Thứ bảy, ngày 04 tháng 05 năm 2024
06:00 (GMT +7)

Thế giới của hổ trong tranh Henri Rousseau

Henri Rousseau (1844 - 1910) là một họa sĩ người Pháp, đặc trưng với phong cách nghệ thuật ngây thơ. Là một họa sĩ tự học, ông thể hiện niềm đam mê nghệ thuật bằng việc chứng minh những bức tranh của mình không chỉ là thú vui mà còn là công việc sáng tạo nghiêm túc. Vượt lên những lời phê bình, chế giễu về những tác phẩm được cho là khác thường, Henri Rousseau đã trở thành một tên tuổi đặc biệt trong lịch sử mỹ thuật phương Tây cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Một trong những mối quan tâm xuyên suốt các sáng tác của ông là các bức tranh về rừng rậm mà đặc sắc hơn cả là hình ảnh những con hổ oai hùng trong thế giới hoang dã.

Henri Rousseau bắt đầu sự nghiệp nghệ thuật khi đã ngoài 40 tuổi bên cạnh nghề nghiệp chính là nhân viên thu thuế tại Paris. Bận rộn với công việc nhưng Rousseau vẫn dành thời gian để vẽ tranh. Không được đào tạo một cách bài bản, ông thiếu hụt kiến thức nền tảng về hội họa. Bởi vậy, tranh của Rousseau không được các triển lãm chính thức lúc bấy giờ (được gọi với cái tên Salon) công nhận. Thay vào đó, ông tham gia trưng bày tác phẩm tại triển lãm Salon độc lập (Salon des Indépendants), sự kiện thường niên được thành lập bởi các họa sĩ trẻ tự do, muốn phá vỡ sự thống trị của thể chế nghệ thuật truyền thống. Sự kiện này được khởi xướng tại Paris năm 1884 với khẩu hiệu “không có hội đồng đánh giá hay giải thưởng”. Trong nhiều năm, Rousseau phải hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt từ giới phê bình cũng như công chúng, bị coi thường như một kẻ nghiệp dư dám dấn thân vào thế giới nghệ thuật hào nhoáng. Vượt lên trên tất cả, ông vẫn giữ nhiệt huyết trong sáng tác với số lượng tác phẩm dồi dào, ngay cả khi phải trải qua biến cố lớn trong cuộc sống khi vợ ông và những người thân trong gia đình lần lượt qua đời.

Xuất thân trong một gia đình bình thường tại Laval, phía Tây Bắc nước Pháp, Henri Rousseau sớm bỏ dở việc học phổ thông và tham gia nghĩa vụ quân sự trong bốn năm. Trong thời gian này, ông có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe hồi ức của những người lính sống sót sau cuộc can thiệp của Pháp đối với Mexico (1862 - 1865). Điều đó có lẽ đã truyền cảm hứng cho ông về hình ảnh những khu rừng cận nhiệt đới đầy hấp dẫn và kỳ lạ. Chủ đề về khu rừng hoang sơ và những loài động vật hoang dã được ông mô tả đầy chân thực, cuốn hút mặc dù ông chưa từng rời khỏi Pháp trong suốt cuộc đời của mình. Một sự tác động quan trọng khác đó là sự kiện Triển lãm thế giới (Universal Exposition) tại Paris năm 1889. Những hiện vật đến từ các nền văn hóa xa lạ, lúc bấy giờ là thuộc địa của Pháp như Senegal, Tahiti hay Tonkin (Bắc Kỳ - Việt Nam) được giới thiệu đã gây ấn tượng mạnh mẽ tới thế giới văn minh phương Tây. Cũng tại đây, Phòng trưng bày động vật học với những con thú nhồi bông với kích thước như thật đã cung cấp cho Rousseau những tư liệu quý báu. Ngoài ra, ông còn say mê nghiên cứu, phác thảo những loài cây nhiệt đới tại Vườn Bách thảo Paris.

Ngạc nhiên! (1891). Sơn dầu. 129.8 x 161.9cm. Nguồn: Bảo tàng Quốc gia London

Rousseau đã vẽ khoảng 20 bức tranh về cảnh quan trong rừng, trong đó Ngạc nhiên! vẽ năm 1891 được coi là tác phẩm đầu tiên theo chủ đề này. Bức tranh vẽ bằng chất liệu sơn dầu, được tham gia triển lãm Salon độc lập năm 1891. Sau tác phẩm ra mắt của ông năm 1886 mang tên Đêm hội hóa trang đạt được ít nhiều thành công, Rousseau hầu như không nhận được bất cứ sự chú ý nào của giới phê bình. Cho tới khi Ngạc nhiên! xuất hiện, tên tuổi của ông mới được nhắc đến bởi nhà văn trẻ Félix Vallotton, với bài viết trên tạp chí Thụy Sĩ. Trong đó, Vallotton đã mô tả: “Con hổ của anh ấy làm con mồi ngạc nhiên… là một điều không thể bỏ qua; đó là alpha và omega của hội họa” [1]. Trong tranh, hình dáng con hổ được Rousseau tập trung thể hiện. Ẩn sau những tán lá rừng rậm rạp, một con hổ nhe nanh vẻ dữ tợn trong tư thế cong lưng. Thật khó để biết chính xác nó đang rình rập con mồi hay thu mình lại trong cơn mưa lớn. Khi nghiên cứu về tác phẩm, có những bằng chứng cho rằng Henri Rousseau đã sửa lại bức tranh sau khi đã hoàn thành, chi tiết đám lá tối màu ở góc phải tấm toan được thêm vào sau đó để che đi dấu vết của con mồi. Mặt khác, tiêu đề của bức tranh có thể bắt nguồn bởi cụm từ “grève surprise” trong tiếng Pháp có nghĩa là tia sét hay sự xuất hiện bất thình lình, tương đồng đến dáng vẻ của con hổ trong tranh. Họa sĩ đã khai thác bảng màu tự nhiên, cho thấy thành quả của sự quan sát tỉ mỉ. Ông còn chú tâm diễn tả kỹ lưỡng những loài thực vật đa dạng tạo ra không gian tầng tầng lớp lớp cho nền tranh. Những gam màu xanh lục, màu đỏ, màu nâu vàng kết hợp hài hòa gợi lên không khí của miền nhiệt đới. Những sọc màu xám nhạt bao trùm toàn bộ bức tranh là chủ đích của họa sĩ để tái hiện cơn mưa nặng hạt. Tư thế của con hổ có phần kém tự nhiên nhưng dường như chính sự vụng về này lại làm nên phong cách đặc trưng của Henri Rousseau. “Nghệ thuật ngây thơ” là thuật ngữ để chỉ những tác phẩm được sáng tác theo lối hồn nhiên, ước lệ trong hình thức, kỹ thuật đôi khi còn thô mộc. Các nghệ sĩ theo trường phái này cũng thường là tự học, không qua trường lớp nào, trong đó, Henri Rousseau được coi là gương mặt tiên phong.

Cuộc chiến giữa hổ và bò mộng (1908 - 1909). Sơn dầu. 46 x 55cm. Nguồn: Bảo tàng Hermitage, Nga

Hình tượng con hổ còn xuất hiện trong những tác phẩm khác của Henri Rousseau, mặc dù trong những hoàn cảnh khác nhau nhưng luôn thể hiện sự dũng mãnh, áp đảo kẻ thù. Trong tranh Cuộc chiến giữa hổ và bò mộng (1908 - 1909), con hổ đang lao nhanh về phía trước, bất ngờ tấn công, ngược lại, con bò mộng đã phải chịu khuất phục. Những tán cây được sắp xếp dày đặc, vừa song song vừa đan cài vào nhau, tạo cảm giác về thiên nhiên hoang dã sống động. Một tác phẩm khác với tên gọi Kẻ do thám bị tấn công bởi con hổ (1904) lại mô tả cuộc đụng độ giữa hổ và con người. Có thể thấy tỷ lệ của con hổ được phóng đại so với mọi vật xung quanh. Gam màu tối của những tán cây che khuất bầu trời cho thấy sự kịch tính và cảm giác đe dọa của khung cảnh. Loài hổ trong tự nhiên được mệnh danh là kẻ săn mồi đầy uy lực. Sự uyển chuyển của cơ thể hay màu sắc đầy thu hút của bộ lông đều là những nguồn tư liệu hấp dẫn đối với người họa sĩ. Con hổ trong tín ngưỡng truyền thống của nhiều dân tộc cũng là đại diện cho nguồn sức mạnh hay sự thống trị.

Trước Henri Rousseau đã có một vài họa sĩ người Pháp thế kỉ 19 thể hiện sự say mê với hình tượng hổ. Các tác phẩm của Eugène Delacroix (1798 - 1863) là một ví dụ. Với nhiều chất liệu từ sơn dầu, khắc thạch bản tới phấn màu, hình ảnh con hổ luôn được họa sĩ miêu tả rất sống động. Rousseau có lẽ đã có cơ hội ngắm nhìn những bức tranh này và học hỏi cách Delacroix khai thác dáng điệu của những con hổ mặc dù cách vẽ của họ hoàn toàn khác nhau. Delacroix là họa sĩ trường phái Lãng mạn, với khuynh hướng mô tả các nhân vật một cách chân thực, đặt trong những bối cảnh tưởng tượng, lý tưởng hóa. Chẳng hạn trong bức tranh Hổ và rắn (1862), sự dữ tợn của con hổ được truyền tải trọn vẹn qua bút pháp của Delacroix. Một họa sĩ cùng thời với Henri Rousseau là Jean-Léon Gérôme (1824 - 1904) có lối vẽ cực kỳ tỉ mỉ. Những con hổ của ông được đặt trong bối cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Thay vì mô tả chúng trong trạng thái chuyển động, Gérôme lại yêu thích dáng vẽ tĩnh tại nhưng vẫn lẫm liệt của loài hổ. Tranh của ông chân thực đến mức người xem như thể tưởng tượng được tiếng gầm của hổ vang vọng trong không gian. Không thể đạt tới hiệu quả chân thực như hai họa sĩ kể trên nhưng những con hổ của Henri Rousseau lại đạt được ấn tượng thị giác đầy thú vị. Sự ước lệ, có phần ngây ngô của những con hổ lại gợi cho người xem sự tò mò. Cách tạo hình đơn giản như trẻ thơ cũng mang lại sự gần gũi, tương tự như sự yêu thích đối với những bức tranh dân gian. Con hổ hay những loài động vật khác trong tranh Henri Rousseau đưa người xem về một thế giới nguyên sơ, tác động tới cảm giác bản thể mà bất cứ ai trong chúng ta đều có.

Eugene Delacroix, Hổ và rắn (1862). Sơn dầu. 33.02 × 41.28cm. Nguồn: Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Washington.

Vượt qua những định kiến, Henri Rousseau đã xây dựng cho riêng mình bản sắc nghệ thuật riêng biệt. Dù không được đánh giá cao bởi giới nghệ thuật hàn lâm nhưng những sáng tác của ông đã được công nhận bởi nhiều nghệ sĩ tiên phong, có sức ảnh hưởng sâu sắc, một trong số đó là Pablo Picasso. Picasso không ngần ngại bộc lộ sự yêu thích với nghệ thuật của Rousseau, không chỉ là người mua tranh, ông còn tổ chức buổi lễ vinh danh Rousseau với khách mời là những nhân vật hàng đầu tại Paris lúc bấy giờ. Có sự khởi đầu muộn màng, tên tuổi của Rousseau thậm chí còn được biết đến nhiều hơn sau khi ông qua đời. Thế giới khác biệt qua lăng kính của Henri Rousseau đã trở thành nguồn cảm hứng mãnh liệt cho nhiều thế hệ họa sĩ sau này.

-----------

[1] Trích trong lời giới thiệu về tác phẩm Ngạc nhiên! tại Bảo tàng Quốc gia London, Anh Quốc.

Trần Hoàng Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy