Tết này nở thêm những bông hoa niềm tin
Kí. Nguyễn Thị Sáu
VNTN - Mượn ngày xuân Bính Thân, chiều mùng một Tết, vợ chồng tôi trở lại Bệnh viện tư nhân đa khoa trung tâm Thái Nguyên tìm gặp một bác sĩ khoa Ngoại, ông là người dân tộc Tày, tên là Bế Ích Lằm, người đã trực tiếp cùng với đội ngũ thầy thuốc nơi đây phẫu thuật và điều trị cho chồng tôi trong năm vừa qua.Vừa tới cửa, tôi đã bắt gặp những chiếc áo blu trắng di chuyển vội vã, vào ra tất bật; những ánh nhìn đau đáu của bệnh nhân như đang cầu cứu một phép màu từ những tấm lòng từ mẫu. Tất cả đã gợi trong tôi một kỷ niệm sâu sắc từng xảy ra ở chính nơi này.
***
Sáng hôm ấy, là ngày 12/01/2015 khi nghe một cú điện thoại báo tin chồng tôi bị tai nạn, tôi hoảng hốt trở về nhà. Thấy anh, hai chân tôi run lẩy bẩy trước sắc mặt nhăn nhó, tím tái của anh. Anh nằm lệch một bên, chân trái không thể cử động. Mấy bác hàng xóm xôn xao bên ngoài: “không khéo vỡ vụn bánh chè rồi cũng nên”. Tôi lo sợ, cuống quýt, trên tay cầm chiếc điện thoại mà cứ loay hoay không tìm thấy tên ai mà gọi, cũng không biết mình định gọi cho ai. Có một người nhắc tôi: "Giờ cô phải bình tĩnh lại đã, phải gọi ta-xi đưa chú ấy đi viện ngay!” - “ Ta-xi, đúng rồi ta-xi!” - Tôi sực nhớ ra. Vừa nhắc, ta-xi đã tới liền, hình như bác Đông hàng xóm đã gọi ta-xi giùm tôi. Mọi người nhanh chóng khiêng anh lên xe. Tôi ôm chặt anh, nét mặt anh không ngừng nhăn nhó khiến tôi vừa thương anh, vừa thấy lo sợ. Sợ tình trạng của anh quá xấu, sợ rằng tôi không đủ tiền, bác sĩ sẽ không ưu tiên cứu chữa cho anh kịp thời. Tôi có nghe đâu đó người ta nói, thời buổi này đi viện mà không có phong bì nằng nặng thì cứ nằm đấy mà chờ chết, tôi nghĩ mà cứ rét run cả người. Thú thật tôi ít khi phải đi viện, nên khi gặp trường hợp này tôi không được linh hoạt cho lắm! Đầu tôi đang rối cả lên, thì cậu tài xế dừng xe hỏi tôi: “Cô cho chú vào đây hay đi tiếp ạ?” - Tôi còn chưa định hướng được, giật mình hỏi: “Vậy đây là đâu hả cậu?”. “Đây là bệnh viện bảy tầng, bệnh viện tư nhân cô ạ!”. Nghe tên bệnh viện quen quen, với lại lúc này tôi không nghĩ được gì ngoài việc phải cấp cứu cho anh càng nhanh càng tốt, tôi gật đầu đại. - “Vậy cô đưa chú xuống xe ạ!” - Tôi mở cửa xe bước xuống lấy tiền trả cho tài xế, vừa kịp nói lời cảm ơn thì từ phía bệnh viện (BV) đã xuất hiện hai người mặc blu trắng mang cáng thương, họ nhanh chóng khiêng chồng tôi vào trong. Tôi vội chạy theo, lập tức bị họ đẩy lại, tôi đứng nép phía sau cánh cửa phòng cấp cứu, nín thở chờ đợi. Đầu tôi mung lung lo sợ “Liệu cái BV tư này có đủ điểu kiện và khả năng phẫu thuật cho anh không?”. Tôi toan xông vào xin bác sĩ (BS) cho anh chuyển viện tuyến trên, thì BS Bế Ích Lằm, khoa Ngoại (theo thông tin trên tấm thẻ đeo ngực) đẩy cửa bước ra. Tôi định níu theo ông hỏi nhưng thấy vẻ nghiêm nghị của ông tôi lại không dám, sợ ông đổi sắc mặt chuyển giọng mà quát vào mặt tôi, sợ ông trù ẻo tôi mà không tận tình cứu chồng tôi nữa, giống như tôi đã được nghe người ta kể nhiều về những chuyện na ná thế ở một số bệnh viện…
Nhưng ngay sau đó, BS Lằm đã mời tôi vào phòng làm việc. Tôi khép nép bước theo, không dám thở mạnh, sợ làm phật ý ông. Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ: “Liệu có phải ông đang định đề cập về vấn đề phong bì không…? Nếu đúng vậy thì giờ trong túi tôi cũng đâu có nhiều tiền?”. Nghĩ vậy mà lòng tôi canh cánh lo sợ điều ông sắp nói ra. Tôi hình dung nếu bây giờ ông bảo tôi nộp bao nhiêu tiền thì chắc tôi cũng đồng ý, dù phải vay mượn hoặc bán đi tất cả những gì mình có, miễn sao cứu được chồng.
Mọi thủ tục nhập viện, tôi được cô điều dưỡng viên tên Nguyễn Hồng Nhung hướng dẫn làm rất khẩn trương, không hề gặp khó khăn như tôi tưởng. Trường hợp chồng tôi mua bảo hiểm y tế trái tuyến nhưng vẫn được BV làm thủ tục thanh toán tiền bảo hiểm, nhưng phải trừ đi 20%. Các xét nghiệm đều được những y tá ân cần chỉ bảo tận nơi, nên những người lớ ngớ như tôi là rất yên tâm, giá cả chi phí các mẫu chụp, chiếu… đều có bảng giá thanh toán được ghi rõ trên biển treo tường ở ngay cửa ra vào, rất thuận tiện cho mọi bệnh nhân được quan sát dễ ràng.
Trong khi chờ các BS phẫu thuật cho chồng tôi, nữ bệnh nhân Hà Thị Tuyến 26 tuổi, phẫu thuật bướu Basedow nhà ở xã Mai Lạp - huyện Chợ Mới - Bắc Kạn, động viên tôi: “Không lo đâu cô! Cháu nằm viện này tổng là 12 ngày, ở đây tất cả đều là dịch vụ, mọi thứ có đắt hơn, nhưng chịu được cô ạ! Bù lại các BS ở đây lại không nhận phong bì, quà cáp, mà dịch vụ chăm sóc bệnh nhân lại rất chu đáo, bệnh nhân thưa hơn các BV lớn nên môi trường sinh hoạt của bệnh nhân cũng dễ chịu, người nhà của bệnh nhân đến thăm cũng được BV tạo điều kiện không có phiền phức gì, nhà trông xe được gửi miễn phí hoàn toàn, vậy nên dù cháu ở tận Bắc Kạn nhưng hễ làm sao là cháu lại về BV này.” - Nghe Tuyến nói vậy tôi thấy yên lòng hơn nhiều, nhưng vẫn không tránh khỏi sự lo âu. Vừa lúc đó thì cửa phòng bật mở, BS Lằm bước ra, mồ hôi vã ra trên trán ông, tôi chưa kịp hỏi ông đã gật đầu cười rất tươi với tôi: “Ổn rồi chị Sáu nhé!”.
Sáng hôm sau, một anh bảo vệ gõ cửa bước vào, tay mang theo một đôi giày nam màu đen đưa cho tôi và hỏi: “Chị có phải là người nhà của bệnh nhân gẫy khớp gối, trưa hôm qua ta-xi chở vào viện không ạ?” - “Dạ phải!” - Tôi đáp. “Đây là đôi giày của bệnh nhân, lúc khiêng cáng từ ta - xi xuống đã bỏ quên ngoài cổng viện, chị nhận đi ạ!”. Tôi ngọng nghịu bối rối đỡ đôi giày từ tay anh bảo vệ mà cảm xúc nơi lòng cứ trào dâng đến khó tả.
Chồng tôi nằm viện tròn một tuần, cái chân của anh đã tạm thời qua được giai đoạn nguy kịch. BS ghi trong bệnh án là: “Bệnh nhân Trần Xuân Vịnh 49 tuổi, gãy khớp gối, mổ phẫu thuật khâu bằng chỉ thép, hẹn ngày 24/1/2015 đến khám lại…”. Mừng lắm! Tôi tìm gặp những y bác sỹ đã tận tình cứu chữa cho anh. Vợ chồng tôi có nhã ý chân thành, mang chút quà biếu các BS gọi là bày tỏ lòng biết ơn của gia đình bệnh nhân, tôi nghĩ đó cũng là điều tôi và các bệnh nhân khác nên làm, nhưng ý chân thành của vợ chồng tôi đã không thực hiện được, các BS đã một mực khước từ, nhất định không nhận. Ông chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện nói với vợ chồng tôi: “Các bạn có thể đến thăm chúng tôi, và món quà mà bệnh viện chúng tôi có thể nhận từ các bạn đó là một nụ cười, một lời cảm ơn bằng lời, vậy là đủ để chúng tôi thấy hạnh phúc lắm!..”. Còn BS Bế Ích Lằm thì chỉ cười. Nụ cười của một thầy thuốc đã đứng tuổi người dân tộc Tày, thật phúc hậu như có phép lạ có thể làm cho những bệnh nhân và người nhà của bệnh nhân như tôi, trong lúc bệnh đau hoảng loạn, tâm lý lo sợ được ấm lòng trở lại. Trò chuyện với BS Bế Ích Lằm tôi biết được, ông đã về nghỉ hưu, nhưng vẫn có rất nhiều bệnh nhân đến tận nhà yêu cầu được ông chữa bệnh. Họ nghĩ những BS cao tuổi sẽ có nhiều kinh nghiệm. Cũng may là Bệnh viện tư nhân Đa khoa Trung tâm mở ra, có nhu cầu cần những BS có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, nên dù tuổi cao nhưng niềm mong mỏi được chữa bệnh cứu người vẫn luôn thường trực trong trái tim nhân hậu của người BS già này, ông chọn gắn bó những năm tháng cuối đời của mình với bệnh viện này để tiếp tục được chăm lo cho người bệnh. Thì ra là vậy, ông đã có những năm tháng tuổi trẻ, cống hiến bao nhiêu tâm huyết để có được một bề dày kinh nghiệm trong nghề bởi vậy nên ông sẽ không dễ gì lại bỏ lãng phí nó. Niềm vui lớn nhất của ông là được làm việc ông yêu thích khi khả năng ông còn có thể.
Sau khi cảm ơn bác sỹ Bế Ích Lằm, cảm ơn toàn thể các y bác sĩ trong BV, mấy bác hàng xóm tốt bụng, và những người bạn của gia đình tôi cũng có mặt kịp thời để khiêng chồng tôi ra xe. Bác Đông, bác Vạn, bác Hà, người thì mang đồ, người khiêng cáng, ai cũng hồ hởi phấn khởi mừng đón chồng tôi được ra viện. Vừa lúc đó, cô Thương nhân viên hộ lý trong bệnh viện chạy theo vừa gọi vừa nhét vào tay tôi 6 tờ 50 ngàn “Chị ơi! Đây là tiền bỏ trong túi áo của chồng chị em đã thấy nó khi cho vào máy giặt ạ!”. Ai nấy đều lặng đi trước hình ảnh cô nữ hộ lý nhét tiền vào tay tôi, không hiểu sao, trong niềm vui sướng như vậy, mà nơi ngực tôi lại nghèn nghẹn muốn khóc. Chiếc ta xi chở vợ chồng tôi đã chuyển bánh. Khu bệnh viện bảy tầng đã xa dần, hút mờ vào phố. Miệng tôi còn lẩm bẩm: “Không phải hư cấu mà 7 ngày qua mình đã thực sự được gặp những vị tiên áo trắng”. Ông xã mỉm cười nói với tôi: “Cảm ơn em đã đưa anh đến đây! Thực tình trước đây anh luôn có suy nghĩ không mấy tốt về bệnh viện tư nhân, nhưng sau lần hoạn nạn này anh mới hiểu dù là BV tư hay BV trung ương thì họ đều muốn khẳng định uy tín của mình, và đều muốn chữa bệnh cứu người” - Tôi gật đầu đồng tình và chợt nghĩ: “Nếu có thêm nhiều những BV tư giống như BV này thì tốt biết mấy, sẽ góp phần làm giảm tải cho các BV tuyến trên đang từng ngày, từng giờ phải chịu sự quá tải, do lượng bệnh nhân quá lớn đổ về từ mọi vùng miền.”
***
Trở lại với không khí vui tươi náo nhiệt của ngày mùng một Tết Bính Thân, mặc dù là ngày Tết nhưng những thầy thuốc nơi đây vẫn thay nhau trực ca đầy đủ. Những bệnh nhân vẫn được quan tâm chăm sóc ân cần. Tiếc là tôi không gặp được hết những thầy thuốc đã chữa trị cho chồng tôi hôm ấy… Nhưng vợ chồng tôi may mắn được gặp lại những nhân vật ấn tượng trong câu chuyện của mình. Được tặng hoa cho họ vào dịp đầu xuân, được nắm tay và nói lời cảm ơn bằng lời với họ. Vui hơn nữa là tôi còn được trò chuyện với một gia đình bệnh nhân, được bế và mừng tuổi một công dân mới, một bé trai người dân tộc Dao, kháu khỉnh nặng 3,5kg vừa mới chào đời. Nhìn nỗi mừng vui hạnh phúc ánh lên trên khuôn mặt người bố Nguyễn Văn Cường, và bà mẹ Triệu Thị Hương ở xóm Đèo Vai II - xã Quảng Chu - huyện Chợ Mới - tỉnh Bắc Kạn, tôi hiểu được họ vừa trải qua một cuộc vượt cạn nguy hiểm và đã thoát nạn trở về, đoàn viên bên nhau.
Sản phụ Triệu Thị Hương tâm sự với tôi: “Bác sĩ nói con em bị tràng hoa cuốn cổ nên trường hợp của em phải mổ chứ không thể đẻ thường được chị ạ! Đã vậy nước ối lại cạn do bị vỡ ối từ nhà, nên rất nguy hiểm, cũng may cho em là mùng một Tết mà BS vẫn đi trực đầy đủ, nên vẫn mổ cho em được kịp thời, lại còn chăm sóc sau mổ rất tận tình chu đáo, giám đốc bệnh viện còn đến tận nơi chúc Tết và mừng tuổi cho em bé nữa. Không phải mình mẹ con em, mà tất cả các bệnh nhân nằm nội trú tại BV, trong 3 ngày Tết đều được giám đốc BV mừng tuổi mỗi bệnh nhân là 50 nghìn, số tiền này được trích từ cổ phần của BV”. Niềm vui hạnh phúc của hai vợ chồng sản phụ này đã lây cả sang tôi. Những ánh mắt rưng rưng nhìn nhau ngập tràn niềm tin yêu và hy vọng, những nụ cười đôn hậu trên môi những thầy thuốc nơi này đang toả sáng lấp lánh như những bông hoa ngày xuân.
0 đã tặng
Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại: 0988827920 (Ngô Ngọc Luận), nếu bạn có nhu cầu thưởng thức những ấn phẩm của Văn nghệ Thái Nguyên.
Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...