Thứ ba, ngày 22 tháng 10 năm 2024
10:09 (GMT +7)

Thẳng thắn nhìn lại, tiếp tục đổi mới

Nhân tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”

VNTN -  Mười năm trước, Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” được ban hành đã như một luồng gió mới thổi vào đời sống văn học nghệ thuật nước nhà, được giới văn nghệ sĩ hoan nghênh và đón nhận nhiệt tình.

Với quan điểm “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam…”, Nghị quyết 23-NQ/TW đã thực sự trở thành nền tảng vững chãi cho sự phát triển văn học nghệ thuật nước nhà mười năm qua.

Tổng kết mười năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW là dịp để Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn đánh giá lại những gì đã làm được, những gì còn chưa làm được, từ đó thấy được nhiệm vụ đang đặt ra cho tổ chức Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ trước sự nghiệp xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Những thành tựu đáng tự hào

Có thể nói, thành công lớn nhất trong quán triệt, thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW là sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong đội ngũ văn nghệ sĩ về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật, trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đối với sự phát triển xã hội, xây dựng đất nước. Các tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh, đội ngũ được phát triển cả về số lượng và chất lượng, phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Thái Nguyên. Chất lượng hoạt động, chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Xây dựng và phát triển tổ chức Hội là một điểm mạnh của Thái Nguyên trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW; với sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, trong đó Hội Văn học nghệ thuật tỉnh có vai trò rất quan trọng. Trong 10 năm, Hội VHNT tỉnh đã tham mưu, chủ động đề xuất và giúp đỡ các cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập được 8/9 Hội cấp huyện, thành, thị. Từ năm 2008 đến 2018 đã kết nạp được gần 100 hội viên mới. Nhiều hội viên được kết nạp vào các hội chuyên ngành trung ương.

Hội xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng hội viên định kỳ hàng năm và theo nhiệm kỳ. Thông qua các hình thức: tổ chức các trại sáng tác, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các đợt thực tế sáng tác… Trong 10 năm, đã tổ chức được khoảng 30 trại - lớp bồi dưỡng nghiệp vụ và hàng chục lượt đi thực tế sáng tác.

Để thực hiện chính sách ưu đãi văn nghệ sĩ, trọng dụng nhân tài, Hội đã cùng các ban ngành chức năng tham mưu với tỉnh xây dựng cơ chế giải thưởng VHNT tỉnh Thái Nguyên 2008 - 2011 và 2012-2016 với mức thưởng phù hợp mặt bằng chung của cả nước. Tham mưu ban hành cơ chế khen thưởng các văn nghệ sĩ có giải thưởng cao trong nước và quốc tế.

Nhiều hội viên của Hội tích cực tham gia xây dựng, phát triển văn nghệ quần chúng; bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đội ngũ văn nghệ sĩ làm công tác nghiên cứu, lý luận phê bình, văn học của Thái Nguyên phát triển cả về số lượng và chất lượng; ngày càng đông đảo, có trình độ cao và được trẻ hóa. Một bộ phận nỗ lực nghiên cứu các vấn đề có tính lí thuyết, lí luận; tham góp vào việc nghiên cứu các hiện tượng văn học lớn của dân tộc). Tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong lĩnh vực nghệ thuật thông qua các Hội thảo khoa học, trên các phương tiện truyền thông (trên các tạp chí chuyên ngành và báo Văn nghệ Thái Nguyên).

Nỗ lực đổi mới hoạt động VHNT. Hoạt động Hội đa dạng, phong phú về nội dung và hình thức, tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong đời sống.

Hội đã tổ chức được nhiều sự kiện văn học nghệ thuật lớn, có tiếng vang trong khu vực và cả nước, như Lễ hội Thơ Nguyên tiêu hàng năm; Gặp mặt tác giả trẻ Việt Bắc; trưng bày và triển lãm thơ về nông dân, về trà,...

Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức 02 giải thưởng Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên (giai đoạn 2007-2011 và 2012-2016); chủ trì tổ chức 12 cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật (gồm 4 cuộc thi văn học, 8 cuộc thi nghệ thuật trong đó nhiếp ảnh - 05 cuộc, âm nhạc 01, mỹ thuật 02) nhằm động viên, khuyến khích hội viên sáng tác các tác phẩm có chất lượng phục vụ công chúng, đồng thời phát hiện tài năng về văn học nghệ thuật để bồi dưỡng.

Hàng năm, tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật (Mỹ thuật, Kiến trúc, Nhiếp ảnh) trong và ngoài tỉnh, nhằm giới thiệu, tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu của hội viên về quê hương, đất nước, con người…Nhiều hội viên của Hội đạt giải trong nước và quốc tế. Tổ chức cho hàng trăm lượt hội viên đi thâm nhập thực tế sáng tác tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới biển đảo, làm tốt công tác tuyên truyền bảo về chủ quyền của đất nước.

Báo Văn nghệ Thái Nguyên phát triển mạnh, trở thành một trong 3 tuần báo văn nghệ địa phương trong cả nước, có uy tín cao trong hệ thống báo chí văn nghệ. Với hai loại hình (báo in và trang điện tử), báo Văn nghệ Thái Nguyên là một cơ quan tuyên truyền hiệu quả của địa phương, được Tỉnh ủy cấp phát đến tận chi bộ cơ sở. Phóng viên, cộng tác viên của Báo đã tích cực tham gia các giải thưởng báo chí, văn học nghệ thuật. Một số tác giả đã đoạt các giải thưởng: Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, Giải thưởng sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Giải thưởng báo chí đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống...

Những yếu kém cần thẳng thắn nhận diện

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, trong thực hiện Nghị quyết 23, Hội VHNT tỉnh còn một số hạn chế, yếu kém.

Một số nội dung của Nghị quyết và Chương trình số 24-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chậm được thực hiện trong phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Hội VHNT tỉnh, chậm đi vào cuộc sống. Đáng nói nhất là việc tham mưu xây dựng Đề án phát triển văn học nghệ thuật nêu trong Chương trình số 24-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa được Hội thực hiện. Vì thế, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng cơ chế cho sự tồn tại và phát triển của các tổ chức và hoạt động Hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Việc phát triển các Hội VHNT cấp huyện thành thị chưa đạt chỉ tiêu (còn 1 huyện chưa thành lập được Hội VHNTN). Hội VHNT tỉnh cũng chưa sâu sát, chưa có trách nhiệm đầy đủ trong việc tham mưu tạo dựng cơ chế hoạt động phù hợp và nhất quán cho các Hội cấp huyện thành thị. Một số hội, chi hội VHNT địa phương hoạt động yếu.

Các công trình, tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, có tầm ảnh hưởng xã hội trong hội viên còn ít, chưa xứng tầm với vị thế của tỉnh và sự kỳ vọng của nhân dân. Đề tài sáng tác, quảng bá văn học nghệ thuật chưa thật phong phú.

Để tồn tại những hạn chế, yếu kém này, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Hội (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội). Bên cạnh đó, cũng còn một bộ phận hội viên chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của tổ chức Hội và đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự phát triển chung của địa phương và đất nước. Vì thế, việc chủ động thực hiện, tham mưu thể chế hóa chủ trương của Trung ương và tỉnh tại Nghị quyết 23 và Chương trình hành động 24-Ctr/TU còn hạn chế, chưa thực sự làm hết trách nhiệm.

Ngoài ra, về phía khách quan, cũng có nhiều cán bộ cấp ủy, chính quyền, trong các ngành các cấp chưa coi trọng đúng mức vị trí, vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ và hoạt động của các tổ chức hội VHNT; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tư vấn cho các Hội, thẩm định và quảng bá các giá trị văn học nghệ thuật đích thực còn hạn chế.

Đổi mới là cơ sở để phát triển

Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW và xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. Trong đó có nhiều nội dung gắn với trách nhiệm của các tổ chức hội văn học nghệ thuật.

Thực hiện sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, tiếp tục quán triệt, thực hiện, tham mưu thực hiện Nghị quyết 23 - NQ/TW, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động văn học nghệ thuật, kịp thời phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của công chúng - đó là mục tiêu trước mắt và lâu dài của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên.

Để thực hiện tốt mục tiêu, cần xác định rõ nhiệm vụ và các giải pháp khả thi. Trong đó nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức, hoạt động, sáng tạo văn học nghệ thuật là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Để nâng cao tính chuyên nghiệp, thì phải đổi mới tư duy về văn học nghệ thuật. Sáng tạo, tổ chức hoạt động, phát triển văn học nghệ thuật phải gắn với phát triển con người, gắn với thị trường văn hóa, nhu cầu lành mạnh và chính đáng của công chúng. Đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập của tỉnh Thái Nguyên.

Tăng cường khai thác các nguồn lực cho phát triển văn học nghệ thuật. Tiếp tục tham mưu xây dựng và thực hiện Đề án “Văn học, nghệ thuật Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn 2025” như Tỉnh ủy đã chỉ đạo. Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; huy động mọi nguồn lực cho hoạt động Hội, thông qua việc liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện, hoạt động văn học nghệ thuật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có nhu cầu trong và ngoài tỉnh. Làm cho văn học nghệ thuật Thái Nguyên tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, hội viên có đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, uy tín trong cộng đồng. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ; xây dựng đội ngũ Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, lãnh đạo chủ chốt của Hội có trình độ, uy tín, tâm huyết thực sự với công việc. Lựa chọn, kết nạp hội viên bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, thông qua các hoạt động thực tiễn. Không chạy theo số lượng, không hạ thấp tiêu chuẩn.

Tổ chức lại các tổ chức văn học nghệ thuật theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Nhiều ý kiến đề xuất hội tụ các tổ chức Hội trên địa bàn, thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là vấn đề cần được bàn bạc thấu đáo, dân chủ trong cộng đồng văn nghệ sĩ và các Hội.

Mười năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, nhìn lại thấy vui vì Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã đạt được những thành tựu không nhỏ, và cũng ngậm ngùi vì một số hạn chế đáng tiếc còn tồn tại. Trong thời gian tới, hy vọng đội ngũ văn nghệ sĩ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh sẽ cùng nhau đoàn kết, đóng góp trí tuệ, tài năng tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 23 - NQ/TW, để Nghị quyết tiếp tục lan tỏa các giá trị tư tưởng, nhân văn sâu sắc, góp phần làm cho xã hội tiến bộ, văn minh hơn.

Nguyễn Thúy Quỳnh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy