Thứ hai, ngày 21 tháng 10 năm 2024
12:05 (GMT +7)

Thấy gì từ một phiên họp giải trình

Tác phẩm dự thi “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”

VNTN - Nhiều bất cập, hạn chế đã được thẳng thắn chỉ ra và tìm biện pháp khắc phục; qua đó có thể đánh giá đầy đủ, khách quan trách nhiệm của các sở, ngành, đặc biệt là vai trò người đứng đầu trong thực thi công vụ... Đó là những kết quả đạt được từ phiên họp giải trình do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua. 

4 nội dung được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn, yêu cầu UBND giải trình trong phiên họp này đều là những vấn đề được nhiều cử tri và địa phương quan tâm. Đó là: Hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã (HTX) dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh; Việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21-11-2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; Công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng; và Việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

 

1.Đối với nội dung Hiệu quả hoạt động của các HTX dịch vụ điện trên địa bàn tỉnh: Nếu như những năm trước, các HTX này đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện cung ứng điện đến các hộ dân ở nông thôn, thì nhiều năm trở lại đây, trong số 20 HTX kinh doanh trong lĩnh vực điện (nhất là sau khi tỉnh được đầu tư mạng lưới theo Dự án Năng lượng nông thôn II vay vốn của Ngân hàng thế giới WB, gọi tắt là Dự án REII), đã có nhiều HTX đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém, làm ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện cho người dân. Vì thế, có tới 12 HTX rơi vào tình trạng chậm trả nợ và nợ quá hạn đối với nguồn kinh phí đã huy động để đầu tư xây dựng các trạm biến áp mới, xây dựng cải tạo đường dây, công tơ. Tính đến giữa tháng 2/2019, số tiền các HTX này nợ lên tới 7,68 tỷ đồng, trong đó có HTX nợ sang năm thứ 6 liên tiếp.

Trước thực tế này, nhiều đại biểu đã chất vấn đối với các sở, ngành công thương, điện lực, tài chính… Trong số này, đáng chú ý là ý kiến: Theo quy định của UBND tỉnh về cơ chế cho vay và thu hồi nguồn vốn vay REII, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình là phải trả nợ gốc và lãi vay đúng kỳ hạn thì sau 2 tháng liên tục sẽ thu hồi công trình; trong 20 ngày nếu bị thu hồi, HTX có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nợ cũ, nếu không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật… Vậy tại sao đến giờ, có những HTX nợ sang năm thứ 6 liên tiếp vẫn tồn tại? Trách nhiệm thuộc về ai? Nếu các HTX này không có khả năng trả nợ thì ngân sách nhà nước phải trả thay. Vậy hướng giải quyết ở đây như thế nào?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Quang, giám đốc Sở Tài chính thừa nhận: Là cơ quan được UBND tỉnh giao thực hiện cho vay và có trách nhiệm thực hiện đôn đốc thu hồi công nợ, qua các năm, Sở cũng đã phối hợp đôn đốc, kiểm tra và yêu cầu các HTX xác nhận công nợ… Tuy nhiên, các HTX chây ỳ, không thực hiện theo cam kết và khả năng các HTX không thể trả được nợ là rất lớn. Cơ quan Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh để trong tháng 5/2019 sẽ tiến hành thanh tra đối với những HTX này. Nếu có việc tiêu lạm vào vốn, sẽ chuyển cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.

Không đồng tình với nội dung trả lời của người đứng đầu Sở Tài chính, vì sự việc đã kéo dài tới 6 năm mà đến giờ vẫn chưa được quan tâm xử lý. Bởi thế câu hỏi này tiếp tục được các đại biểu đặt ra với lãnh đạo UBND tỉnh và câu trả lời được đưa ra là tiếp thu và sẽ đưa ra giải pháp, ai vi phạm, người đó phải chịu trách nhiệm. Tuy chưa hoàn toàn đồng tình với nội dung trả lời này nhưng nhiều đại biểu vẫn hy vọng và trông chờ vào kết quả giải quyết tới đây của UBND tỉnh. Bởi trên thực tế, như lời ông Giám đốc Sở Tài chính, khả năng mất vốn từ các HTX này là rất lớn. Khi đó, ngân sách nhà nước phải trả thay, vậy cơ quan quản lý nhà nước nào, mà trực tiếp là ai sẽ phải chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm ra sao?

Trao đổi với chúng tôi nội dung này, có đại biểu còn đặt câu hỏi, nếu vấn đề này không được đề cập tại Phiên giải trình, thì liệu sở, ngành chức năng của UBND tỉnh có vào cuộc?

2.Về việc bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2011-2018, UBND tỉnh đã quy hoạch xây dựng 10 khu tái định cư (KTĐC), trong đó đã phê duyệt và thực hiện đầu tư 7 dự án KTĐC (3 dự án chưa triển khai thực hiện), trong đó có 6 dự án được đưa vào sử dụng, 1 dự án đang dang dở, với mục tiêu di chuyển 299 hộ, với tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng. Thực tế khảo sát, giám sát cho thấy, tại các KTĐC, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn do diện tích đất ở được cấp ít, không có đất sản xuất, chăn nuôi; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu hệ thống vệ sinh, thiết chế văn hóa, hệ thống xử lý nước thải, nghĩa trang; một số công trình ngay từ khi đầu tư không sử dụng được, gây lãng phí ngân sách nhà nước nên tỷ lệ hộ di chuyển đến nơi ở chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác khảo sát, quy hoạch, thiết kế dự án chưa sát thực tiễn nên trong quá trình triển khai, có khu đã xảy ra sụt lún, sạt lở không đảm bảo an toàn cho người dân.

Trước thực tế này, các ý kiến tập trung đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng làm rõ trách nhiệm, phân tích nguyên nhân và biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Thừa nhận những hạn chế nêu trên, ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Để xảy ra những hạn chế của dự án, trách nhiệm trước hết thuộc về Sở trong việc thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện các dự án, cũng như tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp chỉ đạo kịp thời. Ngoài ra, cũng có cả phần trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa chủ động phối hợp với chủ đầu tư, báo cáo UBND tỉnh để có biện pháp tháo gỡ.

Về nguyên nhân khiến các dự án tái định cư trên địa bàn chưa đạt được mục tiêu đề ra, tỷ lệ người dân đến ở tại các KTĐC còn thấp. Khách quan là do nhiều hướng dẫn theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 chưa thực sự chi tiết, cụ thể, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện. Cùng với đó, việc bố trí đất sản xuất cho người dân ở những nơi ở mới còn nhiều khó khăn. Về chủ quan, sự phối hợp trong xây dựng dự án của các cấp với chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, các dự án chủ yếu tập trung xây dựng hạ tầng mà chưa quan tâm đến bố trí quỹ đất sản xuất cho người dân. Thời gian tới, Sở sẽ cùng các ngành, chính quyền địa phương đánh giá lại những tồn tại, hạn chế của các dự án để đề xuất biện pháp giải quyết, như: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho người dân đã đến ở ổn định tại KTĐC; đấu nối, cấp nước ổn định cho người dân; có giải pháp xử lý đối với khu vực có nguy cơ sạt lở; bố trí đất sản xuất cho người dân tại khu vực tái định cư để đảm bảo cuộc sống.

Còn theo ông Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, tới đây, UBND tỉnh sẽ có đánh giá tổng thể, toàn diện, khách quan, nghiêm túc hiệu quả đầu tư của các dự án KTĐC này. Đồng thời nhấn mạnh: Việc bố trí tái định cư trong thời gian tới phải được chú ý hơn đến các yếu tố bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, đảm bảo an toàn, hướng tới ổn định đời sống và phát triển sản xuất cho người dân. Trong quá trình đánh giá, nếu phát hiện sai phạm, vi phạm, đặc biệt là về tài chính ngân sách, UBND tỉnh sẽ cương quyết xử lý theo quy định.

3.Đối với việc thực hiện các đề án, chương trình, chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, những hạn chế được chỉ ra đó là: Một số mục tiêu trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt, chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện; công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các địa phương chưa nhịp nhàng, do chưa ban hành quy chế phối hợp; hằng năm, kinh phí bố trí cho các đề án, chương trình có hạn, chỉ bố trí trong phương án sản xuất nông nghiệp; việc thực hiện hỗ trợ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của HĐND tỉnh còn chậm…

Cũng như 2 nội dung trên, đây là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đặt câu hỏi đối với nhiều sở, ngành. Trong số đó, chúng tôi thực sự ấn tượng trước câu hỏi đơn giản, ngắn gọn của đại diện Ban Dân tộc HĐND tỉnh: Đề nghị Ban Dân tộc UBND tỉnh - cơ quan thường trực thực hiện Quyết định số 2037/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 2037), chúng ta có đạt được mục tiêu hỗ trợ sản xuất cho người dân? Đề nghị chỉ ra 1 mô hình hiệu quả trong việc hỗ trợ sản xuất?

Không hiểu có phải do chưa nghe kỹ câu hỏi, hay vì câu trả lời khó quá mà ông Trưởng ban Dân tộc UBND tỉnh toàn viện dẫn những hiệu quả khác của việc thực hiện Đề án chứ không trực tiếp đi thẳng vào nội dung câu hỏi. Điều này khiến Chủ tọa phiên họp phải nhắc nhở nhiều lần. Để rồi cuối cùng, câu trả lời được ông Nguyễn Thái Nam đưa ra đó là: “Do việc thực hiện hỗ trợ sản xuất mới được năm thứ 2, thứ 3 nên hiệu quả chưa rõ ràng”. Sau câu trả lời, đã có nhiều tiếng cười vang lên, bởi thực tế, việc thực hiện Đề án này đã sang năm thứ 5. Đồng thời giải thích thêm lý do vì sao lại có câu hỏi này: Đó là bởi qua khảo sát cho thấy, việc thực hiện hỗ trợ cho đồng bào nhiều nơi không hợp lý, cái người dân cần thì không hỗ trợ, cái người dân không cần thì lại hỗ trợ, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

4.Đối với công tác quản lý nhà nước về quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh, báo cáo của Đoàn khảo sát HĐND tỉnh tại Phiên họp nêu: Bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển KT-XH, số liệu diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trước và sau khi rà soát có sự khác nhau; có trường hợp quy hoạch rừng phòng hộ vào điểm mỏ đã khai thác từ hàng chục năm qua; việc giải quyết một số bất cập trong quy hoạch 3 loại rừng chưa được tham mưu, chủ động đề xuất giải quyết triệt để; một số chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh chưa đạt; một số chính sách phát triển lâm nghiệp chưa được triển khai….

Đại diện các sở, ngành đều đã đưa ra lý do để giải thích về những hạn chế, tồn tại nêu trên và cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra một số nội dung có liên quan sau Phiên họp. Tuy nhiên, giống như lúc trước, nhiều câu trả lời cũng chưa thực sự thuyết phục, vì chưa thể hiện rõ trách nhiệm, vai trò quản lý, tham mưu của cơ quan chức năng trong các vấn đề này. Vì thế, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã yêu cầu các sở ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất quy hoạch 3 loại rừng để không làm ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Trên cơ sở đó, sớm thực hiện việc rà soát để khắc phục những hạn chế, bất cập.

Trong khuôn khổ một phiên họp, khó có thể kỳ vọng những nội dung được nêu đều có thể được trả lời thỏa đáng. Nhưng đây có thể được xem là dịp xới xáo vấn đề để UBND tỉnh và người đứng đầu các sở, ngành, địa phương thấy được những bất cập, hạn chế đang tồn tại để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục. Riêng cá nhân tôi thiết nghĩ, để phiên họp giải trình thực sự đem lại hiệu quả thì việc giám sát đến cùng các nội dung đã được đưa ra cần phải được HĐND tỉnh tiếp tục quan tâm thực hiện; phải có những cán bộ chịu trách nhiệm trước những tồn tại, hạn chế đó. Nếu không, mọi việc sẽ lại chỉ như đá ném ao bèo!

Hoài Vy

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy