Thận trọng với những câu tục ngữ đã hết thời
Nhắc lại dài dòng như vậy để thấy rằng vì sao dân ta lại có một kho tàng tục ngữ phong phú và đa dạng đến thế, đủ để vận dụng vào bất cứ lĩnh vực nào. Tuy nhiên, khi đất nước đang tập trung mọi nguồn lực thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập với một thế giới phẳng, chúng ta cũng phải bình tĩnh và khách quan để nhận ra rằng, phần lớn tục ngữ đã và đang được vận dụng phổ biến lâu nay đều hình thành từ một xã hội nông nghiệp, xã hội phong kiến, thậm chí là cả xã hội nô lệ. Vì vậy, có những câu tục ngữ không còn là “đạo lý dân gian” để làm theo được nữa.
Nếu như trong xã hội cũ “phép vua thua lệ làng” là biểu hiện sự chống đối của người dân trước chính quyền chuyên áp bức bóc lột, thì nay “lệ làng” nhất thiết phải nằm trong khuôn khổ của “phép vua” để bảo đảm mọi kỷ cương phép nước. Đương nhiên, một xã hội công bằng - dân chủ - văn minh sẽ không thể có chỗ cho “một người làm quan, cả họ được nhờ” rồi mơ tưởng “có tiền mua tiên cũng được”. Tiếc thay, chuyện “chạy” trường, chạy điểm, chạy chức quyền, sổ hưu, huân chương… lại chứng minh rằng “nén bạc đâm toạc tờ giấy” là hoàn toàn đúng!
Có lẽ ngoại trừ lĩnh vực thể thao, thắng thua chỉ chênh nhau 1/10 giây hoặc vài centimet… là không ai chịu “chín bỏ làm mười”, còn trong nhiều lĩnh vực khác, người ta vẫn muốn “đóng cửa bảo nhau” để mong có “một sự nhịn, chín sự lành”. Vì thế mà có vô số vụ việc được xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”, cũng vì vậy mà tình trạng bạo lực gia đình vẫn âm ỉ phát triển nhưng phần thua thiệt thường lại nói về người đàn bà. Dù sao cũng không thể thực hiện nam nữ bình đẳng khi vẫn quan niệm “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Ngược lại, nếu lúc nào cũng “mẹ hát con khen hay” thì “mẹ” rất dễ tự cao tự đại, đắm chìm theo ảo tưởng là mình ghê gớm nhưng thực ra đang tụt hậu về nhiều mặt so với xung quanh.
Ở đâu và thời nào cũng vậy, “tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại” thường là để giữ “mỹ quan” không chỉ đối với người ngoài, nhưng khi không một địa phương, cơ quan, đơn vị nào dám nói ra mặt yếu kém thì đất nước sẽ là một cường quốc… ảo đầy những danh hiệu phù phiếm và những kỷ lục không đâu. Và vì sợ “trâu chậm uống nước đục” nên người ta phải đua chen giành giật để có “một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp”. Cũng thật đáng tiếc là giờ đây, ở đâu đó vẫn có những công dân không quan tâm đến bậc sinh thành, thậm chí còn ngược đãi cha mẹ. Phải chăng theo họ thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”.
Đúng là ai cũng có quyền vận dụng tục ngữ theo cách riêng của mình, nhưng vận dụng ở đâu, về phía nào thì cần được cân nhắc. Nên chăng cần loại bỏ những câu tục ngữ không còn phù hợp với thời thế hiện nay?
Thái Văn
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...