Chủ nhật, ngày 28 tháng 04 năm 2024
05:19 (GMT +7)

Thăm chung cư hiện đại đầu tiên của thành phố Thái Nguyên

VNTN - Tính đến thời điểm này, dự án chung cư Tiến Bộ (CTCP tập đoàn Tiến Bộ) giai đoạn 1 và 2 đã giải bài toán về nhà ở cho 247 gia đình. Có thể nói, đây là một đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp với xã hội về ổn định đời sống vật chất cho người dân đô thị.


Đến chung cư nay, nhớ chung cư xưa…

Nằm trên diện tích hơn 10.000 m2 thuộc tổ dân phố số 2 phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, khu chung cư Tiến Bộ với bốn tòa nhà A1, A2A, A2B và A3, được đưa vào sử dụng từ các năm 2012, 2014 và 2015, về cơ bản đã thỏa mãn được nhu cầu chỗ ở cho một bộ phận dân cư đô thị. Tôi ấn tượng với dòng chữ ngay cổng vào, “Nơi an cư - Để lạc nghiệp”, slogan này đã mang lại tâm lí dễ chịu cho người đến đây, nhất là các khách hàng.

Bốn tòa nhà xếp theo hình chữ U, có khoảng sân chung sạch sẽ với ghế đá, cây xanh, tạo không gian văn minh đô thị. Khuôn viên này là chỗ thư giãn, vui chơi vào mỗi buổi chiều cho người già và trẻ nhỏ ở đây.

Tôi bỗng nhớ lại cái thời gia đình mình từng sống tại chung cư 5 tầng từ năm 1979. Lúc ấy, chung cư là sản phẩm ưu việt của thời bao cấp, các hộ dân ở đấy gần như được ở không. Từ nhà đất, bước lên nhà cao tầng với bếp đứng và công trình phụ tự hoại, sao mà thấy văn minh thế. Nhưng cầu thang thì bẩn thỉu, bóng điện cháy không người thay. Trẻ con vứt rác bừa bãi khắp nơi, các tầng tự bảo nhau quét dọn nên chỗ sạch chỗ không. Sợ nhất là chất lượng công trình kém, tôi vẫn còn rùng mình khi nhớ lại, đang ngồi trong nhà vệ sinh bỗng thấy giọt nước giỏ tọc xuống người, thì ra dột từ tầng trên xuống. Chả có ai đến chữa, các nhà tự “cứu mình” bằng cách lợp mái ni lông bên trên tránh dột. Rồi, dưới sân, xe ô tô đi vào làm vỡ nắp hố ga hở ra một khoảng toang hoác đầy nước thải thối um, khiến khối đứa mải chơi ngã nhào xuống đó… Rồi, sáng sáng, các mẹ với sức vóc suy nhược cơ thể ngoẹo người xách xe đạp từ trên nhà xuống để đi làm và chiều thì ngược lại, vv… Những hình ảnh ấy, giờ không còn ở bất cứ chung cư nào, nhưng nó vẫn ám ảnh tôi…

Một góc sân chung cư Tiến Bộ

“Già” nhất khu chung cư Tiến Bộ là tòa nhà A1, được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2012. Thoạt đầu, đây là dự án nhà trọ cho sinh viên, sau thấy không khả thi, Tập đoàn Tiến Bộ đã xin phép cải tạo thành nhà ở dân cư. Vì vậy, tòa này công năng sử dụng kém hơn nhưng cũng chính vì thế mà giá thành rẻ nhất: 8 triệu đồng/m2. Quy mô căn hộ ở tòa A1 là 60 m2, với hai phòng ngủ, một phòng khách liền bếp và một công trình phụ. Hành lang ở giữa tuy hơi thiếu ánh sáng nhưng được cái rộng rãi, thông suốt, thuận tiện đi lại. Được xây dựng sau này và mục đích thiết kế rõ ràng ngay từ đầu, nên các tòa A2A, A2B và A3 về kiến trúc hợp lí, công năng sử dụng tối ưu hơn. Với hai loại diện tích: 48 m2 gồm hai phòng ngủ, một bếp liền phòng khách và một công trình phụ; và 70 m2 gồm ba phòng ngủ, một bếp liền phòng khách và hai công trình phụ, các phòng đều đón được ánh sáng và gió trời. Mỗi căn hộ đều có ban công làm chỗ phơi phóng, đảm bảo mĩ quan. Giá của ba tòa nhà này là từ 9 đến 10 triệu đồng/m2 (tùy theo vị trí).

Những chủ nhân của chung cư

Ông Nguyễn Xuân Ánh và bà Nguyễn Thị Thịnh, cán bộ hưu trí, thuộc lớp cư dân đầu tiên tại đây, đang sống tại tòa nhà A2A (trước đây ông bà sống ở tòa A1, khi tòa A2A hoàn tất, ông bà đổi căn hộ sang đây) cho biết: Chúng tôi hài lòng với cuộc sống này lắm. Hai ông bà già ở thế này là thuận tiện. Già rồi, sức đâu mà quét sân với chả làm vườn mà ở nhà đất. Ở đây, không gian công cộng lúc nào cũng sạch sẽ vì có đội vệ sinh chung, lại rộng rãi, thoáng mát, bọn trẻ đi làm suốt nên có đông đúc gì đâu. Chiều nào mấy bạn già chúng tôi cũng ngồi đánh cờ ngoài ghế đá kia kìa. An ninh thì rất tốt, khi có việc cần về Hà Nội với con cháu, chúng tôi khóa cửa cả tuần cũng chả lo lắng gì. Phí dịch vụ thì vô cùng rẻ, nhà tôi có 2 khẩu, mỗi tháng phải nộp 86 nghìn 500 đồng, gồm: vệ sinh, điện công cộng, xử lí rác thải. Mà cũng vừa mới thu 2 tháng nay thôi.

Trước đây, ông bà Ánh có nhà riêng tại phường Trưng Vương. Khi con trai chuyển công tác về Hà Nội và có nhu cầu mua nhà ở, ông bà đã quyết bán nhà để chuyển vào ở chung cư, số tiền dôi ra cho con về Hà Nội mua nhà. Vậy là vẹn cả đôi đường, bố mẹ vẫn có cuộc sống tự do, con cái thì đỡ phải đi thuê nhà. Bao giờ già hẳn, lúc ấy hẵng tính chuyện về ở với con.

Trường hợp bán nhà riêng vào chung cư ở như ông bà Ánh - Thịnh không phải là cá biệt. Ông Ánh kể ra rất nhiều tên tuổi nào ông Đĩnh, nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp An ninh III, bà Hoàn nguyên Phó ban Dân vận Tỉnh ủy, ông No nguyên giảng viên Trường Chính trị tỉnh, vv… cũng đã quyết định thay đổi môi trường sống và đều hài lòng vì điều đó.

Anh Hà Văn Quang, 27 tuổi, chủ nhân căn hộ số 789, tòa nhà A2A chia sẻ: Tiện lợi đầu tiên mà chung cư mang lại đó là vị trí. Nếu mua đất ở những phường trung tâm thành phố thì 500 triệu chưa đủ, nhưng với số tiền đó thì tôi đã có một căn hộ 48 m2 với nội thất cơ bản, có thể dọn đồ vào ở luôn rồi. Đã vậy lại còn không phải ở nhà ống. Vậy thì, tại sao không nhỉ!

Bà Trần Thị Phương, cán bộ hưu trí, hiện ở tòa nhà A1 cho biết: Tôi ở tập thể cả đời nên quen với cuộc sống chung rồi. Ở đây cũng thoải mái, tôi mới ở được bốn năm cũng chưa thấy nhà cửa hỏng hóc gì. Tôi nghĩ với giá thành gần 500 triệu thì nhà thế này là được. Các loại dịch vụ cũng tốt, điện nước, vệ sinh không có điều gì để phàn nàn. Có gì trục trặc, gọi Ban quản lý là họ xử lí ngay. Chỉ có điều đáng buồn một chút là hàng xóm của tôi hơi thiếu ý thức, không nhắc nhở con em để chúng thường xuyên gây ồn ào mất trật tự. Tuổi già, nhiều lúc ốm mà không thể nằm được. Giá mà mọi người ở chung cư đều có ý thức giữ gìn trật tự công cộng thì tốt biết bao.

Chung cư có một siêu thị nhỏ phục vụ các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cũng là nơi tổ chức tiệc mừng, sinh nhật cho các thành viên trong khu nhà khi có nhu cầu. Anh Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “lúc đầu giá cả của siêu thị cũng hơi cao hơn thị trường chút, sau dân có ý kiến nên họ đã điều chỉnh”. Quán ăn sáng, nhà may, hiệu gội đầu cũng dần dần được mở ra phục vụ nhu cầu tại chỗ.

Ông Tống Văn Định, Trưởng ban quản lý (BQL) Chung cư Tiến bộ, đồng thời cũng là cư dân tại đây, cho biết: Để bao quát được gần 250 hộ dân thật không đơn giản chút nào, nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng chăm sóc khách hàng tốt nhất. Ngoài việc đảm bảo tốt nhất các điều kiện sinh hoạt, rồi vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cho các hộ dân, chúng tôi còn phải quản lí, thu tiền điện nước tại chỗ, tất cả cũng vì tiện ích cho khách hàng…

Được biết, từ tháng 6 vừa qua, sau khi họp hai bên, BQL mới thu các loại phí dịch vụ/tháng như: vệ sinh công cộng: 45.000 đồng, xử lí rác thải: 5.000 đồng/người, gửi xe máy: 20.000 đồng, ô tô: 150.000 đồng, điện công cộng: 18.000 đồng. Mức phí này có thể nói là quá hợp lí cho các khu chung cư.

Phòng khách và bếp liền phòng khách của căn hộ 70 m2, tòa nhà A2A  (đã được gia chủ nâng cấp, 

lắp thêm tủ bếp và bình phong)          Ảnh: H.Q

Và những người “vác tù và hàng tổng” 

Đó là những người tham gia Ban quản trị khu chung cư do các hộ dân bầu lên đại diện cho mình để kết nối giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Thực chất họ là chính quyền của khu chung cư, hỗ trợ tổ dân phố rất nhiều việc như thu tiền quỹ các loại; triển khai, đôn đốc các công việc phường giao; thực hiện các quy định của địa phương về quyền và nghĩa vụ của công dân; thăm hỏi, chăm lo đời sống tinh thần, vv… Trưởng Ban quản trị (BQT) chung cư Tiến Bộ là bà Nông Thị Tố Hoàn, cán bộ hưu trí, cùng tham gia còn có 6 người nữa đều là cán bộ, công chức nhà nước.

Hoạt động đã hơn 3 năm nay, đầu tiên chỉ có gần 100 hộ, nay số hộ đã là 247, bà Hoàn tâm sự: Vất vả, nhiều lúc cũng thấy nản, vì quá đông hộ dân trong khi mình không có gì chính danh để làm việc. Nói đơn giản như việc đi thu tiền theo quy định của tổ nhân dân. BQL không đi thu thì tổ cũng không thể thu xuể, nhưng nếu có ai nói lí: ông bà là cái gì mà đi thu tiền của chúng tôi, thì mình cũng đuối. Ngay như hồi chuẩn bị công tác bầu cử, vất vả vô cùng. Chúng tôi phải cùng với tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và công an khu vực đến từng nhà một để nắm tình hình và lấy danh sách cử tri. Mất hơn nửa tháng ròng mới xong. Rồi còn thăm hỏi ốm đau, động viên các cháu nhỏ, nhắc nhau thực hiện quy định của khu nhà, vv…

Ông Lê Nhật Trung, tổ trưởng dân phố số 2, phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Dân số tổ tôi quá đông. Chưa có chung cư đã là 120 hộ, đến nay là thành 367 hộ. Lẽ ra, riêng chung cư đã phải chia thành hai tổ dân phố rồi, đằng này dồn hết vào tổ, thế cho nên chúng tôi vất và BQT cũng vất vả lắm. Nhưng không hiểu sao đến giờ thành phố vẫn không ra quyết định công nhận BQT. Mặc dù các bác ấy đã giúp chủ đầu tư làm mọi thủ tục hành chính để trình lên thành phố, nghe nói thành phố trả lời: Thái Nguyên chưa có tiền lệ nên cần phải đi Hà Nội học tập kinh nghiệm rồi mới thực hiện được.

Chưa được công nhận BQT, đồng nghĩa với không có bất cứ một khoản phụ cấp nào, thế nhưng hơn 3 năm nay, BQT vẫn cứ làm cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, vì lòng nhiệt tình vốn có của những cán bộ quen cống hiến và vì cộng đồng nơi mình đang sống.

Đi sâu vào tìm hiểu, qua người dân, nhà đầu tư và chính quyền sở tại, được biết có khá nhiều vấn đề đáng bàn, nảy sinh trong công tác quản lý nhà nước như quản lý nhân khẩu, việc cấp sổ hồng cho người sở hữu nhà, vv… Chúng tôi sẽ trở lại trong những bài viết sau.

Điều chúng tôi tâm đắc nhất khi ghé thăm chung cư Tiến Bộ là bài toán về nhà ở đô thị ở Thái Nguyên đã được CTCP tập đoàn Tiến Bộ nỗ lực góp một lời giải,  nhất là từ khi Nhà nước có chính sách cho hưởng gói vay 30 nghìn tỉ để hỗ trợ người mua nhà trả góp. Mong rằng trong tương lai, thành phố sẽ có thêm nhiều khu chung cư đẹp, văn minh, hiện đại.

 

Huệ Minh

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục