Thứ bảy, ngày 19 tháng 10 năm 2024
17:34 (GMT +7)

Tết và nỗi lo người trồng hoa (Kỳ 2)

Kỳ 2: Góc “tối” ở ngay nơi sáng nhất

Cả tháng nay, nhiều người trồng hoa rì rầm nhỏ to, ấm ức nhưng không dám lên tiếng vì giá thuê chỗ ngồi bán hoa dịp Tết năm nay cao bất thường. Chúng tôi đã tìm hiểu và vô cùng bất ngờ khi có một chợ “đêm” ngay nơi trung tâm nhất ở TP. Thái   Nguyên.


Chợ hoa tại Trung tâm dịch vụ thi đấu thể thao tỉnh về đêm

Chợ hoa lúc nửa đêm

 Ngày tuần (tức đêm trước ngày rằm cuối cùng của năm 2021), gần 23 giờ đêm, những xe chở hoa đầu tiên đã có mặt tại chợ hoa tươi lớn nhất thành phố Thái Nguyên nằm trong khuôn viên Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu Thể thao tỉnh. Trong ánh sáng lờ mờ của ánh đèn cao áp hắt lại không đủ sáng, người mua phải dùng thêm đèn của điện thoại khi muốn xem hàng.

 Những bông hoa cúc, hoa hồng, thược dược, vi ô lét, lay ơn… tươi roi rói. Thân cây còn đang chảy nhựa. Người bán hàng tại đây vào thời điểm này, ngoại trừ một vài xe ô tô chở hoa từ xuôi lên, còn lại đều là những người trực tiếp trồng hoa, chủ yếu đến từ 2 xã Huống Thượng và Linh Sơn, thành phố Thái Nguyên.

 Khoảng 24 giờ, hàng trăm người đã có mặt tại đây mua, bán. Tiếng chào mời, trả giá làm tan màn đêm tĩnh lặng.

Chợ hoa tại đây phần lớn là nơi trao đổi, mua bán giữa người trồng và người buôn bán hoa

Chẳng biết từ bao giờ, nơi đây đã trở thành chợ hoa, nơi gặp gỡ của những người trồng và buôn bán hoa. Vào ngày tuần (tức trước đêm rằm và mùng 1) chợ hoa sẽ họp sớm (bắt đầu từ khoảng 23 giờ). Ngày thường, chợ họp khi gần sáng (khoảng từ 2 - 4 giờ)

Chúng tôi lấy làm lạ khi thấy sau mỗi lần có khách đến xem, họ nâng lên đặt xuống những bó hoa cúc, hoa lay ơn… người bán hàng lại vội vàng xếp lại bằng cách chồng đống các bó hoa lên nhau.

Tò mò, chúng tôi hỏi tại sao họ không để rải các bó hoa ra cho đỡ dập nát mà người mua cũng dễ chọn khi xung quanh khoảng trống còn nhiều? Nhận được câu hỏi này, tất cả đều có một động tác giống nhau là ngó xung quanh một lượt rồi thì thào: Chắc các cô chú mới đi chợ này nên không biết đấy thôi, cứ bó hoa nào chờm sang ô bên cạnh dù vài centimet chúng tôi cũng phải nộp tiền 2 ô. Hôm trước thấy ô bên cạnh trống, bó hoa của tôi mới đặt một nửa chớm qua vạch họ đến thu phí của cả 2 ô là 60 nghìn đồng luôn. Tôi xin thế nào cũng không được. Cứ xin một câu họ “chửi” một câu khó nghe lắm.

Hóa ra, dù không có vé, nhưng ở đây đã hình thành luật bất thành văn. Mỗi buổi đêm, người dân nào muốn vào trong khu vực này bán hoa đều phải nộp phí. Cùng với đó là một cách “quản lý” khiến bất kể ai cũng sợ sệt.

Thu phí cao bất thường

Mỗi ô được chia để thu phí chỉ rộng 1,5 m và nhiều vị trí gần như không có chiều sâu. Sát lưng người bán (ngồi) là bờ tường.

Mức phí cho mỗi buổi chợ trong các ngày bình thường là 30 nghìn đồng để mua một chỗ ngồi. Vì chỗ bán hàng quá chật hẹp nên hầu hết bà con đều chỉ có thể chở ra chợ vài bó hoa một, bán vãn lại chở thêm ra. Thế nhưng, mỗi chuyến xe lôi (xe cải tiến) chở hoa vào chợ sẽ mất thêm 30 nghìn đồng tiền phí. Ô tô thì bị thu giá cao hơn gấp chục lần. Nhiều gia đình, có đêm phải chở hàng chục chuyến xe như thế, coi như mất lãi. Bởi thế nên gần đây, hầu hết người dân đều dùng xe máy chở hoa vào chợ nhằm tránh mất phí phát sinh. Ngặt nỗi xe máy chẳng chở được là bao mỗi lần.

Có đôi vợ chồng, nhà cách chợ khoảng 30km, trước đây đều chở hàng đi bán bằng ô tô tải con con thì nay cũng phải đổi sang đi xe máy. Vì phí nộp qua cửa dành cho ô tô một buổi chợ từ 200 - 500 nghìn đồng, tiền lãi nhiều hôm không lại được.

Cách đó vài hàng, thấy chúng tôi có vẻ lớ ngớ, một chị tốt bụng nhắc nhở tôi nếu đi xe máy cần tìm chỗ để cho cẩn thận. Chị kể, tối hôm trước, một chị bán hàng ở đây vừa bị người thu vé ở chợ du đổ xe và chửi bới, chỉ vì chị kia dám dựng xe ở chỗ đã kẻ ô. Đáng nói là mấy ô chỗ đó, không có điện, tối om om và hôm ấy cũng không có ai ngồi.

Hai người ngồi sát bên cũng quay sang rỉ tai chúng tôi: Nếu muốn bán hàng ở đây họ đến thu cứ thế mà nộp đừng nói nhiều “ăn chửi” đấy. Hôm lâu có bà cụ già lắm rồi, có mỗi hai bó hoa con con cầm trên tay. Nhưng vì bà cụ đứng lọt vào cái ô họ vẽ bằng 2 vạch vôi nên họ yêu cầu bà phải nộp 30 nghìn đồng. Bà cụ cố van nài, xin không phải nộp phí và bà sẽ đi ra ngay nhưng họ vẫn buông lời thậm tệ và lấy bằng được 30 nghìn đồng của bà cụ. Chả biết 2 bó hoa hôm ấy tiền lãi có đủ tiền mua chỗ đứng không.

Nhưng điều những người nông dân trồng hoa phải mang ra chợ bán lo lắng và bức xúc nhưng không dám bày tỏ đó là họ bị yêu cầu phải nộp 2 triệu đồng để được ngồi bán hàng từ 23 tháng Chạp cho đến Tết.

 Vì lý do đảm bảo an toàn cho những người cung cấp thông tin nên chúng tôi xin phép được giấu tên. Rất nhiều người đã cho biết: Mức phí này là quá cao so với các năm trước, gần nhất là năm 2021. Năm ngoái, người đi chợ bán hoa chỉ phải nộp 700 nghìn đồng để mua chỗ ngồi trong cả tháng 12. Trong khi đó số tiền năm nay phải nộp cao gần gấp 3 lần và thời gian lại bị rút đi ¾.

Đa phần những người trồng hoa số lượng lớn thường chỉ bán buôn và sau ngày 23, nhiều nhất cũng chỉ đi thêm từ 3 - 4 buổi chợ (những ngày áp Tết thường là thị trường của những người bán lẻ). Hơn nữa, họ cũng chỉ ngồi mấy tiếng ban đêm. Tính ra, mỗi buổi chợ của họ phải nộp phí từ 400 - 500 nghìn đồng. Một mức phí cao bất thường nhất từ trước tới nay.

Mục sở thị chợ hoa, chúng tôi còn thấy một điều bất ngờ nữa. Tất cả các ô được đánh dấu cho thuê có chiều rộng 1,5m như nhau. Trong đó, một số ô có chiều sâu 1 - 2 mét, nhưng nhiều ô chiều sâu chưa đến 50 cm tính từ vạch vôi đánh dấu cho đến bờ tường. Có dãy, mỗi ô chỉ để vừa đúng 2 ôm hoa xếp đứng.

Người đi chợ bán tín bán nghi: Không biết chợ hoa năm nay có phải do “đội” khác “thầu” hay không mà người thu vé ở chợ dữ dằn hơn rất nhiều. Nhất là hay buông lời tục tĩu. Tiền thuê chỗ ngồi bị tăng nhưng điện thắp sáng cho những buổi họp chợ thì hôm có, hôm không…  

Hoa nở sớm, nhiều người phải bảo quản trong kho lạnh chờ Tết. Rất nhiều nhọc nhằn mới có được bông hoa bán vào dịp Tết.

Với người trồng hoa trên địa bàn tỉnh mà nói, họ ao ước có được một khu chợ hoa để có thể yên tâm ngồi bán. Không còn phải vất vả chồng vất vả như hiện nay. Hay chí ít, họ cũng mong không bị “xúc phạm” một cách vô duyên vô cớ bởi những người thu phí chợ. Và, mức thu phí hiện nay ở chợ hoa này đã đúng chưa? Liệu các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn có nắm bắt được sự việc này?

Kỳ 1: Nỗi lo hoa nở sớm

Nhóm P.V

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy