Tháng cô hồn
Dù đã qua tháng 7 âm lịch (mà người ta vẫn hay gọi là tháng “cô hồn”), nhưng có những điều tôi vẫn còn suy ngẫm.
Chuyện là, từ dạo về hưu, nhóm bạn học thời phổ thông chúng tôi gặp nhau nhiều hơn. Chúng tôi thực hiện: Mỗi tháng đi chơi xa một lần, còn đi chơi gần thì “thích là nhích” không giới hạn. Ấy vậy mà sang tháng Bảy âm lịch, có người nhắn vào nhóm bảo nên “hoãn” đi chơi, vì là tháng… “cô hồn”, nếu cả nhóm vẫn đi thì bạn ấy cũng không đi. Rồi bạn ấy tuyên bố là cả tháng này sẽ không ra ngoài, vì ra ngoài toàn gặp… ma, nguy hiểm lắm.
Tôi sau khi thả mặt cười “ha ha” vào ý kiến của bạn thì thừ ra suy nghĩ. Chẳng phải lần này tôi mới được nghe tuổi 6x kiêng tháng “cô hồn” mà ngay cả cháu tôi, 9x, cũng kiêng. Hôm đầu tháng nó đến nhà mượn tôi cái ba lô để đi công tác, tối tôi nhận được tin nhắn: “Thím ơi, cháu đánh rơi cái ba lô rồi, cháu không dám dừng lại nhặt, vì họ bảo trong tháng này đánh rơi cái gì thì coi như “của đi thay người”, nhặt lên là xui xẻo “ám” vào”. Tôi chỉ biết cười, trêu lại: “Từ mai thím phải chăm ra đường xem có ai đánh rơi gì để nhặt về chứ vứt đi thế phí lắm”.
Cô hồn - theo quan niệm dân gian - là từ để chỉ các linh hồn cô độc, vất vưởng, lang thang, không ai thờ cúng nên đói khát và dễ làm điều xấu. Cũng theo quan niệm dân gian thì Rằm tháng Bảy (âm lịch) là ngày Diêm Vương mở cửa Quỷ Môn cho ma quỷ trở về dương gian (còn gọi là Ngày xá tội vong nhân) nên tháng Bảy, đặc biệt ngày Rằm tháng Bảy, ma quỷ sẽ “bám” vào đồ vật, sẽ “ám” mọi hoạt động khiến công việc của con người khó hanh thông, nhiều người ốm đau, bệnh tật.
Những tưởng khi sống ở thời kỳ lạc hậu và ít thông tin thì người ta mới tin vào chuyện ma quỷ, nhưng hóa ra không phải. Dường như càng ngày càng nhiều người bị ám ảnh bởi những thứ vô hình và tháng Bảy hiện nay trở thành tháng kiêng kỵ đủ thứ: Không cưới hỏi, không đi xa, không mua sắm, không khám bệnh, đánh rơi không nhặt, không ra ngoài ban đêm, không may quần áo, không cắt tóc. Nhiều trang mạng xã hội còn bày ra đủ thứ khuyên mọi người nên mang đồ gì để yểm ma quỷ; nên đi hướng nào; nên ăn cái gì cho may mắn… Thôi thì đủ thứ họ “vẽ” ra để dọa nạt.
Có người nghe theo răm rắp như bạn tôi, cháu tôi; có người nửa tin nửa ngờ thì nghĩ: Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, thôi thì cứ “tem tém” lại. Từ đó, tháng Bảy âm lịch thường là tháng kinh doanh ảm đạm, nhất là với ngành du lịch, mua bán bất động sản và mặt hàng giá trị lớn.
Cho đến nay, tôi chưa đọc được tài liệu nào chứng minh rủi ro đến với con người nhiều hơn vào tháng Bảy so với các tháng khác trong năm. Chỉ có điều rõ ràng là: Đây là tháng mưa nhiều, lũ lụt, sạt lở đất, nhà cửa dễ hỏng hóc, lưu thông trên đường dễ gặp tai nạn; thời tiết chuyển mùa khắc nghiệt nên dễ sinh ốm đau, nhất là đối với người già và trẻ em. Nắm được đặc điểm của thiên nhiên để phòng tránh rủi ro, phòng bị sức đề kháng để chống lại mưa nắng thất thường, là điều cần thiết vào tháng Bảy.
Và bây giờ, tháng Bảy đã qua đi, nhưng với tôi, không thấy có gì “xui xẻo” hơn các tháng khác. Tôi vào nhóm, nhắn với bạn tôi rằng: Tháng Bảy này ngoài ngày “mở cửa ngục cho ma quỷ được tự do” (theo câu chuyện cổ tích của Trung Quốc) thì còn có ngày Vu Lan báo hiếu, ngày để tỏ lòng kính lễ với cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã sinh thành và dưỡng dục mình. Vu Lan còn có ý nghĩa cao hơn, đó là mong muốn mỗi người nên sống trong sự ghi nhận và biết ơn những gì đến với mình. Rõ ràng, tháng Bảy vẫn mang lại cho con người bao niềm mong đợi và hạnh phúc, chứ không phải chỉ là những điều xui xẻo, buồn bã.
Kiêng kỵ ở góc nhìn khác là cẩn trọng. Trong cuộc sống, cẩn trọng luôn cần thiết. Các cụ răn: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” là như thế. Khi thiện tâm và cẩn trọng song hành thì rủi ro sẽ tránh và ma quỷ cũng trở nên bất lực.
Ngô Minh
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...