Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024
01:26 (GMT +7)

Thăm Không gian Hồ Chí Minh tại thành phố Montreuil – Pháp

VNTN - Dẫu những khu phố chính và những điểm du lịch vẫn luôn rất nhộn nhịp, người qua lại đông đúc thì Paris những ngày cuối tháng Tám hình như trầm lắng hơn, vì dân Paris tầm này vẫn còn đang đi nghỉ hè, nhiều văn phòng, cửa hàng và nhà hàng đóng cửa!

 

Bức tượng Hồ Chí Minh tại công viên Monceau

Là một kẻ lãng du xa xứ lại không được hồi hương vào dịp này, nên tôi xách máy ảnh đi lang thang khắp nơi. Tôi đến những nơi tôi yêu thích và thường lui tới, hoặc cả những nơi mà tôi còn chưa biết… Paris và vùng phụ cận rất lớn, có nhiều không gian xanh và cảnh quan hùng vỹ, kỳ hoa dị thảo, thiên tạo và nhân tạo... Những tòa nhà yêu kiều, những khu vườn mướt bóng. Những thân cây cổ thụ cong queo sần sùi một người ôm không xuể, những cây liễu nhủ cành dài đung đưa trước gió, những luống hoa đủ màu sắc được người dân cắt tỉa kỹ lưỡng, những đàn vịt trời, hải âu, thiên nga bơi nhởn nhơ trên mặt hồ xanh yên tĩnh, tiếng chim vẹt đùa nhau kêu chíu chít giữa những tán lá xanh um…

Xe đưa tôi đến thành phố Montreuil, một thành phố ngoại ô Paris. Tại đây có công viên Monceau mênh mông, gần chục hecta với thảm thực vật dày đặc, rải rác có nhiều bức điêu khắc tân cổ với nhiều hình thù khác nhau, bức yểu điệu lãng mạn, bức lại sần sùi khó hiểu, những lối đi dạo len lỏi dưới những hàng cây xanh um, có tiếng nước chảy róc rách đâu đó. Trong công viên có Nhà bảo tàng Lịch sử Sống (Mussée de l'histoire vivante), có thể nói đây là một trong những nơi hiếm hoi tại Pháp thường xuyên triển lãm ảnh và các tư liệu về các thời kỳ trong lịch sử Đông Dương và trước đó.

Thực ra tôi đã đến đây khá nhiều lần. Dạo mới đến Pháp, lần đầu tiên tôi đưa các con đến đây là từ những năm 2000, nhân một cuộc triển lãm về thời kỳ phong kiến, trước và sau khi Pháp độ hộ Việt Nam. Những hình ảnh ấn tượng và phong phú mà hiếm khi ta được xem tại Việt Nam. Sau này, tại đây đã thành lập Không gian Hồ Chí Minh, dựng tượng Bác Hồ, thì hình bóng đất nước Việt Nam và Bác hiện lên rõ rệt hơn, thân thương hơn, ta có thể thấy cả những khóm trúc, nhỏ nhưng xum xuê cành lá…

Theo tư liệu, ngày 19 tháng Năm năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 115 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch, nguyên Thị trưởng thành phố Montreuil, Jean-Pierre Brard, đã khánh thành đặt bức tượng đồng bán thân của Hồ Chủ tịch, cao 50cm, được đặt trên kệ đá granit cao 1m50, quà tặng của Bảo tàng Hà Nội. Tham dự buổi lễ trọng thể này có Thị trưởng thành phố, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Nữ giám đốc Bảo tàng Hà Nội, các cán bộ nhân viên của Tòa Thị chính Montreuil và Đại sứ quán Việt Nam cùng đông đảo dân chúng thành phố Montreuil. Bức tượng đã làm đầy đủ thêm Không gian Hồ Chí Minh, đã được thành lập trước đó tại Nhà bảo tàng Lịch sử Sống của thành phố này. Năm 2004 nhân dịp 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc chiến tranh tại Đông Dương, tấm biển đồng được gắn trang trọng phía dưới bức tượng ghi rõ dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh 1890-1969 - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam".

 

Một góc Không gian Hồ Chí Minh

Trong bài phát biểu của mình, Thị trưởng Montreuil, Jean-Pierre Brard, nói: "Hồ Chí Minh, cha đẻ của đất nước Việt Nam, cũng như các dân tộc bị áp trên toàn thế giới và đặc biệt là với người dân thành phố Montreuil, là một trong những nhân vật tiêu biểu của cuộc chiến chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân mà chúng ta luôn ủng hộ." Ông đã ca tụng cuộc đời của "Bác Hồ", một cuộc đời "hi sinh cho cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập của nước Việt Nam”. Cựu Thị trưởng nhấn mạnh: "Tuy nhiên, tôi thấy là quan trọng cần phải nhắc lại với các bạn những nền tảng làm nên sự gắn bó của người dân Montreuil với nhân vật vĩ đại này mà Bảo tàng Lịch sử Sống dành riêng cho Người một không gian, đó chính là Không gian Hồ Chí Minh… Một con người đáng tôn kính. Chúng tôi đã quyết định dựng bức tượng này nhân chuyến thăm Việt Nam, trong khuôn khổ dự án Paddy, hợp tác ba bên, cùng với quốc gia Mali… Đó là một cách nhắc nhở chúng ta về một lời cam kết chống chủ nghĩa thực dân”, Thị trưởng say mê lịch sử nói thêm để tỏ lòng kính trọng với vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: “Đó là một khuôn mặt đáng trân trọng. Một con người rất được tôn kính tại đất nước của ông. Bác Hồ nói được nhiều thứ tiếng, có một kiến thức bách khoa nhưng lại thích sống gần gũi với người dân bằng cách chọn sống trong một mái nhà tranh hơn là một cung điện…”

Kể từ đó, mỗi lần ghé thành phố Montreuil, tôi đều dành ít phút ghé thăm nơi đây, hòa mình trong không gian mênh mông và ngắm nhìn khóm trúc đung đưa trước gió… Lần này, tôi đến đây. Trời trưa hè yên tĩnh, vắng bóng người, tôi dừng nghỉ dưới bóng mát, ngắm tượng Hồ Chủ tịch. Sau đó dự định vào thăm Không gian Hồ Chí Minh trong Nhà bảo tàng Lịch sử Sống, nhưng cửa đóng im ỉm, tôi liều bấm chuông, nhưng thầm nghĩ chỉ mất công thôi…

Nhưng may thay, có tiếng cửa sổ trên tầng bật mở, một phụ nữ Pháp ló ra thông báo hôm nay Bảo tàng đóng cửa. Vâng, đóng cửa là đúng rồi, nhưng tôi khẩn khoản : “Tôi từ xa đến, bà có thể làm ơn cho tôi vào thăm Không gian Hồ Chí Minh được không?” Bà ấy lưỡng lự giây lát rồi nói: “Vậy đợi tôi nhé, hơi lâu đấy, chừng 15 phút nữa tôi mới xuống được !” Tôi mừng húm, thầm nghĩ: “15 phút chứ cả 30 phút thì tôi cũng sẽ đợi được…” Và sau chừng 20 phút, bà ấy xuống thật, khoảng thời gian đủ để tôi nhân nha giữa những lối đi trước cửa Nhà bảo tàng, thả hồn mộng tưởng phấp phới giữa thiên nhiên thênh thang, ngẫm nghĩ về một thời đã xa, ở một nơi rất xa…

Tôi đã từng thăm Không gian Hồ Chí Minh nhiều lần, nhưng đa phần cùng với các phái đoàn Việt Nam trong những ngày lễ và đón tiếp trọng thể, sự ồn ào náo nhiệt khiến ta mất tập trung! Còn hôm nay, một mình tôi giữa hành lang dài hun hút, bước chân tôi vang lanh lảnh, phá tan bầu không khí tĩnh lặng của nhà Bảo tàng.

Dọc hành lang là những bức ảnh, những tư liệu về những lần Hồ Chủ tịch đón tiếp hoặc đàm thoại với các quan chức Pháp, những đợt gặp gỡ với đồng bào và nhi đồng Việt Nam. Những tư liệu khá quí hiếm được tìm thấy trong các sở lưu trữ về các lệnh cấm lệnh bắt của sở cảnh sát Pháp dành cho Nguyễn Ái Quốc. Không gian Hồ Chí Minh không lớn, nhưng được sắp xếp khéo léo, ánh sáng vừa phải tạo nên sự ấm cúng. Tại đây, chúng ta như được tắm mình vào chặng đường tìm đường cứu nước và đời sống thường nhật của Bác qua những bức ảnh đặc tả chân dung hoặc khi Người đang làm việc. Một dãy ảnh đen trắng được phóng to, phác lại chặng đường của hai kỳ lưu trú tại Pháp của Người. Lần đầu tiên lâu hơn, kể từ năm 1917 đến năm 1923. Ảnh Bác tại Đại hội Quốc tế Cộng sản Đảng lần thứ 3 tại thành phố Tours, những cuộc thảo luận. Và lần thứ hai, nhân chuyến Bác đến Pháp năm 1946. Chúng ta còn thấy chiếc thẻ Đảng Cộng sản Pháp của Bác, những bài báo đã úa vàng liên quan đến một số sự kiện quốc tế Bác từng tham gia. Còn có một gác xép với các kệ sách, chứa những tác phẩm do chính Bác viết hoặc người ta viết về Bác, bằng cả tiếng Pháp và tiếng Việt.

Ngồi ghé trên bậc cầu thang trong căn phòng, tôi mường tượng cảnh người thanh niên Việt Nam khi xưa, gầy gò mảnh khảnh, tự xuống con tàu vượt biển của Pháp để xin việc làm, với mục đích ra khỏi đất nước mình để tìm con đường đưa dân tộc ra khỏi cảnh lầm than… Lênh đênh trên biển, ngoài thứ công việc phụ bếp nặng nhọc thường nhật, người thanh niên ấy còn ngồi tự học viết tiếng Pháp bằng những viên than đen nguệch ngoạc trên sàn tàu… Thật chẳng dễ dàng chút nào. Rồi đến hải ngoại, đến Mỹ, đến Pháp… Sống tại trời Âu lâu năm, tôi thấu hiểu công việc quét tuyết mới thật là khủng khiếp, nhất là với những người sinh ra và lớn lên trong vùng nhiệt đới nóng ẩm, nóng nhiều hơn lạnh, và còn bao nhiêu những thứ công việc khác mà người bản xứ tránh làm, vì vừa vất vả, vừa được trả ít tiền, những lần họp kín dưới sự truy lùng của cảnh sát Pháp… Trí tưởng tượng đưa tôi đi rất xa, dựa trên những gì mà tôi đã được đọc, đã được học về Bác… Tôi tự hỏi điều gì đã tiếp thêm nghị lực cho Bác để vượt qua những khổ ải nhường ấy… Và rồi tôi tự tìm câu trả lời rằng là gì khác ngoài những tiếng kêu cứu của quê hương, của những người dân cần cù chịu khó vô tội nhưng phải sống dưới chế độ phong kiến cổ hủ, lạc hậu, dưới gông cùm của chế độ thực dân đô hộ…

Tôi ấn tượng với mọi đồ vật ở nơi này, mỗi thứ đều gây cho tôi sự xúc động đặc biệt. Một trong số ấy là cuốn Sổ Vàng được đặt trong phòng, tôi lật từng trang, nhẩm đọc những dòng lưu niệm được nắn nót viết trong sổ. Tôi thấy những trang của các nhà lãnh đạo cao cấp Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, các Đại sứ Việt Nam tại Pháp; ngoài ra còn rất nhiều, vô vàn những dòng chữ hết sức gần gũi thân thương của những con dân đất Việt vô danh, chỉ ghé thăm Bác tại Không gian này, nhân dịp hiếm hoi mà họ có dịp đến Pháp; và còn có nhiều trang của các kiều bào đến từ Pháp hay các nước trên thế giới, mỗi người theo cách diễn đạt của mình, đều bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta.

 

Khu vườn công viên Monceau

Thấy ở lâu không tiện, vì nữ nhân viên Bảo tàng đã mở cửa “đặc cách” cho tôi ngày hôm nay để có thể một mình “thiền định” tại Không gian tĩnh lặng đầy ý nghĩa này, tôi tiếc nuối đứng lên thu dọn máy và ra về, không quên cám ơn người phụ nữ Pháp tốt bụng ấy!

Dấu ấn Hồ Chủ tịch để lại Pháp, đặc biệt là ở Paris còn rất nhiều, như con phố Gobelins ở quận 13, khu phố Marché des Partriardes ở quận 5 thời kỳ Người là thợ rửa ảnh. Hay đặc biệt hơn là ngõ Compoint nổi tiếng (Villa Compoint) nằm ở quận 17, nổi tiếng với câu chuyện Người ủ viên gạch nóng rồi quấn báo, để trong chăn để sưởi ấm vào mùa đông! Ở thành phố Tours, hay ở Marseilles, ở Toulon thuộc miền nam nước Pháp… Và tôi cũng đã có dịp đến những nơi đó, lúc một mình, khi khác lại trao đổi dăm ba câu với người dân trong khu xem họ có biết gì về dấu ấn mà một thanh niên An Nam, vị Chủ tịch đầu tiên của Việt Nam, đã từng sống tại nơi họ đang sống. Có người không biết, còn những người am hiểu lịch sử thì biết, họ trò chuyện với tôi, có người vì câu chuyện về Hồ Chủ tịch đã từng sống tại đó mà đến Việt Nam, đã vào viếng lăng Bác tại quảng trường Ba Đình Hà Nội. Nhân danh một người Pháp, họ chia sẻ với tôi những suy nghĩ của họ về trang sử “tối” của nước Pháp, họ thông cảm với nỗi đau của Việt Nam đã trải qua hai cuộc chiến tranh “thảm khốc và chết chóc” nhất lịch sử thế giới trong thế kỷ 20. Họ tỏ ý thán phục và ngưỡng mộ tinh thần chiến đấu dũng cảm và sáng tạo của chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam. Những câu chuyện có khi kéo dài hàng giờ… Nhưng rốt cuộc, cũng như tôi đã nghĩ, họ đều nói rằng tất cả những chuyện đó đều đã thuộc về quá khứ. Họ vui mừng trước sự biến đổi của Việt Nam. Việt Nam đã phát triển mạnh và rất nhanh, dẫu còn nhiều điều khá bất cập…

Năm tháng qua đi, mọi thứ đã đổi thay. Những nơi Bác ở, những con đường Bác qua giờ đã thay hình đổi dạng, nhưng khi đến đó, tôi cảm thấy dường như Người vẫn hiện diện đâu đây, với hình dáng của một thanh niên cao gầy có đôi mắt thông minh sáng ngời - người thanh niên ấy đã dành cả quãng đời tuổi trẻ của mình bôn ba xứ người để tìm con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Và sự xuất hiện của Không gian Hồ Chí Minh tại thành phố Montreuil là một vinh hạnh, không chỉ đối với cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Pháp mà còn đối với những ai ưa chuộng hòa bình, thích sự công bằng, dân chủ và đi đến cùng để tìm kiếm, để thành công với những gì mình theo đuổi.

Paris 21/08/2019

Hiệu Constant

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 ngày trước