Thành phố Thái Nguyên: Bất lực trước mưa lớn?
Mất nhiều tỷ đồng vì 1 trận mưa
Khổ vì úng ngập mãi rồi cũng quen, nhưng trận mưa hôm mùng 10 tháng 9 vừa qua làm người Thái Nguyên bàng hoàng, hoảng sợ, thậm chí lo mất mạng vì thủy cường tràn vào trong ngôi nhà của mình với tốc độ khó đỡ. Bắt đầu từ đêm, nước đổ như trút, ông đùng, bà đoàng “choảng nhau” bằng tầm sét giận giữ. Trên khắp một vùng trời lớn rộng, tiếng sấm sét dồn đuổi inh tai, nhức óc cổ vũ cho mưa. Điện bắt đầu mất trên diện rộng, nước từ lòng sông Cầu dềnh lên, nước ứ lại trên các trục đường phố. Một đêm không thể ngủ vì sợ, nhiều người ngồi trên giường, đặt chân xuống đất như thường ngày, chợt giật mình vì nước đã tràn vào nhà từ bao giờ. Vậy là hò hét, nháo nhào chạy úng ngay trong nhà.
Sớm ngày 10, trời ngừng mưa như để lấy sức, rồi lại xối xả hả hê đổ xuống các trục đường tại ngã tư Đại học Sư phạm, cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư đường Lương Ngọc Quyến, đường Phan Đình Phùng, đường Minh Cầu… Nhiều khu vực trước đây chưa bao giờ bị ngập úng thì đợt mưa này phải chịu trận. Ông Nguyễn Chí Khánh Trình, xóm 6, xã Phúc Hà nói như thở hắt ra: Nước lên nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay. Hậu quả đã làm chết hơn 1.000 con gà của trang trại, với tổng trọng lượng gần 1 tấn. Cũng trận mưa này, đã làm chết hơn 1.000 con gà tại 2 trang trại của người dân xã Cao Ngạn, tổng trọng lượng gần 2 tấn.
Mưa làm đổ cột phát sóng Vinaphone tại xã Quyết Thắng; làm úng ngập, gây hư hại các trạm biến áp ở siêu thị Aloha (Đồng Bẩm), Minh Cầu (Phan Đình Phùng) và trạm biến áp 110kV (Thịnh Đán). Học sinh tại các trường: Tiểu học Quang Vinh, Tiểu học Đồng Bẩm, Tiểu học Hoàng Văn Thụ không thể đến lớp. 32 người ở phường Quang Vinh, phường Tân Lập và xã Quyết Thắng bị nước úng ngập cô lập được lực lực lượng chức năng giải cứu đến nơi an toàn. Theo ông Ngô Danh Thùy, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Thái Nguyên: Hậu quả thiên tai gây ra đã làm 3 người là Nguyễn Viết Tuấn (Mê Linh - Hà Nội); Vàng Văn Lượng và Vàng Văn Thời (Hà Giang), công nhân xây nhà nghỉ Cây Dừa, thuộc tổ 5, phường Tân Lập bị tường rào Nhà máy 19/5 sạt đổ vào lán ở làm chết khi đang ngủ. Gần 1.500 hộ dân bị nước úng tràn vào nhà, trong đó phường Đồng Quang hơn 180 hộ; phường Phan Đình Phùng hơn 380 hộ; phường Túc Duyên hơn 90 hộ; thị trấn Chùa Hang 300 hộ, phương Quang Vinh hơn 100 hộ… Tổng thiệt hại về tài sản trên toàn thành phố ước 3,7 tỷ đồng.
Lỗi tại ông giời?
Mưa đã ngưng, bầu trời cao xanh trở lại, nhưng câu chuyện úng ngập vẫn là tin tức thời sự của những ngày sau. Để sau… luận bàn ban thưởng, người ta nhận ra một phi lý không đáng có, không đáng tồn tại ở một thành phố vốn dĩ yên bình, không thiên tai, địch họa.
Cử tri thành phố đã nhiều lần có ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh là “Vì sao thành phố cứ mưa là ngập úng”?... Sự cảnh báo đã có từ lâu, nhưng các cấp, ngành bất lực do hệ thống thoát nước mưa chưa đủ công suất tiêu thoát, hoặc vì hệ thống thoát nước chưa được quan tâm thỏa đáng. Ông Trương Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên chia sẻ: Trận mưa này mực nước sông Cầu đạt trên báo động 2, xấp xỉ báo động 3, đấy là lũ lụt. Còn nước trên các trục đường, ngõ phố, nhiều đoạn ngập ngang bụng người lớn là úng ngập. Ngay cả khu nhà làm việc của cơ quan chúng tôi, một đơn vị chuyên ngành về thoát nước cũng bị “Vua Thủy tề” hỏi thăm. Còn ông Lê Việt Hùng, cán bộ Phòng Kế hoạch của Công ty cho biết: Đây là lần đầu nước úng ngập sân nhà đơn vị, ngập gần qua bậc tam cấp. Và cả một khu phố bên ngoài cơ quan đều “soi bóng nhà” xuống vùng nước không tiêu thoát kịp.
Nhà ông Trần Ngọc Chùy, Tổ 6 Phường Quang Trung. Dù đã dùng máy bơm công suất lớn bơm liên tục nhưng cho đến ngày 12 tháng 9 nước vẫn ngập sâu như thế này.
Lũ lụt bất thường do biến đổi khí hậu, thiên nhiên nổi giận thì khó đỡ. Còn úng ngập bởi tại con người mới là điều đáng nói. Nhất là ở một đô thị mới phát triển như TP. Thái Nguyên, chẳng nhẽ các nhà quản lý, quy hoạch, kiến tạo lại không nhìn ra sự cần thiết tối thiểu cho thành phố phát triển bền vững, văn minh luôn cần có hệ thống thoát nước đủ công suất. Dù hệ thống này không sinh lời, nhưng nếu chưa đủ đáp ứng nhu cầu thu gom tiêu thoát nước, chắc chắn sẽ làm đảo lộn cuộc sống, thậm chí làm tê liệt nhiều hoạt động của thành phố.
Úng ngập. Tại trời hay tại người? Nhiều người dân hiểu thấu đáp án cho câu hỏi này, nhưng vẫn bật ra khỏi miệng vì hết chịu nổi cảnh nước úng ngập tràn vào nhà. Ông Đỗ Hoàng Phong, gần 80 tuổi, phường Hoàng Văn Thụ phàn nàn: Gần 20 năm trước, phố xá thưa người, ruộng bãi còn nhiều nên nhà dân ít khi bị úng ngập. Cụ thể là đường Minh Cầu và đường Hoàng Văn Thụ, trời mưa, nước được thoát ra các khu ruộng trũng và khu vực Đầm Đục, Đầm Xanh. Nước thoát tiếp qua các cống ngầm dưới đường Cách mạng Tháng Tám, chảy vào suối Xương Rồng 1 ra cầu Bóng Tối, tiếp tục theo dòng chảy tự nhiên khoảng 2km ra đến cửa xả ngoài sông Cầu. Tiếc là quá trình đô thị hóa, những Đầm Đục, Đầm Xanh và khu thoát nước tự nhiên được san lấp để xây dựng phố xá. Nhưng các nhà quản lý, kiến tạo thành phố chưa thực quan tâm tới việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước cho các khu vực liên quan, dẫn đến việc phố xá càng đông vui thì khi mưa càng ngập lớn.
Thái Nguyên, thành phố bên sông. Và dọc, ngang trong thành phố còn có 9 dòng suối góp nước cho sông Cầu đầy vơi 4 mùa. Một thời 9 dòng suối, mùa mưa nước dâng, có cá tôm, người dân thành phố ví von 9 dòng suối ấy là “tiểu cửu long”. Ngoài việc cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, “tiểu cửu long” còn là nơi chia lũ, thoát nước cho các khu dân cư. Nhưng quá trình đô thị hóa, “tiểu cửu long” bị “bức tử” do ô nhiễm môi trường, do người dân lấn chiếm. Ví như suối Làng Đanh, chảy từ khu vực cầu vượt Thịnh Đán, qua khu dân cư số 4, phường Tân Thịnh, qua khu vực Đại học Nông lâm, đến cầu Mỏ Bạch rồi đổ nước ra sông Cầu. Chỉ một đoạn khúc như vậy đã có 3 vị trí đang bị xâm phạm. Điển hình tại đoạn khu dân cư số 4, suối được xây vách đứng làm hẹp dòng chảy. Nhất là việc thi công xây dựng cầu qua suối, hệ thống giàn giáo, cây chống làm cản trở dòng nước. Trận mưa vừa đây dù đã có dự báo trước, nhưng bất lực, nước dềnh lên, cả khu dân cư số 4 bất lực chịu trận. Ông Trần Mạnh Tuấn, 71 tuổi chia sẻ: Tôi sinh ra, lớn lên ở vùng đất này, trước đây chỉ đi xem lụt, úng ở chỗ khác, nhưng đợt mưa này phải chạy nước úng.
Sẽ hết sức vô cảm khi ai đó đổ lỗi do quá trình đô thị hóa nhanh, bởi đô thị hóa là việc cần thiết, quan trọng với bất cứ thành phố nào trên thế giới. Nhưng đô thị hóa không có nghĩa là chỉ quan tâm tới phần nổi trên mặt đất, như các cao ốc, siêu thị, khu dân cư mới… mà cực kỳ quan trọng là phần thoát nước thải sinh hoạt và nước mưa được xây dựng bên dưới lòng đất. TP. Thái Nguyên cũng thế, ý chí con người lớn hơn tất cả, hàng trăm ha đất ruộng, bãi được san lấp, tạo mặt bằng sạch để mời gọi nhà đầu tư, hoặc dành cho việc giãn dân, tái định cư. Ví như khu tái định cư khu dân cư số 5, phường Phan Đình Phùng; đường Bắc Sơn - Minh Cầu; các công trình hạ tầng khu dân cư số 1, phường Hoàng Văn Thụ; Trường Đại học Việt Bắc, đường Hoàng Ngân… Tất cả những “bờ xôi, ruộng mật” xưa đi vào kỷ niệm, nhường chỗ cho một nhịp sống mới sôi động hơn.
Việc thi công cầu qua suối Làng Đanh được cho là một trong những nguyên nhân gây lên úng ngập tại khu dân cư số 4, phường Tân Thịnh.
Vẫn là quy luật “nước chảy chỗ trũng”. Khi những cánh đồng hóa phố, đương nhiên sẽ làm biến đổi dòng chảy tự nhiên. Trong khi đó hệ thống thoát nước mưa được xây dựng chưa đủ sức chứa, nhiều đường thoát nước quá dài, phần hạ lưu của dòng suối bị thu hẹp, dẫn đến việc nước không tiêu thoát kịp. Tại nhiều đoạn đường hễ mưa to là người dân… phải lội nước, như đường trước cổng Trường Đại học Sư phạm, ngã ba Mỏ Bạch, ngã tư Lương Ngọc Quyến, đường Quang Trung… cống qua đường nhỏ, cửa thu hẹp, thường bị vướng rác thải nên nước thoát chậm. Nhiều tuyến phố mới xây dựng được hệ thống thoát nước cho 1 bên đường, như đoạn ngã tư Z115. Còn tại đoạn đường trước cổng Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngã tư đường Lương Ngọc Quyến và đường Phan Đình Phùng là một trong những điểm ngập úng nặng nhất của thành phố. Ô tô, xe máy chết máy, người đi như bơi trong dòng nước, vì đường thoát nước từ đây vào hồ Điều hòa Xương Rồng, ra suối Xương Rồng 2 mới đổ ra sông Cầu. Nhưng do cửa xả đóng, mở được làm cứng, không linh hoạt trong xả úng, rác mắc lại trước lưới chắn làm nước thoát chậm, dẫn đến úng ngập cục bộ.
Suối Làng Đanh bị rác thải làm tắc nghẽn dòng chảy.
Một trận mưa lớn làm cảnh tỉnh bao người trách nhiệm. Nhất là việc trị thủy ngay trong lòng thành phố, “người ta” nghĩ ngay đến việc xây dựng những hồ thu gom nước để hạn chế úng ngập. Hồ điều hòa Xương Rồng là minh chứng về tầm nhìn xa của các nhà quản lý về một đô thị thông minh ở tương lai. Nhưng tiếc thay, hồ bị thu hẹp diện tích để nhường chỗ cho việc chia lô, bán nền. Một cụ già tôi gặp, thở dài, nói đúng một từ: hỏng… rồi tiếp tục thả bộ bên hồ.
Thời đại công nghệ 4.0, con người tự hào làm chủ được thiên nhiên, nhưng cả thành phố này đang bất lực mỗi khi trời có mưa lớn.
Lỗi vẫn là tại ông giời!
Phạm Ngọc Chuẩn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...