Thầy Nguyễn Khắc Ân
VNTN - Chuyện tôi sắp kể rất có thể nhiều người chưa biết. Đó là chuyện về người hiệu trưởng trường phổ thông quốc lập đầu tiên của huyện Phổ Yên (nay là thị xã Phổ Yên) - thầy Nguyễn Khắc Ân. Xin kể ra đây để các thế hệ học trò chúng ta biết về một quá khứ đáng trân trọng của phong trào giáo dục tỉnh nhà.
Dịp toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”. Với Phổ Yên, lời kêu gọi ấy đã nhanh chóng lan truyền từ vùng ATK (Tiên Phong) đến vùng đồng bào các dân tộc thiểu số Phúc Thuận, Thành Công… Ở đâu cũng dấy lên phong trào “Thi đua tăng gia sản xuất”, “Phong trào bình dân học vụ”, “Phong trào tòng quân giết giặc”.
Thầy Nguyễn Khắc Ân (giữa), và hai học trò của mình: Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh (bên trái) và trò Vinh (bên phải)
Nói về phong trào diệt giặc dốt thì chỉ một năm sau ngày toàn quốc kháng chiến Phổ Yên đã có hàng vạn người thoát nạn mù chữ. Với tầm nhìn chiến lược, phong trào dạy chữ cho tuổi trẻ ở Phổ Yên cũng đồng thời được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm. Bên cạnh Trường cấp 1 Hoàng Đàm (có từ thời Pháp thuộc) dành cho con em những gia đình khá giả học thì phong trào “Gia sư, Hương sư” phát triển mạnh ở vùng Đắc Hiền, Chã, Cầu Đông, Phúc Thuận… để con em nhà nghèo cũng được học… Tuy nhiên, phong trào học phổ thông cho tuổi trẻ trước năm 1947 tại huyện Phổ Yên vẫn chỉ là phong trào do chính quyền địa phương tạo dựng. Mãi đến đầu năm 1947, Phổ Yên mới thực sự có lớp quốc lập, theo hệ thống giáo dục phổ thông từ trên trở xuống.
Công lệnh số I(*) của Giáo dục Khu I Thái Nguyên, ngày 5/ 2/ 1947, nêu rõ: Trong số 11 giáo viên đang dạy ở Tỉnh lị Thái Nguyên được điều về các huyện trong tỉnh, có “Ông Nguyễn Khắc Ân, Giáo học sơ cấp hạng 2 từ tỉnh lị Thái Nguyên về dạy trường Cơ bản Phổ Yên”. Theo đó, đến ngày 8/2/1948, Thanh tra Tiểu học vụ Thái Nguyên lại có công văn số 66(*) , nêu: “… Bản ty chuẩn y sát nhập trường hương học thôn Cầu với trường Cơ bản Phổ Yên di vào thôn Đông, dưới sự điều khiển của ông Nguyễn Khắc Ân, Hiệu trưởng, từ nay gọi là trường Cơ bản Cầu Đông. Ông hương sư thôn Cầu vẫn dạy ở chỗ cũ và kiêm 2 lớp ba và tư. Mọi công văn đều phải qua ông hiệu trưởng trường Cơ bản Cầu Đông. Trong báo cáo hàng tháng, ông hiệu trưởng trường Cơ bản Cầu Đông phải cho biết cả sĩ số trường hương học thôn Cầu”. Những năm đó, thôn Cầu Đông có phong trào thi đua yêu nước lên rất mạnh. Trước Cách mạng tháng Tám, nơi đây có một mắt xích, một đường dây liên lạc từ Căng Bá Vân về vùng ATK (Tiên Phong). Đó là chi bộ xóm Chùa, chi bộ đầu tiên của xã Hồng Tiến, do ông Lưu Bá Mục làm Bí thư.
Như vậy, dựa theo những tài liệu lưu trữ của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên, thì thầy Nguyễn Khắc Ân là người hiệu trưởng đầu tiên của ngành học phổ thông huyện Phổ Yên, thuộc nền giáo dục mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ở trường Cơ bản Cầu Đông, thầy Ân dạy lớp nhì và lớp nhất (sau gọi là lớp ba và lớp bốn).
Nhà thầy Ân ở xóm Ấm, xã Hồng Tiến, huyện Phổ Yên. Không rõ thầy sinh năm nào, thầy mất năm 1993. Hình ảnh thầy Nguyễn Khắc Ân mặc bộ quần áo chúc bâu, chân đi guốc mộc, đầu đội mũ cát trắng, cắp cặp từ nhà tới chùa Mồi (lớp học đặt tại nhà Tổ của chùa) còn in đậm trong lớp trẻ chúng tôi. Từ ngày có thầy Ân về dạy, học sinh từ vùng Lợi Xá, Đắc Hiền, giáp núi Căng Phú Bình, Điền Mục… xa bốn, năm cây số kéo nhau đến học rất đông. Hồi ấy, học sinh được học nhiều nhất là môn chính tả, tập làm văn, toán, sử kí và địa lí.
Thầy Ân là dù viết chậm hay nhanh, chữ của thầy bao giờ cũng rõ ràng, ngay ngắn. Thầy đến từng bàn kiểm tra, uốn nắn chữ cho học trò, nhất là khi học môn viết tập, chính tả, ám tả. Ngay cả học môn toán thầy cũng nhắc nhở chữ số càng phải rõ ràng, ngay ngắn. Thầy luôn căn dặn: Nét chữ là nết người, các em cố gắng viết rõ ràng, viết cho đúng, cho đẹp chữ của nước Việt Nam mình. Các em còn phải học giỏi các môn khác để góp sức kiến quốc. Tôi nhớ khi học môn sử kí và môn địa lí, thường chỉ là nghe thầy kể chuyện. Học sử kí, thầy kể chuyện về các Vua Hùng, cuối cùng thầy bảo: “Hùng Vương là cụ tổ của dân tộc Việt Nam chúng ta, các em chép vào vở câu này, rồi nhớ lấy, về kể cho bố mẹ nghe”.
Ngày phải tránh máy bay Pháp, thầy cho trò về học nhờ tại nhà ông Đồng Văn Vũ ở xóm Ấm. Có lần học môn địa lí, thầy hỏi cả lớp: - Nước Mông Cổ ở đâu các em nhỉ? Việt là trò cao lớn nhất lớp, đã hai mươi tuổi, giơ thẳng cánh tay. Được thầy cho phép, Việt trả lời thật dõng dạc: - Thưa thầy, Mông Cổ ở gáy nước Tầu ạ”. Cả lớp phá lên cười, có người cười chảy cả nước mắt. Thầy Ân nhắc lớp trật tự, rồi ôn tồn bảo Việt ngồi xuống. Thầy khen: Việt nói không sai đâu, các em đừng cười bạn. Thầy ngoặc phấn lên bảng rồi giảng giải: Phía trên Mông Cổ còn có một vùng đất sa mạc rộng mênh mông, của nước Nga, coi như cái đầu; phía dưới Mông Cổ là nước Tàu chạy dài xuống phía nam. Bảo nước Mông Cổ ở gáy nước Tàu như Việt, cũng tạm được. Thầy khen Việt hình dung giỏi và cho điểm 9. Chỉ có thế, mà chúng tôi không thể quên vị trí nước Mông Cổ.
Thầy Nguyễn Khắc Ân dạy học đến hồi Cải cách ruộng đất thì bị đình chỉ, vì gia đình thầy bị quy lên địa chủ. Ngày ấy, ông giáo T. là bạn chí thân của thầy Ân (gia đình ở xã bên cạnh, cũng bị lên địa chủ), đã rủ thầy đi Nam theo Pháp. Thầy Ân một mực từ chối. Thầy bảo: “Tôi là người của Kháng chiến. Cải cách ruộng đất là việc làm của Chính phủ Cụ Hồ, chắc chắn chỉ có lợi cho Cách mạng. Tôi không bao giờ đi theo giặc Pháp. Ông cũng nên ở lại tham gia kháng chiến…”. Chỉ một năm sau, Đảng và Chính phủ đã cho sửa sai. Gia đình thầy được xuống thành phần trung nông. Tuy nhiên, thầy Ân vẫn không được trở lại với nghề dạy học. Năm ấy, thầy Nguyễn Khắc Ân mới gần 50 tuổi. Thầy đã cùng gia đình tích cực làm ruộng và tham gia phong trào tổ đổi công, hợp tác xã ở xóm Ấm. Thầy luôn yêu đời, sống thoải mái như mọi người nông dân thực thụ. Nhờ vốn kiến thức uyên thâm, thầy đã sáng tác nhiều bài thơ để cổ động phong trào thi đua trong hợp tác xã. Ví dụ bài “Chăn trâu”, như sau : “… Chăn trâu hợp tác cũng là vinh/ Vui thú đồng quê ngắm cảnh xinh/ Lúa tốt hương thơm đồng bát ngát/ Màu xanh thảm trải gió rung rinh/ Xã viên làm cỏ như ngày hội/ Tiếng hát câu ca đượm nghĩa tình/ Yêu cảnh yêu đời yêu thế sự/ Xã viên làm chủ thật là vinh”.
Vui là vậy, nhưng thực ra trong lòng thầy không ít băn khoăn. Đã nhiều năm thầy làm đơn hỏi cấp trên về quyền lợi và chế độ của gia đình, của bản thân thầy. Thầy kiên trì, chờ đợi… xin trở lại nghề, thì tại công văn số 643- Hc, ngày 23/ 6 /1960 của Ủy ban Hành chính huyện Phổ Yên do Phó Chủ tịch Lưu Kim Kính kí đã “ … chính thức công bố: năm 1954 gia đình ông là địa chủ thì bản thân ông Nguyễn Khắc Ân lúc bấy giờ vẫn là thành phần viên chức cách mạng. Đến nay gia đình ông đã được thay đổi thành phần xuống trung nông thì bản thân ông Nguyễn Khắc Ân cũng thay đổi thành phần là trung nông, được hưởng mọi quyền lợi chính trị, kinh tế như mọi trung nông, vì thực tế ông đã trực tiếp tham gia sản xuất 5 năm rồi, hiện nay không còn làm giáo học nữa…”.
Thế là thầy Ân lại tiếp tục công việc đồng áng. Năm 1964, thầy được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Nguyên “Nhiệt liệt khen ngợi cụ Nguyễn Khắc Ân đã tích cực tham gia lao động sản xuất, gương mẫu chấp hành các chính sách của Đảng và Chính phủ năm 1964… ” (Phó Chủ tịch Dương Kỳ Tân ký Giấy khen số 1718/ GK). Và mãi tới tháng 6, năm 1975 trở đi thầy Ân mới được hưởng Trợ cấp thường xuyên, mỗi tháng 15 đồng (Theo Thông tư số 11- NV ngày 20/ 9/ 1966 của Bộ Nội vụ). Gia đình thầy cũng được đền bù của cải bị trưng thu, trưng mua trong hồi Cải cách ruộng đất 1954.
Một góc thị xã Phổ Yên ngày nay. Nguồn: baothainguyen.org.vn
Tôi còn biết hồi trước Cách mạng tháng Tám thầy Nguyễn Khắc Ân đã từng dạy học ở huyện Phú Lương, ở trường Trưng Vương thị xã Thái Nguyên. Thầy là một nhà giáo mẫu mực, có tinh thần yêu nước nồng nàn, rất thương yêu học trò, được cha mẹ học trò và nhân dân kính trọng, quý mến, được chính quyền cách mạng tin cậy. Năm 1963, thầy Ân được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba và năm 1969 gia đình thầy được Chính phủ tặng Bảng vàng Danh dự vì có ba quân nhân chống Mỹ, cứu nước. Thầy Ân được bầu vào Hội đồng Nhân dân tỉnh Thái Nguyên khóa I (Tháng 4/ 1946)(*). Thầy Nguyễn Khắc Ân có một người học trò chăm ngoan, rất đáng yêu; khi trưởng thành, ông làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Nguyên (1950 - 1955)… rồi làm đến Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; làm Phó Thủ tướng Chính phủ tới khi nghỉ hưu, nhưng ông vẫn luôn nhớ và thường xuyên thăm hỏi thầy giáo cũ, đó là Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh.
Ngày 16/2/1992, nửa thế kỉ được gặp lại thầy Nguyễn Khắc Ân, ông Vinh, một cán bộ quân đội, một người trò cũ có mấy vần thơ tặng thầy Ân:
“Robin trường xưa không bao giờ quên
Neus avon dun métre Thầy giáo Ân
…
Đi theo tiếng gọi của nước non
Gắn tuổi thanh xuân với chiến trường
Gần sáu mươi năm thầy có nhớ
En Fanten, nhốn nháo - lớp chúng con
…
Giờ gặp lại Thầy, con lên lão
Kính Thầy, con gửi tấm lòng son !”.
Ghi chú:
(*) Trích các tài liệu lưu trữ của Sở Nội vụ tỉnh Thái Nguyên nói về thầy giáo Nguyễn Khắc Ân.
Văn Giang
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...