Chủ nhật, ngày 08 tháng 12 năm 2024
17:12 (GMT +7)

Thăm bản truyền thống dân tộc Tày

Những ngày sau Tết Nguyên đán, năm nào cũng vậy, cung đường mà tôi không thể bỏ qua trong hành trình tác nghiệp của mình là ngược hướng Võ Nhai. Mưa Xuân lất phất, không khí trong lành, mây mù ấp ôm ngang sườn núi. Dọc đường, những cánh đào phai tung cánh mỏng tô điểm trước mái hiên, vài em nhỏ núp mình sau ô cửa sổ nhà sàn hoặc mặc sức nô đùa dưới mưa... Tất cả tạo nên một bức tranh Xuân vùng cao yên bình, đủ sức gây thương nhớ.

Nô đùa dưới cơn mưa Xuân lất phất

Điểm đến du lịch nông nghiệp, nông thôn

Dọc theo quốc lộ 1B, qua trung tâm huyện không xa, cổng chào “Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà” thân thiện hiện ra khiến tôi bẻ tay lái, đi theo biển chỉ dẫn. Con đường vào trung tâm xóm đạt chuẩn đường giao thông kiểu mẫu, mặt đường bê tông rộng 6,5m, hai bên có hệ thống điện chiếu sáng.

Theo dòng người, tôi đưa xe vào bãi gửi. Trên sân khấu dựng trong sân Đình là dòng chữ “Công bố Quyết định của UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng”

Công trình Cổng Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được khởi công xây dựng từ ngày 24/11/2022 với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng

Đình Mỏ Gà được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017. Ngôi đình cổ được xây dựng từ năm 1920. Đình là nơi thờ Thành Hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Đại Vương - Dương Tự Minh; thờ thần Nông là một vị thần bảo trợ của nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao Quyết định của UBND tỉnh công nhận "Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà" cho xã Phú Thượng

Bà Hoàng Như Hoa, Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Năm 2019, xóm Mỏ Gà đã được tỉnh quan tâm, đầu tư kinh phí xây dựng “Bản truyền thống dân tộc Tày” với nhiều hạng mục xây dựng như: Xây mới Đình làng, nhà sàn cộng đồng; Sửa chữa, nâng cấp 4 nhà sàn của các hộ gia đình, qua đó đã thu hút được nhiều lượt khách đến thăm quan. Cuối năm 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên có quyết định công nhận Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà. 

Đình Mỏ Gà là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân xóm Mỏ Gà và một số xóm lân cận

Trải qua thời gian dài tồn tại với bao thăng trầm lịch sử, mái đình cũ bị hư hỏng. Được sự quan tâm của của UBND tỉnh, xã Phú Thượng được đầu tư dự án Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Tày tại xóm Mỏ Gà với mục tiêu đầu tư gắn với phát triển du lịch cộng đồng. 

Ngôi đình mới được trùng tu, tôn tạo với thiết kế hình chữ nhật, 3 gian 2 chái, tường hồi bít đốc, chính diện trông theo hướng Tây với ngụ ý gửi gắm ước muốn của dân làng tới Đức thành Hoàng cùng các thần linh luôn có mặt để cứu độ, bảo trợ cho dân làng.

Đình Mỏ Gà thuộc xóm Mỏ Gà xã, Phú Thượng được UBND tỉnh Thái Nguyên xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2017

Cho đến ngày nay, Đình Mỏ Gà vẫn giữ được những nét đẹp riêng có và những giá trị văn hóa, lịch sử. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của hai xóm Mỏ Gà, Phượng Hoàng.

Phía trước Đình là cánh đồng lúa, người dân ở đây gọi là đồng Mỏ Gà. Bên cạnh Đình là Nhà văn hóa xóm được xây dựng theo mô hình nhà sàn truyền thống. Tại đây trưng bày các vật dụng thủ công, mây tre đan, trang phục dân tộc; sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, OCOP do người dân địa phương nuôi trồng.

Đình Mỏ Gà không chỉ trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống, mà còn là địa điểm tổ chức các hoạt động văn hóa du lịch của địa phương. Hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng người dân trong xóm Mỏ Gà tổ chức lễ hội Đình Mỏ Gà để cầu phúc, cầu tài, cầu bình yên, cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng tốt tươi.

Trò chơi Bịt mắt đập niêu diễn ra vô cùng sôi động trong ngày lễ hội

Lễ hội khai xuân được tổ chức với các hoạt động tế xuân, cầu phúc, cầu mùa, cầu an cho dân làng. Ngoài lễ hội khai xuân còn có các kỳ lễ được tổ chức trong năm như: Lễ Hạ điền (20/3 âm lịch); Lễ Thượng điền (26/6/ Âm lịch); Lễ mừng cơm mới (15/8 Âm lịch); Lễ Tất niên (15/12 Âm lịch).

Vào mỗi dịp lễ, bà con xóm Mỏ Gà lại tấp nập, nhộn nhịp chuẩn bị lễ tế, những đồ vật cho ngày lễ. Trong lễ hội có giã bánh giầy, biểu diễn các tiết mục văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc và tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, bịt mắt đập niêu, đi cầu kiều, bắn nỏ…

Thời tiết không thuận lợi vẫn không làm giảm đi sự náo nức của người dân trong sự kiện quan trọng của địa phương

Trời mưa nặng hạt, sân Đình loang loáng nước nhưng vẫn không thể ngăn được những bước chân của người dân. Sở dĩ lễ công bố Quyết định được nhân dân nô nức đón nhận như vậy là bởi, việc xây dựng Điểm du lịch cộng đồng xuất phát từ quyền lợi và nguyện vọng của người dân.

Tài nguyên trời ban

Nhiều bạn trẻ thích thú với các trò chơi dân gian

Xóm Mỏ Gà có địa hình tương đối bằng phẳng, nằm sát chân dãy núi đá vôi hùng vĩ, được bao bọc bởi một tấm thảm xanh của cây cỏ tự nhiên. Một con suối trong vắt chảy róc rách ngày đêm, uốn lượn quanh xóm tạo cho khung cảnh nơi đây vừa hùng vĩ, vừa thanh bình.

Xóm có 182 hộ với 776 khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 85%. Bà con sống quần tụ dưới chân núi, bên những cánh đồng lúa và vườn cây ăn quả xanh mướt mắt.

Nhân dân trong xóm vẫn lưu giữ được nhiều món ăn mang đậm bản sắc truyền thống như: Bánh chưng đen, khẩu si, bánh dầy, xôi ngũ sắc, khau nhục, lạp sườn, gà nướng mật ong, măng nhồi thịt, ốc núi đá…

 

Bánh giầy, món ăn không thể thiếu của người dân Mỏ Gà trong các dịp lễ, tết

Sản phẩm du lịch của xóm Mỏ Gà không chỉ giúp du khách được thưởng thức những món ăn đặc trưng, các tiết mục đàn tính, hát then mang đậm bản sắc dân tộc Tày, hát sli, hát lượn của dân tộc Nùng mà còn được tự tay hái quả ăn tại vườn, chụp những bức ảnh đẹp để làm kỷ niệm hoặc mua về làm quà cho gia đình, người thân…

Chị Lương Thuỳ Liên, một du khách đến từ TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang chia sẻ: Đây là lần thứ 3 tôi đến xóm Mỏ Gà. Thích nhất khi đến đây là gần như hoa quả “mùa nào thức ấy”. Được vào vườn quả chín, tự tay ngắt quả trên cành và thưởng thức nó hay được tìm hiểu về công việc làm vườn của người nông dân đều cho tôi những trải nghiệm khó quên. Lần nào đến đây về tôi cũng mua được rất nhiều quà về chia cho bạn bè, ai ai cũng thích.

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Võ Nhai được trưng bày

Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được quản lý, vận hành theo mô hình Hợp tác xã; các hộ gia đình xóm Mỏ Gà đã tham gia vào Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Phú Thượng. Hợp tác xã có 78 thành viên tham gia đã đăng ký kinh doanh hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống.

Trong đó, Tổ hợp tác Du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được thành lập và đi vào hoạt động với 16 thành viên, là công dân xóm Mỏ Gà trực tiếp tham gia phát triển du lịch cộng đồng, bao gồm các tổ về lưu trú, ẩm thực, văn nghệ.

Cuối tháng 8/2022, Điểm du lịch cộng đồng bắt đầu đi vào hoạt động, tổ chức đón khách thăm quan du lịch, lưu trú ngủ nghỉ, ăn uống... Sau 5 tháng, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà đã đón 25 đoàn khách, với khoảng 1.100 lượt khách, doanh thu đạt 350 triệu đồng.

Câu lạc bộ văn nghệ Bản truyền thống dân tộc Tày xóm Mỏ Gà với sự tham gia của các hạt nhân văn nghệ biểu diễn các làn điệu hát then, đàn tính mang đậm bản sắc dân tộc Tày, hát sli, hát lượn của dân tộc Nùng

Chủ tịch UBND xã, bà Hoàng Như Hoa cho biết thêm: Năm 2018, xóm Mỏ Gà đạt chuẩn “Xóm nông thôn mới kiểu mẫu”. Người dân trong xóm không những luôn ý thức phát huy tiềm năng thế mạnh của xóm, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và những phong tục tập quán của địa phương, mà còn luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn. Điều đó giúp cho quang cảnh xóm làng luôn phong quang, sạch đẹp, gây thiện cảm với du khách.

Võ Nhai sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa và có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Việc xóm Mỏ Gà được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của huyện Võ Nhai. Việc giữ gìn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa Đình Mỏ Gà còn tạo ra một điểm đến hấp dẫn, kết nối với điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng (hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà) và các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện.

Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà được kết nối với điểm du lịch sinh thái Phượng Hoàng và các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện. (Ảnh: Khu nhà sàn nằm trong khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng)

Không chỉ người người dân xóm Mỏ Gà mà nhân dân 10 xóm của xã Phú Thượng đều rất tự hào khi nhắc về mảnh đất mình sinh sống. Ở Phú Thượng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 87% dân số toàn xã. Đây là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai, năm 1998 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Pháp và là một trong 6 xã được công nhận ATK vào tháng 10/2003.

Phú Thượng cũng là xã đầu tiên của huyện Võ Nhai đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2020. Hiện xã đang phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023 - 2025.

Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà đi vào hoạt động sẽ góp phần kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục

Tâm sự Nghề giáo

Xem tin nổi bật 2 tuần trước

Thương lắm Khuổi Mèo ơi!

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Trên đường ta về lại Thủ đô

Xem tin nổi bật 1 tháng trước

Tháng Mười lịch sử bóng cờ bay

Xem tin nổi bật 2 tháng trước