Thứ sáu, ngày 03 tháng 05 năm 2024
10:32 (GMT +7)

Tết sớm ở bản xa

Thành phẩm sau phần thi gói bánh chưng

Đã 14 năm rồi, cứ khi cây mai trong vườn chúm chím những nụ trắng xinh xinh, cây đào trên rừng lác đác vài bông bật tung cánh mỏng là lúc “Xuân Vùng Cao” về với bà con ở những bản làng xa…

Ngày Xuân

Tờ lịch cuối cùng của năm dương lịch 2022 đánh dấu một ngày đặc biệt với bà con xã Phú Đô, huyện Phú Lương (Thái Nguyên). “Xuân Vùng Cao” về bản!. Thế nên Tết năm nay như đến sớm. Khi hừng sáng còn le lói, chưa đủ sức vén được hết tấm rèm kết bằng sương phủ dày trên các ngọn đồi, tiếng cười nói đã mỗi lúc một rõ dần ở khu vực cánh đồng xóm Na Sàng (cách nhà văn hóa xóm Na Sàng chừng vài trăm mét). Người dân trong và ngoài xã Phú Đô đổ về đây mỗi lúc một đông, câu hát “Xuân ơi Xuân, Xuân đã về” phát ra từ dàn âm thanh cỡ lớn làm cho cả núi đồi cũng xôn xao, bừng giấc. Những bộ trang phục với nhóng nhánh họa tiết của các cô thiếu nữ Mông, đến những chiếc áo màu chàm được điểm tô bằng những dải lụa đỏ, xanh của các cô, các chị dân tộc Sán Chay  làm cho đất trời như thêm hương sắc.

“Xuân Vùng Cao” 2022 thực sự trở thành ngày hội của người dân Phú Đô

Cả vệt ruộng đất đã khô nỏ, chỉ còn lại gốc rạ, ngày thường nằm im lìm hôm nay cũng như cựa mình thức giấc bởi tiếng động cơ xe các loại. Hàng nối hàng, chẳng mấy chốc cả trăm chiếc xe đã xếp hàng ngay ngắn. Đám trẻ con “mắt tròn mắt dẹt” nhìn những chiếc xe Jeep màu cam, màu vàng, màu xanh với nhiều hình dáng khác nhau. Nhưng chỉ sau vài phút ngỡ ngàng, cả đám bắt đầu hò reo, chạy như bay về phía những chiếc xe ô tô lạ mắt. Đứa sờ vô lăng, đứa lay lay cột ăng ten một cách dò xét. Ngước mắt nhìn xung quanh, đám trẻ nhận được những nụ cười thân thiện và ánh mắt khích lệ của chủ nhân những chiếc xe, chúng ào lên ghế ngồi, hò hét, làm động tác giả vặn vô lăng và giả tiếng xe lao vun vút trên đường. Một lát, chơi trò này có vẻ đã chán, chúng lại rủ nhau ào xuống sờ sờ, quệt quệt tay đầy thích thú vào 2 hàng xe Vespa dựng ngay ngắn ở khu vực trước sân khấu. Cho đến khi, tiếng loa thông báo bắt đầu phần thi gói bánh chưng vang lên mới kéo chúng ra khỏi khu vực để xe.

Các bà các chị được chia làm các đội thi theo đơn vị từng xóm trong xã thi khéo tay xem ai gói bánh vừa chắc tay, vừa đẹp. Chẳng mấy chốc, 14 chiếc nồi quân dụng to đã nghi ngút nhả khói và phả ra mùi gạo nếp quện lẫn mùi lá tươi thơm lừng. Trong lúc chờ bánh chín, dưới cây nêu cao chót vót, từng tốp, từng tốp du khách và người dân trong xã thi nhau ném quả còn, cố gắng xuyên thủng hồng tâm. Những quả còn chao liệng hệt như những cánh én báo hiệu mùa Xuân sắp về.

Các tiết mục múa lân sư rồng làm không khí vùng cao thêm rộn rã

Bỗng tiếng trống ở đâu vang rộn rã, những chú lân sư rồng xuất hiện trong tiếng trống hội tưng bừng lập tức đã kéo mọi người tề tựu xung quanh sân khấu đã được Ban tổ chức dựng lên từ sáng sớm. Không ai rời mắt được khỏi sân khấu bởi các tiết mục đặc sắc cứ nối tiếp nhau. Khi tiết mục của Câu lạc bộ Lân sư rồng Long Nghĩa Đường vừa khép lại, đồng bào lại có những giây phút hồi hộp và vỡ òa cảm xúc khi được chứng kiến những màn biểu diễn võ thuật vô cùng đặc sắc đến từ Môn phái Thiếu lâm Kungfu Việt Nam và Câu lạc bộ Vĩnh Xuân Thái Nguyên.

Những tiết mục như công phá gạch trên cơ thể, đỡ gậy bằng cánh tay, cẳng chân… đã khiến những người có mặt trầm trồ bái nể. Nhưng có lẽ kịch tính và đặc sắc hơn cả vẫn là tiết mục dùng yết hầu bẻ cong cây sắt, của các võ sư.

Những màn trình diễn võ thuật hấp dẫn người xem

Trên sân khấu của “Xuân Vùng Cao” nhiều năm, luôn có sự xuất hiện những giọng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp. Họ luôn biểu diễn hết mình và hoàn toàn tự nguyện. Tôi đã từng nhiều lần hỏi về cảm nhận của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp khi đứng trên sân khấu của “Xuân Vùng Cao”. Và, những câu trả lời cũng làm tôi nhớ mãi: Những ánh mắt chăm chú của khán giả, những tràng pháo tay dài không dứt phát ra từ những đôi bàn tay vì lao động nặng mà sần sùi, thô ráp luôn mang đến cho họ nguồn cảm hứng to lớn mà nhiều khi sân khấu chuyên nghiệp chưa chắc có được. Nhìn vào mắt họ, tôi chỉ muốn hát mãi, biểu diễn mãi để bù đắp phần nào những thiếu thốn và thiệt thòi cho người dân ở vùng khó khăn mà thôi.

Cũng bởi thế mà nhiều nghệ sĩ đã tâm sự rằng, vì để được phục vụ bà con ở “Xuân Vùng Cao” họ đã sẵn sàng hủy cả những show diễn lớn trùng lịch với mức cát – xê cả chục triệu đồng mà không mảy may suy tính thiệt hơn.

Anh Phạm Hoài Phương (quàng khăn kẻ) thành viên Ban Giám khảo chấm phần thi gói bánh chưng

Phần thi gói bánh chưng do Ban Tổ chức chuẩn bị nguyên liệu

Tôi thấy trong số hàng nghìn khán giả có 2 người đến từ khá sớm dõi theo mọi hoạt động. Đó là bà Trần Thị Chung và Vương Thị Tán, cùng ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Mặc dù đều đã ngoài 70 tuổi, song không quản đường xa, 2 bà đã đi bộ suốt gần 3 tiếng đồng hồ để đến tham gia “Xuân Vùng Cao”. Cả hai bà đều bảo, chưa bao giờ được đón Tết đông vui như thế.

Là một trong số gần 200 hộ được nhận quà Tết của Chương trình, bà Nguyễn Thị Lộc, xã Phú Đô không giấu được xúc động: Chồng tôi mất sớm, con gái đi lấy chồng nữa, bỏ lại đứa cháu ngoại cho tôi nuôi. Hai bà cháu ngày thường đùm rúm nhau nhưng cứ ngày Tết là trăm thứ phải lo. Nay “Xuân Vùng Cao” tặng bà cháu tôi đủ cả bánh kẹo, mứt Tết và nhiều đồ nữa, tôi mừng lắm…

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Đến nay, “Xuân Vùng Cao” đã đi được chặng đường 14 năm với 12 lần tổ chức. Địa điểm được “Xuân Vùng Cao” chọn luôn là các xóm, bản có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế khó khăn. Đây không phải chỉ là một hoạt động thiện nguyện mỗi khi Tết đến Xuân về mà “Xuân Vùng Cao” từ lâu đã thực sự trở thành ngày hội ở bản xa. Dù ở Võ Nhai hay Định Hóa, Đồng Hỷ hay Đại Từ, dù đường đi có gập ghềnh, xa xôi bao nhiêu, chỉ cần biết tin “Xuân Vùng Cao” được tổ chức ở đâu là người dân dẫu phải từ trên đỉnh núi xuống hay đi từ những lũng xa lên vẫn hăm hở đến nơi có hội.

Nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn mang theo các vật dụng như đồ gia dụng, quần áo tặng bà con

Nhắc đến “Xuân Vùng Cao” là nhắc tới Chi hội Otofun Thái Nguyên (Otofun Thái Nguyên là một group trên Facebook với hơn 22,2 nghìn người tham gia). Đó là diễn đàn để các thành viên giao lưu chia sẻ, cùng nhau trao đổi về các vấn đề liên quan đến ô tô, xe máy, giao thông Thái Nguyên. Và, thủ lĩnh, trưởng Ban tổ chức cả 12 mùa của “Xuân Vùng Cao” chính là anh Phạm Hoài Phương, nick name Phương Zen. Đồng thời anh cũng là thủ lĩnh của Otofun Thái Nguyên.

Là một người yêu xe cổ, từ năm 2007 anh Phương cùng một vài người bạn cùng sở thích đã chọn chơi xe Jeep và Vespa. Trong quá trình giao lưu, sinh hoạt, nhóm thường tổ chức gặp gỡ và “off” ở nhiều nơi. Trong quá trình đó, anh Phương nảy ra ý tưởng sẽ thực hiện các chương trình thiện nguyện cho người dân, nơi mình sẽ đi qua. Anh Phương nhớ lại: Thời đó, người chơi xe Jeep ít lắm, xe Jeep ở Hà Nội cũng chỉ có 4, 5 chiếc. Anh em thành lập câu lạc bộ và chơi cả xe Vespa. Mong muốn tạo ra được một sân chơi ý nghĩa, nhất là khi anh em trong câu lạc bộ chơi xe Jeep và Vespa tụ hội ở Thái Nguyên. Từ đó, “Xuân Vùng Cao” đã ra đời. “Xuân Vùng Cao” lần đầu tiên được tổ chức tại xã Hòa Bình, huyện Đồng Hỷ.

Những năm đầu tiên tổ chức Chương trình chỉ có khoảng 100 thành viên tham gia, chủ yếu là những người chơi xe Jeep và Vespa ở Thái Nguyên và Hà Nội. Dần dần phong trào lan rộng tới các câu lạc bộ, các nhóm chơi xe cùng sở thích ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Sau này, Otofun Thái Nguyên ra đời đã tạo ra được một cộng đồng rộng khắp và trở thành nòng cốt của mỗi Chương trình “Xuân Vùng Cao”. Nhờ đó mà quy mô và hoạt động trong chương trình cũng trở nên phong phú hơn. Trong đó, đáng chú ý là bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, chúng tôi mong muốn tổ chức “Xuân Vùng Cao” thực sự trở thành ngày hội Xuân cho bà con. Năm nào cũng vậy, chương trình luôn có các trò chơi dân gian, như tung còn, đánh yến, chọi gà, múa sạp… đưa người tham gia trở về những kỷ niệm, những hồi ức đẹp đẽ của ngày xưa.

Tôi từng hỏi anh Phương và duyên cớ nào khiến anh nghĩ đến “format” “Xuân Vùng Cao” là ngày hội chứ không chỉ còn là hoạt động thăm hỏi, tặng quà như ban đầu. Anh Phương trải lòng: Chúng tôi tổ chức “Xuân Vùng Cao” từ lúc gặp vô vàn khó khăn. Chỉ tính riêng đường đi đến nơi tổ chức chương trình thôi cũng đã không phải ai cũng đến được. Nhiều năm, anh em chúng tôi đi mà dọc đường xe nọ phải kéo xe kia, lúc thì qua suối, lúc lại vượt đèo dốc. Thêm vào đó chứng kiến cuộc sống của người dân ở nhiều bản làng, đâu cũng thấy khó khăn. Tôi cảm thấy họ quá thiệt thòi trong việc hưởng thụ những giá trị tinh thần. Vậy là ý tưởng tổ mỗi năm chọn một nơi để tổ chức một ngày hội cho bà con được ra đời. Sau này, những khó khăn về đường giao thông, thiếu hụt trong cuộc sống của người dân đã vơi dần đi nhưng những “món ăn” tinh thần thì chưa hẳn đã đủ đầy. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn trước thềm năm mới mỗi năm “Xuân Vùng Cao” sẽ mang những giá trị lớn hơn những giá trị vật chất mà chúng tôi có thể làm được đến với bà con. Đó là những chương trình văn nghệ đặc sắc, những sân chơi mang đậm màu sắc truyền thống với các trò chơi dân gian được tái hiện lại để bà con có thể hòa mình vào trong đó và thực sự có một ngày hội Xuân.

“Xuân Vùng Cao” đã trở thành ngày hội đúng nghĩa không chỉ với người dân nơi chương trình được tổ chức mà những thành viên, những người tham gia tổ chức chương trình cũng nhận lại được những niềm vui không hề ít hơn. Với nhiều người đây không chỉ là sân chơi mà còn là cơ hội để được trải nghiệm, được tìm lại những giá trị xưa mà không dễ gì bắt gặp giữa thành phố.

Năm nào tham gia “Xuân Vùng Cao” tôi cũng bắt gặp hình ảnh những cặp vợ chồng đưa theo con nhỏ đến tham dự. Không ít người tôi có dịp trò chuyện đã chia sẻ rằng, tinh thần sống vì cộng đồng của Ban Tổ chức “Xuân Vùng Cao” đã lay động và thu hút họ nhập cuộc. Không chỉ là cho đi, ngược lại, đó cũng là những trải nghiệm quý báu, là những bài học về lòng nhân ái, tinh thần sẻ chia, biết sống vì khác mà họ muốn gián tiếp truyền thông điệp cho con, cháu mình.

Còn nhớ khi tham gia “Xuân Vùng Cao” lần thứ 11 tại xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tôi đã gặp Hoàng Thu Huyền, một công dân của TP. Thái Nguyên. Huyền đã có 4 năm du học bên Pháp và trở về làm việc cho một công ty nước ngoài tại Hà Nội. Huyền chia sẻ rằng: Em vốn chỉ biết đến các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số qua ti vi, sách báo nên mọi hình dung đều rất không rõ ràng. Em được bạn em là thành viên trong Group Otofun rủ tham gia chương trình, đúng là một trải nghiệm quý giá với bản thân em.

Chương trình đã trao gần 150 phần quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Phú Đô.

Bên cạnh “Xuân Vùng Cao”, Chi hội Otofun Thái Nguyên còn thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng ý nghĩa khác như hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm trường, các công trình mang ý nghĩa cộng đồng, hỗ trợ đồng bào miền Trung vượt qua những mất mát của thiên tai… Bằng tinh thần tự nguyện và khả năng kết nối những người cùng đam mê, sở thích trên khắp mọi miền đất nước, những người như anh Phương, như các thành viên của Otofun Thái Nguyên, Vespa Thái Nguyên đã tạo ra được những giá trị lớn lao. Đó là tình thương yêu giữa con người với con người và những cộng đồng văn minh, giàu lòng nhân ái.

Kim Ngân

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy

Cùng chuyên mục