Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024
15:54 (GMT +7)

Tập trung chính sách phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

VNTN - Nghị quyết “Quy định chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa XIII (ngày 23/7) không chỉ huy động các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, mà còn tập trung chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo mô hình chuỗi liên kết, vùng sản xuất tập trung, thông qua đó xây dựng các thương hiệu nông sản của địa phương có giá trị và sức cạnh tranh cao.

Thực trạng liên kết trong ngành nông nghiệp

Hiện nay, việc thực hiện các loại hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn ít, lỏng lẻo. Các đối tượng tham gia liên kết chưa thực sự nắm chắc về liên kết chuỗi, cũng như thực hiện liên kết chưa theo một khung thống nhất, chưa có những điều khoản quy định cụ thể, rõ ràng, dẫn tới một trong các bên tham gia phá vỡ liên kết. Điều này gây ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh, thiệt hại về kinh tế, làm mất tính hiệu quả, tối ưu của việc liên kết.

Cùng với đó, việc triển khai dự án liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cần kinh phí lớn cho đầu tư máy móc, trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng đầu tư phục vụ liên kết. Nếu không có sự hỗ trợ một phần từ nhà nước, quá trình triển khai sẽ gặp khó khăn về tiến độ và quy mô dự án.

Vùng sản xuất của HTX rau an toàn thị trấn Hùng Sơn - Đại Từ (Ảnh: A.T)

Việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), nông dân, cá nhân trên địa bàn tỉnh dù đã có nhiều thay đổi, tiến bộ, nhưng trình độ của lao động tham gia trực tiếp, năng lực quản lý của cán bộ HTX về kỹ thuật sản xuất, quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường còn yếu.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ giống và vật tư trong sản xuất nông nghiệp hiện nay đã được triển khai khá tốt, tuy nhiên việc phát triển các HTX có khả năng cung ứng các dịch vụ tập trung, đảm bảo thường xuyên, liên tục và đáp ứng nhu cầu còn rất hạn chế. Việc phát triển xây dựng thương hiệu, sử dụng bao bì nhãn mác cho sản phẩm nông sản cũng chưa có sự hỗ trợ tích cực, bài bản nên chưa thúc đẩy người sản xuất áp dụng để nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm.

Hỗ trợ trực tiếp cho liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản

Trước thực trạng trên, việc có riêng một chính sách ưu đãi, hỗ trợ hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp là vô cùng cần thiết.

Theo tinh thần của Nghị quyết, chủ liên kết sẽ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết (mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng), bao gồm: tư vấn, nghiên cứu để xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

Đối với dự án liên kết sẽ được hỗ trợ 30% vốn đầu tư mới máy móc, trang thiết bị và xây dựng các công trình hạ tầng đầu tư phục vụ liên kết (tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng) gồm có: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Sẽ hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng cho các đối tượng là HTX, tổ hợp tác, trang trại nhằm nâng cao nghiệp vụ trong tham gia chuỗi liên kết.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của HTX. Cụ thể, đối với các địa bàn khó khăn sẽ được hỗ trợ tối đa 100% chi phí mua giống, vật tư thiết yếu (các loại phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi); các địa bàn trung du miền núi là 70%; và 50% đối với địa bàn đồng bằng. Riêng với chi phí mua bao bì, nhãn mác sản phẩm thì được hỗ trợ tối đa 100%. Tuy nhiên, tổng mức hỗ trợ sẽ không quá 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, các DN, HTX, nông dân, cá nhân khi thực hiện liên kết sẽ được hỗ trợ 40% (không quá 500 triệu đồng/dự án liên kết) chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi.

Những chính sách phụ trợ thúc đẩy liên kết

Bên cạnh chính sách hỗ trợ trực tiếp cho việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thì một số chính sách khác trong Nghị quyết cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy liên kết.

Như đối với chính sách hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào phát triển nông nghiệp an toàn, theo hướng hữu cơ thì đối tượng được áp dụng là DN, HTX, và tổ hợp tác. Cùng với đó, còn có một số điều kiện hỗ trợ liên quan đến quy mô của dự án.

Cụ thể: hỗ trợ 40% chi phí phân bón hữu cơ - hữu cơ vi sinh, thuốc trừ sâu và chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa, chè, rau, cây ăn quả, cây dược liệu an toàn, theo hướng hữu cơ. Nhưng với điều kiện sản xuất lúa phải từ 20ha trở lên, trồng chè hay cây ăn quả đều phải ít nhất từ 10ha, trồng rau quy mô tối thiểu 2ha và trồng dược liệu ít nhất là 5ha.

Hỗ trợ 40% chi phí xây dựng nhà màng, nhà lưới, nhà kính trong sản xuất rau, hoa; yêu cầu diện tích tối thiểu của mỗi nhà là 500m2 và quy mô sản xuất rau phải từ 2.000m2, sản xuất hoa phải từ 500m2.

Hỗ trợ 40% chi phí áp dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến, tiết kiệm nước cho chè, rau, hoa, quả; trong đó quy mô tối thiểu cho chè, cây ăn quả là 2ha; rau, hoa ít nhất 0,5ha.

Trao đổi về điều kiện hỗ trợ, ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Mục đích như vậy để vừa tạo điều kiện liên kết, xây dựng vùng sản xuất tập trung, vừa để phát triển nông sản theo hướng an toàn, nông sản sạch, nông sản hữu cơ. Thông qua đó mới có điều kiện để xây dựng thương hiệu sản phẩm và tiêu thụ hàng hóa”.

Hay đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP (thuộc chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”) đạt chứng nhận nhằm khuyến khích các tổ chức, hộ sản xuất phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn OCOP theo tiêu chí quốc gia, giúp nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh trên thị trường, phát triển bền vững các sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, các DN, HTX, tổ hợp tác, nông dân, cá nhân sản xuất có sản phẩm OCOP đạt chuẩn theo tiêu chí quốc gia sẽ được hỗ trợ: 40 triệu đồng đối với sản phẩm OCOP đạt 5 sao (sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế); 30 triệu đồng đối với sản phẩm OCOP 4 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế); và 20 triệu đồng đối với sản phẩm OCOP 3 sao (sản phẩm đạt tiêu chuẩn, có thể phát triển lên hạng 4 sao).

Việc có hẳn một chính sách để “thưởng” cho những sản phẩm OCOP đạt chất lượng là rất hợp lý. Bởi sản phẩm OCOP là sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, mẫu mã, có khả năng tiêu thụ ở nhiều thị trường theo từng tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm… Có được nhiều những sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao, 5 sao thì mới có khả năng quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm.

***

Nói về ý nghĩa của Nghị quyết, ông Phạm Văn Sỹ nhấn mạnh: “Trước đòi hỏi của thực tế, Nghị quyết lần này xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tập trung các chính sách đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là rất đúng và trúng. Vì hiện nay, nguồn sản xuất của chúng ta rất manh mún, nhỏ lẻ, tính tổ chức, liên kết trong nông nghiệp rất yếu. Có được nhiều chính sách khuyến khích đầu tư thì nông nghiệp nông thôn mới phát triển, đời sống của 70% người dân trong khu vực mới thay đổi được.”

Bích Hồng

0 đã tặng

Mời bạn cho ý kiến, quan điểm...

Gửi
Hủy