờ nhân dân huyện Đại Từ cũng như nhân dân cả nước đồng lòng ủng hộ kháng chiến. Trong huyện Đại Từ, cán bộ và nhân dân nơi nơi đều dấy lên phòng trào giúp đỡ bộ đội là thương binh. Một loạt các trại An dưỡng đường được ra đời ở huyện Đại Từ như: An dưỡng đường số 1 ở xã Lục Ba, An dưỡng đường số 2 ở xã Mỹ Yên và An đường số 3 ở xã An Khánh.

Trong ba khu An dưỡng đường trên địa bàn huyện Đại Từ thì khu An dưỡng đường số 3 tại xã An Khánh được ít người biết đến. Có lẽ bởi vì An dưỡng đường số 1 và An dưỡng đường số 2 gắn liền với sự bi thương oan khuất của bà Bá Huy (chủ nhân khu An dưỡng đường số 1), sự bất hạnh của ông Đặng Văn Ẩm (chủ nhân khu An dưỡng đường số 2), được nhiều báo chí đăng tải, được bàn thảo nhiều năm chưa có hồi kết, nên đã thu hút sự chú ý của dư luận nhiều hơn.

Ông Lê Đức Thái (bên phải), nguyên Trưởng ty Giao thông Bắc Thái, nhân chứng lịch sử - người cung cấp thông tin.

Trại thương binh (An dưỡng đường số 3) nằm tại xóm Đầm, xã An Khánh, huyện Đại Từ được nhân dân lập nên năm 1946. Do yêu cầu của kháng chiến, số thương binh từ các chiến trường được đưa về Đại Từ, trong đó có xã An Khánh, đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ giúp đỡ, điển hình là ông Chu Văn Thông - một người tham gia hoạt động cách mạng từ trước năm 1945. Nhà ông Thông là gia đình thuần nông nhưng nhờ có đông nhân lực, ông bà và các con đều là những người khỏe mạnh lại chịu khó lao động, gia đình ông khai phá được nhiều ruộng nương, chăn nuôi được nhiều gia súc nên thuộc diện có của ăn của để. Ông Thông đã tự nguyện nhường khu nương bãi trồng sắn của gia đình tại chân núi Măng Đắng để làm trại thương binh, gia đình ông còn cùng dân làng ủng hộ tre nứa cây cột để làm lán trại cho thương binh ở nên người dân trong vùng cảm phục mà gọi là Trại thương binh Chu Văn Thông. Năm 1947 do thương binh về đông hơn nên ông Thông cùng dân làng lại tiếp tục làm thêm 4 lán nhà nữa là 7 trại, các thương binh ở đây hầu hết là thương binh nặng nên không có khả năng lao động phải dựa vào dân làng quyên góp.

Ông Lê Đức Thái (90 tuổi, nguyên Trưởng Ty Giao thông tỉnh Bắc Thái) lúc đó đang làm mặt trận xã nhớ lại: “Ngoài việc lo lương thực thực phẩm, tổ du kích trong làng phải thường xuyên thay phiên nhau canh gác không cho người lạ đi vào khu vực trại. Các y tá, bác sĩ ngày ấy rất ít, nhiều người dân tình nguyện giúp đỡ thương binh nặng những việc như bón ăn, uống thuốc, tắm giặt. Dù thực phẩm, thuốc men khan hiếm nhưng bù lại bà con xóm Đầm hết lòng đùm bọc, nhiều thương binh sau khi điều trị đã được chuyển về hậu cứ, không quên bày tỏ sự biết ơn công lao của người dân nơi đây.”

Khu An dưỡng đường số 3 thuộc xóm Đầm, xã An Khánh trước có vị trí tại xóm Ngò (nay mới được tách ra làm 2 xóm: Đầm và Bãi Chè). Cánh đồng xóm Ngò còn ghi dấu sự kiện thực dân Pháp nhảy dù đổ bộ vào cuối năm 1947 (theo kế hoạch nhẩy dù tấn công lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta). Bị thất bại liên tiếp ở Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn), chiều 26/11/1947, chúng cho máy bay ném bom dọn đường và thả hơn 400 lính dù xuống cánh đồng xóm Ngò, xã An Khánh để chiếm khu vực chiến lược quan trọng trên Quốc lộ 3. Thực hiện tinh thần tiêu thổ kháng chiến nên hầu hết nhân dân đã di chuyển tài sản và lương thực vào rừng. Trại thương binh lúc đó cũng phải chuyển đi gấp.

Khi Pháp vào đến dốc Đá gần trại thương binh, chàng du kích Chu Văn Tiến (con trai ông Thông nay đã 88 tuổi) giật quả địa lôi do ta tự chế, tuy tiếng nổ không lớn nhưng cũng đủ làm quân Pháp phải hoảng sợ bỏ chạy. Nhờ dân làng giúp đỡ ta đã chuyển được hết anh em thương binh sang xã Phúc Thuận an toàn, còn các lán trại đội du kích buộc phải đốt để thực hiện tiêu thổ kháng chiến, khi Pháp vào tới nơi lùng sục không thấy người, chúng điên cuồng quay ra đốt phá, bắn giết trâu bò...

Ông Chu Văn Tiến (con trai ông Thông), nhân chứng lịch sử chỉ đường vào khu An dưỡng đường số 3 của gia đình.

Trong cuộc cải cách ruộng đất năm 1954, cũng như bà Bá Huy, chủ nhân khu An dưỡng đường số 1 ở Lục Ba; ông Đặng Văn Ẩm, chủ nhân khu An dưỡng đường số 2 ở Mỹ Yên, ông Chu Văn Thông, chủ An dưỡng đường số 3 ở An Khánh cũng không thoát khỏi sự oan nghiệt của thời thế. Do có nhiều ruộng nương, rừng tre bãi vầu nên ông Thông bị quy là “Địa chủ kháng chiến”. Toàn bộ nhà cửa, tài sản, ruộng nương bị thu hồi, gia đình phiêu bạt, mãi sau này mới được chính quyền cải sai.

Khu An dưỡng đường khi thương binh rút đi sau trận càn năm 1947, du kích đã đốt cháy hết để thực hiện tiêu thổ kháng chiến nên giờ chỉ là bãi hoang cỏ mọc. Từ khi có chế độ giao đất giao rừng, khu An dưỡng đường được giao cho một số hộ quản lý. Hiện nay khu An dưỡng đường số 3 nằm ngay cạnh con đường bê tông cuối xóm Đầm, với chiều dài mặt đường khoảng 700m, đã có nhiều hộ gia đình xây nhà ở dọc theo mặt đường phía trước, còn phía sau trước là rừng nay thành bãi của các hộ dân trồng cây tràm để thu hoạch gỗ, ước chừng khoảng 4ha. Do chưa được công nhận là Khu Di tích lịch sử nên địa phương cũng chưa có chủ trương tiến hành quy hoạch, đánh mốc chỉ giới mà vẫn giao cho các hộ dân quản lý.

Người viết bài này thiết nghĩ, tuy An dưỡng đường số 3 tại xóm Đầm, xã An Khánh, huyện Đại Từ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn gần 2 năm nhưng sự hy sinh, những cống hiến và tình cảm bà con nhân dân nơi đây dành cho thương binh, cho cách mạng rất đáng được trân trọng và ghi nhận.

Nguyễn Văn Vượng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy