Thứ hai, ngày 06 tháng 05 năm 2024
20:36 (GMT +7)

Thái Nguyên chú trọng phát triển văn hóa, xã hội

Trong nhiều nội dung mang tính định hướng chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2021 cũng như cả giai đoạn 2021 - 2026 đã được các đại biểu thống nhất, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Thái Nguyên vừa qua đã có những nội dung chú trọng cho việc phát triển văn hóa, xã hội tỉnh Thái Nguyên.

Với 43 nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp, có 4 nghị quyết liên quan trực tiếp đến việc phát triển văn hóa, xã hội tỉnh Thái Nguyên trong tương lai, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất là Nghị quyết về Chương trình Phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2025 còn có các nội dung thành phần khác như tại Nghị quyết hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết thông qua Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035; Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng một số Dự án thuộc lĩnh vực văn hoá, thể dục, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, giải trình các nội dung liên quan đến phát triển văn hóa, xã hội tại Kỳ họp HĐND tỉnh

1. Bên cạnh phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, thể thao và du lịch đã thực sự trở thành nền tảng, là động lực phát triển bền vững, trong những năm qua những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên từng bước được gìn giữ, bảo tồn và phát huy…; Thể dục thể thao quần chúng phát triển sâu rộng…; Du lịch được quan tâm, bước đầu khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên du lịch, số lượng du khách và tổng thu của du lịch ngày càng tăng... Bên cạnh những thành tựu đạt được, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế và bất cập, nhiều khó khăn, trở ngại nhất là xu hướng phát triển mới với những thuận lợi và những khó khăn, thách thức hiện hữu… Xác định rõ điều đó, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành xây dựng Chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, nhằm phát huy kết quả đã đạt được khắc phục những khó khăn hạn chế của giai đoạn 2017 - 2020. Tổng kinh phí để đầu tư phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của Thái Nguyên giai đoạn là 4.150,75 tỷ đồng.

Các đại biểu HĐND biểu quyết thông qua một nội dung tại Kỳ họp

Theo đó từ 2021 - 2025, với lĩnh vực văn hóa, gia đình: chú ý bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, phấn đấu thực hiện lập hồ sơ khoa học và trình xếp hạng 10 - 12 di tích quốc gia, 50 - 60 di tích cấp tỉnh, 50 - 60 di tích được tu bổ, tôn tạo, 10 - 12 di sản văn hóa phi vật thể được lập hồ sơ khoa học đề nghị đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Trong hoạt động thư viện, hàng năm sẽ bổ sung 15% bản sách tài liệu có chất lượng cho hệ thống thư viện. Phấn đấu tăng số lượt bạn đọc, số bản sách luân chuyển xuống cơ sở, tài liệu quý hiếm trong thư viện tỉnh được số hóa, lập thêm các thư viện cấp xã...

Hoạt động điện ảnh, chiếu phim, và nghệ thuật biểu diễn, phấn đấu 100% các buổi chiếu phim, các chương trình nghệ thuật, chương trình biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa trong nước và quốc tế đảm bảo chất lượng. Hàng năm, sẽ tiếp tục chiếu phim dàn dựng các chương trình nghệ thuật, buổi biểu diễn phục vụ các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...

Ở hoạt động văn học nghệ thuật, chú ý xây dựng các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao hướng con người tới chân, thiện, mỹ; đa dạng, phong phú về thể loại, có sức hấp dẫn đối với công chúng. Sẽ chú trọng phát triển văn học nghệ thuật quần chúng.

Ngoài ra trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, còn chú trọng xây dựng đời sống văn hóa và gia đình; các thiết chế văn hóa.

Ở lĩnh vực thể thao: Phấn đấu để thể thao Thái Nguyên đạt vị trí tốp đầu các tỉnh miền núi. Với thể thao quần chúng sẽ có 32% số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, 24,5% gia đình thể thao. Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao, xây dựng được ít nhất 1 sân golf…

Để phát triển du lịch: Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/NQ- HĐND ngày 23/3/2021 của HĐND tỉnh Thái Nguyên thông qua Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên. Công nhận ít nhất 5 điểm du lịch cấp tỉnh, xây dựng 5 điểm du lịch cộng đồng gắn với văn hóa trà, du lịch về nguồn… Ngoài ra tiếp tục xây dựng, hình thành các tuyến điểm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - giải trí khu vực Hồ Núi Cốc…; hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ có sức hấp dẫn cao như sân golf, phố đêm, sản phẩm OCOP gắn với du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn…; phấn đấu tổng thu từ du lịch đạt 3.000 tỷ đồng/ năm.

2. Theo Đề án Phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2035, từ năm 2021 đến 2025 sẽ phấn đấu 50 - 60% thiết chế văn hóa cấp tỉnh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Để đạt được điều đó tỉnh sẽ sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao đạt chuẩn; xây dựng mới Thư viện, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng, Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục thể thao, Trung tâm Thể dục thể thao và hạng mục dự án xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện và thi đấu môn đua thuyền; Khu Liên hợp thể thao; sân golf... Còn đối với cấp huyện và xã sắp tới đây sẽ sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới một loạt các Trung tâm Văn hóa - Thể thao; phấn đấu cấp huyện 70 - 80% trở lên, cấp xã, phấn đấu từ 80 - 90% có Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án là trên 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 3.328,72 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 957,38 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác là 736,8 tỷ đồng.

Sân khấu nghệ thuật “Ánh sáng - lửa và nước” tại Liên hoan Trà quốc tế lần thứ nhất - Thái Nguyên, Việt Nam 2011. Ảnh: Đ.T

Nói về tính khả thi của việc xây dựng thiết chế văn hóa cấp tỉnh, trong phiên giải trình, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến sẽ sửa chữa, nâng cấp và đầu tư xây mới 4 thiết chế: sửa chữa, nâng cấp Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao, xây mới Trung tâm Thể dục Thể thao và Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục Thể thao, xây dựng cơ sở vật chất, huấn luyện và thi đấu môn đua thuyền và xây dựng sân vận động. Hiện nay các dự án trên đã được HĐND giao kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, các dự án xây dựng Thư viện và Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng của tỉnh, 2 thiết chế này sẽ được sửa chữa hoặc xây mới sau khi dự án khu vực hỗn hợp cơ quan hành chính kết hợp với không gian đi bộ và dịch vụ thương mại tại trung tâm thành phố Thái Nguyên thực hiện. Trên cơ sở nguồn vốn đã được HĐND giao kế hoạch, các dự án trên đã và đang triển khai thực hiện những bước theo quy định, do vậy việc thực hiện chỉ tiêu thiết chế văn hóa cấp tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu”. Ngoài ra việc hoàn thành các mục tiêu của thiết chế văn hóa cấp huyện và cấp xã đều mang tính khả thi cao.

Với Nghị quyết Hỗ trợ hoạt động quản lý và đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn sẽ gồm các dự án thành phần như: Nâng cao năng lực cán bộ quản lý, năng lực cộng đồng trong quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và truyền dạy di sản văn hóa trong cộng đồng và trong hệ thống trường học; Hỗ trợ xây dựng, bảo tồn làng truyền thống theo mô hình Bảo tàng sinh thái để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững; Sưu tầm, phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên; Trùng tu, tôn tạo di tích được xếp hạng… Để thực hiện 5 dự án đó, kinh phí dự trù sẽ là 316,1 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo di tích được xếp hạng khoảng 216 tỷ đồng.

Như vậy với việc chú trọng đầu tư phát triển văn hóa xã hội tỉnh Thái Nguyên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 30-CTr/TU ngày 20/8/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, Kết luận số 76-KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; từng bước xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng văn hóa, con người một cách toàn diện, tạo động lực và nền tảng sớm xây dựng Thái Nguyên xứng với trung tâm Vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Quang Khải

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy