Tết xưa và nay – “căn cước” văn hóa của người Việt
Căn cước văn hoá hay còn gọi ID văn hoá là một trong những yếu tố tạo nên bản sắc của một nền văn hoá. Nền văn hoá Việt Nam có nguồn gốc từ tổ tiên người Việt cùng các dân tộc anh em khác theo chiều dài lịch sử mấy nghìn năm truyền thống để lại nhiều dấu tích và di sản cho dân tộc Việt Nam hôm nay. Tết là một căn cước văn hoá theo ý nghĩa lễ hội và đoàn tụ gia đình, là di sản của người Việt với nhiều nội dung cần được bảo tồn và gìn giữ như ẩm thực Tết, chợ Tết, mua sắm Tết, Triết học của Tết... Lễ hội ấy bao gồm đời sống và sinh hoạt phong phú cho những ngày cuối cùng của năm cũ và mở đầu năm mới đến. Khởi đầu một năm mới, khởi sinh mùa xuân trong năm, mùa Tết đang sắp đến gần.
Tết Việt là di sản của nền văn hoá Việt Nam
Tết ra đời dựa trên lịch cổ phương Đông theo sự di chuyển của mặt trăng, khoảng 4 - 8 tuần trước khi mùa xuân đến. Ngày chính xác của Tết thường rơi vào khoảng từ 21 tháng 1 đến 21 tháng 2 theo lịch tây (dương lịch).
Tết bắt đầu từ tiết, 24 tiết của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Châu Á. Trong mỗi tiết sẽ có khoảnh khắc giao thời quan trọng, phổ biến nhất là thời gian đầu tiên trong năm đó chính là tiết Nguyên đán được chuyển thành Tết Nguyên đán phổ biến như ngày hôm nay. Toàn bộ Tết sẽ kéo dài từ 7 - 8 ngày từ lịch cũ sang 7 - 8 ngày đầu tiên của năm mới, 23 tháng Chạp đến ngày 7 tháng Giêng.
Di sản của mua sắm Tết hay Chợ Tết
Bắt đầu từ những ngày 23 tháng Chạp, mỗi gia đình tiễn ông Công ông Táo như một dấu ấn bắt đầu tiến gần đến ngày đón Tết. Không khí mua sắm tràn ngập tại các phiên chợ quê đến các nơi đô thị, các trung tâm thương mại. Các bà các mẹ mua thực phẩm chuẩn bị cho các ngày Tết. Nhà nhà đi chợ hoa, cây cảnh để trang trí nhà cửa. Sắm Tết là mua đồ dùng mới, trang trí mới. Mua sắm Tết tốn kém nên ai cũng phải dành tiền ăn Tết, chơi Tết...
Tết xưa của thế hệ chúng tôi là được sắm bộ quần áo hoa mới, được mặc áo len mới mẹ đan cho... Đi chợ Tết cùng mẹ và mua hoa Tết, cây cảnh cùng cha. Tết thời bao cấp cho cả đến thời kỳ đầu Đổi mới, khu tập thể nhà tôi cùng các đồng nghiệp cơ quan bố mẹ tôi cùng nhau làm thịt lợn chia nhau, nấu bánh chưng cùng thức xuyên đêm... Tết thời nay, dù ở nơi nào trên thế giới nhờ giao thương thuận lợi giữa các đại lục và đại dương, mua sắm dành cho Tết Việt tiện lợi nhờ hệ thống bán hàng online hay các chuyến bay cuối năm phục vụ đồng bào như những cành đào phai từ Hà Nội hay nhánh mai vàng, mai đỏ tìm mua rất tiện ở khắp mọi nơi... Tết Việt lan toả theo không gian địa lý và đậm đà bản sắc văn hoá Việt Nam.
Di sản của ẩm thực Tết Việt
Không thể không kể đến bánh chưng, biểu tượng cho đất trong truyền thuyết từ thời vua Hùng. Gói bánh chưng là một nghệ thuật đời thường cho những ngày chuẩn bị Tết. Cả nhà quây quần bên mâm tròn giữa nhà cùng các thế hệ và con cháu, chia nhau công việc chuẩn bị và cùng nhau gói những chiếc bánh đẹp nhất và ngon nhất. Nấu bánh chưng không chỉ gia đình nội tộc sum vầy mà cả sự kết nối hàng xóm láng giềng, chung nhau mấy cái nồi lớn rồi thay nhau thức khuya, đến lúc nấu xong chia ra từng nhà theo số lượng đã định sẵn. Bố mẹ tôi vẫn nấu bánh chưng cùng gia đình người bạn thân gần nhà. Tết Việt như thế đó, thân thuộc và giản dị quá chừng. Tuỳ từng vùng khác nhau, bánh chưng có thể nhân mặn, cũng có thể nhân ngọt, tùy sở thích.
Mâm cỗ Tết đầu tiên được dâng cúng tổ tiên vào chiều 30 Tết, gọi là cúng tất niên. Trong 3 ngày Tết, người Việt thường làm cơm dâng cúng tổ tiên với các thức ăn ngày Tết… Đến chiều mùng 3 Tết, mỗi gia đình lại đưa tiễn ông bà tổ tiên về trời sau những ngày lễ quan trọng nhất của năm mới, bằng một mâm cơm cúng, gọi là Hóa vàng, hoặc Tiễn các cụ, khép lại một cái Tết đoàn viên và ấm cúng. Tuy nhiên, mâm cỗ ngày mùng 3 Tết đơn giản hơn chiều 30 Tết, tuỳ theo mỗi gia đình khác nhau.
Mâm cỗ ngày Tết đủ đầy, nhiều màu sắc. Ở mỗi vùng miền có khác tuỳ theo khẩu vị và phong tục riêng, như ở miền Bắc thì gồm bánh chưng, giò thủ, thịt đông, canh măng, miến, dưa hành…; miền Trung thì các món nước như giò heo hầm, cá đồng nấu ám... món mặn thường có như nem chả, gà nướng roti, tôm rim với thịt heo kho tàu, rau củ xào với lòng mề gà... các món khô như nem tré, thịt heo hay thịt bò ngâm mắm...; ở Miền Nam thì mộc mạc, đa phần sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên hơn là nuôi trồng. Các món không thể thiếu là bánh tét ăn kèm với cà rốt, củ cải dưa muối, thịt heo và trứng vịt kho nước dừa, lạp xưởng tươi, gỏi tôm thịt ngó sen hay khổ qua nhồi thịt...
Mâm ngũ quả là một trong những nét văn hoá đặc trưng của Tết Việt được chuẩn bị để thắp hương và trang trí ở những nơi trang trọng trong nhà. Tuỳ vào mỗi nơi, có những trái cây khác nhau nhưng không bao giờ thiếu nải chuối xanh và quả bưởi vàng tươi với lá xanh, các trái cây phổ biến như đu đủ, cam, nho, táo với nhiều màu sắc khác nhau biểu trưng cho đủ đầy, hạnh phúc.
Mứt tết, một đặc sản nữa của Tết Việt, đó là các món ăn từ trái cây như mứt dừa phổ biến truyền thống, mứt gừng, mứt hạt sen và các trái cây khô từ mít, khoai lang... các món ô mai ngọt đậm đà đủ các vị trái cây đặc trưng không khí lạnh miền Bắc. Các món mứt luôn sẵn trên bàn khách trong mỗi nhà, mỗi gia đình như món mở đầu câu chuyện khi uống trà, mời nước cùng khách đến, những người thân thuộc.
Tôi thường kết hợp mâm quả và hoa cùng các bánh trái, các loại mứt trong dịp Tết để làm triển lãm Tết Việt online như một nghệ thuật sắp đặt mỗi khi Tết về ở giữa trái tim châu Âu. Bố mẹ và mọi người trong gia đình cũng như các bạn bè đến chơi ai cũng thích thú ngắm nhìn và tìm hiểu thêm nhiều về văn hoá Việt Nam qua Tết, cách trưng bày cũng như ý nghĩa của Tết Việt Nam.
Di sản trang trí Tết trong nhà và những nơi công cộng
Hoa đào miền Bắc, hoa mai ở miền Trung và miền Nam, nhưng đâu đâu cũng có cây quất quả vàng chi chít và không thể thiếu những lọ hoa trang trí trong dịp Tết ở mỗi gia đình. Ở miền Bắc, ngoài hoa đào thì thuỷ tiên là thú chơi hoa Tết sang trọng và tao nhã của nhiều gia đình. Bông thuỷ tiên trắng muốt trong bình thuỷ tinh trong suốt, củ được cạo gọt, cắt tỉa cầu kỳ theo đúng kỹ thuật người làm vườn trồng hoa. Mai vàng xứ Huế và miền Nam cũng được ưa chuộng bởi sự thanh tao và tươi sáng. Tại các trung tâm thành phố, làng mạc khắp nơi, hoa được trang trí cùng các pano đón Tết, đèn trên phố rực rỡ cùng các chợ hoa Tết đông vui rộn rã. Các vườn đào vườn mai ngập lối xuân về.
Di sản chơi Tết của người Việt
Tết xưa người Việt có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đấu vật, đánh đu, đua thuyền, hát xướng, ngâm thơ... đến nay vẫn còn phổ biến ở nhiều làng quê, các vùng nông thôn... Chơi từ trong Tết cho đến ra Giêng, chơi vui để thoải mái cho những ngày làm lụng vất vả trong năm. Du xuân là những cuộc hành hương, tham gia lễ hội truyền thống kết hợp thưởng lãm danh lam thắng cảnh, các màu sắc rực rỡ của mùa xuân quê hương đất nước… Đây là một thú vui độc đáo của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều thế hệ từ bao đời nay, tạo nên nét đặc sắc của Tết Việt.
Tác giả đón Tết tại gia đình ở Vương quốc Bỉ
Triết học của Tết
Khởi đầu trọn vẹn, bắt đầu cho những ngày đầu tiên của năm mới đến của mùa xuân. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng với mỗi gia đình và toàn thể dân tộc. Đó cũng là lúc bố mẹ trao cho các con và các cháu trong nhà những phong bao mừng tuổi hoặc tiền lì xì với lời chúc may mắn và tốt lành. Người Bắc mừng tuổi cả cha mẹ và ông bà để chúc mừng trường thọ, mạnh khoẻ. Rồi ông bà mừng tuổi lại cho con cháu có thêm tuổi mới, thêm nhiều thành công... Mừng tuổi trở thành một nét văn hoá, mỹ tục của Tết Việt Nam, cho đi tiền bạc và lời chúc tốt lành để nhận lại niềm vui và yêu thương chính là thông điệp của tục lì xì.
Tết mang nhiều ý nghĩa trong đời sống văn hoá của người Việt trong nước và những đồng bào gốc Việt ở khắp năm châu. Gia đình các thế hệ đoàn tụ bên nhau. Quanh năm đi làm ăn xa và trở về ngày Tết, bên gia đình, trong sự mong chờ gặp mặt và đoàn tụ, kết nối các thế hệ. Những người xa quê về thăm quê trước Tết hoặc trong Tết để chia sẻ những khó khăn của một năm đi qua và mong chờ hy vọng thật nhiều cho năm mới đến. Tết gặp lại những bạn bè xưa, đi thăm thầy cô giáo và những người thân quý. Tết hàn gắn lại những xa cách và cho qua những rủi ro và không may mắn trong năm. Tết như một căn cước văn hoá của những người gốc Việt giữa một thế giới phẳng và xa lộ thông tin bởi Tết là ký ức, ký ức của nhiều thế hệ, ký ức của sự xa nhớ chứa đựng nhiều kỷ niệm...
Dù đi lại dễ dàng bao nhiêu, kết nối với nhau nhanh đến đâu, Tết vẫn còn lại trong mỗi con người, mỗi bản sắc cá nhân mỗi người con gốc Việt giữa những ngôn ngữ khác nhau và giữa những nền văn hoá đa dạng nhiều sắc màu. Tết trở thành một danh từ phổ biến để nói về chính nền văn hoá của chúng ta. Tết Việt ở các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đông vui như một lễ hội lớn nhất để gặp gỡ, chia sẻ và đón chào năm mới thật nhiều hạnh phúc.
Dù cách xa nửa vòng Trái đất, nhưng Việt kiều vẫn sắm sửa mâm quả khá đầy đủ như ở quê hương
Tết văn minh và tiết kiệm, giải phóng cho các bà, các mẹ và các em
Tết Việt trong vòng 20 năm trở lại đa sắc và rộn ràng dù thiếu tiếng pháo. Đời sống nhân dân trên khắp mọi người thay đổi từng ngày, có khi quá nhanh so với nhịp sống vội vã thường ngày. Người Việt chú trọng quan tâm nhiều hơn đển trưng bày Tết, chơi Tết. Có nhiều thói quen cũng dần thay đổi bớt đi vất vả cho người phụ nữ trong nhà. Áo dài trở thành trang phục chính trong ngày Tết của chị em. Tết giờ không còn là nỗi lo và gánh nặng theo những đòi hỏi và hủ tục nữa.
Bố mẹ tôi vẫn giữ thói quen gói bánh chưng cùng các cháu. Các bạn trẻ cũng quan tâm nhiều hơn đến nếp nhà, các thói quen truyền thống cần giữ gìn. Nhiều người trở lại với Tết như trở lại tuổi thơ, như đi tìm chính căn cước văn hoá của chính mình trong ký ức, các thế hệ gia đình. Tết thực sự là lễ hội lớn nhất trong năm, bao trùm các giá trị và cộng đồng, chạm đến tầng sâu ý thức của mỗi cá nhân trong các nhóm xã hội khác nhau, sự kết nối và chia sẻ không chỉ một sự kiện văn hoá mà một đời sống thực sự có chiều sâu hơn. Tết trở thành thực hành văn hoá sống của một mùa lễ hội đầu tiên trong năm, tiết kiệm và văn minh cùng Tết như sự phù hợp với giá trị đương đại hôm nay. Tết vẫn đủ lễ và đủ nghĩa theo tinh thần tự do dành cho mỗi cá nhân trong cộng đồng, sự chia sẻ và tham dự của mỗi người dành cho nhau trong gia đình, họ tộc.
Tết toàn cầu, Tết Việt - căn cước văn hoá Việt Nam trong văn hoá đương đại
Khi thêm một quê hương mới, thêm một nền văn hoá nữa trong cuộc sống của tôi và gia đình nhỏ của tôi, thì tôi nhận ra rằng căn cước của chính mình chính là bản sắc văn hoá Việt truyền thống một cách mạnh mẽ từ gia đình, từ thế hệ ông bà đến mẹ cha và chính tôi với thế hệ tương lai từ các bạn nhỏ. Căn cước ấy chính là lịch sử và di sản mà tôi có thể thấy rõ và chia sẻ cùng mọi người ở đây trong một không gian đa dạng đa sắc màu.
Tết trong gia đình nhỏ của tôi thể hiện rõ nhất trong một thời gian có thể kéo dài từ lúc chuẩn bị Giáng sinh đến lúc chạm Tết. Tết của chúng tôi trọn vẹn giữa các nền văn hoá và nghệ thuật thường ngày, gắn liền với các giá trị được gìn giữ từ thế hệ đi trước và lịch sử từ các truyền thuyết qua các thời kỳ. Tết Việt ở giữa trái tim Châu Âu luôn có bánh chưng, đồ xôi nếp thơm lừng, hoa đào hoa mai giữa mùa đông xứ sở đang chờ Xuân về từ phương xa, đầy đủ mâm quả trái cây sắp đặt và trình diễn cùng hoa tươi đúng mùa lễ hội. Tôi được chứng kiến Tết của gia đình bạn ở Úc châu cùng cộng đồng người Việt hay như tôi tự làm Tết Việt online trong những năm của đại dịch với sắp đặt và nhiếp ảnh từ trái cây, từ các đặc sản Tết, từ cảm hứng sống về chính thế hệ của mình với tự nhiên và biến đổi khí hậu.
Tôi đã cùng đón Tết cùng Ngọc Nick M và Lê Bình Giang tại Hà Lan với cả phố rộn ràng pháo nổ chiều 30 Tết năm ấy... Tết ta không chỉ ở đất nước Việt Nam gần 100 triệu người mà lan toả khắp năm châu toàn cầu cùng hơn 5 triệu người gốc Việt giữa khí trời và không gian của mùa đông xứ lạnh hay phía bên kia bán cầu. Tôi nhìn thấy Tết Việt online của bạn bè thế hệ mình và nhiều thế hệ cộng đồng mạng xã hội náo nức từ lúc chuẩn bị Tết đến những ngày đón xuân sang trên khắp nẻo đường hay các vườn hoa... Tết Việt đang lan toả và kết tinh chính di sản của mình từ mấy nghìn năm văn hoá. Tôi hy vọng một ngày không xa Tết Việt trở thành di sản và lễ hội được thừa nhận của UNESCO, tổ chức về giáo dục, khoa học và văn hoá thế giới.
Tà áo lụa trên phố Xuân,
Người bạn trẻ viết thư pháp
Tết về
thắm hồng tươi
náo nức
quê hương
nhiều ước hẹn
và hy vọng mới
Tết Việt của chúng ta, di sản và căn cước của nền văn hoá Việt Nam§
----------------------------
Tài liệu tham khảo:
Cõi Việt của tác giả Trần Đức Anh Sơn, sách song ngữ của Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
Lễ hội mùa xuân ở miền Bắc Việt Nam của tác giả Hữu Ngọc, Lady Borton, sách song ngữ trong chùm sách Tìm hiểu Văn hoá Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2006.
Quỳnh Iris de Prelle (Vương quốc Bỉ)
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...