Tết ở nơi đầu sóng
VNTN- Khi miền Bắc đang chìm trong cái rét ngọt của những ngày cuối năm, tôi khoác ba lô lên đường tham gia chuyến công tác đặc biệt của Vùng 4 Hải quân đến thăm, chúc Tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa. Biển xanh dường như cũng gợn chút sóng lòng, tiễn bước chúng tôi ra khơi. Lần đầu tiên đặt chân lên tàu Hải quân, tôi mới hiểu hết ý nghĩa của hai chữ “vượt sóng”. Những cơn sóng lớn nghiêng ngả, những cơn gió biển rít qua boong tàu, nhưng trong ánh mắt những người lính Hải quân, không có chút chao đảo, chỉ thấy sự vững vàng, niềm tin sắt đá và tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Mang Xuân đến đảo xa
Tàu HQ 571 rời cảng với ba hồi còi dài dội vào lòng biển cả. Trên âu cảng là những cái vẫy tay cho đến khi con tàu dần xa khuất. Trên khoang tàu, những món quà từ đất liền được xếp ngay ngắn: lợn, gà, gạo nếp, lá dong, hoa đào, chậu quất,… tất cả chứa đựng tấm lòng yêu thương của đất liền gửi đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Khi tàu lướt sóng, tiếng cười nói vang lên khắp các khoang. Ai cũng háo hức và mong chờ khoảnh khắc được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng giữa biển khơi của Tổ quốc.
Nhưng niềm háo hức ấy nhanh chóng bị sóng biển đè nén. Khi con tàu nghiêng ngả theo từng đợt sóng lớn, tôi như bị cuốn vào một trận chiến với chính cơ thể mình. Đầu óc choáng váng, dạ dày quặn thắt, mỗi bước đi đều như chống chọi với lực hút khổng lồ của biển cả.
Thế rồi, sau hơn 2 ngày đêm theo tàu HQ 571 rẽ sóng biển khơi, trong cơn say sóng tưởng chừng như kiệt sức, tiếng loa bất ngờ vang lên: “Trước mắt chúng ta là đảo Song Tử Tây...” - điểm đến đầu tiên trong hải trình của chúng tôi.
Tôi bật dậy, loạng choạng tìm đường lên cabin. Gió biển táp mạnh vào mặt, ở trên cao con tàu càng lắc dữ dội, nhưng sự háo hức đã lấn át mọi cảm giác cồn cào. Chiếc ống nhòm được đưa lên mắt tôi. Phía xa, đảo Song Tử Tây hiện ra, xanh thẳm như một khu rừng nhỏ mọc lên giữa đại dương mênh mông. Những cánh hải âu chao liệng trên bầu trời, tiếng sóng vỗ vào mạn tàu hòa cùng gió biển mặn mòi.
Tất cả tạo nên một bức tranh bình yên khiến đôi chân tôi thêm đứng vững. Cánh tay tôi ngoắc chặt vào lan can, tay còn lại nâng máy ảnh lên bấm liên hồi như sợ cái khoảnh khắc kỳ diệu này sẽ trôi qua mất.
Dù vô cùng háo hức, nhưng chúng tôi chưa thể cập đảo ngay vì sóng lớn. Ngày, rồi lại đêm trôi qua, bình minh và hoàng hôn thay nhau hiện diện. Chúng tôi vẫn phải neo lại giữa biển khơi, chỉ có thể ngắm nhìn đảo từ xa, trái tim cứ nôn nao chờ đợi. Như thấu hiểu được sự nôn nao ấy, những chiến sĩ Hải quân trên tàu đã kể cho tôi biết, phía xa kia, âu tàu rộng lớn của đảo Song Tử Tây đang là bến đậu an toàn cho hàng trăm tàu cá. Âu tàu không chỉ là nơi cung cấp dầu, nước ngọt, mà còn là điểm tựa vững chãi cho những người con đất Việt bám biển, giữ ngư trường.
Thời tiết dần chuyển mình, những con sóng bạc đầu đã dịu lại, nhường chỗ cho mặt biển êm đềm như muốn đền bù, vỗ về, chào đón chúng tôi. Rồi, khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã đến, khi chúng tôi đặt chân lên đảo vào đúng ngày đầu tiên của năm mới 2025. Từ trên ca nô, tôi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, sừng sững như niềm tin kiên trung của người lính đảo. Trên bến cảng, quân và dân hàng lối chỉnh tề đã đứng sẵn, chờ đón đoàn công tác từ bao giờ. Ánh mắt họ ánh lên sự ám áp dành cho chúng tôi - những người mang hơi ấm từ đất liền.
Ở Trường Sa, Tết đến sớm hơn đất liền. Những cành đào, chậu quất vượt hàng nghìn hải lý xa xôi mang theo hơi thở mùa Xuân từ quê nhà ra đảo. Dù chưa thể nở rộ, nhưng với Đảo, chúng luôn là biểu tượng của quê hương, là những nhành hoa Xuân quý giá nhất giữa biển khơi nghìn trùng sóng vỗ. Những cân gạo nếp, bó lá dong xanh, những gói quà Tết, cùng những câu chúc ấm áp từ đoàn công tác như nối liền đất liền và biển đảo.
Tôi tự thẹn khi nhận ra suy nghĩ của mình thật hạn hẹp, bởi đã không ít lần tôi từng nghĩ, Tết là gắn liền với những ngày đoàn viên, những mâm cỗ ấm áp nơi đất liền. Nhưng chuyến đi này đã khiến tôi hiểu rằng, Tết còn là niềm tin, là tình yêu đất nước cháy bỏng ở nơi đầu sóng.
Con tàu HQ 571 tiếp tục đưa chúng tôi qua những đảo thiêng liêng: Sơn Ca, Đá Nam, Đá Thị, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Cô Lin, Len Đao... Ở mỗi nơi, chúng tôi đều cảm nhận được sự sống bền bỉ, kiên cường của quân và dân. Không khí Tết đã tràn ngập khắp các đảo. Nhận được những món quà thân thương từ đất liền, quân và dân trên đảo cùng nhau trang trí bàn thờ, lau dọn từng góc nhỏ, để đón cái Tết thật tươm tất, như một lời tri ân với Tổ quốc, tri ân lại đất liền.
Thiêng liêng từng giây phút
Sáng mùng Một Tết (dương lịch) – ngày đầu tiên của năm 2025 trên đảo, lễ chào cờ diễn ra trong không khí trang nghiêm. Lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh giữa nền trời xanh thẳm. Giọng hát Quốc ca vang lên hùng tráng, hòa vào tiếng gió, tiếng sóng như lời khẳng định: Trường Sa là máu thịt, là một phần không thể tách rời của Tổ quốc thân yêu. Tôi nhìn lên lá cờ Tổ quốc, trái tim chợt thắt lại khi nghĩ về những hy sinh lặng thầm của những chiến sĩ Hải quân.
Sau lễ chào cờ, không khí trên đảo trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, nhảy bao bố, ném vòng cổ chai... được tổ chức với sự tham gia hào hứng của cả quân và dân trên đảo. Tiếng cười vang vọng hòa cùng tiếng sóng vỗ, mang lại một không khí ấm áp, vui tươi, xóa tan mọi khắc nghiệt của biển khơi.
Khi ánh hoàng hôn nhuộm đỏ mặt biển, chúng tôi cùng các chiến sĩ và nhân dân trên đảo quây quần quanh bàn thờ Tổ quốc. Những cành đào, chậu quất được đặt ở nơi trang trọng nhất. Tiếng cười, tiếng nói hòa cùng không khí vui vẻ của trò chơi hái hoa dân chủ, lan tỏa khắp không gian. Cán bộ, chiến sĩ cùng nhau mở những gói quà từ đất liền. Mỗi món quà, dù là chiếc khăn, hộp mứt hay vài dòng thư tay, đều khiến họ rưng rưng xúc động. Dưới tán cây mù u, một người lính nâng niu bức thư của con trai nhỏ, cứ đọc đi đọc lại...
"Con trai tôi bảo: Bố là người hùng của con. Mai này con lớn con cũng sẽ làm chiến sĩ Hải quân như bố. Chỉ một câu thôi mà tôi thấy bao khó khăn đều tan biến" - anh nghẹn ngào.
Buổi tối trên đảo, ánh trăng bạc nhẹ nhàng rải xuống mặt biển, tạo nên một tấm màn sáng mờ ảo, lung linh như nét cọ tài hoa tô vẽ bức tranh yên bình giữa lòng đại dương rộng lớn. Những vọng gác lặng lẽ vươn cao trong ánh trăng, nơi đôi mắt các chiến sĩ Hải quân sáng ngời, kiên định hướng ra khơi xa, dõi theo từng nhịp sóng thì thầm vỗ vào bờ cát.
Giữa không gian tĩnh mịch, âm thanh lửa tí tách bên nồi bánh chưng sôi ùng ục như lời thủ thỉ thân quen của đất liền. Những bàn tay chai sạn, nhưng khéo léo, cẩn thận lật từng chiếc bánh chưng vuông vức, chứa đựng tình cảm của đất liền. Quây quần bên ánh lửa bập bùng, các chiến sĩ kể cho nhau nghe những câu chuyện về quê hương, những ước mơ giản dị. Trong ánh mắt họ, tôi thấy không chỉ là trách nhiệm và lòng kiên trung, mà còn là sự ấm áp, như ngọn gió từ đất liền mang theo hơi thở của tình yêu thương, của niềm tin và hi vọng, hòa quyện cùng sóng biển, làm dịu đi mọi gian lao trên vùng biển đảo xa xôi.
Màn đêm buông xuống, tôi lặng lẽ ngồi trước bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ dưới mái chùa cong vút, nơi ghi danh 64 chiến sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988. Ánh nến lung linh trước bia tưởng niệm như những ngọn hải đăng nhỏ soi sáng biển đêm tĩnh lặng. Tôi nhìn chăm chú vào từng dòng tên, lòng nghẹn ngào. Máu của các anh đã thấm vào từng tấc đất, hòa vào từng con sóng, để Trường Sa hôm nay mãi mãi trường tồn.
Giữa những món quà trên chuyến tàu của chúng tôi mang đến đảo, có hàng nghìn con hạc giấy nhỏ xinh được gấp tỉ mỉ bằng những đôi tay chăm chút. Những con hạc ấy mỏng manh ấy mang theo thông điệp của lòng biết ơn, sự tri ân, là tình cảm lắng sâu từ đất liền gửi gắm đến các anh hùng liệt sỹ Gạc Ma. Trên mỗi con hạc giấy là một lời chúc, một lời nhắn gửi đầy yêu thương, là biểu tượng vĩnh cửu của lòng biết ơn và sự ghi nhớ đối với những người đã mãi mãi nằm dưới lòng biển sâu lạnh giá.
Tôi cũng không thể quên khoảnh khắc mở từng thùng quà chuẩn bị cho các chiến sĩ ngoài đảo. Không chỉ là thực phẩm, thuốc men, hay những nhu yếu phẩm thiết yếu, trong từng gói quà còn có những bức thư tay viết nắn nót của các em học sinh từ đất liền. Những câu chữ hồn nhiên, mộc mạc nhưng chứa đựng niềm tự hào và tình yêu Tổ quốc.
Một lá thư nhỏ với nét chữ còn xiên xiên viết: “Cháu mong các chú luôn khỏe mạnh để bảo vệ biển đảo của chúng ta. Cháu yêu các chú nhiều lắm!”. Lời nhắn giản dị ấy khiến tôi lặng đi. Phải chăng, tình yêu Tổ quốc không chỉ được nuôi dưỡng từ những điều lớn lao mà còn từ những câu chữ hồn nhiên như thế!
Con tàu HQ 571 đưa chúng tôi trở về đất liền khi không khí Tết vẫn còn ngập tràn trên các đảo. Trong tôi đầy ắp những ánh mắt kiên cường nhưng đầy lưu luyến của người lính đảo. Giữa đại dương mênh mông, họ là những cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, như cây phong ba giữa bão táp vẫn bám sâu vào lòng đất, như ngọn hải đăng thắp sáng giữa màn đêm mông mênh của đại dương. Và tôi, trong cái Tết đầu tiên nơi đầu sóng ngọn gió, đã hiểu rằng Tết không chỉ là đoàn tụ, mà còn là sự hy sinh cao cả và tình yêu trao đi để mùa Xuân của đất nước mãi trọn vẹn, trường tồn.
Kim Ngân
1 đã tặng
0
0
0
1
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...