Chủ nhật, ngày 20 tháng 10 năm 2024
02:18 (GMT +7)

Thái Nguyên dần hiện đại hóa các tuyến giao thông và hạ tầng đô thị

VNTN - Tại kỳ họp (trực tuyến) chuyên đề khóa XIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 ngày 19/5, HĐND tỉnh đã thông qua 16 nghị quyết, trong đó có những nghị quyết quan trọng để Thái Nguyên từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, điều chỉnh, bổ sung phát triển đô thị, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

1. Công tác phát triển đô thị được coi là động lực, là hạt nhân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng. Một trong những nội dung được quan tâm tại Kỳ họp này là Tờ trình thông qua nội dung điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2040.

Theo đó, đến năm 2025 thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai sẽ được nâng từ đô thị loại V lên đô thị loại IV, sớm hơn 10 năm so với kế hoạch. Ngoài ra các thị trấn như: thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình; thị trấn Đu, huyện Phú Lương; thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa; đô thị Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ đã được định hướng là đô thị loại IV vào năm 2025. Cũng điều chỉnh tách đô thị La Hiên - Quang Sơn thành 2 đô thị loại V trực thuộc huyện là đô thị La Hiên, huyện Võ Nhai và đô thị Quang Sơn, huyện Đồng Hỷ… Sau điều chỉnh, tổng số đô thị trên địa bàn tỉnh là 19 đô thị, trong đó: loại I là 1 đô thị; loại II là 2 đô thị; loại IV là 6 đô thị và loại V là 10 đô thị (có 5 đô thị loại IV là trung tâm huyện lỵ).

 

Điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Nguyên đã được thông qua là cơ sở để xác định bổ sung các đô thị mới, lập quy hoạch xây dựng đô thị, lập đề án đánh giá và nâng loại đô thị, lập kế hoạch thực hiện khu vực phát triển đô thị và xây dựng kế hoạch huy động vốn phát triển đô thị. Việc làm này sẽ có tác động lớn tới sự phát triển của từng địa phương. Chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng cao. Và đây chính là cơ sở pháp lý cho các cơ quan, ban, ngành, địa phương liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đô thị và nông thôn, kết cấu hạ tầng đảm bảo liên kết, đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên trong giai đoạn tiếp theo.

 

Một đoạn đường cao tốc Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên)

2. Để phát triển các tuyến giao thông đường bộ của tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua những nghị quyết về các chương trình, dự án quan trọng khác như: Quyết định điều chỉnh, bổ sung cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên giai đoạn sau năm 2020 đến khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt; Đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội đi Khu di tích Lý Nam Đế xã Tiên Phong thị xã Phổ Yên; Xây dựng hoàn trả đường Nguyễn Văn Cừ đoạn tránh Khu công nghiệp Sông Công II. Đặc biệt là Quyết định chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc.

Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ xây dựng các tuyến đường liên kết giữa các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc. Đây là dự án quan trọng với tổng mức đầu tư lớn, tới hơn 3.780 tỷ đồng, trong đó hơn 1.800 tỷ đồng được trung ương hỗ trợ các dự án trọng điểm, liên kết, kết nối các vùng; vốn ngân sách trung ương hỗ trợ do cấp tỉnh quản lý hơn 1.300 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương đối ứng là 666 tỷ đồng.

 

Bộ mặt của đô thị thị trấn Đình Cả đang đổi mới từng ngày. Ảnh: Nguồn: Internet

Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 42,47km gồm đoạn I tuyến kết nối với tỉnh Bắc Giang và đoạn II tuyến kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc. Đoạn I chiều dài 4,05 km, có điểm đầu nối với đầu cầu Hòa Sơn (nối giữa huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang với thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên), ở phía Thái Nguyên tại xã Đông Cao, thị xã Phổ Yên và điểm cuối giao với đường vành đai 5, Vùng Thủ đô Hà Nội tại phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên. Đoạn II gồm tuyến chính và 2 tuyến nhánh có tổng chiều dài 38,42 km. Đoạn tuyến chính dài 32,5 km, điểm đầu tại nút giao Yên Bình, thuộc địa phận phường Tân Hương, thị xã Phổ Yên, điểm cuối giao với đường ĐT 261 thuộc xã Ký Phú, huyện Đại Từ. Đoạn tuyến nhánh 1 có chiều dài khoảng 3 km, từ km 13+900 tuyến chính kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc tại điểm giáp ranh giữa tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Vĩnh Phúc; đoạn tuyến nhánh 2 có chiều dài 2,92 km, từ km 13+900 tuyến chính kết nối với đường ĐT 261 thuộc xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên...

Dự án hoàn thành sẽ kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thông qua 5 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Bắc Giang, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường vành đai 5, Tuyên Quang - Phú Thọ. Và kết nối trực tiếp cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên vào Khu du lịch Hồ Núi Cốc, tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng Tây Tam Đảo, là đường tránh cho thành phố Thái Nguyên.

 

Sơ đồ tuyến đường liên kết giữa các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc

Ngoài ra, từ năm 2021 đến năm 2024 sẽ xây dựng tuyến đường với chiều dài 1,71 km, bề rộng đường là 22,5m, đầu tuyến giao với đường vành đai 5 Vùng Thủ đô mở mới về phía Nam, cuối tuyến giao với đường quy hoạch Khu di tích chùa Hương Ấp. Tổng mức đầu tư dự án là 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ: 35 tỷ đồng, ngân sách thị xã Phổ Yên và các nguồn vốn hợp pháp khác: 85 tỷ đồng. Việc xây dựng tuyến đường quan trọng này góp phần vào việc đi lại thuận lợi cho người dân, phát huy giá trị các khu di tích, giáo dục truyền thống lịch sử, thu hút đầu tư, tranh thủ mọi nguồn lực, từ đó góp phần định hướng quy hoạch thị xã Phổ Yên, xây dựng thị xã Phổ Yên thành thành phố trực thuộc tỉnh trước năm 2025.

Từ năm 2021 đến năm 2023 cũng sẽ xây dựng hoàn trả đường Nguyễn Văn Cừ đoạn tránh Khu công nghiệp Sông Công II. Tuyến đường với chiều dài 1,6 km, tổng mức đầu tư là 21,082 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh, bổ sung và triển khai các dự án về giao thông kể trên, để Thái Nguyên từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy