Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
19:31 (GMT +7)

Thái Nguyên ơi biết mấy tự hào! 

VNTN - Khi mà tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài mỗi ngày có đến cả nghìn chuyến bay với các đường bay có thể xóa nhòa cả ranh giới quốc gia lãnh thổ; thì vẫn có những chuyến bay chỉ có được sau nhiều tháng ngày mong ngóng. Những chuyến bay từ sân bay Tân Sơn Nhất đưa người con của Thái Nguyên về quê hương trong những ngày cuối tháng 10 vừa qua sẽ mãi là những khoảnh khắc không thể nào quên cho tất cả những ai đang được sống ở hiện tại.

Các cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên về tới sân bay quốc tế Nội Bài. 

Ngày về trọn niềm vui

Giữa tháng 7/2021, bác sỹ CKII Lê Hùng Vương, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên dẫn đầu đoàn công tác gồm 79 cán bộ, y bác sĩ của Bệnh Viện Trung ương Thái Nguyên vào thành phố Hồ Chí Minh tham gia chống dịch COVID-19. Anh đã cùng các đồng nghiệp trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp. Một tháng sau đó, theo phân công anh được điều chuyển về Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An và kiêm nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm.

Bác sỹ CKII Lê Hùng Vương

Tôi gặp anh khi anh vừa thực hiện xong quy định cách ly tập trung sau khi trở về từ tâm dịch. Hỏi thăm, nhưng anh chẳng kịp nói về mình. Anh mở điện thoại, chỉ vào màn hình chiếc smartphone phấn khởi: Đây là hình ảnh trực tiếp từ Trung tâm Hồi sức tích cực ở Long An, các bệnh nhân cơ bản đã được điều trị khỏi và chuẩn bị ra viện hết. Đây, các giường bệnh đã trống hết rồi. Theo kế hoạch, ngày 28/10 này, Đoàn sẽ trở về.

Vừa dứt lời, anh cho tôi xem thêm sơ đồ với các màu xanh, cam, đỏ. Ngón tay anh dò tìm và chỉ cho tôi tên Long An đã được xác định nằm ở vùng xanh.

Chiều ngày 28/10, cả Thái Nguyên và Hà Nội chìm trong màn mưa mỏng của những ngày đầu Đông. Gió Đông se se nhưng không đủ khiến cho bác sĩ Vương, Ban Giám đốc, nhiều cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và người thân của các thành viên trong đoàn trên chuyến bay trở về cảm thấy lạnh. Bởi, tất cả đang hồi hộp ngóng đợi những người “anh hùng” trở về.

PGS. TS Phạm Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện gương mặt tươi rói, chia sẻ: Tôi rất vui vì sau 79 ngày làm việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực ở Long An, các đồng nghiệp của chúng tôi đã trở về an toàn. Trong suốt quá trình tham gia chống dịch, chúng tôi cũng là đoàn duy nhất trở về mà không có ai bị mắc Covid. Vui hơn nữa, một trong những bệnh nhân cuối cùng ở Trung tâm là một sản phụ song sinh tưởng đâu thần chết đã gọi tên trước đó đến nay cũng đã bình phục.

Sản phụ mà PGS. TS Phạm Công Hoàng nhắc tới là bệnh nhân Huỳnh Thị Cẩm Na, 28 tuổi đến từ xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp cấp tính, nhiễm SAR-CoV-2 biến chứng mức độ nguy kịch sau phẫu thuật lấy thai 1 ngày. Với quyết tâm dù chủ còn 1% hy vọng cũng phải cố gắng giành lại sự sống cho người bệnh, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, sử dụng thuốc an thần liều cao, lọc máy liên tục và chăm sóc đặc biệt. Đến nay, sau hơn 2 tháng, bệnh nhân đã dần hồi phục… Trường hợp của bệnh nhân Na chỉ là một trong số 255 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng và nguy kịch mà Trung tâm đã tiếp nhận trong gần 3 tháng đi vào hoạt động. Trong đó có nhiều ca đã được cứu sống thần kỳ, chuyển xuống tuyến dưới để tiếp tục điều trị, 176 ca được xuất viện.

          Chỉ nói đến việc những y, bác sĩ sẵn sàng đi vào tâm dịch thôi, đã đủ khiến chúng ta hình dung được sự gian nan mà các anh, các chị phải chịu đựng. Nhưng ít ai có thể biết rằng những gian nan ấy còn vượt xa hơn rất nhiều những gì chúng ta tưởng tượng.

Trung tâm Hồi sức tích cực ở Long An chính thức đi vào hoạt động ngày 15/8. Tham gia công tác tại Trung tâm có 159 cán bộ y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Đây là tuyến cuối trong bậc thang điều trị COVID-19 tại Long An và các tỉnh lân cận. Đồng nghĩa với việc, các y, bác sĩ tại Trung tâm không thể chuyển tiếp bệnh nhân nặng đi đâu được nữa.

Hình ảnh Trung tâm Hồi sức tích cực tại Long An qua camera giám sát, trước ngày đoàn cán bộ y tế của Thái Nguyên bàn giao lại cho tỉnh Long An.

Nhiệm vụ nặng nề, trong khi đó, Trung tâm không đặt trong một bệnh viện mà lại được thiết lập tại Nhà văn hóa Lao động của Liên đoàn Lao động tỉnh Long An. Trong hoàn cảnh đó, những người đứng đầu Trung tâm đã quyết định chia Trung tâm thành 3 khu vực, nằm trong một tổng thể, một mặt để phân loại bệnh nhân theo tình trạng sức khỏe, mặt khác nhân lực có thể hỗ trợ cho nhau một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các cán bộ y, bác sĩ đến từ Thái Nguyên còn được đánh giá cao khi đã áp dụng nhiều sáng kiến giúp công tác chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 đạt hiệu quả hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Phụ trách vật tư của Trung tâm chia sẻ: Khi mới vào Long An làm nhiệm vụ xây dựng Trung tâm, chúng tôi không tránh khỏi những lo lắng. Nhưng chúng tôi đã được sự tư vấn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhất là bác sĩ Lê Hùng Vương. Anh lưu ý chúng tôi là làm sao để có thể hút được không khí trong môi trường, cấp thêm không khí sạch vào phòng bệnh. Dựa trên nguyên lý ấy, chúng tôi đã áp dụng kiến thức hút áp lực âm. Mặc dù, chúng tôi không khẳng định phòng bệnh của mình là phòng áp lực âm, nhưng thông qua hệ thống hút không khí với công suất tương đối lớn của chúng tôi, khí tươi đã được cấp vào và phần nào giúp cho môi trường điều trị cho bệnh nhân được tốt hơn.

Bên cạnh đó, dù đã mang theo trang thiết bị, nhưng đối với một Trung tâm hồi sức ra đời ở hoàn cảnh đó thì vẫn là không đủ. Chúng tôi thấm thía lời căn dặn của Bộ trưởng Bộ Y tế rằng chúng tôi vào đây rồi, “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm”…  Nhờ xác định được ngay từ đầu như vậy nên anh em đều rất nỗ lực để khác phục khó khăn.

Còn nhớ hình ảnh đêm ngày 25/9, một cơn mưa lớn đổ xuống thành phố Tân An đã gây ngập Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19. Các y bác sĩ lại phải gồng mình để chiến đấu với “giặc nước” để đảm bảo an toàn cho máy móc trang thiết bị, thuốc men. Chiếc xe rùa hàng ngày để chở đồ thì đêm ấy thành xe chở người với người kéo, người đấy phía sau. Vất vả là thế nhưng với tấm lòng “Lương y như từ mẫu” ai cũng bảo còn may lắm vì khu điều trị bệnh nhân được bảo toàn…

Và, có lẽ cũng chưa khi nào, một nhân viên ngành Y tế nói chung, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói riêng lại phải làm nhiều công việc như thế. Khi chăm sóc bệnh nhân Covid, có khi một người họ phải làm công việc của bác sĩ kiêm điều dưỡng, hộ lý hay một chuyên gia tâm lý. Có khi có bệnh nhân không qua khỏi, họ còn phải làm cả công việc khâm liệm người xấu số nữa.

Nhưng với các “thiên thần” áo trắng ấy, dường như càng khó khăn càng khiến họ có thêm động lực. Bằng năng lực, kinh nghiệm của mình, họ đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Long An kiềm chế tỷ lệ tử vong ở mức 1,39%, thấp hơn hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (2,43%).

Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Long An đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Cuộc chiến chống dịch đã bước sang trạng thái bình thường mới và sau 7 ngày cách ly tập trung theo quy định, những chiến sĩ sáo trắng sẽ trở lại với công việc thường nhật, chăm sóc mang lại sức khỏe và cuộc sống bình yên cho nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Chuyến bay nối dài hạnh phúc

Được trở về quê hương có lẽ là mong mỏi tột bậc của không ít người dân, trong đó có người dân Thái Nguyên ở thành phố Hồ Chí Minh sau chuỗi ngày phải chứng kiến sự “hủy diệt” của đại dịch COVID-19. Thấu hiểu những mong muốn đó, ngày 30/10,  chuyến bay của Hãng hàng không Bamboo Airways được tỉnh Thái Nguyên thuê trọn chuyến chở theo 247 người con xa quê đã trở về.

Trong số họ, người vào thành phố Hồ Chí Minh để làm ăn, người đi thăm thân bị mắc kẹt. Mỗi người một hoàn cảnh không ai giống ai nhưng đều vỡ òa cảm xúc khi nhìn thấy những tấm biển ghi tên địa phương mình giơ lên đón đợi tại sân bay Nội Bài. Đón họ ở sân bay là những tình nguyện viên, là cán bộ, lãnh đạo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Y tế…

Trong chuyến hồi hương này có rất nhiều người già và trẻ nhỏ

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Đối tượng trở về làn này là công dân của tỉnh Thái Nguyên đang làm việc, lưu trú tại các tỉnh, thành phố phía Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 có nhu cầu trở về địa phương. Chúng tôi đã phối hợp với Hội đồng hương người Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố phía Nam hướng dẫn công dân chuẩn bị đầy đủ các thủ tục theo quy định trước khi di chuyển bằng máy bay về tỉnh Thái Nguyên. Ngoài ra, công tác tổ chức đưa công dân trở về địa phương được tỉnh thực hiện thống nhất, có sự phân công cụ thể cho từng ngành, đơn vị. Trong suốt quá trình chuẩn bị đón công dân về, chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức tự nguyện, các đơn vị vận tải hành khách liên quan.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ công dân vào khu cách ly tập trung

Để trở về tỉnh lần này, công dân ngoài phải đảm bảo đủ điều kiện về sức khỏe khi di chuyển còn phải đồng ý cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp cách ly y tế tập trung, theo dõi sức khỏe để phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Đây cũng là những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72h trước ngày trở về tỉnh Thái Nguyên; Chứng nhận tiêm chủng phòng Covid (nếu có).

Ông Đỗ Trọng Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Sau khi công dân về đến khu cách ly tập trung của tỉnh, chúng tôi sẽ thực hiện khám sàng lọc, phân loại đối tượng, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 và áp dụng biện pháp cách ly tập trung 07 ngày đối với người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng Covid. Người tiêm chưa đủ 2 liều hoặc chưa tiêm vắc xin sẽ phải thực hiện cách ly tập trung 14 ngày.

Đồng hành cùng tỉnh trong công tác phòng, chống dịch từ  những ngày đầu tiên dịch bùng phát, Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan lần lần tiếp tục hỗ trợ phương tiện đón các công dân từ Sân bay quốc tế Nội Bài đưa về các khu cách ly tập trung của tỉnh tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Thái Nguyên (xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên).

Công dân trở về được bố trí cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Đại học Thái Nguyên

Việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đặc biệt được chú trọng. Các xe tham gia đón đoàn đều được phun dung dịch khử khuẩn; bố trí vách ngăn giữa khoang lái và khoang hành khách xe. Trong quá trình di chuyển, không xe nào dừng đỗ dọc đường.

Trước đó hơn 20 cán bộ, chiến sĩ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã được huy động để sắp xếp, vệ sinh 6 dãy nhà, với 180 phòng ở, chuẩn bị với đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết khác, sẵn sàng đón tiếp đồng bào đến cách ly.

Dưới đây là một số hình ảnh xúc động trong “ngày trở về” của những công dân Thái Nguyên từ thành phố Hồ Chí Minh. 

Không những chăm sóc, điều trị, cứu sống được nhiều bệnh nhận mắc COVID-19, các cán bộ, y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên còn là đoàn duy nhất không có người bị nhiễm Covid.

 Lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí xe dẫn đoàn

 Lãnh đạo một số sở, ngành, Ban Giám đốc cùng cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và người thân các thành viên đoàn.  

Những công dân nhí với trải nghiệm đầu tiên trong đời trước một đại dịch.

Công dân về Khu cách ly tập trung của tỉnh

  Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy