Tết sớm
Truyện ngắn. Phạm Quý
Lê trả lời thật nhanh và có phần hơi gắt gỏng. Như đoán được tâm trạng trong cái âm điệu của câu trả lời ấy của Lê, ông khẽ gật đầu rồi lặng lẽ bước xuống triền đê. Ông đi rồi Lê mới thoáng ân hận. Khuôn mặt ông trông khắc khổ hiền từ, chất chân thật quê mùa vẫn hiện rõ nhưng cái nơi ông ở tạm bợ và chênh vênh kia, cùng với chiếc bao tải dứa suốt ngày trên lưng không khỏi làm Lê vẫn mang một ý nghĩ, ông không phải là một người bình thường. Lũ trẻ đi qua chỉ trỏ nơi ông ở và bảo đấy là người điên. Nhiều người đi qua tặc lưỡi: Chắc là kẻ nghiện ngập nào bỏ nhà đi lang thang mới trú ở nơi này.
Nơi gầm chân cầu Gia Bùng là nơi ông chọn ở, nó gần đối diện với cửa quán của Lê. Bởi vậy cứ ló ra cửa quán nhìn chếch sang đầu cầu bên kia là thấy. Ban ngày, cái khoảng trống dưới chân cầu im ắng, bên trên vẫn người xe đi lại tấp nập. Không hiểu sao cái phần móng chân cầu lại thừa ra khoảng mấy mét vuông phẳng phiu như tấm phản xi măng, cách mặt sông năm sáu mét, cách dầm cầu khoảng hai ba mét như một tổ tò vò. Lê nghe kể trước ông đã có vợ chồng người làm cát ở bãi cát đầu cầu trú ngụ mấy tháng. Việc nạo vét cát trên sông bị cấm, vợ chồng người làm cát chuyển đi nơi khác. Chỗ ấy lại là nơi tá túc của vài anh chàng nghiện ngập. Không biết có phải những anh chàng ấy đã ra đi cả rồi không, mà từ đó chẳng ai ngó ngàng tới nữa. Ông đến thu gom, nhặt nhạnh vỏ chai, vỏ lon, túi bóng, vỏ thùng giấy dọc con sông này và đã chọn nơi ấy để ở. Chiều tối mới thấy có ngọn khói bay bảng lảng dưới chân cầu. Đêm, không hề có ngọn đèn le lói bao giờ. Ông ở một mình thì trò chuyện với ai.
- Bác ngồi đây cháu rửa vết thương, đắp miếng thuốc dấu cho khỏi nhiễm trùng.
Ông ngồi xuống chiếc ghế nhựa, chờ Lê chạy đi kiếm lá ở bờ sông. Lê đã được bố truyền cho môn thuốc lá chuyên chữa cho những vết thương. Khi vừa rửa vết thương cho ông, hai bác cháu vừa chuyện trò về gia cảnh cho nhau nghe. Ông bảo nếu không vì con đang ăn học thì ông ở quê hai vợ chồng rau cháo thế nào cũng xong. Vài năm trước ông đã đi phụ xây và làm thuê các việc vặt khác nhưng sức ngày càng yếu chẳng ai muốn làm cùng ông. Ông cũng chẳng muốn phiền lụy tới mọi người. Đến đây nhìn thấy dọc sông có nhiều đồ phế thải, thôi thì cắm mặt xuống mà làm cái việc của đàn bà này vậy. Chẳng cần vốn lại có chỗ ngủ chẳng phải mất tiền. Lê thấy thương và lo cho cả niềm mong mỏi của ông. Không biết rồi nay mai con ông ra trường, thân phận của con nhà nông dân nghèo khó tìm đâu được việc làm. Nghĩ vậy nhưng Lê chẳng dám nói ra điều ấy vì sợ làm ông mất đi niềm hy vọng. Một niềm hy vọng mà ông đang hàng ngày ấp ủ trong sự chịu đựng nhọc nhằn.
Lê cũng đã luôn tin vào sự tử tế của cuộc đời và có biết bao mơ ước khi sắp học xong đại học. Để đến bây giờ, cái thực là hàng đêm mong sao có nhiều khách đến ăn các món nướng ở cái quán này để hai chị em có thêm thu nhập. Việc bán hàng cũng do chị Phương dẫn dắt. Hai chị em chung nhau cái quán nhỏ trên mặt đê, Lê chỉ là người phụ việc chị Phương. Ăn chia làm ba, chị Phương hai, phần còn lại của Lê. Cùng cảnh đi tiếp thị với nhau một thời, giờ bung ra mở quán, chị Phương hoàn cảnh cũng chẳng sáng sủa gì. Chồng nát rượu suốt ngày say xỉn rồi mắc bệnh gan, giờ như cái bóng vật vờ trong nhà. Cuộc sống gia đình bốn miệng ăn đè cả trên đôi vai của chị. Hai chị em thương nhau, tin nhau nên dựa vào nhau làm ăn. Ngày, chị Phương bán thêm giải khát, Lê làm thuê bên quán phở. Đêm, cùng nhau bán đồ nướng. Từ chiều, hai chị em đã phải làm lươn, cua, ốc, ếch, rồi các loại thịt sấy, xúc xích tẩm ướp gia vị. Bán xong thường quá nửa đêm, có hôm mấy khách choai choai say sỉn ngồi ba hoa cãi vã nhau đến gần sáng. Tuy vất vả nhưng mỗi tháng cũng cầm về được năm sáu triệu cho bố mẹ nuôi đứa em ăn học. Bố Lê bảo: Cố kiếm cái nghề tử tế mà làm con ạ! Mẹ Lê thì thở dài: Con gái cứ bán hàng đêm hôm thế chả biết ngay gian thế nào nhưng trông nó không được hay lắm, con gái cần giữ cái tiếng con ơi! Biết vậy, nhưng Lê không thể ngồi yên khi bố đang mắc bệnh, tiền thuốc nhiều hơn tiền ăn, tiền em ăn học, tiền vay ngân hàng những năm Lê học đại học. Những đồng tiền không biết trông vào đâu còn đáng sợ hơn những tiếng eo xèo. Khi sắp ra trường Lê đã có những giấc mơ thật đẹp. Bố mẹ Lê cũng vậy, ông bảo: Con cứ học đi để có một cái nghề cho đỡ khổ, trời cho năm nay vườn vải nhà mình được thu sẽ không phải lo về tiền. Chiều chiều đi dưới đồi vải mấy trăm cây đang độ ra hoa Lê đã khe khẽ hát. Anh kỹ sư nông nghiệp bảo vậy là cây vải đã thành công trên vùng đất này, rồi đời sống nơi đây sẽ khá lên nhờ vải. Hàng tuần anh đến ghi các số liệu để báo cáo rồi hướng dẫn mọi nhà cách chăm bón giữ hoa. Anh bảo anh yêu miền quê này, yêu lắm những con người nơi đây nữa. Trái tim Lê đã đập rộn ràng trong vòng tay anh dưới rừng vải đang mùa ra hoa. Rồi vải kết trái và đang chín khắp vùng đồi. Anh kỹ sư nông nghiệp ấy không thấy trở lại nữa. Chắc anh lại đang say mê áp dụng cây vải vào một vùng đất khác, anh lại yêu miền quê mới và con người nơi ấy.
Vải đang chín đỏ trên cây, một doanh nghiệp đã về khảo sát để chuẩn bị cho đề án thu mua sấy khô vải đem đi xuất khẩu. Bà con khấp khởi mong chờ. Ông giám đốc nhìn Lê chăm chăm rồi khen nước non khí hậu vùng này tốt, con gái da dẻ trắng trẻo mịn màng, dáng lại đẹp như hoa hậu. Hỏi Lê đã học ngành gì rồi ông ồ lên: Thế thì tốt quá, tôi đang cần thêm một người giúp việc. Ông bảo Lê dẫn ông đi khảo sát vùng vải. Cái dáng điệu đàng hoàng, lời nói đĩnh đạc tử tế của ông làm Lê tin cơ hội tốt lành đang đến với làng quê và cả tương lai của mình. Vải đã chín rũ trên cây. Bố Lê ngày ngày còng lưng thồ từng xe vải đi bán khắp chợ quanh vùng trong sự rớt giá đến không còn muốn đem đi bán nữa. Có lẽ do lo nghĩ, do xót công xót của chăm bón bao ngày lại làm việc quá sức bố Lê đã bị tai biến nhẹ. Ông giám đốc nhắn Lê ra công ty để ông phỏng vấn việc làm. Chưa hết hai tháng thử việc Lê đã phải bỏ cuộc vì nhận thấy trong sự quá tử tế của ông có những điều không bình thường. Rồi Lê đã nộp hàng chục bộ hồ sơ đi nhiều nơi mà chẳng có hồi âm. Với thực tế gia cảnh nhà mình Lê không thể ngồi chờ. Vậy là phải đi tiếp thị, đi làm thuê để có ngay những đồng tiền cứu giúp gia đình.
Bây giờ hai con người như chỗ dựa tinh thần của Lê là chị Phương và ông, người đi gom phế liệu thải vẫn ngủ ở gầm cầu. Lê đã tin tưởng ở ông chứ không còn cảnh giác như thời gian đầu nữa. Ngày ông đi về qua quán Lê hai lần. Sáng thu gom phế liệu người ta hay ném ra dọc bờ sông đến tận chiều tối mới về. Được ít nào ông phân loại rồi cân ngay cho đại lý. Bữa trưa một chiếc bánh mỳ, tối về mới nổi lửa nấu cơm hay gói mỳ tôm rồi đi ngủ. Lê thấy đời ông còn khổ hơn Lê nhiều. Đồng tiền ông kiếm được hôm nhiều hôm ít. Ông đã không dám ở thuê xóm trọ như mọi người để tiết kiệm tiền. Mùa rét hơi nước dưới sông hắt lên cùng với gió lùa lạnh buốt. Lê biết ông cũng có một cơ ngơi ở miền Trung nhưng do đầu tư hàng trăm triệu vào vụ mía rồi xót xa không bán được chẳng khác gì vụ vải quê Lê gặp phải. Ông cũng phải rời quê như Lê phải rời làng của mình đến ở nơi này, ngày ngày nhặt nhạnh chắt bóp cùng bà ở quê nuôi con ăn học. Có ít vỏ thùng vỏ chai nào Lê đều cho ông. Ông từ chối bảo nếu có bán rẻ thì ông mua chứ cho không thì ông không lấy. Cả một dãy các quán dọc đê người ta đều dành cho ông hết. Nhiều đêm mấy cậu choai choai con nhà lắm tiền vào ăn nhậu tán tỉnh, gạ gẫm Lê rồi nói những lời lăng mạ. Chúng nhìn Lê như người ở lớp đáy xã hội. Sáng ra gương mặt Lê phờ phạc nỗi buồn. Biết chuyện ông bảo: Có làm điều xấu mới hổ thẹn chứ làm ăn đàng hoàng tử tế ai dám bảo cháu là người xấu đâu. Lê thấy được nhẹ bớt nỗi lòng, sự nhẹ bớt được sẻ chia chứ không như lời ông giám đốc kia đầy thơm tho mà giả dối. Con đường trên đê qua cửa quán Lê sớm chiều còn có rất nhiều tốp người đi bộ, họ bàn tán với nhau đủ chuyện trên đời. Những câu chuyện của họ nhiều lúc nghe được làm Lê hay nghĩ về cái vòng luẩn quẩn sướng vui thiện ác của con người. Lúc thì các ông bà bàn luận về cái ăn. Có người nói: Bây giờ ra chợ chả biết chọn mua cái gì để ăn. Thịt cá đều nuôi tăng trọng, rau quả thì thuốc sâu thuốc kích thích, hoa quả thì nhúng chất bảo quản. Con người làm cho con người ăn đấy nhá! Chỉ còn mỗi nước chưa hạ độc thủ cho nhau chết ngay thôi. Lúc lại nghe có người phàn nàn môi trường: Bây giờ nước, không khí ngày càng ô nhiễm, rừng thì đang bị hủy diệt. Động đất, núi lở lũ quét chẳng con người tự gây ra thì ai. Có lần Lê còn nghe họ bàn tán về ông thu gom phế liệu vẫn ngủ ở gầm cầu. Người đoán ông bị vợ con bỏ rơi vì một lý do nào đó. Người bảo chắc ông gặp phải hoạn nạn gì trong cuộc sống này. Người lại bảo chắc thần kinh ông có vấn đề mới tồn tại được ở cái môi trường ấy. Những câu chuyện về muôn vấn đề ấy chỉ ào qua nhưng Lê lại ngẫm ngợi rất nhiều. Lê thấy khổ cho ông quá. Động đất ở đâu chưa biết chứ đêm nào nơi ông ngủ chẳng có hàng trăm lượt xe cộ đi trên đầu. Nó cũng rung chuyển khác gì động đất. Nếu chỉ một cơn lũ dâng cao bất ngờ trong đêm, chỗ ông nằm liệu còn gì che chắn?
- Lũ đàn bà các người toàn những người lừa lọc, đã gây cái họa cho gia đình tao.
Lê thấy cay đắng đến tột cùng. Tại sao người cha kia đã vô can trong nỗi đau của hắn. Hắn cũng coi hắn vô can nếu như hôm đó hắn gạ gẫm được Lê. Thì ra, tội lỗi chỉ được đổ lên đầu những con người yếu đuối. Sáng ra, Lê thu dọn lau chùi quán nhưng bực bội vẫn đầy ứ trong lòng. Ông đi qua khẽ cười và bảo: Xin chào! Một ngày mới đang được bắt đầu. Rồi đi. Lê lại nhìn về phía cái tổ tò vò của ông, nơi đêm qua có hàng trăm trận động đất trên đầu rồi nhìn cái dáng ông lom khom đang sải bước dưới triền đê, cứ như một dấu hỏi cho cuộc đời này.
Một ngày nữa lại qua. Lê chỉ lo đêm nay cái cậu thanh niên tóc đỏ và tốp thanh niên ấy lại quấy phá như đêm trước. Hai chị em đã bảo nhau cất bớt chén bát trong quán. Rất may đêm ấy không thấy tốp thanh niên ấy vào quán. Sáng sớm hôm sau, trời vẫn còn hơi tối, Lê vừa thức dậy và cảm thấy thoải mái sau một đêm được yên bình thì lại bỗng nghe tiếng người tri hô kêu cứu ở ngoài sông. Tiếng chị Phương ở ngoài nói vọng vào: Có người chết đuối họ đang vớt kia kìa. Lê rụng rời chân tay, theo cảm giác Lê nhìn sang tổ tò vò ở gầm cầu. Không thấy bóng người. Lê để mặc chị Phương trông quán còn mình lao ra phía bờ sông. Nhiều người đi bộ buổi sớm cũng đang đứng ùn ở mép cát bên này nhìn sang. Vừa nhìn thấy khuôn mặt tái mét của ông được mấy người kéo từ dưới sông lên Lê không còn đứng vững được nữa. Lê ngồi phệt xuống bờ cát, người như có luồng điện lạnh toát chạy qua. Tiếp đến lại thấy một người nữa được kéo lên. Ông đã tự ngồi được vào bờ cát và khua tay ra hiệu tập trung cứu người kia. Mọi người vội bế người kia lên bờ, dốc người cho nước ra, làm hô hấp nhân tạo rồi đưa lên xe cấp cứu. Ông run rẩy leo lên nơi ở của mình để thay quần áo trước bao ánh mắt ngạc nhiên của mọi người. Lúc ấy Lê mới nhận ra người mình đẫm mồ hôi và đang run lên từng hồi lập cập. Thông tin đã được truyền đến mọi người trong chốc lát. Người vừa được cứu chính là anh chàng tóc đỏ đã quấy phá ở quán Lê hôm trước. Vì cãi nhau với bố, bị bố cấm cửa không cho vào nhà đêm qua. Cậu ta dọa bố sẽ nhảy xuống sông tự sát, ông ta thách. Vậy là máu anh hùng rơm cộng với sĩ diện rởm của một anh chàng say anh ta đã nhảy từ cầu xuống sông. May mà có ông thu gom phế liệu ngủ ở gầm cầu hô gọi mọi người cùng cứu kịp thời. Lại có người bảo đấy là một màn kịch của mấy thằng choai choai để đặt điều kiện với ông bố kia, không thì sao nó không nhảy từ đêm và cũng lúc ấy những thằng tóc đỏ tóc vàng có mặt đủ cả. Thằng ấy biết bơi chẳng qua nó choáng là nhảy từ trên cao xuống thôi. Chẳng để ý đến những lời phỏng đoán bàn luận của mọi người, Lê chạy vòng qua cây cầu sang gầm cầu bên kia. Vừa thấy Lê ló đầu lên, ông nói vui: hôm nay cháu đến thăm biệt thự của bác đấy à! Chắc chắn ra phết đấy. Vừa ngồi được một lúc Lê đã mấy lần giật mình vì tiếng động ô tô chạy qua trên đầu. Ông cười bảo mãi rồi nó cũng phải quen thôi. Lê bảo sao bác liều thế, già yếu rồi còn nhảy xuống cứu người, cứ hô gọi mọi người là được. Mà cái anh chàng ấy có tử tế gì. Ông lại bảo: Nó vẫn là một con người cháu ạ! Lúc ấy, ai còn đắn đo họ tốt hay xấu nữa. Phải cứu lấy mạng sống người ta trước đã. Rồi ông giục Lê về để đi làm không lại vì ông mà lỡ một buổi làm. Từ cái tổ tò vò của ông ra về, Lê thấy quang cảnh xung quanh cứ nhòe đi. Lê biết mình đang khóc. Khóc, mà lòng lại nhẹ lâng như vừa được truyền một nguồn năng lượng mới.
Gần một tháng nữa là Tết. Đột nhiên, chiều ấy ông đến chào hai chị em và báo tin mừng cho Lê là con trai ông đã tốt nghiệp đại học loại giỏi trước thời gian sáu tháng và được giữ lại trường. Thì ra, con ông là người đã đỗ thủ khoa được lên truyền hình cả nước năm nào. Đến lúc này, ông mới chịu tiết lộ về thành tích học tập của con mình. Ông đã phải về sớm hơn dự định vì lo con trai học xong mò lên thăm, biết bố ăn ở thế này nó buồn. Ông đã tìm đủ lý do mới giấu được nó mấy năm trời để nó yên tâm học tập. “Chúc hai chị em một năm mới tốt lành!”. Ông nắm chặt tay hai chị em Lê rồi lại khoác bao tải dứa đựng quần áo chăn màn đi lên phía đầu cầu.
Vậy là từ nay hàng ngày vắng bóng ông đi về qua quán, vắng những câu hỏi han động viên chân tình như một người cha. Dọc bờ sông này, những túi ni lông rác, những chai lọ thải phải chờ đến dịp nước lên để cuốn đi. Bất cứ một lúc nào, hễ ló ra cửa quán là Lê lại nhìn về phía chân cầu. Rồi một sáng, Lê bỗng nhìn thấy có một cành hoa đào nở bung ở cái tổ tò vò của ông. Hóa ra ông đã cắm sẵn một cành đào nơi ấy. Những người đi bộ trên đê đến đấy ai cũng ồ lên. Chắc mọi người cũng như Lê, ai cũng cảm thấy ấm áp như vừa nhận được lời chúc Tết sớm của một năm mới đang về.
Trại sáng tác văn học năm 2015
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...