Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
13:44 (GMT +7)

Thay đổi tư duy cũ là điều nên làm và phải làm

VNTN - Không cần nói ai trong chúng ta cũng biết, Thái Nguyên là tỉnh có truyền thống phát triển công nghiệp (CN) nặng. Cách đây hơn 50 năm, sau sự kiện ra đời Khu Gang thép Thái Nguyên, chúng ta đã chính thức trở thành đứa con đầu lòng của ngành luyện kim cả nước. Truyền thống luôn là vốn quý nhưng không phải cứ phát triển theo mô hình truyền thống mới vững bền. Trong xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng CN 4.0 đang cận kề, tư duy và chiến lược phát triển CN của tỉnh cần có những thay đổi theo hướng hiện đại hơn. 


Là một địa phương giàu tài nguyên khoáng sản và phong phú, đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều khoáng sản quý hiếm như vàng, vonfram, titan... nên chúng ta rất thuận lợi để phát triển ngành CN luyện kim. Và thực tế thì ngành này nhiều năm nay vẫn đóng góp đáng kể cho kinh tế của tỉnh dẫu biết trong xu thế phát triển mới, ngành CN luyện kim ít được ưu tiên hơn trước do những tác động xấu tới môi trường tự nhiên và hạ tầng dân sinh. Nói vậy, bởi ngành CN nặng của chúng ta xuất phát và đi lên chủ yếu từ ngành khai khoáng và luyện kim. Hầu hết các cơ sở sản xuất, các nhà máy, xí nghiệp phục vụ luyện kim đều đang tồn tại và có những đóng góp đáng kể cho doanh thu toàn ngành.

Công ty TNHH Điện tử Glonics là một trong những doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung đang phát triển rất tốt trên địa bàn thành phố Thái Nguyên

Tuy nhiên, thời gian gần đây chiến lược phát triển CN của chúng ta đã có những thay đổi theo tư duy hiện đại hơn. Nghĩa là chuyển dần từ CN truyền thống hiệu quả thấp sang CN công nghệ cao với giá trị đóng góp vượt trội. Thời gian qua, với công nghệ lạc hậu, hạn chế về quản lý, thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường... đã là những rào cản khó vượt qua đối với ngành khai khoáng, luyện kim của địa phương. Và đó là nguyên do tại sao chính quyền Thái Nguyên đã và đang tập trung nhiều hơn cho ngành CN phụ trợ. Thực tế mấy năm trở lại đây cho thấy, sau khi có sự thay đổi hợp lý, ngành CN của tỉnh đã phát triển khá hơn, đóng góp phần lớn giá trị vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Dù thế nào thì cũng không thể phủ nhận sự xuất hiện và đóng góp của Tập đoàn lớn đến từ Hàn Quốc là Samsung và các nhà đầu tư vốn FDI đi kèm. Bởi thực tế chỉ sau hơn 3 năm góp mặt, các nhà đầu tư này đã tạo ra một chuỗi giá trị có hàm lượng thông minh vượt trội với sức đóng góp lớn cho cả ngành CN của tỉnh. Chúng ta hãy thử phân tích đôi chút về diễn biến sản xuất CN trên địa bàn từng thời điểm từ năm 2014 (tức là năm đầu tiên Samsung - Hàn Quốc bắt đầu hoạt động) đến nay. Trong 2 tháng đầu của năm 2014, sản xuất CN diễn biến khá chậm, chỉ tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước do Samsung chưa sản xuất. Bước sang tháng 3, khi có sự xuất hiện các sản phẩm điện tử thông minh của doanh nghiệp này, giá trị sản xuất CN của tỉnh đã tăng đột biến. Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất CN trên địa bàn đạt khoảng 49.800 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước và về trước 6 tháng so với kế hoạch năm. 6 tháng cuối năm 2014, sản xuất CN tăng rất mạnh, gấp hơn 2 lần so với 6 tháng đầu năm. Năm 2015, giá trị sản xuất CN đã tăng gấp nhiều lần so với năm trước với mức trên 376 nghìn tỷ đồng. Năm 2016, toàn tỉnh đạt giá trị hơn 477 nghìn tỷ đồng và năm nay dự kiến sẽ đạt trên 563 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.

Đây được xem là bước đột phá quan trọng của ngành CN, đánh dấu sự phát triển kinh tế vượt trội của tỉnh. Theo dự báo, khả năng những năm tới ngành CN công nghệ cao của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa bởi sau sự kiện Samsung vào Thái Nguyên, một số tập đoàn CN lớn trên thế giới đã chú ý và muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại tỉnh ta. Với điều kiện hạ tầng gồm các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được xây mới và nâng cấp cải tạo, cộng với việc quy hoạch và hoàn thiện 6 khu CN tập trung, trên 30 cụm CN, những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ưu đãi, trong đó ưu tiên phát triển CN hiện đại, thông minh, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu đầu tư của nhiều đối tác.

Như có chất xúc tác, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành CN chế biến, chế tạo cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử và gia công kim loại trên địa bàn tỉnh đang chuyển dịch theo hướng phát triển CN phụ trợ. Tại thành phố Sông Công và thị xã Phổ Yên, các sản phẩm cơ khí như máy nông nghiệp, động cơ diesel, phụ tùng xe máy, ô tô, máy khai thác, chế biến khoáng sản, hộp số, công cụ, băng chuyền, dụng cụ y tế,... đang được nhiều doanh nghiệp sản xuất với khối lượng lớn. Không ít doanh nghiệp trong ngành đã đầu tư đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu ra các thị trường khó tính. Khu vực CN này đang sở hữu gần 120 doanh nghiệp và khoảng 700 cơ sở sản xuất với tổng vốn kinh doanh trên 7 tỷ USD, chiếm tới hơn 92% tổng giá trị sản xuất CN trên địa bàn. Tới đây, còn được tiếp nhận thêm những dự án "khủng" có tính đột phá lớn, trong đó đáng kể là Dự án xây dựng Trung tâm công nghệ thông tin tập trung tại Khu CN Yên Bình. Hiện nay, 2 Khu CN quan trọng của tỉnh là Yên Bình và Điềm Thụy đã cơ bản lấp đầy dự án, trong đó chủ yếu là các dự án FDI chuyên sản xuất theo mô hình công nghệ cao. Theo ông Phan Mạnh Cường, Trưởng Ban Quản lý các Khu CN tỉnh thì đơn vị đang tập trung xây dựng Khu CN Sông Công II và đã có ít nhất 2 doanh nghiệp lớn của nước ngoài quan tâm và sẽ đăng ký đầu tư nhà máy sản xuất CN thông minh.

Việc thay đổi tư duy và có chiến lược phát triển CN theo hướng hiện đại, có hàm lượng công nghệ cao là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển của mỗi địa phương. Tuy nhiên, để sự thay đổi đó mang lại hiệu quả tốt đẹp, thực chất làm lợi cho kinh tế địa phương, rất cần sự sáng suốt lựa chọn phương án cũng như đối tác chiến lược của tỉnh. Không chỉ các chuyên gia kinh tế mà các nhà lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đã nhìn ra một số điểm yếu trong thu hút đầu tư công nghệ cao có sử dụng vốn FDI. Đó là tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài còn rất thấp, cá biệt có những trường hợp chưa kết nối tham gia. Do vậy, cần có sự phát triển hài hòa trên cơ sở thứ tự ưu tiên đối với từng chuyên ngành. Ngành nào đang là thế mạnh, chiếm tỷ trọng lớn, phù hợp với xu thế phát triển chung, phải được xếp ở vị trí ưu tiên nhất, sau đó lần lượt theo thứ tự sắp xếp từ cao xuống thấp. Với tỉnh ta, đứng số 1 chắc chắn phải là ngành CN chế biến, chế tạo cơ khí, lắp ráp thiết bị điện tử và gia công kim loại.

Với mục tiêu sớm trở thành tỉnh CN theo hướng hiện đại thì việc thay đổi tư duy và chiến lược phát triển CN như hiện nay của tỉnh ta là tương đối phù hợp. Chỉ có điều, trong quá trình thay đổi không thể xem nhẹ vấn đề định hướng, quy hoạch, lĩnh vực đầu tư... trên cơ sở có lợi nhất cho địa phương về mọi mặt.

Nguyễn Nguyễn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy