Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024
07:26 (GMT +7)

Thay đổi phương cách đi “tình nguyện”

VNTN - Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, ba nữ sinh viên trường Đại học Ngoại thương bị tử nạn trong khi tham gia một chương trình sinh viên tình nguyện tại Quảng Ninh đã gây nên nỗi thương tâm, xót xa trong cộng đồng xã hội. Dư luận chưa quên vụ tai nạn đuối nước xảy ra ngày 1/6, cướp đi sinh mạng của 4 sinh viên thuộc đoàn tình nguyện “Chắp cánh ước mơ” của các trường đại học tại Hà Nội, tại khu vực suối Thần Sa, huyện Võ Nhai.

Nhiều sinh viên khác đã tử vong trong lúc làm tình nguyện ở các địa phương trên cả nước.

Những vụ việc thương tâm đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, người ta đặt ra câu hỏi: Có nên tiếp tục duy trì việc tổ chức các chương trình như "Sinh viên tình nguyện", "Mùa hè xanh"… này không?

Câu hỏi này cũng bắt nguồn từ chính cách làm tình nguyện chỉ nặng tính hình thức, phô diễn là chính, thậm chí có những nơi, những việc đã trở nên ngây ngô, kệch cỡm, như sự kiện “1.000 thanh niên thi công 700m đường” ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã bị dư luận phê phán.

Có ý kiến cho rằng, việc sinh viên đổ về các vùng quê xa xôi, hẻo lánh rồi triển khai các công việc như: Dọn dẹp vệ sinh, tham gia sản xuất, dạy tiếng Anh, mỹ thuật, hát múa cho trẻ em, v.v… chỉ trong một thời gian vài ba ngày, một tuần, lâu nhất là một tháng thì thử hỏi hiệu quả của những việc đó sẽ tới đâu? Có chăng nó chỉ làm cho những làng quê ấy “rộn ràng” lên được ít ngày, và bản thân những bạn trẻ tham gia công tác tình nguyện có thêm chút trải nghiệm thực tế, cũng có khi chỉ là một chuyến du lịch bụi. Cách làm này tất nhiên không mấy hiệu quả, thậm chí còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro, nguy hiểm khi chính những bạn trẻ tham gia các chương trình ấy còn chưa trang bị kỹ năng sống một cách đầy đủ cho bản thân mình.

Theo dòng sự kiện, nhiều người hiện đang là sinh viên cũng chia sẻ những câu chuyện cá nhân. Có bạn nam sinh viên năm thứ hai của một trường đại học nọ “hai mươi tuổi đầu rồi mà giờ em mới được ra khỏi thành phố nên nhìn thấy gì cũng rất bỡ ngỡ”. Một bạn nữ khác cùng độ tuổi lại thật thà: “Nói thật là đến tuổi này mà em vẫn chưa thể tự nấu được hoàn chỉnh một bữa cơm, nếu như không có sự trợ giúp của mẹ”. Quả thật, lâu nay chúng ta hẳn không lạ gì với chuyện có một số các bạn trẻ ở thành phố, thậm chí cả vùng nông thôn còn rất ngây ngô, ngờ nghệch khi phải đối mặt với những tình huống khó khăn diễn ra trong cuộc sống, nhưng khi nghe tâm sự này của các “công tử, tiểu thư” tham gia tình nguyện trong mùa hè năm nay khiến nhiều người ái ngại, đặc biệt các bậc cha mẹ phải suy ngẫm. Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở các em, bởi hiện nay, tâm lý bao bọc, che chở cho con cái của cha mẹ rất lớn; mặt khác môi trường giáo dục nặng lý thuyết cũng là yếu tố tác động khiến học sinh, sinh viên hạn chế kiến thức về cách ứng xử linh hoạt, nhạy bén với các tình huống, biến động trước thực tiễn.

Thực chất việc xây dựng, tổ chức nên các chương trình hoạt động xã hội này của các trường học, Hội, Đoàn Thanh niên là rất đúng đắn. Sức trẻ và trí tuệ của sinh viên được sử dụng để tạo ra những tác động về mặt nhận thức cho người dân ở những nơi mà điều kiện kinh tế xã hội và môi trường văn hóa còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, cần phải nhìn thẳng vào một thực tế là nhiều chương trình đã được tổ chức một cách rất hình thức. Những màn trống giong cờ mở hoành tráng, kèm theo đó là những bài diễn văn hừng hực khí thế, nhưng đến lúc xảy ra sự việc không hay thì lại “cuống” hết cả lên không biết phải xử trí thế nào!

Có lẽ chúng ta không thể tiếp tục duy trì cách làm như hiện nay mà cần phải có những cách thức hợp lý hơn. Đó là sự sâu sát thực tế, có sự xếp đặt cho đúng đối tượng, đúng nhu cầu, đúng người đúng việc..., để làm sao có thể mang đến lợi ích thực sự cho cả hai phía, người đi làm tình nguyện và những người thụ hưởng. Khi tiến hành tổ chức một chuyến đi như thế, điều cần nhất là phải xác định rõ tư tưởng cho các thành viên tham gia, rằng đây không phải là một chuyến du lịch trải nghiệm mà là thực hiện trách nhiệm, nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi mỗi người cần phải có những kỹ năng nhất định, nếu thấy không đáp ứng được thì không nên tham gia. Đã tới lúc chúng ta cần có những thay đổi về mặt nhận thức, góp phần thay đổi về bản chất công việc cũng như cách làm, chứ không thể tổ chức các hoạt động này một cách hình thức, hời hợt, theo kiểu làm cho có lệ này được. Chỉ như vậy việc làm tình nguyện mới đạt được hiệu quả tốt nhất và thực sự có ý nghĩa.

Thái Văn

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy