Thấy ở quán giặt là
VNTN - Cận ngày mùng 8 - 3 vợ tôi bảo tôi mang bộ áo dài của cô ấy đến quán giặt là, nhờ họ là hơi cho thật phẳng phiu, để nàng diện trong bữa tiệc mừng Ngày Quốc tế phụ nữ do cơ quan tổ chức. Quán giặt là X khá hẹp, vừa là nơi nhận đồ vừa là phòng khách nhưng được sắp xếp khá ngăn nắp. Và điều khiến tôi nhạc nhiên, phía cuối căn phòng cô chủ và cậu con trai đang lúi húi nấu ăn. - Chị ơi, ở đây có là quần áo dài không ạ? - Có em ơi, mang vào đây đi, chị là cho. - Cháu nhà mình giỏi và đảm quá chị nhỉ - tôi tò mò, ngưỡng mộ. - Đảm đang gì đâu, nó học lớp 11 rồi, thỉnh thoảng thấy mẹ bận lại giúp việc thế thôi. Cháu thường làm được những việc đơn giản chú ạ, như biết úp mì tôm, rửa rau, luộc trứng, hay cắm cơm... Dù có hơi vụng về một chút, nhưng tình cảm trong từng món ăn, trong cách thể hiện nó mới thật sự đáng trân trọng, phải không chú. Chị vui vẻ nói nhỏ với tôi giọng không giấu nổi sự tự hào. Trong lúc ngồi chờ chị làm, tôi chú ý quan sát, thấy cậu con trai của chị cố gắng nấu các món ăn và dường như cậu ta đang rất tâm huyết. Nhiều lúc loay hoay, quay ra định gọi mẹ, nhưng thấy mẹ đang bận nên lại cố gắng làm nốt công việc. - Có gì không làm được thì gọi mẹ nhé, chị chủ vừa là vừa gọi với vào bên trong. - Vâng, con biết rồi. Mà bố sắp về chưa mẹ? Cậu con trai vừa dứt câu thì có chiếc ô tô đỗ ở cửa, chắc là chồng chị đi làm về. Người đàn ông dáng đạo mạo vừa bước ra khỏi xe, nhìn mặt anh khá mệt mỏi, nhưng vẫn nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy vợ và con trai mình. Để chiếc cặp xuống bàn anh vào ngay bếp rửa tay và nấu nướng cùng con. - Gia đình chị thật hạnh phúc - tôi ngưỡng mộ bảo chị. - Chị cũng tự hào lắm. Thời sinh viên chị mến và yêu anh ấy cũng vì điều đó. Thời gian đi học trên giảng đường về, anh thường ghé qua nấu ăn cho chị, anh nấu ăn ngon lắm em ạ. Thằng con trai chị giờ cũng được cái nết ấy của bố nó. Nhìn chị tôi chợt nhớ đến gia đình tôi. Vì bận công việc, vợ chồng tôi cũng ít vào bếp và điều đó có lẽ dần thành quen, việc bếp núc ai cũng cảm thấy ngại. Nhiều lúc đi làm về, tôi cởi quần áo ngoài vứt bừa ra ghế rồi vắt chân lên bàn ngồi xem tivi. Thằng con tôi đã học lớp 7 nhưng cứ hễ về đến nhà là giục ầm ĩ: Mẹ ơi, có cơm chưa? Con đói… Vợ tôi làm không hết việc, mặt nàng nặng như chì, gắt gỏng khiến không khí gia đình thêm u ám. Họa hoằn lắm tôi mới “nịnh đầm” bằng một bữa cơm chiêu đãi ngoài nhà hàng vừa đắt đỏ lại tốn kém. Vậy mà được như gia đình tôi vẫn còn là khá. Khu tôi ở, các nhà đều để hết những công việc nhà như nấu ăn, rửa bát... cho người phụ nữ. Những ông chồng thường luôn mặc định “nam nhi đại trượng phu”, việc vào bếp là mất giá, mất mặt. Thậm chí nhiều chị còn cảm thấy xấu hổ khi để chồng hay con vào bếp làm vài ba cái việc tẹp nhẹp. Họ đâu có hiểu những việc vặt tưởng chừng như nhỏ bé kia lại tạo không khí một gia đình đầy hạnh phúc, đấy mới là điều quan trọng. Qua công việc mọi người lại càng thấu hiểu, quan tâm lẫn nhau, đâu quan trọng người ngoài nhận xét gì, đánh giá gì. Và tôi cứ phân vân, xã hội ngày càng văn minh, chắc giờ không hiếm những gia đình như chị chủ đây. Lúc chị làm xong việc, cũng là lúc cậu con trai mang thành quả của hai bố con ra bàn ăn. Bước ra xe tôi còn nghe thấy được những lời ngọt ngào, trìu mến. - Mẹ ơi, mẹ xong chưa? Vào ăn cơm mẹ ơi. - Mình ơi, vào ăn cơm... Và tôi chỉ muốn nhanh nhanh trở về nhà để vào bếp, cùng vợ tôi nấu một bữa cơm thật đầm ấm.
Ngô Đồng0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...